Thứ Tư, 12 tháng 8, 2009

* MẾN LÁ SÂN TRƯỜNG - truyện dài: Võ Hà Anh






















THEO THÓI QUEN, KHANH RỒ GA CHO XE RÚ LÊN TRƯỚC KHI tắt lịm, một cách báo hiệu cho người trong nhà biết đến. Sau đó, Khanh dựng chân xe, khóa cổ và đứng thẳng người, kiểm soát rất nhanh quần áo, tóc tai.

Một vật gì cứng cứng rớt vào tóc Khanh làm chàng giật mình, nhìn lên. Hoàng Lan đang đứng dựa lan can lầu nhìn chàng, đôi môi chúm lại phác một nụ cười. Hai chiếc môi xinh nở ra sau cái mỏ chu một cách cong cớn, rồi tiếp tục nhai, rất nhanh. Khanh hất hàm :
- Bé con, làm gì đó?
- Ăn.
- Ăn gì?
Hoàng Lan dơ cao tay, củ cà rốt đỏ gọt sạch, dài như chiếc dò cháo quẩy. Khanh cười :
- Em hệt như con thỏ.

Hoàng Lan đưa củ cà rốt lên miệng, cắn phập một miếng nữa :
- Ăn cho mắt sáng.

Khanh nheo mắt :
- Mắt em sáng như pha xe hơi, ăn làm gì.

Rồi Khanh gọi :
- Xuống đây.

Hoàng Lan đứng thẳng người, từ dưới nhìn lên Khanh thấy rõ đường nét khiêu khích của ngực nàng. Hoàng Lan chợt nhắm người Khanh dơ cao khúc cà rốt chọi mạnh. Khanh la lớn :
- Ê, không chơi thế.

Và nhẩy lên tránh. Miếng cà rốt trúng vào thùng xe của Khanh đánh bộp. Khanh nhăn nhó :
- Du côn.

Hoàng Lan cười khanh khách, biến sau khung cửa lầu. Khanh bước vào nhà. Nga đang ngồi đọc cuốn tiểu thuyết của một nhà văn nữ quen thuộc. Thấy Khanh vào, Nga nhìn lên mỉm cười. Khanh đứng nghiêm, chào theo lối nhà binh. Nga hỏi :
- Đi đâu đấy bạn?
- Đến đây.
- Có mục gì hấp dẫn không?

Khanh gật gù :
- Rủ Lan đi phố, tối dự party sinh nhật tên bạn.

Nga reo vui :
- Thích nhỉ. Chiều thứ bảy hai bạn du dương quá.

Khanh cưới dòn :
- Còn bà. Giờ này mà ngồi đọc truyện?
- Biết làm gì bây giờ?
- Bạn ta đâu?
- Anh chàng đi công tác rồi.
- Tiếc nhỉ.

Nga quăng quyển truyện xuống mặt bàn, rút hai chân lên ghế đệm, ngồi bó gối nhìn ra ngoài. Ánh nắng vàng rực rỡ trên rặng cây trước cửa, bóng lá đong đưa. Nga kêu lên :
- Trời này đi chơi thật tuyệt.

Khanh trêu :
- Nhất là đi có đôi.
Nga gật đầu :
- Đúng vậy. Nhất bạn rồi.

Khanh nghiêng đầu làm điệu :
- Cám ơn bà chị. Cũng nhờ bà chị giúp cho.

Hoàng Lan từ trong bước ra, hai tay ướt vung vẩy.
- Nhờ giúp gì đó?

Khanh cười cười. Nga nói :
- Nhờ tán vào cho ông ấy.

Hoàng Lan lườm Khanh :
- Nham nhở ghê.

Khanh đưa hai tay chống đỡ hai bàn tay ướt của Hoàng Lan đang lăm le chùi vào áo chàng. Lan kêu lên :
- Để cho người ta chùi nhờ chút xíu.
- Không được.
- Cứ được.
- Ơ, áo vía của người ta.
- Diện đi đâu thế?

Khanh nắm tay Lan kéo ngồi xuống ghế :
- Rủ em đi bát phố, tối dự party sinh nhật Sơn.

Mắt Hoàng Lan sáng lên. Chương trình có vẻ hấp dẫn đấy. Nhưng nghĩ tới cậu mẹ nàng lại ngại.
- Sợ cậu la.
- Nhờ mẹ xin.
- Sợ mẹ la.
- Nhờ chị Nga xin.

Nga ngúng nguẩy đi vào.
- Khôn thế !

Hoàng Lan nhìn Khanh. Khanh thật diện, thật bảnh trai trong bộ đồ thời trang và mái tóc hơi dài. Đi bên Khanh, cao lớn và khỏe mạnh, là một điều hãnh diện với các cô gái khác. Ý nghĩ ấy khuyến khích Lan ra đường.
- Muốn đi ghê.
Khanh đẩy nhẹ vai Lan :
- Vào nhờ bà Nga đi.

Hoàng Lan đứng lên đi vào phòng trong. Nga đang ngồi trước chiếc tivi mở, nhưng mắt lại chăm chú theo dõi việc tô sơn lên móng chân. Hoàng Lan nằm sà xuống bên chị :
- Nga ơi, em đi chơi với Khanh nghe.

Nga nhỏ nhẹ :
- Ừ, đi đi.
- Xin phép mẹ hộ em.
- Ừ.
- Cả cậu nữa.
- Yên trí.
- Em muốn đi nhưng lại ngại.

Nga nhìn lên :
- Ngại gì?
- Ngại bị la. Năm thi…

Nga cúi xuống :
- Ôi dào. Học nốt năm nay rồi theo tao đi làm quách cho xong.

Hoàng Lan đứng yên. Lâu lâu một lần, Nga xui khôn xui dại nàng như vậy. Nga học hết lớp mười hai thi rớt Đại Học ở nhà chơi không một năm rồi xoay ra làm thư ký trong một ngân hàng tư. Lương đủ tiêu vặt và chi phí cho những nhu cầu con gái, chẳng giúp được gì cho gia đình. Nga lý luận :
- Thế cũng còn hơn ngồi nhà ngửa tay xin tiền. Cậu mẹ bớt lo cho đứa nào đỡ đứa ấy, lớn cả rồi mà bắt cậu mẹ nuôi hoài cũng kỳ.

Nhiều lúc Lan tự hỏi, tiếp tục học lên như nàng hay bỏ ngang đi làm như Nga, hai lối đi ấy lối nào sẽ đưa tới một tương lai tươi đẹp? Ngày ngày vùi đầu vào sách vở, tụng ê a hàng chồng giấy chi chít chữ, rồi sẽ đạt được kết quả gì khác, ngoài mấy năm học dở dang.

Nga quay sang nhìn Hoàng Lan :
- Sửa soạn đi chứ? Khanh đợi.


Hoàng Lan nhỏm dậy :
- Ừ. Mà kệ ông ấy, bổn phận của con trai là đợi con gái chứ.

Nga cười nhẹ :
- Vừa vừa thôi.

Hoàng Lan cười khúc khích, chạy vào nhà tắm. Nga ngồi yên nghe tiếng nước từ hoa sen đổ xuống ào ào, mường tượng ra Hoàng Lan tươi mát dưới những làn nước vuốt ve. Một nỗi bâng khuâng chợt đến, dội nhẹ trong lòng nàng. Nga thở dài, nghĩ :
- Con bé vô tư quá thể.

Tắm xong Hoàng Lan choàng chiếc áo khoác lên người, nhẩy từng bước tí tách lên thang. Ngồi xuống trước gương, Lan vặn quạt máy số 1. Gió thổi tung mái tóc, tung vạt áo hờ hững. Lan ngó mình trong gương, thấy một cô gái tươi mát đang mỉm cười với mình.

TIẾNG CỬA SẮT RÍT LÊN LÀM NGA GIẬT MÌNH. TUẤN ĐỨNG sững trước mặt nàng. Nga chận một tay lên ngực :
- Trời, anh Tuấn. Làm em hết hồn.

Tuấn mỉm cười, ngồi xuống ghế đối diện với Nga.
- Có mình Nga ở nhà thôi sao?
- Dạ. Ba mẹ đến nhà bác Vinh chơi.
- Còn Lan?
- Lan vừa đi phố với bạn.

Tuấn rút thuốc châm hút. Nga vui vẻ :
- Lâu nay anh đi đâu mất biệt vậy?

Tuấn thở ra một hơi đầy khói thuốc :
- Anh đi Đà Nẵng lo công việc cho Hãng.
- Hồi này khá không anh?
- Gì khá?
- Công việc, tình duyên …
- Bình thường, tất cả.
Tuấn nhìn Nga, cười :
- Còn cô?
- Bình thường tất cả!

Hai người cười thành tiếng. Câu chuyện loăng quăng thật vui. Tuấn quen biết chị em Nga và gia đình từ lâu lắm. Thực ra Tuấn chơi với Khâm, anh con bác của Nga rồi quen với chị em nàng qua Khâm giới thiệu. Đi lại lâu ngày, Tuấn trở thành người thân như trong gia đình. Tuấn hơn Nga bẩy tuổi, và mấy chị em coi Tuấn như người anh lớn.

Nga đứng lên :
- Anh ở lại ăn cơm nhé.
- Sẵn sàng.
- Tối nay chỉ có mình em, định không nấu vì lười. Ba mẹ ăn cơm khách, còn Lan chưa chắc đã về sớm.
- Nấu đi, ăn cơm nóng vẫn tốt hơn ăn quà vặt.

Nga chìa tay trước mặt Tuấn, nũng nịu :
- Cho em năm chục.
- Làm gì vậy?
- Mua mấy quả cóc.

Tuấn nhăn mặt :
- Khiếp, lúc nào cũng cóc với nhái.

Đưa cho Nga tờ giấy một trăm, Tuấn bảo :
- Mua cho anh một trái nữa.

Hai người cười vang. Nga thân mật ôm lấy cánh tay Tuấn đẩy nhẹ ngồi xuống ghế :
- Chờ em chút xíu, em chạy ra mua.

Tuấn gật đầu nhìn theo Nga bước ra cửa. Trong bộ đồ cánh bằng hàng “mềm mại”, Nga uyển chuyển dịu dàng. Một thoáng Nga đã trở về với túi ni lông đầy trái cóc và túi muối ớt. Tuấn ngồi gác chân lên ghế Nga, nhìn nàng loay hoay gọt vỏ.

Nga nhí nhảnh :
- Ứa nước miếng chưa?

Tuấn cười :
- Thấy ê răng.
- Ngon tuyệt.
- Ăn xong phải đi nha sĩ trồng răng giả.

Nga vênh mặt :
- Thì ăn đừng ăn nữa.
- Không ăn lỗ vốn sao.

Hai người ngồi ăn, Tuấn luôn miệng xuýt xoa. Một đám trẻ ùa vào, reo hò chào Tuấn. Tuấn xoa đầu thằng bé nhất :
- Các em đi học về đấy à?

Lũ trẻ dạ vang. Nga nhăn mặt :
- Đang tính dụ tụi mày ăn bánh mì cho tao đỡ phải làm bếp. May có anh Tuấn đến chị mới hết bệnh lười đấy.

Thu vỗ tay :
- Hay ăn bánh mì chả thay cơm đi chị.

- Thôi, nấu cơm cho anh Tuấn nữa chứ.

Lộc, Vân xà vào bên cạnh chị :
- Cho tụi em ăn với.

Tuấn nháy mắt với Nga :
- Rồi, có đồng chí. Cần mua thêm không?

Nga cười :
- Đủ rồi anh, còn để bụng ăn cơm nữa chứ.

Tuấn đứng dậy mở tủ lạnh tìm nước uống :
- Túi đậu đỏ bánh lọc của chú nào trong tủ lạnh đây?
- Của chị Lan đấy anh.
- Con bé ăn quà ghê quá, anh phải phá nó mới được.

Tuấn lấy gói đậu đỏ đưa cho Thu đổ ra ly, ngồi uống chung với mấy đứa bé.


Lộc toe toét :
- Lát thế nào chị Lan về cũng … béo tai anh.
- Còn lâu … dám!
- Chứ sao? Anh uống của chị ấy.
- Ai bảo Lan đi chơi tối ngày.

Trời nhòa tối, đèn đã bật lên đó đây. Tuấn đứng tựa cửa nhìn ra đường. Tiếng chị em Nga lao xao ở trong bếp. Tuấn miên man nghĩ tới những ấm cúng của một mái gia đình. Những hạnh phúc nhỏ bé, vụn vặt nhưng thật cần thiết. Ý nghĩ lấy vợ lại lởn vởn trở lại với chàng. Tuấn bật cười. Lấy vợ, cuộc đời ấy cũng gây xôn xao không kém gì một lần đổi đời đi lính năm nào. Sáu năm quân ngũ với những vết thương và một tờ giấy xuất ngũ cho thương binh. Đã nhiều lần Tuấn mong mỏi một mái ấm gia đình, bước chân sẽ dừng lại với một nếp sống ấm cúng. Nhưng có được không?

Nhớ lại lần chia tay với Hân ở một miền gió cát.

Hân nói :
- Cậu thế mà sướng.
- Lạ.
- Như mình, chắc là còn duyên nợ mãi với nơi này.
- Rồi sẽ có một ngày mình sống cho mình.
- Muộn rồi, vợ con đùm đề.
- Vui chứ sao.

Giọng Hân buồn :
- Có vui không. Vui hay buồn, mình cũng không kịp nghĩ nữa. Hay không muốn nghĩ thì đúng hơn.

Không hỏi, Tuấn cũng biết Hân đang định nói gì. Người vợ trẻ với những giận hờn vô lối thường xuyên, những gây gổ bất chợt, những va chạm với gia đình nhà chồng. Hân đã phải giải quyết vấn đề bằng cách đưa vợ đi theo, sống tạm bợ trong cảnh thiếu trước hụt sau này.

Lúc chia tay, Hân xiết chặt tay Tuấn :
- Cứ sống vậy đi, chừng nào chán hãy lấy vợ.
- Một triết lý sống đó hả?
- Có lẽ thế. Vợ con thường làm mình dang dở cuộc đời.

Tuấn cười :
- Bậy. Đời mình dang dở từ lâu rồi chứ. Dang dở từ lúc mình bỏ trường mà đi.

Cả hai đứng lặng yên một chút. Trong óc Tuấn, hình ảnh những chiếc lá vàng đổ xuống từ rặng cây và cánh cửa trường khép lại. Mùa hè năm đó, mùa hè cuối cùng trong đời cắp sách. Mảnh bằng tốt nghiệp giúp gì cho Tuấn nhỉ. Chỉ thấy những lao nhọc tiếp nối, những phiền não vây quanh và những khi ngồi ôn lại tháng ngày qua, Tuấn thấy vời vợi nỗi niềm thương mến lá sân trường rơi rụng dưới bước chân.

Tiếng Nga gọi từ trong :
- Anh Tuấn.

Tuấn không quay lại :
- Gì đó Nga?
- Vào ăn cơm, anh.

Tuấn bỗng thấy tiếng mời gọi ấy thoáng âm hưởng âu yếm. Một rung động nhẹ nhàng như sợi dây đàn chùng ngân khẽ, thấm vào tận trong sâu thẳm tâm hồn chàng.

Tuấn ném điếu thuốc dở xuống sân, quay vào.

Cả nhà quây quần quanh mâm cơm nghi ngút khói. Gió từ quạt máy ở góc phòng lùa khói nồi cơm phất vào mũi Tuấn, thơm thơm. Tuấn kêu :
- Cơm ngon quá.

Nga cười :
- Chưa ăn đã khen ngon.
- Ngửi cũng thấy ngon.

Lũ trẻ lấy đũa, cất tiếng mời vang ròn rã. Tuấn vui vui. Còn ít lắm những gia đình chú ý đến tập quán đáng yêu này. Ngồi vào bàn lặng lẽ cầm chén đũa lên ăn, cái đó sao tẻ ngắt đến vậy.

Tuấn ăn liền một hơi hết ba chén cơm rồi buông đũa. Nga thân mật:
- Ăn nữa chứ anh. Cơm nấu nhiều mà.


Tuấn lắc đầu :
- Anh no rồi.
- Đàn ông mà ăn yếu thế.
- Bậy, con trai.
- Ưø thì con trai.
- Anh ăn ba bát là giỏi đó. Thường thì ít khi anh ăn được tới ba bát. Công việc làm anh mệt nhoài.
- Anh vẫn làm việc cho Công Ty xây cất đó?
- Ừ.
- Anh còn phải đi luôn không?
- Có chứ. Anh mới ở Pleiku về. Lên nhận một mối đấu thầu cho Hãng.
- Được không anh?
- Được chứ. Tuấn mà.

Nga cười, nhìn Tuấn thân thiết. Tuấn nhìn đôi mắt Nga, nhưng lại thấy Hoàng Lan trong đó. Giờ này Lan đang làm gì nhỉ, đi chơi với Khanh chắc.

Tuấn hỏi như bâng quơ :
- Hoàng Lan đi với Khanh à Nga?
- Dạ. Buổi chiều anh chàng đến rủ nó đi bát phố rồi dự Party.
- Thích nhỉ. Các cô các cậu nhiều thì giờ vui chơi ghê. Nghĩ mà thèm.
- Tại anh chứ. Anh mải lo làm giàu thì thời giờ đâu mà giải trí nữa.
- Làm giàu gì. Lo miếng cơm manh áo thì có.

Hoàng Lan đi với Khanh. Tuấn tiếp tục nghĩ. Chắc đi xi nê. Hay đi bát phố. Rồi dự Party nhẩy nhót. Rồi ra về. Có những cái hôn không nhỉ. Có ôm nhau sát thật sát. Có âu yếm nhau? Tuấn thấy buồn buồn, nhưng không ghen. Quyền gì mà ghen?

Tình yêu của Tuấn với Hoàng Lan là tình yêu đặc biệt. Cho mà không cần đón nhận bao nhiêu. Và Hoàng Lan yêu Tuấn như yêu một hình ảnh đẹp trong đời, Lan gọi đó là tình yêu thánh thiện, yêu mà không đòi hỏi ở nhau gì hết. Không mong sẽ đậm đà thêm mà cũng không muốn dập tắt đi. Như Hoàng Lan yêu Khanh cùng lúc – yêu hơn yêu Tuấn, nhưng bằng thứ tình yêu khác, thứ tình yêu pha trộn những đòi hỏi của linh hồn và xác thân – như Tuấn với những bóng hình đã gặp. Hoàng Lan biết mà không ghen. Buồn buồn một cách ích kỷ vậy thôi. Cứ nghĩ là của nhau tất cả, mà cũng là không của nhau gì hết.

Tuấn ngồi miên man. Sương xuống lạnh cả vai. Tiếng ghế khua động cạnh bên. Nga lúi húi kê chiếc ghế đẩu và để ly nước chanh lên đó cho Tuấn.
- Con Lan pha anh uống mới ngon phải không. Nó đi vắng, uống tạm của em pha vậy.
- Lan khéo cho đường. Chua vừa, ngọt vừa nên đậm đà dễ chịu.
- Anh thích ngọt hay chua nhiều?
- Ngọt.
- Anh hảo ngọt.

Tuấn bật cười. Nghĩ tới hai ba ý nghĩa của tiếng đó, lập lại :
- Ừ, anh hảo ngọt!
- Muốn em cho thêm đường không, uống thử xem.

Tuấn nâng ly, khà một tiếng :
- Vừa ngon.
- Lại nịnh.
- Thật chứ. Nãy giờ làm gì thế Nga?
- Em rửa chén bát, dọn dẹp nhà cửa và tắm, xong lên đây.
- Kiếm ghế ngồi ngắm trăng chơi.

Nga dạ thật ngoan, rồi kéo ghế ngồi cạnh Tuấn. Mùi xà bông Coast ngan ngát từ tóc Nga thoảng đến. Tuấn nắm một nắm tóc của Nga đưa lên mũi :
- Tóc con gái thơm ghê.

Nga lườm :
- Chỉ thế. Anh hay làm vậy với các cô lắm sao?
- Các cô nào?
- Các cô anh tán!
- Không có cô nào chịu tắm gội rồi lại gần mình ngay lúc đó đâu.
- Anh … nham nhở.
- Thật chứ. Khi các cô ngồi cạnh, anh chỉ thấy mùi nước hoa thơm lừng, mùi son phấn gây gây và …

Tuấn lơ lửng. Không nên nói thêm. Nga không cần biết những chuyện đó.
Nga chà chà chiếc khăn lông vào mái tóc ẩm, đầu nghiêng về một bên. Dước ánh trăng, dáng dấp ấy thật tình tứ. Nhưng Tuấn chỉ thấy Hoàng Lan qua hình ảnh đó.
- Anh Tuấn.

Nga gọi khẽ. Tuấn quay sang :
- Gì Nga?
- Hồi này anh có gì vui không?
- Mộng bình thường.
- Sao đi biệt cả hai ba tháng vậy.
- Việc Hãng, việc nhà. Anh có ông chú họ vừa mất ở Quy Nhơn.
- Anh ra đó?
- Ừ.
- Em tức ghê, con gái thiệt thòi đủ thứ.
- Sao thế?
- Chả đi được đến đâu. Nghe nói đến Quy Nhơn, Pleiku như nghe nói đến Nam Vang, Vọng Các, Ba Lê … không bằng ấy.

Tuấn gõ gõ lên vai Nga, nói như nói với đứa bé đang lớn :
- Lấy chồng đi, khắc biết hết.
- Còn lâu. Lấy chồng lại còn kẹt hơn. Hầu hạ gia đình chồng cũng đủ chết, còn hòng đi đâu.
- Lựa … lính mà lấy là sẽ được nay đây mai đó.

Nga nhăn mặt :
- Em sợ em chịu cực không nổi. Muốn lắm, nhưng e quá sức mình.

Tuấn gật gù. Nga thành thật đấy chứ. Có mấy anh sĩ quan trước đây tán Nga, nhưng Nga đều từ chối lời cầu hôn. Ba mẹ nhăn nhăn vì chuyện đó.
- Già kén kẹn hon. Kén chọn lắm không khéo lại thành ế ẩm.

Nga lầu bầu :
- Lấy lính phải đợi chờ, mệt lắm.

Tự nhiên Nga nói với Tuấn :
- Như anh, thế mà khỏe.



Tuấn giật mình. Nga nghĩ gì đó? Nga nói gì vậy? Tuấn nhìn kỹ Nga nhưng ánh mắt nàng vẫn hồn nhiên, trong sáng. Tuấn thở nhẹ :
- Cô nào lấy anh cũng sẽ khổ.
- Sao vậy?
- Anh cũng đi tối ngày.
- Nhưng anh có thể dừng lại, bất cứ lúc nào.
- Anh còn thích lông bông, chắc chưa đủ sức cáng đáng một gia đình.
- Rồi cũng phải tới lúc chứ anh.

Tuấn gật đầu :
- Đồng ý. Nhưng cái lúc ấy sẽ đến chậm.
- Anh chỉ hay mộng mơ. Những mơ mộng chỉ nên dành cho tuổi đến trường.

Tuấn thở nhẹ, bâng khuâng :
- Ừ. Nhưng anh lúc nào cũng mong muốn được sống trong bầu không khí của xa xưa, của những bước lo âu bài vở, của những đằm thắm với bạn bè. Tình cảm lúc đó thật đẹp.
- Đúng thế.
- Nhưng bây giờ thì già rồi, qua rồi.
- Hoàng Lan nó nói với em về anh luôn, nhất là chuyện đó. Lan nó bảo anh thích nghe nó kể về chuyện ở trường, nhiều lúc nó cứ nghĩ anh vui sống vì những chuyện đó, ngoài ra không cần thứ gì khác.

Tuấn nhếch mép. Cần chứ. Nhưng Lan cũng đúng, vì nhờ vậy mà có mối tình ấy với Lan.
- Lan đang sống đời học sinh. Cô ấy còn nhiều tha thiết nên chuyện kể thật vui.
- Vâng. Lâu lâu em cũng thích hỏi nó về chuyện ở trường, chuyện thầy cô bè bạn. Cho đỡ nhớ và đỡ tiếc nuối thêm.
- Những hình ảnh của thời cắp sách nhiều không hết, và là những ấn tượng mạnh mẽ nhất trong suốt cuộc đời mình. Một đôi lần đi ngang qua trường cũ, anh đã dừng lại hàng mấy chục phút để lặng lờ nghĩ ngợi.

Tiếng Nga xa vắng :
- Em cũng thế đó anh. Nghĩ lại thấy buồn ghê. Con Lan nó cũng than còn năm nay năm chót rồi lên Đại Học. Nó có vẻ không thích cuộc sống … “học đại” mấy, và nó tự nghi ngờ sẽ học dở dang. Và dở ngô dở khoai, chẳng làm nên sự nghiệp gì.
- Các cô bi quan nhỉ.
- Thực tế chứ anh. Như em này, rốt cuộc xoay ra đi làm là yên chuyện. Chỉ con Lan là còn yêu đời lắm nên hăng hái học đó thôi.

Tuấn ngồi im. Gì cũng Lan nói, Lan bảo. Nhưng Lan có nói đúng ý Lan không. Có lần nàng nói với Tuấn :
- Em học lên vì chẳng biết làm gì. Chả lẽ lại ngồi chờ lấy chồng. Hay đi làm tẻ ngắt như chị Nga để chờ một lần đổi khác?

Nga tiếp :
- Nhưng sự thực, cũng tại em không dám nghĩ ngợi gì. Nếu nghĩ ngợi, hẳn là em sẽ buồn đến chết mất. Đời mình, quãng sống nào sung sướng anh nhỉ?

Tuấn cười nhỏ :
- Quãng nào cũng khổ, mà quãng nào cũng sướng. Ăn thua ở lòng mình, muốn buồn được buồn, muốn vui thì có vui.

Nga kêu nhỏ :
- Anh nói như ông thầy tu.
- Anh có học giáo lý.
- Khiếp.
- Gì?
- Anh thì cái gì cũng học đòi. Nhưng rốt cuộc bỏ ngang cả.

Tuấn vuốt nhẹ mái tóc, ngửa cổ nhìn lên. Vầng trăng vằng vặc giữa trời, không một gợn mây. Nền trời trong vắt. Tuấn nói :
- Bỏ để làm lại tất cả. Nếu không, cũng chả biết làm gì.

Nga cười khúc khích :
- Và như thế, em với anh gặp nhau ở cùng một điểm.

Tuấn gật đầu. Khuya rồi thì phải. Tiếng máy xe tắt lịm ngoài hàng rào, xế nhà hàng xóm.

Nga nói khẽ :
- Chắc nhỏ Lan về.

Tiếng lách cách mở cổng của Thu, và giọng Hoàng Lan nho nhỏ :
- Ba mẹ về chưa?
- Chưa.
- May quá. Thế là đỡ phải xin phép. Đóng cửa giùm tao.
- Có anh Tuấn đến.

Lan nhìn lên, gặp Tuấn cúi xuống. Hoàng Lan cười thật tươi, nói vọng lên :
- Anh Tuấn hở. Chờ em lên nhé.

BA NGƯỜI NGỒI NÓI CHUYỆN MỘT LÚC, NGA ĐỨNG LÊN đi ngủ để mai đi làm. Tuấn cười nhẹ :
- Đi làm vất vả thế đấy, bỏ cho rồi.
- Nhưng có tiền tiêu.
- Thực tế nhỉ.
- Vậy đó anh. Xin ba mẹ mãi, kỳ lắm.

Nga bước vào trong. Còn lại hai người. Tuấn nhìn Hoàng Lan, ánh mắt dịu dàng hờn trách :
- Đi chơi vui chứ.

Hoàng Lan mỉm cười. Trả lời sao bây giờ, cho anh vừa ý. Mối tình tay ba kỳ cục. Nàng yêu Khanh, yêu thực sự một người yêu. Nàng yêu Tuấn, như yêu hoa, yêu cảnh đẹp. Tuấn cũng chỉ thế, và cả hai người chỉ muốn có thế thôi. Nhưng vẫn phải chấp nhận những ràng buộc bình thường của mọi cách cư xử.
- Party đông không?


Tuấn hỏi nữa. Hoàng Lan gật đầu :
- Đông, Nhưng toàn dân Yé không à. Em chán nên đòi về sớm.
- Khanh có thi gì không?
- Có anh. Anh ấy sắp thi ra trường.
- Xong. Có thể làm đám cưới rồi nhỉ.
- Anh… Nói chuyện gì đâu…

Tuấn bẹo má Hoàng Lan :
- Cô không thích lấy chồng à?
- Không.
- Ở nhà làm gì.
- Chả làm gì cả.
- Thôi ở nhà … với anh.
- Bậy nữa.

Hoàng Lan rùng mình. Bàn tay Tuấn đặt nhẹ trên đùi nàng, chỗ da thịt ấy nóng ran. Nàng muốn đẩy ra, nhưng lại ngồi im, biết Tuấn sẽ không tiến xa hơn.

Bàn tay bóp mạnh trên đầu gối Lan, rồi nhấc ra đặt trên lan can.
- Có phút nào em nhớ anh không?
- Anh hỏi hoài câu ấy.
- Đâu có sao. Có không?

Hoàng Lan ngồi im. Tuấn nhìn sâu vào mắt nàng.
- Em đẹp quá.
- Lại nịnh, như mọi lần.
-Và anh giữ hoài những hình ảnh đã gặp.
- Vừa thôi.

Tuấn đứng lên. Khi khom người đứng lên, đôi môi Tuấn chạm nhẹ lên má Hoàng Lan, phác thành một nụ hôn. Hoàng Lan dợm cánh tay định đẩy ra, nhưng Tuấn đã đứng thẳng người.
- Anh … khỉ vừa vừa chứ. Lợi dụng không à.

Tuấn cười cười. Lan cười cười theo.

Tuấn nói :
- Anh về. Đưa anh ra cổng.

Hai người xuống sân. Đứng dưới gốc cây ổi, Tuấn vịn vai Lan :
- Lan này.
- Dạ.
- Mai cho anh đưa em đi chơi một lúc, buổi chiều.
- Em là thiên thần, anh là ác qủy. Anh dụ dỗ em không à.
- Nhé, nhé.
- Không.
- Nhận lời đi, anh ghen với Khanh bây giờ.

Hoàng Lan cốc nhẹ lên trán Tuấn.
- Coi chừng ở nhà biết chuyện anh với em … thì chết.
- Chết cả hai hay một mình ai?
- Cả hai.
- Càng hạnh phúc chứ sao.
- Khiếp. Ông này.
- Nhận lời nhé.

Hoàng Lan nhìn mắt Tuấn. Đầy thiết tha, đầy quyến rũ trong đó. Nàng gật đầu. Cả hai bước ra cổng. Một người bên trong, một người bên ngoài, cánh cổng mở hé giữa hai người.

Tuấn bỗng nghiêm trang :
- Đã ân hận chưa? Có hối tiếc đã nhận lời không?

Hoàng Lan nghĩ tới Khanh, lắc đầu :
- Như mọi lần, không có gì phải ân hận cả. Em … vô tội.

Tuấn nháy mắt :
- Cho anh cái hôn gió chứ?

Hai cánh tay Hoàng Lan đang đặt trên cánh cổng. Một bàn tay nhấc khỏi cửa sắt, đưa lên môi, tiếng “chút” nhỏ vang lên đầy khích lệ cùng với nụ cười thấp thoáng trong bóng tối.

Hoàng Lan đứng nhìn theo Tuấn mất hút ở khúc quanh mới quay vào. Nhiều chuyện đến với Lan ngay lúc ấy, Lan bật cười bâng quơ :
- Tình yêu kỳ cục.

BUỔI SÁNG ĐẾN TRƯỜNG TRỜI THẬT LẠNH. LAN LÁI chiếc Honda bằng một tay, tay kia đặt trên đùi, dưới vạt áo dài trắng. Gió phần phật tà áo. Lan nửa muốn phóng như bay cho chóng tới, nửa lại muốn đi chậm để khỏi lạnh. Sau cùng cũng tới trường. Cổng vừa mở, học trò ồ ạt kéo nhau vào sân. Tiếng gọi nhau ơi ới, cười nói ồn ào như khu chợ nhỏ. Hoàng Lan đẩy vội chiếc xe vào góc sân, khóa cổ rồi ôm cặp phóng lên trước. Bích và Thuần đang đứng ở chỗ quen thuộc mọi lần, dưới gốc Giáng Tiên. Bích mở cặp rút ra ổ bánh mì kẹp chả dài ngoằng. Thấy Hoàng Lan, Thuần rên lên :
- Trời ơi, mụ già. Đói rã bụng mà còn phải chờ mi nữa.

Hoàng Lan bật cười, nghiêng đầu làm điệu :
- Càng đói ăn càng ngon chứ sao.
- Nhưng thì giờ đâu mà dềnh dàng. Ăn nhanh còn vào học chứ.

Ba cô, mỗi cô rút trong cặp ra một món quà. Bích mang món ăn no, Thuần món tráng miệng và Hoàng Lan món để lai rai rả rích trong lớp. Buổi chiều hôm kia Lan và Thu loay hoay mấy tiếng trong bếp để làm lọ mứt me, hôm nay được dịp gói đi một gói. Ba món quà chia đều làm ba phần và lần lượt được giải quyết nhanh chóng.

Chuông reo vang, các lớp xếp hàng vào học. Đứng trong hàng, những cái đầu con gái ngoái qua ngoái lại luôn luôn, không lúc nào ngơi nghỉ.

Đang đi Bích ghé tai Hoàng Lan thì thầm :
-Lan.
- Gì thế?
- Xi nê hay không?
- Xi nê gì?

Bích nháy mắt :
- Hôm qua, ở Diamond ấy.

Hoàng Lan cười :
- À, mày cũng đi đấy à.
- Vậy đúng là mày.

Hoàng Lan ngạc nhiên :
- Con nhỏ này, nói ông chẳng hiểu chi hết.
- Mày xem buổi chiều phải không?
- Ừ, sao.
- Đúng rồi. Vậy mà lão Văn cứ bảo không phải, anh chàng bốn mắt rồi mà vẫn mù dở.
- Nói gì vậy khỉ?

Bích cười khúc khích :
- Vậy là đúng rồi. Tụi tao vào khu giữa, ngồi một lúc thì cặp phía trước đứng lên đi ra. Con nhỏ trông sau lưng giống hệt mày, tao cãi với Văn hoài vì anh chàng bảo không phải mày. Tao cũng nghi nghi thôi, không tin là mày vì … cặp ấy làm nhiều trò … kỳ quá.

Hoàng Lan giật mình :
- Làm gì?
- Làm gì thì mày biết đấy.

Hoàng Lan đỏ mặt, hồi tưởng lại. Mình làm gì nhỉ. Khanh làm gì nhỉ. Định đi bát phố, nhưng trời còn nóng nên Khanh rủ vào Diamond xem lại một phim cũ. Khanh ngồi không yên, choàng tay qua vai nàng chọc phá hoài. Hai người dúi đầu vào nhau thủ thỉ, cười rúc rích. Có một lần, lợi dụng bóng tối, Khanh đã hôn nàng. Hoàng Lan giật mình. Vậy là Bích đã nhìn thấy.

Hoàng Lan quay nhìn Bích, vẻ dò hỏi. Bích vỗ nhẹ lên vai Lan cười vui :
- Yên trí. Tao không thấy gì hết.
- Khỉ.
- Tụi mình lớn rồi chứ bộ.
- Cấm không được bép xép.
- Đừng lo. Nếu có lỡ miệng, tao kể mi mí thôi.

Hoàng Lan kêu lên :
- Ấy chớ. Tao đập chết bây giờ.

Bích rũ ra cười, nắm tay Hoàng Lan leo lên những nấc thang. Bạn bè ào vào lớp, mở tung những cửa sổ. Một đám tụ lại trước khung cửa, nhìn sang khu vườn rộng bao la bên kia đường. Sương sáng còn phủ đầy đầu cây ngọn cỏ một màu trắng sữa. Mênh mang như một khu rừng hoang dại

Có tiếng kêu lên :
- Đẹp quá. Giờ này trong chăn ấm nệm êm nhìn cảnh này thật tuyệt.

Một tiếng khác :
- Lấy chồng đi, tha hồ nhàn rỗi mà ngắm cảnh.

Thuần đứng trong góc phòng kêu nhỏ :
- Lúc nào cũng chuyện lấy chồng. Tao chỉ yêu cảnh học hành, bạn bè đông đảo vui vầy thế này thôi. Nhìn trong sân trường mình xem.

Cả bọn ngoái cổ lại. Trên mái ngói đỏ ngả màu rêu xám, trên vách tường vàng ố, trên nền trời cắt viền bằng những ngọn cây lá xanh … đâu đâu cũng đong đầy những quen thuộc thân yêu của mấy năm buồn vui cùng thầy bạn. Và bây giờ sắp xa tất cả. Hàng ngày, hàng tháng, hàng năm … các buổi chiều rồi các buổi sáng nối tiếp nhau được nhìn cảnh đó, nhưng chưa bao giờ thấm thía như lúc này, chưa bao giờ thấy rộn trong lòng một niềm quyến luyến không rời.

Bích rên lên :
- Thương trường quá chừng chừng. Trường ơi!

Hoàng Lan gật đầu :
- Ừ sắp bỏ trường bỏ thầy bỏ bạn rồi, buồn ghê.

Thầy giáo bước vào lớp, những mơ mộng tạm gác một bên. Bốn giờ trôi qua đầy bận rộn. Giờ thứ năm của những lớp thi, thầy lại bận họp nên chỉ vào ra đề bài tập rồi cho về. Cả bọn kéo nhau lững thững xuống thang, tiếng guốc tiếng giầy khua vang cầu thang vắng.

Thuần hét lên :
- Đói quá.

Một cô khác kêu lên theo, lớn không kém Thuần :
- Mệt quá.

Bích tiếp :
- Buồn ngủ quá.

Và Hoàng Lan cười to, kết thúc :
- Khát nước quá.

Tiếng cười ồn ào phụ họa, cả đám ào ra sân. Vừa lững thững dắt xe ra khỏi cổng Hoàng Lan đã giật mình đứng khựng lại. Bên kia đường, đứng cạnh một gốc cây gần xe nước đá là hình dáng quen thuộc của Tuấn. Tuấn đeo kính, điếu thuốc trên môi. Nụ cười của Tuấn là một trong những nguyên nhân khiến nàng yêu Tuấn và chấp nhận mối tình lãng mạn của hai người. Mơ mộng, bất cần, hờ hững. Những cái đó chứa đựng trong nụ cười chàng.

Thấy Hoàng Lan đứng lại, Tuấn lững thững qua đường. Hoàng Lan vội vã tiến lên, kêu khẽ rối rít :
- Anh đi đâu đấy?
- Đón Lan.
- Ai nhờ?
- Anh nhờ!
- Làm quê người ta.
- Sao mà quê?
- Tụi nó nói.
Tuấn cười :
- Cô nữ sinh năm chót mà còn làm như em bé chưa biết gì. Các cô kia cô nào mà chả có bồ, nói gì em được.

Hoàng Lan định nói :
- Nhưng mà Khanh đã đến đây. Tụi nó sẽ thắc mắc.

Nhưng sợ Tuấn hiểu lầm, buồn, chỉ nói :
- Tụi nó hay trêu lắm.
- Kệ họ. Em cũng hay trêu người ta bây giờ nghe lại là hòa. Đưa xe đây, anh làm tài xế.
- Xe anh đâu?
- Bỏ sửa rồi. Chiếc xe cũ kỹ ấy mà đưa đến đây thì khó kén vợ. Thà đi bộ còn hơn.

Hoàng Lan cười, ngồi lên yên sau cho Tuấn chở. Liếc quanh, mươi đứa bạn nhìn nàng cười tinh quái. Bích đạp xe ra, réo gọi :
- Ê, Lan.

Lan định lờ đi, nhưng Bích gọi tướng lên hai ba lần, nàng đành quay lại :
- Gọi gì om sòm vậy?
- Mày về với ai đó?
- Anh tao.
- Anh ạ. Anh ạ.

Tuấn quay lại nhìn cô gái tinh ranh. Bích cười cười nhìn soi mói vào tận mặt Tuấn. Ở cái nhìn đầu tiên Tuấn đã tự nhủ :
- Cô nhỏ này xinh lắm, nhưng mà có vẻ đanh đá. Vô phước cho anh chàng nào yếu tinh thần …

Thấy Bích nhìn mình chăm chú, Tuấn hỏi :
- Chào cô. Cô làm tôi lo.
- Sao thế ạ.
- Sợ trên mặt có gì lem luốc.

Bích thẳng băng :
- Tại em chưa gặp anh lần nào.
- Tôi đi xa luôn.

Hoàng Lan thấy cần nói rõ hơn :
- Anh Tuấn là con nuôi ba mẹ tao.

Bích à một tiếng dài trêu chọc. Rồi hỏi :
- Anh đón Lan về?

Tuấn dạ dài một tiếng trêu lại. Hoàng Lan dục :
- Thôi về đi. Nắng buổi trưa nóng thấy mồ mà quý vị còn kề cà mãi.

Tuấn gật đầu chào Bích, cho xe chạy. Bích nói với theo :
- Mày sướng nhe.ù Có anh đến tận trường đón.

Hoàng Lan nghe tiếng mấy đứa bạn cười nho nhỏ, quay lại dơ nắm đấm.

Tuấn hỏi :
- Bé mệt không?
- Năm giờ liên tiếp làm em muốn đứt hơi.
- Năm thi, chịu khó vậy.

Câu chuyện đường dài là những mẩu vụn vặt về việc học hành, về trường, về thầy bạn. Bao nhiêu lần nói về chuyện đó. Hoàng Lan nhận thấy ở Tuấn nỗi thiết tha vô tận đối với đời học sinh mà chàng đã từ giã bao năm. Lần nào nhắc lại, không nhiều thì ít, Tuấn đều tỏ vẻ ngậm ngùi. Chuyện đời học sinh có lẽ làm cho Tuấn gần Lan và làm cho Tuấn thấy yêu Lan thêm từng chút, từng chút. Và cũng làm cho nàng cảm động, dành cho Tuấn những tình cảm như thế. Hoàng Lan nhớ một lần đã hỏi Tuấn :
- Anh yêu gì nhất trong thời đi học?
- Ngôi trường cổ kính, lặng câm với những ngọn cây đổ lá.
- Tiếc gì nhất?
- Già quá mau để không kịp cảm thấy lúc mình ra trường là chuyện tự nhiên, cứ cho là mình đánh mất thời sung sướng.
- Em sắp mất như anh.
- Đó là điều đáng buồn nhất.
- Em không muốn được lên lớp, không muốn có năm cuối trong đời cắp sắp dễ thương này.

Tuấn chép miệng :
- Trước sau gì cũng phải có một lần.
Xe rẽ vào con ngõ rộng, ngừng trước hàng rào dâm bụt thấp. Hoàng Lan bước xuống mở rộng cánh cửa sắt:
- Em dắt xe vào hộ anh.
- Anh không vào à?
- Anh vừa ở đây đi đón em đó. Bây giờ về qua nhà có chút việc. Ba giờ anh sẽ đến đón em, nhé.

Hoàng Lan gật đầu. Buổi đi chơi với Tuấn chiều nay! Em vẫn sẵn sàng, em không có điều gì nghĩ ngợi. Tuấn nhìn thấy ánh mắt trong sáng của Hoàng Lan nói như vậy.

Hoàng Lan dựng xe ở sân, quay ra gài móc cổng. Tuấn vẫn đứng đó. Luồn tay qua khung cửa sắt, Tuấn nâng hai má nóng rực vì nắng của Hoàng Lan, âu yếm :
- Anh muốn … mi em.

Hoàng Lan gỡ nhẹ hai tay Tuấn, lắc lắc đầu, bịt hai tai, ánh mắt rực rỡ cười :
- Em không nghe thấy gì hết.

Tuấn cười nhẹ, quay đi.

TUẤN ĐÓN HOÀNG LAN BẰNG CHIẾC XE FUTURE CỦA NGƯỜI bạn cho mượn. Chiếc xe lau chùi bóng nhoáng. Hoàng Lan đứng ngắm nghía, mỉm cười trêu :
- Xe gồ nhỉ. Lau chùi láng coóng.

Tuấn nói :
- Chủ nó thuộc loại công tử giầu mà quỷ. Hắn nể anh lắm mới cho mượn một buổi đấy. Mê xe hơn mê gái.
- Anh thì sao?
- Mê gái hơn mê xe!
- Nên chiếc xe hơi của anh mới tã ra như cái mền rách.

Tuấn gật đầu cười. Hoàng Lan ngồi lên xe, sau lưng Tuấn. Chiếc xe vọt đi êm ái. Chốc lát đã qua cầu Tân Thuận. Hoàng Lan không bao giờ hỏi, khi Tuấn rủ, đi chơi ở đâu. Ở cạnh Tuấn, bất cứ là nơi nào đều vui và vừa ý. Tuy nhiên điều đó không quan trọng bằng những lúc gặp Tuấn, vì gặp Tuấn không bao giờ sợ buồn, sợ tẻ nhạt. Tuấn như một thỏi nam châm thu hút người khác, làm cho người khác tin tưởng và không bao giờ bị thất vọng.


Mỗi lần rủ Hoàng Lan Tuấn hay nói câu :
- Đi với anh một buổi, tạm bỏ quên sách vở, bỏ quên thực tế vào hộc tủ nhé.

Và khi cố tình từ chối để được thấy Tuấn khéo léo năn nỉ thêm, Tuấn thường nói với nàng :
- Coi chừng anh ghen với Khanh.

Hoàng Lan bảo :
- Vô duyên, làm gì mà ghen.
- Ai bảo em thương không đều.
- Ai thương mình hồi nào ?

Hoàng Lan bất chợt rùng mình. Y như một trò chơi, và Hoàng Lan đang tham dự trong một trò chơi lớn chưa tới hồi kết cuộc.

Chiếc xe lướt vun vút trên con đường nhựa thẳng tắp, hai bên là đồng ruộng. Mùi bùn đất, cỏ non và lúa và những thứ khác lùa vào mũi nàng, thoang thoảng có mùi nước cạo râu Old Spice của Tuấn.

Tuấn bỗng nói :
- Hôm kia anh mới dự một cái đám cưới ở nhà hàng Lê Lai.
- Sao?
- Đám cưới một anh bạn học từ ngày nhỏ. Vui lắm.
- Sao nữa?
- Có vài điểm đáng kể : chú rể mặc quốc phục áo dài khăn đóng, trông … ra gì lắm. Đó là một cặp vợ chồng hạnh phúc.
- Sao anh biết chắc?
- Đoán thế. Ít nhất về mặt vật chất, vì chú rể khá giàu, làm ở Công Ty Bảo Hiểm nước ngoài.
- Còn cô dâu?
- Anh không rõ.
- Đẹp không?
- Đẹp!
- Chú rể đẹp trai không?
- Không đẹp nhưng “đàn ông” lắm, được lắm. Có hai đám cưới tổ chức ở lầu đó. Anh vừa lên giới thiệu giùm cho một ban nhạc trình diễn giúp vui, bên này chưa kịp lên hát bên kia đã kéo cô dâu chú rể lên làm một màn hài hước. Các cô phù dâu bên đó hát bài “yêu nhau cởi áo cho nhau, về nhà mẹ hỏi rằng a … ối a qua tiệm cầm đồ … rẽ vào cầm luôn”. Rồi bắt chú rể cởi áo vét ra khoác cho cô dâu. Bắt cô dâu cởi vương miện đội cho chàng. Anh đoán tương lai hậu vận anh chàng đó chắc … cực lắm.
- Sao vậy?
- Sợ vợ. Bảo cởi áo cũng cởi, bảo đội … cái gì lên đầu cũng đội. Hỏng.
- Ông này. Thương nhau người ta mới làm vậy chớ bộ.

Tuấn chỉ cười. Một lúc Tuấn nói :
- Nhưng điểm đặc biệt và vui nhất là có sự hiện diện khá đông bạn học của anh và chú rể từ hồi còn nhỏ. Cả bọn ngồi quây quần quanh hai chiếc bàn tròn, đùa phá tưng bừng. Cứ mỗi lần gặp lại bạn bè anh lại thấy cảm động, nhớ đến ngày còn cắp sách đến trường ghê.
- Vui nhỉ.
- Và cũng thấy ngậm ngùi. Bây giờ mọi người đều lớn, đều già cả. Nhìn những nếp nhăn, những sợi râu trên mặt họ, những bà vợ ngồi cạnh họ thì thấy ngay.
- Chuyện tự nhiên mà anh.

Nói thế, nhưng Hoàng Lan cũng công nhận Tuấn nói đúng. Mọi sự đi qua để lại dấu vết là tiếc nuối. Hoàng Lan chợt nói :
- Anh cũng nên lấy vợ đi là vừa.

Tiếng cười Tuấn theo gió ùa về sau, rạn vỡ :
- Lấy vợ à? Chuyện có vẻ xa xôi quá.
- Thực tế chứ.
- Lấy ai bây giờ? Em có Khanh rồi.
- Dù em không có Khanh, anh cũng không bao giờ lấy em đâu.
- Sao thế?
- Em không phải là người anh chọn lựa. Anh khó tính, em biết. Anh đòi hỏi quá nhiều ở người phụ nữ, những đòi hỏi ấy chỉ có thể có ở nhiều người khác nhau, không thể có đủ ở một người được.

Tuấn nói nhỏ :
- Thực ra anh không dám khó tính thế.
- Nhưng lòng anh mong muốn thế. Em biết. Bao nhiêu năm gần anh, em hiểu. Ngay như em cũng chỉ có một số nét nào đó vừa mắt, vừa ý anh thôi, phải chưa?

Hoàng Lan nói đúng, Tuấn nghĩ thế. Chàng luôn luôn mong mỏi tìm được cho mình những gì hoàn toàn vừa ý ở những người con gái chàng gặp. Nhưng đến phút cuối cùng là sự thất vọng. Tuấn bỗng nói ra một nhận xét :
- Khi mới gặp, người ta cố tìm ở nhau những cái dễ thương để có thể yêu và yêu nhiều hơn. Sau thời gian yêu nhau cần đi tới giai đoạn hôn nhân người ta lại cố tìm ở nhau những nét xấu để có cớ xa nhau.
- Nếu không bỏ được?
- Thì ân hận, thì tự thấy trách mình và thế là tìm hạnh phúc trong địa ngục.
- Anh sợ vậy nên không chịu lấy vợ?
- Không hẳn thế, nhưng anh nhìn thấy ở những người chung quanh, anh sợ giống họ. Anh biết mình đòi hỏi quá nhiều ở người khác, trong lúc mình thiếu sót hơn mình tưởng cũng là niềm thất vọng to lớn cho người kia. Nhưng làm sao lý luận với chính mình được.

Hoàng Lan nói như một người điềm đạm :
- Rồi đâu cũng vào đó cả anh ạ. Một ngày kia anh sẽ có vợ, có con. Và anh sẽ thấy những gì anh lo anh nghĩ ngày hôm nay không còn là quan trọng nữa.

Xe rẽ vào một con đường nhỏ. Hoàng Lan đọc trên một tấm bảng ngay lối rẽ vào : Vườn Dừa.

Nàng hỏi Tuấn :
- Lối trước mặt đi tới đâu, anh?
- Nhà Bè.

Tuấn lái xe vào tuốt trong vườn. Những cây dừa cao đứng thẳng hàng trên các bờ đất nứt nẻ, giữa hai dẫy cây là mương nước.Chủ vườn kê bàn ghế trên khoảng vườn quanh nhà, dưới bóng những khóm mẫu đơn, những cây kiểng cao, tươi mát.

Tuấn kéo ghế cho Hoàng Lan :
- Anh biết em thích ngồi ghế đẹp nhất.

Hoàng Lan dẩu môi cười với Tuấn, ngồi vào chiếc ghế Tuấn chọn cho , dựa lưng thoải mái :
- Em thương cái tính ga lăng của anh nhất.
- Ga lăng từ bé.
- Lối nữa.
- Thật mà.
- Anh ga lăng với tất cả mọi người hay còn tùy?
- Tùy.
- Tùy gì?
- Già hay trẻ, đẹp hay xấu, “đờn” ông hay “đờn” bà.
- Tệ ghê.
- Đùa thế chứ, lúc nào cũng có lịch sự tối thiểu chứ.

Chiếc ghế rộng, êm. Hoàng Lan đặt chiếc bóp lên bàn, ngồi duỗi chân thoải mái. Không hỏi ý nàng Tuấn gọi hai trái dừa và nói :
- Vào vườn dừa thì uống dừa là hợp lý.

Nắng vàng ngảû chênh chếch trên ngọn dừa cao, óng ánh như tấm lụa vàng lướt thướt trên thân thể người con gái da mịn màng phơn phớt lông măng. Gió mơn man ngọn lá, tấm lụa rung rinh nhẩy múa trên mặt đất.

Ông già trong quán, to lớn dềnh dàng và giống Tây lai mang hai trái dừa ra, nói ngọng líu ngọng lo, lại còn lắp nữa :
- Uống mát lắm, dừa non đó.

Ngẫm nghĩ mãi Hoàng Lan mới hiểu. Tức cười mà không dám cười. Nhưng Tuấn thản nhiên, hình như Tuấn đã đến đây nhiều lần với những người con gái khác và ông già đã biết rõ chàng. Tuấn gật đầu :
- Ông cho tôi chút muối.

Ông già bỗng dưng cười khành khạch, bỏ đi, hai chân khuềnh khoàng, chiếc quần ngắn dơ bẩn và thô tục làm Hoàng Lan phải ngó nơi khác.

Một lát ông trở ra với chiếc đĩa thật lớn nhưng chỉ đựng một dúm muối. Hoàng Lan bật cười. Vẫn bằng những tiếng khó nghe, ông ta đấu chuyện với Tuấn. Qua các câu trả lời của Tuấn, Hoàng Lan hiểu ông ta nói về tình trạng ế khách, làm ăn khó khăn.

Có lúc ông ta hỏi Tuấn về nàng và Tuấn trả lời :
- Vợ tôi đấy.




Hoàng Lan loi vào hông Tuấn một cái thật mạnh. Tuấn la oái một tiếng, ông già lại khành khạch cười bỏ vào nhà. Tiếng cười nghe … dễ ghét. Tuấn nói :
- Anh già cười ghê quá.
- Dễ ghét.
- Ừ, dễ ghét thật.
- Không.
- Sao?
- Không phải mình ông ấy. Cả anh.
- Thế à?
- Ừ.
- Nhưng mà em cũng yêu anh nữa phải không?
- Còn lâu.
- Buồn nhỉ.

Hoàng Lan nói nhỏ, thật nhỏ :
- Thương tí tí thôi.
- Cám ơn trời phật, thế cũng tốt rồi.

Hoàng Lan bật cười. Tuấn dễ thương thế, nếu không gặp Khanh trong một dịp đặc biệt, như một cơn lốc, hẳn là nàng đã có Tuấn của riêng nàng. Chỉ tại Tuấn đã từ lâu ở gần nàng quá, gần nàng và cả gia đình nên Tuấn thành một người của chung, Tuấn không có cái lôi cuốn của một cơn lốc.

Tuấn bảo :
- Uống đi Lan.

Từng hớp nước mát và thơm lan dần trong cơ thể. Hoàng Lan nhấm nháp và nghe lòng mình thanh thản nhẹ nhàng. Ngôi vườn đầy bóng mát, vắng lặng hoàn toàn, không có người khách nào khác. Tiếng xe cộ từ ngoài đường cái vọng vào mơ hồ như một vài phút trước khi vào giữa đêm khuya ở nhà nàng.

Tuấn vuốt ve cánh tay trần của Hoàng Lan đặt trên mặt bàn. Hoàng Lan ngồi im, thấy da thịt nổi gai ốc. Nàng nói :
- Ngồi im không?
- Anh vẫn ngồi im, có đi đâu đâu?
- Cái tay để yên.

Tuấn để tay nằm im trên cánh tay nàng :
- Thì để yên.
- Không, bỏ ra chỗ khác.

Tuấn cười cười :
- Bỏ ra đâu bây giờ, hai cái tay nó quyến luyến nhau mà.

Hoàng Lan nhướng mắt :
- Chỉ tài xí xoọn.

Tuấn rút tay ra, Hoàng Lan nhủ thầm :
- Em biết anh ngoan mà, chỉ bấy nhiêu thôi.

Nàng cất tiếng hát nho nhỏ. Giọng không mấy hay nhưng nghe thơ ngây như cô học trò nhỏ ưa hát, Tuấn nghĩ thế. Nghe một chút Tuấn nhận ra ngay bài Beautiful Sunday. Tuấn chợt nhớ chiều nay là chiều chủ nhật.

Hoàng Lan vừa hát vừa nhìn Tuấn, môi hồng thắm, ướt và bóng, phác nụ cười đầy tình tứ. Tuấn nhìn lại, châu đầu vào sát đầu nàng. Bốn mắt nhìn nhau, tiếng hát vẫn quấn quýt chung quanh.
- Cho anh đó.
- Cảm ơn em.
- Anh thích không?
- Thích cả bài hát và tiếng hát.

Hoàng Lan cười, nâng trái nước lên môi.

Nắng đã nhạt màu trên sắc lá xanh thẫm. Hai người ngồi nhìn ra ngoài đường nhựa xa xa. Thỉnh thoảng vài chiếc xe vụt qua. Tuấn lại hỏi chuyện Hoàng Lan về chuyện học hành, và Hoàng Lan thích thú kể cho Tuấn nghe đủ thứ. Chàng chăm chú nghe Lan kể, đôi lúc lại thốt vài câu nuối tiếc quãng đời học trò thơ mộng đã qua lâu của mình.

Từ ngọn bàng ở góc vườn, vài chiếc lá vàng loăng quăng bay xuống, va chạm cành này, lá kia rồi nằm im trên mặt đất xám. Giọng Tuấn chợt trầm xuống :
- Nhìn lá rơi, anh lại nhớ đến niên học cuối cùng, ngày cuối trước khi nghỉ hè anh là gã học trò cuối rời sân trường. Người gác cổng đóng ập cánh cửa sau lưng. Tiếng xích sắt kêu lách cách. Anh quay lại áp mặt vào khe những chấn song, nhìn đăm đắm sân trường dài hun hút. Hàng cây trong sân đứng im, lá đổ vàng úa cả mặt xi măng. Cửa vào lớp anh vẫn mở rộng, nhưng không một bóng dáng học trò như mọi lần. Vắng lặng hoàn toàn, chỉ còn tiếng lá reo trên ngọn cây, và tiếng lá vàng trên sân bị gió lùa chạy rào rào. Nắng chói chang, gió bâng khuâng thủ thỉ. Nhìn cảnh ấy anh buồn muốn khóc.
- Dĩ vãng thường buồn.
- Anh không còn dịp nào ngồi học trong ngôi trường đó. Thi rớt, tự học thêm một năm nữa. Lấy được mảnh bằng. Rồi đi làm. Sau này mỗi khi có dịp về Sài Gòn, anh thường đến cổng trường, đến gần quán Hẹn nhìn lũ đàn em tấp nập vui vẻ kéo đến trường. Mong được thấy mình còn sót lại nỗi hồi hộp nào đó, nhưng bắt gặp con người mình hoàn toàn khác. Khô cằn, chai đá đến buồn phiền. Cảnh vật vẫn thế, nhưng anh thấy như mất mát thế nào.

Hoàng Lan nhìn Tuấn, hình như mắt chàng đổi khác trong lúc nói, thờ thẫn buồn phiền. Tiếng chàng xa vắng, dáng dấp bâng khuâng. Tuấn làm nàng buồn theo. Năm cuối của nàng đây. Rồi sẽ đổi khác. Thất bại hay bước vào ngưỡng cửa Đại Học, thế giới của những xô bồ hỗn độn, hết cả dễ thương.

Cả hai ngồi im thật lâu, mỗi người theo đuổi một giòng tư tưởng. Gió lạnh chợt đùa đến, gai cả người Hoàng Lan. Nàng lay nhẹ vai Tuấn :
- Trở về Sài Gòn đi anh, tối rồi.

Tuấn đứng lên gọi tính tiền. Và Hoàng Lan được dịp ngạc nhiên với ông già nói lắp :
- Cô thích bông không?

Hoàng Lan gật đầu.

Ông già chỉ khóm mẫu đơn nở đỏ rực :
- Hái môït cành mà chơi.

Tuấn cười, nói nhỏ :
- Ông già ga lăng hơn tui rồi.

Hoàng Lan nhón gót bẻ một cành tít trên cao, đóa mẫu đơn nở tròn đầy như mâm xôi gấc đám cưới.

Ông già đứng nhìn theo cười vu vơ. Ra đến đường, Tuấn phóng thật nhanh.
- Cho em mượn cái eo anh nè. Ôm đi.
- Không thèm.
- Đừng sợ. Khanh không biết đâu.

Tuấn quơ tay nắm cánh tay Hoàng Lan choàng qua eo mình. Nàng tính rụt lại nhưng Tuấn giữ chặt. Đành ôm vậy. Tiếng cười Tuấn lồng lộng trong gió chiều.

TUẤN NHẮC ỐNG NÓI LÊN VÀ NHẬN RA GIỌNG NÓI QUEN THUỘC Ở đầu giây.
- A, Nga đấy hả?
- Dạ, em gọi cho anh ở Ngân Hàng đây.
- Ừ.
- Chiều nay anh rảnh chứ?
- Ừ, cũng chẳng có gì quan trọng.
- Khoảng bốn giờ, bốn rưỡi anh đón Nga nghe.
- Về hả?
- Da, em được về sớm, tính đi phố mua mấy món đồ lặt vặt.

Tuấn hỏi :
- Bao một chầu kem thì tôi đi liền.
- Chịu gấp. Nhưng sau đó …
- Sau đó anh phải bao lại một chầu gì khác phải không?

Tiếng cười Nga khúc khích :
- Thông minh vốn sẵn tính trời.
- Cô muốn chầu gì?
- Xi nê. Em muốn coi cuốn Valse dans Lombre, chiếu lại ở Thăng Long.

Tuấn nghĩ tới Hoàng Lan. Chiều đưa Nga về, sẽ có cớ gặp lại Hoàng Lan mà khỏi mang ý nghĩ quấy phá nàng quá nhiều. Sau buổi chiều đi chơi với Hoàng Lan, Tuấn còn ghé lại mấy lần những ngày sau. Chàng ngụp lặn trong không khí đầm ấm của gia đình đó. Những bữa cơm rộn rã tiếng cười, những buổi tối trên balcon lầu một hay trên sân lầu hai. Ngồi đó trong tối dưới bóng những giàn cây leo chuyện trò thân mật với chị em Nga, Tuấn bỗng thấy đời mình tưởng như là hạnh phúc. Như chàng là con cái trong nhà, hay đôi lúc, Tuấn có ảo tưởng mình ngồi cạnh một người vợ ngoan. Dù là ngồi cạnh Nga hay ngồi cạnh Hoàng Lan, Tuấn đều có ý nghĩ đó. Những săn sóc nhỏ nhặt, những mẩu chuyện dí dỏm, những lời kể thiết tha đong đầy kỷ niệm ấu thời. Những câu chuyện về ngôi trường, bạn hữu và lớp học vẫn làm Tuấn thích thú, say mê. Phải chăng vì Tuấn đã có một ấn tượng nào đặc biệt trong đời cắp sách mà Tuấn chưa tìm lại được.

Tuấn giật mình. Tiếng Nga léo nhéo ở đầu giây kia :
- Sao, nhận lời không mà im lìm thế ông?
- Chịu gấp. Ai chứ Nga đòi là phải chiều ngay.

Tuấn có cảm giác âm thanh những tiếng nói của Nga bỗng đổi khác, tràn đầy, rạng rỡ và hài lòng :
- Nhớ đón đúng giờ nhé. Em đợi.

Tiếng đợi kéo dài, nũng nịu. Tuấn ừ nhỏ, rồi nói :
- Thôi nhé.

Nga dạ thật ngoan. Tuấn xoay tròn người trên ghế đệm da, ngả người ra sau dễ chịu. Sau mấy tháng bù đầu với công việc của Công Ty, Tuấn lại được hưởng những tháng ngày thong thả, chàng lại được chia một khoản tiền lời khá lớn. Tự dưng Tuấn có ý nghĩ để dành số tiền đó vào chi phí cho một đám cưới mà chàng là chú rể. Tuấn bật cười. Lại chuyện lấy vợ. Một thoáng hồi tưởng lại những khuôn mặt phụ nữ đã đi qua, lấn lướt nhau rồi chìm đắm cả. Chàng không bắt gặp một hình bóng nào đậm đà dừng lại trong chàng. Cuối cùng, chỉ còn lại mối tình lãng mạn với Hoàng Lan, nhưng Tuấn không hề nghĩ đến chuyện xa hơn những gì đang có.


Tuấn ngồi xếp những chồng hồ sơ vào ngăn kéo, kiểm soát lại tủ sắt và ổ khoá số. Rồi Tuấn bấm nút gọi cô thư ký :
- Tôi đi chút việc, ông Giám đốc hỏi thì cô trả lời tôi về luôn nhé.

Cô thư ký dạ khẽ. Tuấn đeo kính lên mắt, bước ra đường.

Nắng bốn giờ còn chói chang nhức mắt. Tuấn vẫy một chiếc xe taxi đến thẳng garage. Chiếc xe đã sửa xong, lau rửa bóng nhoáng. Tuấn ngồi vào tay lái và tự hỏi :
- Đã dư sức để tạo một gia đình chưa nhỉ?

Tuấn bật cười, chỉ tại Hoàng Lan, nàng nhắc đến chuyện đó trong chuyến đi chơi vừa rồi như một khuyến khích và Tuấn cũng tự hỏi mình nhiều lần sau đó, ba mươi mấy tuổi rồi, lấy vợ có còn là sớm hay không?

Tuấn rẽ sang đường Tôn Thất Thiệp. Ngân hàng Nga làm ở đó. Nga đã đứng đợi ở trước hiên tòa nhà cao ngất. Thấy Tuấn, Nga tung tăng chạy ra.
- Anh lấy xe rồi đấy à? Sơn lại trông đẹp nhỉ.

Tuấn mở cửa. Nga ngồi vào cạnh Tuấn, chiếc xe lướt êm.
- Mua bán gì đây?
- Mua chứ có gì mà bán. Quà sinh nhật mẹ.
- À, sắp sinh nhật bà cụ rồi hở.
- Dạ, ngày mai.
- Có tổ chức gì không? Bal, Bum chẳng hạn.

Nga quay lườm Tuấn :
- Mẹ bằng ấy tuổi mà anh còn hỏi có tổ chức Bal không, diễu vừa thôi.

Tuấn cười cười :
- Được chứ sao không. Ngoại quốc như thế là thường.
- Thưa ông, đây là Việt Nam chứ không phải Mỹ, Tây.
- Thì thôi, nhưng có tổ chức kỷ niệm gì không chứ?
- Có, anh. Một bữa ăn nho nhỏ. Mẹ dặn mời anh đó.
- Xong rồi, sẽ đến đúng giờ. Sáng hay chiều thế?
- Chiều, khoảng bảy giờ.


Nga ngó ra ngoài :
- Anh ngừng xe lại, gửi xe rồi đi bộ lại Chợ Bến Thành.

Hai người băng qua đường ra khu hàng vải, bây giờ hàng vải mọc lên san sát. Nga sánh vai Tuấn, thong thả ghé từng cửa hiệu, tần ngần trước các mẫu hàng mới mẻ.
- Em thích mua vải may áo dài biếu Mẹ. Anh góp ý kiến với em nhé.
- Cứ may áo dài, thứ gì đẹp thì mua. Cụ may quần Patte không được à.

Nga véo tay Tuấn :
- Anh chỉ thế, lúc nào cũng đùa được.
- Nói thật đấy chứ.
- Em về mách mẹ cho anh xem.
- Đồng ý, anh quan niệm cần trẻ trung hoá cuộc sống.

Nga cười. Đi bên Tuấn, Nga có cảm giác như đi cạnh người yêu. Nàng lấy làm lạ, cái ý nghĩ về Tuấn như một người anh từ trước kia thật mong manh. Tuấn đến với gia đình nàng đã nhiều năm, sao bỗng dưng bây giờ nàng mới có ý nghĩ đó. Thạch, người con trai nàng dành nhiều cảm tình giờ thì xa xôi quá. Đã gần bốn tháng Thạch không viết cho nàng một cánh thư. Hình như Thạch không còn muốn liên lạc với nàng. Nga hiểu rõ nguyên nhân khiến hai người cùng nghĩ là trở ngại chính, là khác biệt tín ngưỡng. Thạch lại mặc cảm nặng về sự chênh lệch giữa hai gia đình. Nga thấy tội nghiệp Thạch nhưng đồng thời cũng công nhận đó là một khoảng trống khó san bằng. Và như thế mối tình nhẹ nhàng ấy thoảng qua như gió đùa hoa.

Lê la hết hàng này sang hàng khác cuối cùng Nga mua được món hàng tạm vừa ý, thứ hàng mỏng và trơn mới nhập cảng. Tuấn công nhận Nga có óc thẩm mỹ và khéo. Nga níu tay Tuấn :
- Giờ đi ăn kem chứ?
- Xong ngay.
- Nói trước, kem em bao. Xi nê là phải anh đấy nhé.
- Sẵn sàng.

Cả hai cười khúc khích. Tuấn đưa Nga vào Prince, ngay cạnh Tax. Căn phòng nhỏ có máy lạnh làm Nga thấy gai gai hai vai vì từ ngoài nắng bước vào.
Tuấn hỏi :
- Nga ăn gì?
- Kem bốn màu, chantilly.
- Con nít dữ.
- Em thích màu sắc. Anh uống gì?
- Một ly cam vắt.

Người phục vụ mang đến một đĩa bánh ngọt. Tuấn nhìn Nga, ánh mắt hóm hỉnh :
- Dân nhà băng giầu thì mình có quyền ăn thêm bánh chứ hả.

Nga chìa tay ra dấu :
- Xin mời. Nhưng đứng tham lam quá mà bội thực.

Cứ lối đối đáp thế, và những đùa nghịch vui tươi, Tuấn và Nga qua hết buổi chiều. Khi đưa Nga về đến đầu khúc quanh vào nhà nàng, Tuấn thoáng thấy chiếc xe quen thuộc chạy ra. Người lái xe cười với Nga và cúi đầu chào Tuấn. Tuấn gật đầu chào lại và quay sang Nga :
- Khanh, phải không Nga?
- Vâng. Chắc cu cậu đưa nhỏ Lan đi học Anh văn chiều về. Còn mấy tháng nữa anh chàng ra trường.
- Làm ông Nha sĩ, trẻ quá.
- Khanh hai mươi sáu.
- Vặn răng thiên hạ ra tiền.
- Anh nói nghe ghê quá.
- Nhưng Hoàng Lan thì chịu quá, phải không?

Nga bâng khuâng :
- Con bé đó … nó lơ mơ lắm anh ạ. Em nghe nói gia đình bên ấy định tiến tới các lễ nghi, nhưng nó đòi tên kia ra trường rồi tính. Bây giờ chỉ còn mấy tháng nữa …

Tuấn lặng lẽ cho xe lách vào một bên đường. Nga bước xuống :
- Em vào trước nhé, anh đem giỏ trái cây vào hộ em.

Tuấn nghe tiếng Hoàng Lan loáng thoáng trong nhà và tiếng cười tươi vui của Nga. Tuấn đứng im, lắng nghe một một chút và bỗng tặc lưỡi :
- Bà Nha sĩ. Nghe oai đấy chứ.


Bước vào sân, Tuấn thấy Thu chạy ra :
- Anh để em xách vào.

Tuấn trao cho cô bé chiếc giỏ đựng đầy trái cây. Một chục cam, một chục táo, một ký dưa vàng và mấy quả cóc chín. Tuấn nói khẽ với Thu:
- Đem gói cóc vào đánh du kích đi. Nga không biết đâu.

Thu lè lưỡi :
- Thôi, em chả dại, bà Nga dữ lắm, la tụi em tối ngày.
- Yên trí. Anh nhận cho.
- Anh là vua ăn ngọt, ghét chua. Ai mà tin.
- Ghét không có nghĩa là không bao giờ ăn. Hôm vừa rồi anh chẳng ăn với Nga và các em là gì.

Thu nháy mắt :
- Vậy em lấy một trái nhé.

Tuấn gật đầu :
- Lấy lẹ đi, rồi xách vào hộ anh.

Nhanh như chớp, Thu lấy một trái dấu gọn trong lòng bàn tay và xách giỏ trái cây vào nhà trong.

Tuấn ngồi vào ghế salon, châm thuốc hút. Tiếng người đang ồn ào thế bỗng nhiên im vắng. Tự nhiên như người trong nhà, Tuấn bước vào gian trong. Mẹ Nga đang ngắm nghía món hàng, thấy Tuấn, đon đả mời :
- À, Tuấn. Ngồi chơi con.
- Dạ.
- Dạo này đi đâu mất biệt thế?
- Cháu lên Pleiku thầu một món hàng cho Công Ty.
- Kết quả tốt chứ?
- Dạ, lần này cũng có lời kha khá.

Bà cụ cười :
- Quà sinh nhật Nga nó cho bác đấy!
- Vâng. Con vừa đưa cô ấy đi mua, chọn cả buổi đó bác. Bác vừa ý không ạ?
- Đẹp lắm, nhưng mà hơi trẻ. Sợ bác già mặc không hợp.
- Bác cứ lo thế, cháu thấy bác mặc là hợp lắm. Hàng đẹp, màu nhã…
- Ừ. Con bé khéo đấy chứ.

Lộc từ nhà trong chạy ra ngồi xà vào cạnh mẹ. Tuấn xoa đầu thằng bé.
- Nga đâu?
- Chị ấy làm bếp với chị giúp việc.

Bà cụ lại bảo :
- Ấy, bác bảo nó trông đun lại nồi vịt sáo măng cho cháu ăn nóng mới ngon.
- Bác lại cho ăn cơm.
- Ừ, mà chiều mai nhớ đến nhé. Mai chị em nó tổ chức nấu nướng gì đó.
- Con có nghe. Ăn mừng sinh nhật bác.
- Chúng nó chỉ giỏi bày vẽ. Bác già rồi chứ trẻ trung gì mà tổ chức nọ kia.
- Cho đời vui bác ạ.

Lôc chen vào :
- Mẹ lúc nào cũng vui.

Bà cụ cốc nhẹ lên đầu con :
- Biết gì mà xen vào chuyện người lớn.

Thằng bé cụt hứng. Tuấn hỏi, vẻ tự nhiên :
- Hoàng Lan cũng làm bếp à, Lộc?

Lộc cải chính :
- Dạ không, anh. Chị ấy đang tắm.

Tuấn đứng lên :
- Bác ngồi nghỉ. Cháu lên balcon hóng gió một lát. Mấy bữa nay trời nóng quá.

Bà cụ gật đầu. Tuấn lững thững bước lên những bậc thang. Đi ngang phòng Nga và Hoàng Lan, Tuấn nhìn vào. Không có ai. Tuấn ra balcon, ngả mình trong chiếc ghế nằm, gác hai chân lên song sắt. Cơn gió nhẹ buổi chiều làm Tuấn dễ chịu.Chàng châm một điếu thuốc, hút thong thả để tận hưởng cảm giác lâng lâng thoải mái sau một thời gian dài đi bộ buổi chiều. Cuối cùng Nga không muốn đi xi nê nữa, sợ về trễ nhà chờ cơm. Việc lựa chọn vải đã chiếm quá nhiều thời giờ của cuộc đi phố chiều nay. Tuấn đành hẹn :
- Thôi để chủ nhật này vậy.

Nga gật đầu đồng ý :
- Càng có dịp đi chơi.

Tuấn lại lắng nghe. Tiếng Nga và bà cụ từ dưới nhà lao xao vọng lên. Hình như hai người đang nói về hàng vải Nga mua. Tuấn đứng lên, trở xuống nhà. Ngang qua phòng Nga, cánh cửa khép một nửa, hờ hững. Tuấn bước vào, nghĩ là Hoàng Lan đang ngồi hong tóc trước quạt, như mọi lần.

Bước chân Tuấn như bị hụt hẫng. Chàng ngây người, không kịp có phản ứng nên tiến hay lùi. Hoàng Lan đứng quay lưng lại phía chàng. Mái tóc dài ướt, xõa ra, lay động trên tấm lưng trần, dài, trắng mịn màng.

Chỉ tích tắc mà dài như mấy phút. Hoàng Lan chợt nhận ra một sự khác lạ sau lưng, nhìn thấy trong gương khuôn mặt mê muội của Tuấn. Nàng quơ vội chiếc áo, hét nho nhỏ :
- Ê, ê đi ra, đi ra, kỳ thế?

Tuấn giật mình, tỉnh người, bước giật lùi. Đứng tựa lưng vào tường, Tuấn nhắm mắt hồi tưởng, nói thầm :
- Đẹp!

Chàng trở ra balcon, ngồi gọn trong lòng ghế. Một lát, tiếng Hoàng Lan cất lên sau lưng, giọng trách móc pha lẫn thẹn thùng :
- Anh bê bối, chẳng lên tiếng gì cả.
- Anh xin lỗi, anh vô tình.
- Lên hồi nào mà em không nghe tiếng giầy lên thang?
- Từ lúc em tắm dưới nhà. Anh cứ tưởng em ngồi hong tóc …
- Kỳ cục …
- Xin lỗi mà.
- Em cứ yên trí trên này không có ai, tưởng anh với mẹ và chị Nga đang nói chuyện dưới đó.

Giọng Lan nhỏ xuống, nhỏ xíu :
- Lý do … kỹ thuật. Từ nay cấm anh không được xông xáo thế nữa nhé.

Tuấn bóp nhẹ tay Hoàng Lan :
- Khổ quá, đâu có dè …
- Không biết.
- Mà anh… có thấy gì đâu.

Hoàng Lan lườm Tuấn :
- Còn lẻo mép nữa.

Tuấn lảng ra :
- Thôi, bỏ đi. Ngồi đây nói chuyện chơi.
- Ai thèm.
- Lan nhớ anh Định, bạn anh, hồi đó thường đến đây không nhỉ?

Hoàng Lan như quên ngay chuyện trước, vui vẻ :
- Nhớ chứ anh.
- Anh mới ghé nhà hắn, hôm qua.
- Có gì vui không anh?
- Không. Chỉ một chuyện hay hay. Anh chàng có cô bồ hai mươi tuổi. Và cô em gái mười lăm. Cô em tuổi nhỏ nhưng khá cao lớn, bằng cỡ mười bảy mười tám. Xinh lắm, nhiều chàng theo đuổi. Trong đó có một tân kỹ sư – mới ra trường – được cô bé dành cho hân hạnh được đưa đón khi đi học. Giađình cũng không để ý. Anh Định ở xa Sàigòn, mỗi tháng về nhà một hai lần. Khi biết chuyện đó, Hoàng Lan, em đoán được phản ứng của anh Định không?
- Nổi cáu, không chịu?
- Đúng. Nhưng vì lý do gì, đoán thử xem?

Hoàng Lan dẩu môi :
- Chắc lại câu : còn bé, lo học, không được bạn bè bồ bịch sớm. Đúng không?
- Đúng nữa, nhưng còn gì?
- Thôi, đủ.
- Chưa. Lý do chánh đáng là : không chấp nhận việc đó vì có vẻ lợi dụng. Anh Định cho rằng con gái mà nhờ vả người con trai những việc như vậy là lợi dụng, mất vẻ đàng hoàng đúng đắn. Định kêu lên với anh :
- Không thể chấp nhận được. Cần chấm dứt chuyện đó. Con gái phải tỏ ra nghiêm trang, tránh mọi nhờ cậy để tránh mang tiếng lợi dụng, mưu lợi cho mình. Phải quạt cho con bé một trận và bắt thôi ngay.
- Rồi sao nữa anh?
- Anh khuyên : cũng vừa vừa thôi. Đồng ý chấm dứt vì cô ấy còn nhỏ tuổi quá, phải tránh những chuyện giao du đó, nhưng thuận cho chở hay nhờ chở không hẳn đã là lợi dụng. Chuyện đó tùy thuộc cảm tình của mình với người ta, không phải là sự giả dối đâu.

Ngẫm nghĩ một lúc, Định lắc đầu :
- Vẫn không chấp nhận nổi. Con gái mà làm thế là có vẻ lợi dụng.

Rồi Định quả quyết sẽ quạt cho cô em một mẻ, khi đi học về. Định kết luận :
- Nó ngoan, nhưng mấy tên thanh niên cứ đáo qua đáo lại trước nhà cả ngày thì còn học hành gì nổi. Phải cảnh cáo nó để kìm chân nó là vừa.

Hoàng Lan cười :
- Ông Định cổ lỗ sĩ nhỉ. Nhưng cô bồ ông ấy thì sao? Ông ấy nghĩ gì hồi mới quen cô ấy nhờ chở đi nơi nọ nơi kia?
- Chắc là Định nghĩ khác. Cô nàng lớn, mình yêu cô ấy và … tình nguyện chở, đâu phải nàng lợi dụng mình.
- Chắc gì cô ấy không từng nhờ người khác chở đi việc nọ việc kia, ngay cả lúc này?
- Nếu đúng vậy, hẳn Định sẽ buồn, vì tính Định nóng và thẳng lắm. Các cô bây giờ hay lăng nhăng lít nhít, nhờ vả tùm lum …

Hoàng Lan vênh mặt :
- Đã sao? Thời buổi khó khăn, người ta lại là con gái, kẹt đủ thứ … Nếu ông nào cũng nghĩ vậy thì thử hỏi : ông Khanh nghĩ thế nào khi thấy anh chở em đi, như hôm vừa rồi?
- Đồng ý chứ sao? Anh em mình mà.
- Nói ngon dữ. Ông ấy lại chả tái xanh tái xám mặt mày vì ghen ấy chứ. Sự thực, khi nhờ một người đàn ông chở, đã chắc gì giữa hai người có chuyện ai lợi dụng ai.

Tuấn tủm tỉm cười :
- Tất nhiên giữa hai đứa mình không có chuyện lợi dụng. Nhưng nếu Khanh thấy và nghĩ không có chuyện gì, có lầm không?

Hoàng Lan đấm vào lưng Tuấn :
- A, đã thế từ nay em không thèm đi với anh nữa đâu.


Tuấn nhìn sâu trong mắt Hoàng Lan, câu nói đầy ý nghĩa :
- Lúc nào anh cũng thấy em đẹp.

Hoàng Lan cúi đầu, mân mê những ngón tay.

THỦY KÉO TAY HOÀNG LAN :
- Nhìn kìa Lan, khung trời bên ngoài đẹp quá.

Hoàng Lan nhìn ra. Khung cửa sổ đóng khung một khoảng trời xanh biếc trên những ngọn cây. Những cành lá mơn mởn xanh tươi tràn sức sống, nhẹ nhàng rung động theo làn gió thoảng. Xa xa, mái ngói đỏ quen thuộc của mấy năm ngồi nhìn trên ghế tỏa ra một cuốn hút như có linh hồn.

Hoàng Lan gật đầu :
- Ừ, đẹp quá.

Thủy rủ :
- Xuống đường đi.

Hai đứa dắt tay nhau trên hành lang qua những cửa lớp mở rộng vắng lặng không một bóng người. Sau giờ học cuối cùng, bạn bè ra về hết, Thủy rủ Hoàng Lan ở lại. Những tháng cuối niên học đứa nào cũng lo lắng đến gầy ốm cả người vì ngày thi kề cận sau lưng. Hoàng Lan và Thủy hay ở lại buổi trưa, ăn bánh mì thay cơm để học ôn bài vở. Những buổi chiều không đi học thêm Anh văn, hai đứa lại rủ nhau đến thư viện nghiền ngẫm chồng sách vở dầy đặc chữ. Một đôi lúc thoáng chán ngán, nhưng cuối cùng Hoàng Lan lại cảm thấy yêu sách vở, yêu chữ nghĩa như những năm đầu bước chân vào trường Trung Học.

Thúy chợt nói :
- Cứ nghĩ tới ngày xa mái trường này tao lại thấy buồn muốn khóc.
- Bẩy năm dài mà cũng thật mau mày nhỉ.
- Mình sắp già.
- Sắp hết ngây thơ.

Thúy rùng mình :
- Tao thấy sợ hãi sao đó.

Tiếng guốc gõ lóc cóc trên những nấc thang, nghe thật cô đơn, thật buồn. Hoàng Lan thấy dội vang trong lòng những âm thanh nức nở, than van tựa hồ thương tiếc những ngày vàng.

Đôi bạn nắm chặt tay nhau bước qua cổng. Những hàng quà vẫn đậu đầy bên kia đường, chờ đợi đàn học sinh buổi chiều đến. Từ bao ngày tháng trước đã có những người bán hàng đó và bây giờ vẫn họ. Không có gì đổi thay, không có gì khác lạ, vậy mà Hoàng Lan thấy như đã đổi thay tất cả, ngay cả lòng mình. Tỷ như một sáng thức dậy soi gương, bắt gặp nếp nhăn trên trán, bắt gặp thời gian đọng trên đuôi mắt, khoé môi. Một tiếng than dài trong sâu thẳm tâm hồn :
- Tôi già rồi.

Và buồn muốn khóc. Như vậy là thời gian đã qua đi thật nhiều, thật vội và hằn in dấu vết trên đường của nó bước qua, tàn nhẫn vô tình.

Thủy quay sang Lan :
- Ăn gì không?

Hoàng Lan lắc đầu. Thủy rủ :
- Ra chỗ mọi lần ngồi nhé.

Hoàng Lan không đáp, bước theo bạn. Nàng ngồi xuống lề đường, ôm chiếc cặp xinh trong lòng mà cảm thấy như ôm niềm vui đời mình gọn trên tay.

Thủy rút cuốn Sinh vật ra :
- Tiếp tục học thôi chứ.

Hoàng Lan ngao ngán :
- Tự dưng tao thấy chán.
- Chán học?
- Có lẽ vậy, ít ra là lúc này.
- Có gì thế?

Hoàng Lan lắc đầu :
- Không. Nhưng tao thấy chữ không chịu vô.

Thủy nhếch mép :
- Tao còn chán hơn. Thông minh như mày cũng đỡ, có lỡ lười một tí còn được bù trừ. Chứ như tao, không chăm là mù mịt …
- Tao chẳng tin tao.
- Ví dụ tụi mình đậu, lên Đại Học mày sướng. Tao chưa chắc đã được học thêm.

Hoàng Lan ngạc nhiên :
- Mày bỏ học à?
- Có lẽ thế. Tao đi làm, mình mẹ tao cáng đáng cả gia đình, lo không nổi.
- Cố gắng tìm cách học thêm đi mày. Uổng chết.
- Đường Đại Học cũng dài quá.

Hoàng Lan công nhận :
- Ừ, dài thật. Nhiều lúc tao bỗng có ý nghĩ cố gắng lắm thì tao cũng chỉ học được vài năm rồi bỏ ngang, không thể theo đuổi tới nơi tới chốn.
- Tại sao mày lại có ý nghĩ đó?
- Không biết nữa. Nhưng tao tin thế. Một đôi lần tao nói với bà Nga như vậy, bà ấy lại đốc tao : nếu biết thế thì bỏ học quách ngay bây giờ cho sớm, đi làm kiếm tiền tự nuôi thân để đỡ gánh nặng cho gia đình.

Thủy cười :
- Bà Nga thực tế nhỉ.
- Bà ấy tự làm gương cho tao soi mà. Nhưng tao không đồng ý, còn quyến luyến thầy bạn, trường lớp nên chưa dứt áo bỏ trường mà đi được.
- Có bỏ học cũng chả biết làm gì. Ai cần đến cái thứ dở dở ương ương như mình.
- Chỉ có … lấy chồng. Bà Nga bảo kiếm việc làm rồi chờ người đến rước.
- Lấy chồng cũng khó. Bọn con trai bây giờ khôn thấy mồ, chỉ muốn cặp bồ chứ ít tên nào chịu cưới hỏi đàng hoàng. Chúng nó sợ trách nhiệm.
- Và vì tham lam.

Đôi mắt Thủy chợt xa xăm, Hoàng Lan nhìn thấy trong mắt Thủy một gợn mây xám :
- Tiếc cái, Hào nghèo quá. Một trở ngại lớn cho cả hai đứa tao. Đó cũng là một lý do khiến ta có ý định không vào Đại Học, để đi làm.
- Đi làm để dành dụm tiền giúp chàng cưới vợ.
- Có lẽ vậy.

Cả hai cùng cười. Thủy chợt nói :
- Chuyện mày ra sao?

Hoàng Lan chậm chạp :
- Chả có gì.
- Khanh thi chưa?
- Rồi.
-Kết quả?
- Chưa.
- Chắc sắp tính tới phải không?

Hoàng Lan lắc lắc mái tóc. Nàng tự hỏi : tính tới gì nhỉ, tính tới đâu. Ta đâu có muốn lấy chồng, tao vẫn còn thèm tự do. Và tao vẫn còn quá nhiều lãng mạn. Tao yêu Khanh lại yêu cả Tuấn. Cứ sống như vậy mà thích. Tao chẳng lừa dối ai. Tao sống thật lòng tao. Nhưng kéo dài đến bao giờ?

Nàng trả lời Thủy :
- Không. Nhà tao còn bà Nga chưa đi mà, tao đi trước sao tiện?

Thủy trề môi :
- Ôi dào. Thời buổi này. Đứa nào đi trước được thì đi, chờ nhau khéo ế sạch. Nhưng bà Nga có ai không chứ?



Hoàng Lan gật đầu nói nhỏ :
- Có, nhưng ông kia hình như … dở giọng rồi. Mấy tháng rồi không có tin tức gì cả. Có lần tao hỏi, bà Nga bảo ông ấy mặc cảm nghèo túng…

Thúy thở dài :
- Tất cả chỉ tại nghèo. Đúng nghèo là một cái tội.

Hoàng Lan tựa lưng vào thân cây :
- Có khi nào mày thấy yêu một lúc hai ba người không?

Thủy mở to mắt :
- Gì vậy nhỏ?
- Trả lời đi.
- Với tao thì không, hoặc chưa. Nhưng tao biết có nhiều người như vậy.
- Phải thế là giả dối?
- Còn tùy từng trường hợp.
- Mày kết luận thế nào về việc ấy?
- Đó cũng là tình yêu. Ông anh họ tao yêu cùng một lúc ba người con gái, say đắm ngang nhau. Ông ấy khổ vì chuyện ấy, nhưng lại tự cảm thấy sung sướng. Tuy nhiên theo tao thứ tình yêu đích thực vẫn là dành riêng cho một người trên mọi khía cạnh.

Thủy nhìn Lan soi mói :
- Tại sao mày hỏi tao thế?
- Không có gì.
- Đừng dấu. Phải mày ở trong trường hợp đó không?

Hoàng Lan nhìn ra xa. Nắng đổ chói chang trên khắp mọi chỗ, khắp mọi nơi, không gian im vắng lạ lùng. Chỉ có tiếng xe cộ lao xao vọng đến. Nàng bâng khuâng :
- Có lẽ tao sắp khổ trong sung sướng như ông anh mày.

Hoàng Lan nhìn lên. Vòm lá trên cao lay động. Hai chú chim sâu chuyền cành, đuổi nhau từ nhánh nọ sang nhánh kia. Có đôi thì hạnh phúc. Nhưng có ba? Bắt mình làm công việc chọn lựa đã hiển nhiên có sẵn. Mình chỉ việc xác nhận lại thôi.



Tuấn đã từng nói :
- Anh sẽ trả em lại cho em, khi em nhận lời cầu hôn của Khanh hoặc một người nào. Anh không giữ em, vì em chỉ là của anh những lúc này, và mai kia anh sẽ mất.

Như nàng đã từng nói :
- Em yêu Khanh và có lẽ sẽ lấy Khanh.

Tình yêu giữa nàng và Tuấn như tình yêu đối với hoa, với nắng, với gió trăng. Vậy có gì phải chọn lựa? Nhưng Tuấn vẫn là một cuốn hút bắt Hoàng Lan phải nghĩ tới và bâng khuâng không muốn mất.

Tiếng Thủy nhẹ nhàng :
- Đúng là phiêu lưu. Nhưng thú thật tao cũng muốn được phiêu lưu như vậy một lần.

Hoàng Lan mỉm cười vô nghĩa. Vậy là mình sung sướng? Vậy là mình hạnh phúc hơn người khác. Hay chỉ là một cuộc phiêu lưu có hại mà một người con gái không nên nhập cuộc?

Thủy nói :
- Mi cũng lãng mạn ghê.
- Tao không biết tao ra sao nữa.
- Có lúc nào mày thấy lòng mình bứt rứt vì chuyện ấy?
- Không, rất thảnh thơi. Vì rất trong sạch, tao nghĩ thế và tin thế.
- Vậy không có gì đáng phiền trách mình cả, hãy tiếp tục tin như thế.

Hoàng Lan duỗi dài hai chân, tiếng lá khô vỡ vụn dòn tan dưới gót.
- Thôi, đi học. Có lẽ chỉ có học mới làm mình quên đi mọi chuyện vẩn vơ.
- Ừ, cố gạo lấy vài bài, tụi buổi chiều sắp đến trường rồi đấy. Lát lại kéo nhau đến thư viện dành chỗ sớm, không thì hết.

Hoàng Lan nhìn trời :
- Nắng dễ sợ, sao ngại đi quá thể.

NĂM GIỜ, THỦY VÀ HOÀNG LAN RỦ NHAU VỀ SỚM. Thư viện giờ đó đông nghẹt người. Nếu không có luật im lặng, chỗ đó trở thành cái chợ chứ không thể là nơi kéo nhau đến để học hành, mua bán tương lai. Hai đứa gửi xe rồi thơ thẩn đi theo dọc đường Lê Lợi.

Hoàng Lan hỏi :
- Mua gì không?

Thủy lắc đầu :
- Không. Nếu thích, hai đứa mình ra khu Lê Thánh Tôn xem mẫu vải. Nghe tụi nó nói dạo này nhiều hàng ngoại mới về, đẹp lắm.
- Ừ, hồi sinh nhật bà cụ tao, bà Nga đi phố mua vải biếu cụ cũng nói có nhiều loại mới lắm. Từ đó đến nay đã bốn tháng, chắc thêm nhiều thứ lạ.

Buổi chiều nắng nhạt. Thiên hạ trốn nắng buổi trưa ở trong nhà, giờ này đổ ra đường đông như hội hè. Chen nhau mà đi, người này xô đẩy người khác. Mặc dù trời nóng nực oi bức, các bộ đồ trái mùa, quái dị vẫn được các cô cậu choai choai lôi ra trình diễn bằng thích, làm xốn xang con mắt mọi người, làm… dơ bẩn đường phố. Từng khoảng lưng trần nhễ nhại mồ hôi vì những bộ đồ hở hang nhưng lại dầy cộm. Từng chiếc áo chiếc quần ngắn cũn cỡn, chật căng, hở lưng hở ngực hở rốn … như tỏa ra mùi hôi hám. Từng đôi guốc đôi dép đôi giầy nặng bằng cả … chiếc thiết xa, lê lết nặng nhọc trên đường. Những cặp môi, những bàn tay đầy son, đầy thuốc màu mè nhức nhối nóng nực, những mái tóc nhuộn đủ mầu trét keo cứng nhắc, xác xơ

Hoàng Lan và Thủy ôm cặp len lỏi giữa sóng người. Hai tà áo dài trắng có vẻ lạc lõng, không giống ai. Nhưng cả hai cùng phớt tỉnh. Thiên hạ bày hàng vải ra đầy hè phố. Những hàng bán sold có vẻ đắt khách. Sale off 30 – 40 – 50% … Hoàng Lan thấy vui vui. Thủy kéo Hoàng Lan lê la hết cửa hàng này sang cửa hiệu khác và luôn miệng xuýt xoa :
- Nhiều thứ mê quá mày ạ.
- Ừ.
- Thứ này được không?
- Được nhưng hơi dầy.
- Loại mới về đây nhỉ.
- Ừ, giá đắt quá.

Hai cô thi nhau bình phẩm. Thủy chợt ngẩn người dáo dác nhìn. Hoàng Lan hỏi :
- Gì thế?
- Đây đã gần cửa hông chợ Sàigòn chưa nhỉ?

Hoàng Lan chỉ tay :
- Kia kìa, xế đầu con đường này.

Thủy nói khẽ :
- Mày đi với tao nhé.
- Đi đâu?
- Đến Hồng Hoa.
- Mua … hả?
- Ừ. Cũ hết rồi.

Hoàng Lan gật đầu :
- Đi thì đi. Mày số mấy?
- Chín mươi.
- Tao tám mươi lăm.

Thủy gật gù :
- Vậy là vừa. Tao nhiều khi thấy bực mình vì mấy đôi mắt cú vọ cứ hau háu nhìn như muốn ăn tươi nuốt sống.

Hoàng Lan cười khe khẽ :
- Quyền tự do cá nhân mà.
- Đồng ý, nhưng mình vẫn thấy bực. “Cửa hiệu dành riêng cho quý cô” – Hồng Hoa – hiện thời ăn khách nhất. Đông nghẹt người, chen nhau mà ngắm, mà thử, mà ướm, mà lựa chọn. Các cô kêu, gọi ơi ới. Thủy phải vất vả lắm mới chen được vào sát quầy, lục trong đống đồ trước mắt, hỏi han luôn miệng. Hoàng Lan nhăn mặt vì hơi người bốc lên nồng nực. Nàng chỉ muốn quay trở ra. Nhưng lại sợ Thủy giận, một lúc Thủy quay lại :
- Xong rồi, ra đi mày. Tao mướt cả mồ hôi.
- Mua được đủ chưa?
- Rồi, hai trên ba dưới.

Hoàng Lan phì cười. Con nhỏ này, mồm miệng nhanh nhẩu láu táu đến hay. Nàng hỏi bạn :
- Đi đâu nữa đây?
- Kiếm cái gì ăn đi. Bữa trưa chỉ có miếng bánh mì, không đủ no.
- Tao cũng thấy đói bụng.

Con đường dầy đặc hàng quà, loại gánh rong, la liệt như khu chợ nhỏ, hai bên đường. Đủ thứ, không thiếu một món gì. Mùi thơm và khói bốc lên làm hai thấy nước miếng ứa ra miệng.

Thủy ghé tai Lan thì thầm :
- Mày dám không?
- Đông người quá.
- Ăn thua gì. Không thấy thiên hạ ngồi lố nhố đó sao. Cứ nhìn vào cái tô, đừng nhìn ai là không thấy ai hết.

Lan cười rú lên :
- Trời đất. Bộ làm thế thiên hạ không thấy được mình hay sao.
- Kệ. Hay là ngồi quay mặt vào phía trong, quay lưng ra ngoài.

Hoàng Lan ngần ngại, nhưng đã có vẻ xiêu lòng :
- Cũng tạm ổn. Nhưng tính ăn gì?


Thủy chỉ một bà già người Bắc :
- Bún riêu. Tao xem hàng bà kia có vẻ ngon, đông khách đó.

Hoàng Lan không còn đủ cam đảm đứng bàn cãi giữa đường, hối thúc :
- Ừ. Thôi thì đại đi, đứng tính tính toán toán thế này người ta để ý.
- Thì làm sao?
- Kỳ chết.

Hai người len vội vàng vào trong, ngồi thụp xuống mấy chiếc ghế gỗ thấp lè tè, chỉ cao hơn mặt đất chừng hai tấc. Thành ra người ngồi phải ở tư thế ngồi xổm, dạng … tè he. Nhưng chả ai thèm giữ ý, nhìn hau hau vào mặt người bán hàng mà gọi loạn cả lên. Thủy và Hoàng Lan đặt cặp vào giữa bụng và hai chân, khom về phía trước cho khỏi rơi xuống đất. Bà hàng đon đả :
- Hai cô ăn bún riêu nhé.
- Bà cho hai tô.
- Nhiều bún.
- Một tô không lấy giá sống.

Gọi xong cả hai nhìn nhau cười thấy mình có đúng tác phong của người ăn quà chuyên nghiệp. Một chút tô bún nóng hổi được đưa ra. Hai người đỡ lấy và bắt đầu suỵt soạt vì nóng và cay.

Ăn hết tô bún, Thủy nháy Lan :
- Bis chứ?

Hoàng Lan gật đầu liếm môi :
- Ngon đấy chứ.
- Còn phải nói.
- Rồi, hai tô tiếp theo và … còn nữa.

Mỗi người cuối cùng đã làm hết ba tô. Nhẵn nhụi.
- Rẻ đấy chứ?
- Ừ, rẻ.

Ngó trước ngó sau, hai cô đứng vụt dậy bước ra ngoài.

Cả hai tiếp tục tán dóc về những hàng quà. Hoàng Lan bỗng nghe một giọng nói quen thuộc ở sau lưng :
- Có người trốn học.

Tuấn cười cười khi Hoàng Lan quay lại. Nàng mừng rỡ :
- A, anh.
- Định đi đâu đây?
- Tụi em bát phố.

Và nàng giới thiệu Thủy với Tuấn. Thủy mỉm cười duyên dáng và thật điệu để đáp lại câu chào của người đàn ông. Hoàng Lan nhí nhảnh :
- Tụi em đang khát nước.

Tuấn vui vẻ :
- Anh đưa các cô đi ăn kem nhé.
- Nhất anh.

Hoàng Lan quay sang Thủy :
- Đi chớ.
- Không có gì trở ngại.

Cả ba cùng cười, đi ngược lại đường Lê Lợi vào Caravan. Hơi lạnh làm Hoàng Lan dịu lại, cơn nóng bức vì trời, vì tô bún nóng, vì ớt cay tan biến nhanh.
- Anh không đi làm à?
- Có. Ngồi buồn đi lang thang một lúc.
- Sao cả tháng nay mất mặt anh.
- Lại vừa đi xa về. Công việc.

Ba ly kem trước mặt ba người. Tuấn dục :
- Ăn đi các cô.

Hai cô gái nhấm nháp từng chút, điệu như tiểu thư. Tự nhiên Tuấn mỉm cười khó hiểu. Hoàng Lan khẽ đá chân vào chân Tuấn :
- Cười gì?
- Không.
- Có. Rõ ràng.
- À … cười ruồi.

Ánh mắt Hoàng Lan long lanh :
- Ư … nói gì thế?
- Ăn đi, có gì đâu.
Thủy thoáng nghe những câu đối đáp giữa hai người. Nàng thả hồn nghĩ ngợi. Tuấn châm điếu thuốc. Thủy kín đáo quan sát người đàn ông trước mắt. Hơi gầy và có vẻ phong trần. Nụ cười thật đẹp, cuốn hút và nhiều đam mê, ánh mắt hơi … lẳng, buồn vời vợi. Ánh mắt ấy đang nhìn Hoàng Lan đầy âu yếm. Thoáng cái, Thủy hiểu ngay đây là nhân vật thứ ba trong bộ ba, sau Hoàng Lan và Khanh. Khanh thì Thủy đã gặp mấy lần, nhưng người đàn ông này thì chưa. Tuấn có vẻ khác xa. Khanh trẻ hơn nhưng có vẻ ông cụ. Anh chàng này lại trẻ trung như trai mới lớn. Thủy hiểu ngay tại sao cùng lúc Hoàng Lan chọn cả hai người.

Thủy ngồi yên nghe hai người nói chuyện. Anh chàng hỏi han Lan về chuyện học hành thi cử. Thủy ngạc nhiên khi thấy Lan kể một cách thích thú và Tuấn cũng có vẻ nghe say sưa.

Chiều tàn bên ngoài cửa kính. Phố xá tấp nập thêm. Thủy nhìn đồng hồ :
- Sáu rưỡi rồi, tao về Lan ạ.

Hoàng Lan níu tay Thủy :
- Chờ tao về cùng với.
- Sao không về với anh Tuấn?

Hoàng Lan nhìn Tuấn rồi trả lời :
- Chắc anh ấy bận. Vả lại anh ấy lái xe hơi, tao còn chiếc xe máy, bỏ đâu?

Hai người chia tay với Tuấn, Hoàng Lan dặn Tuấn :
- Nhớ ghé nhà, em có chút việc nhờ anh nhé.
- Khi nào?
- Càng sớm càng tốt.
- Ừ, anh sẽ đến ngay.
- Rồi, về đi.
- Đuổi à?

Hoàng Lan tình tứ :
- Ừ.
- Để còn ra lê la hàng quà phải không?

Hoàng Lan kêu :
- Còn lâu, thì giờ đâu?
Tuấn chợt cười nho nhỏ :
- Mỗi cô ba tô bún riêu, trời đất!

Nói xong Tuấn đi giật lùi, lẩn vào đám đông. Hoàng Lan chợt hiểu ý nghĩa nụ cười của Tuấn lúc ở trong tiệm kem. Chắc Tuấn đã gặp hai người từ trước và đã rình thấy hai cô vào lê la hàng bún. Hoàng Lan giật mình, quay sang Thủy và bắt gặp màu hồng e thẹn trên má bạn.

Hoàng Lan kêu :
- Khổ rồi.

Thủy cũng kêu :
- Chết cha, ông ấy trông thấy tụi mình ngồi húp bún rồi mi ạ.
- Không khá được. Điệu này lần sau cóc dám đến khu ấy nữa.
- Nguy quá, chắc tao không dám gặp lại ông anh mày đâu. Ngượng chết được.

Hoàng Lan nghĩ lại thấy tức cười và mắc cở. Tệ quá, Tuấn tệ thật. Đàn ông gì … bê bối, lang thang ở khu đàn bà con gái. Hồi tưởng lại dáng dấp mình lúc ngồi ăn quà, Hoàng Lan ngượng tê tái cả người. Bỗng nhiên nàng cười thành tiếng, rồi cơn cười ập đến, Hoàng Lan rũ ra cười. Thủy cũng cười theo, luôn miệng kêu :
- Chuyến này cả nước nghe danh hai tổ sư ăn quà mất.

Hoàng Lan chợt hỏi :
- Mày có để ý thấy ông Tuấn lảng vảng gần đó lúc mình ăn không?

Thủy lắc đầu :
- Mải ăn còn nhìn thấy ai. Vả lại tao theo đúng chính sách nhìn vào tô thì không thấy ai và … không ai thấy ta mà.
- Cái chính sách của mày … không khá được.

Hai người vội vã đến khu gửi xe. Lúc lấy xe, Thủy hỏi nhỏ :
- Này Lan.
- Gì?
- Có phải anh chàng Tuấn là nỗi sung sướng trong đau khổ của mày không?



Hoàng Lan đứng im. Thủy tiếp :
- Khỏi cần trả lời, nếu không thích nói. Nhưng tao tin tao nói đúng, cứ nhìn mắt mày cũng thấy.
- Mắt tao làm sao?
- Nó cười tươi như hoa, nó sung sướng, nó hạnh phúc. Nó giống ánh mắt ông Tuấn nhìn mày lúc ở trong tiệm kem.
- Chà, con nhỏ này rình mò ghê quá.
- Bậy, ta đàng hoàng mà. Chỉ có tụi mi quên cả ta thì có. Nên ta có cơ hội để quan sát cả hai. Sự thật, ông anh mày chính là “người đó” phải không?

Hoàng Lan cười cười :
- Thôi về đi nhỏ, hỏi làm gì?

Thủy dắt xe xuống đường :
- Mi sướng, hai tên bồ. Tên nào cũng chững chạc. À mà Tuấn làm gì vậy?
- Phụ Tá Giám Đốc một Công Ty.
- Khá quá. Nhưng Hoàng Lan sẽ khó nghĩ, phải không?

Không biết chọn lựa thế nào giữa hai người tương lai đầy tốt đẹp như thế.
- Sai, tao đã chọn từ lâu.
- Ai?
- Khanh!

Nói xong Hoàng Lan cười thật nhẹ, mở máy xe phóng vụt đi. Còn lại một mình, Thủy băn khoăn tự hỏi Hoàng Lan nói thật hay nói dối? Nếu nói thật, tại sao ánh mắt hai người lại vẫn còn thiết tha đến vậy?

HƠN MỘT THÁNG TRỜI MONG ĐỢI, TỐI NAY TUẤN ĐÃ hiện ra trước mặt Nga như trong mơ. Không dấu được vui mừng, Nga ôm chầm lấy cánh tay Tuấn, reo vui :
- Trời, anh. Anh đi đâu cả tháng nay?

Và chợt nhận ra sự lộ liễu quá đáng của mình, Nga buông tay Tuấn, bẽn lẽn. Tuấn cười vui :
- Anh đi xa, công việc. Tối nay anh sẽ ở lại đến khuya nếu cô cho anh ăn một chầu chè sen.

Nga ngỡ ngàng :
- Nấu chè thì sẵn sàng, nhưng không tìm ra được hàng bán hạt sen.

Tuấn lắc đầu :
- Khỏi cần. Anh có mang đến đây này.

Tuấn đưa ra một gói giấy khá lớn. Nga kêu lên :
- Chà, nhiều quá. Anh mua dữ vậy?
- Người ta cho, chứ mua làm gì, trừ phi mua để biếu người khác.

Giọng Nga âu yếm :
- Anh ra Balcon ngồi nghỉ đi, để em bảo Thu nó nấu và em pha nước chanh cho anh.

Tuấn nghe như giọng Nga có vẻ khác lạ, hiền ngoan như vợ nói với chồng. Tuấn nhìn Nga, ánh mắt nàng bối rối quay đi. Tuấn gật đầu :
- Ừ, anh ra ngoài đó trước nhé.

Nga mang gói hạt sen xuống nhà dưới. Thu đang ngồi học bài ở bàn học. Nga định sai em, song lại thôi. Nàng mang vào bếp, tự làm lấy. Và pha một ly nước chanh, nhiều chanh nhiều đường cho Tuấn.

Khi Nga mang ly nước chanh lên Balcon, Tuấn nằm gọn trong chiếc ghế dựa, mắt nhắm ngủ. Nga đặt ly nước trên chiếc ghế đẩu cạnh chàng và ngồi xuống gần đó. Nga yên lặng nhìn Tuấn. Tình cảm nàng bừng bừng sống dậy, nỗi nhớ, nỗi thương dồn dập trở về. Nga tự hỏi tại sao mình lại không yêu Tuấn ngay từ những năm trước. Tại cái vẻ anh em ngăn cách, hay tại lúc đó Nga còn mải mê săn tìm những hình bóng bên ngoài.

Sau buổi tối đi chơi với Tuấn về, Nga chợt nhận thấy một niềm vui lan rộng trong hồn, một nỗi êm ả thấm nhuần khắp cơ thể. Nga buông xuôi không tìm hiểu. Những ngày sau Tuấn đến chơi thường xuyên, những lần gặp gỡ ấy bắt Nga thao thức trước khi ngủ. Đến lúc đó Nga mới nhận thấy với mình, hình ảnh người con trai đã đi xa giờ trở thành mờ nhạt. Và Tuấn, với những dễ thương, đã đến ngự trị óc nàng, tim nàng suốt những buổi tối dài, những đêm khuya thao thức, những giấc trưa trằn trọc …

Nga hiểu rằng mình đã yêu Tuấn.

Nỗi nhớ nhung bắt đầu day dứt Nga khi Tuấn bỗng biệt tăm. Nàng định gọi điện thoại cho chàng, định đến tìm chàng ở Công Ty, nhưng lại tự dằn được ý định đó. Làm vậy lộ liễu quá, Tuấn có yêu mình đâu, Tuấn có biết gì đâu. Và Nga đành nén lòng chờ đợi. Hơn một tháng qua đi, đến hôm nay Tuấn mới trở lại, vẫn cuốn hút như bao giờ. Niềm thương nỗi nhớ dằn xuống bao hôm, bây giờ được bộc lộ trong cử chỉ, trong ánh mắt nàng.

Tuấn chợt trở mình, mở mắt và nhận ra Nga đang nhìn mình chăm chú. Nga bẽn lẽn quay đi. Tuấn hỏi :
- Nhìn gì anh thế?
- Có gì đâu. Em xem anh ngủ.
- Anh không ngủ, nhắm mắt … để đó.

Nga bật cười :
- Vậy là anh thức?
- Ừ. Nhắm mắt nghỉ ngơi không phải ngủ.

Tuấn ngồi nhỏm dậy, chiếc ghế sắt kêu lét két dưới sức nặng của chàng. Nga bảo :
- Nước chanh của anh đó
- Em pha?
- Vâng, không phải Hoàng Lan. Nhưng cũng vừa ngọt vừa chua theo ý thích của anh. Em học lại của nhỏ Lan rồi.
- À, Lan đâu?

Tuấn làm vẻ thờ ơ nhắc đến Lan. Nga đáp :
- Lan nó đang tắm. Con nhỏ bữa nay được một phen mệt vì tới phiên làm bếp, vừa đi học về đã phải làm. Mai tới lượt em.

Tuấn rùng mình nhè nhẹ. Hoàng Lan tắm. Ba tiếng đó gợi lại buổi hôm nào. Về sau, đã có lúc Tuấn hồi tưởng lại và bỗng tiếc, giá mình được hôn, được ôm nàng … Như thế là vẩn đục cả, là xác thịt, là đam mê đã thắng. Và không còn gì đẹp nữa. Tuấn phải lắc lắc đầu, cố nghĩ tới chuyện khác.

Nga rút hai chân lên ghế, ngả về một bên. Nàng ngửa cổ, mái tóc xõa xuống vai, hai tay Nga luồn ra sau túm mái tóc lại bằng sợi thung nhỏ. Tuấn nghĩ thầm :
- Mấy chị em nhà này cô nào cũng chân dài, cũng đẹp cả.

Có tiếng lách cách và đèn bật sáng, Hoàng Lan xuất hiện ở khung cửa ra Balcon. Nga gọi :
- Ra đây chơi, Lan.

Hoàng Lan cười với Tuấn, bước đến ngồi cạnh chị. Bộ đồ lụa thật mát mắt, bóng bẩy dưới ánh đèn. Lốm đốm vài giọt nước loang đổ trên vai áo nàng, từ mái tóc ướt rớt xuống. Hoàng Lan trùm chiếc khăn lông lên mái tóc dài ép hai tay bên ngoài chà mạnh cho tóc mau khô.

Tuấn hỏi :
- Mệt hả?
- Dạ.
- Chiều nay cô làm đầu bếp phải không?
- Vâng, đến phiên em.
- Biết thế mà còn đi chơi cả buổi chiều.

Hoàng Lan kêu lên :
- Anh chỉ nói quá. Tụi em ở thư viện ra lúc năm giờ chứ bộ.

Tuấn qua sang Nga :
- Chiều Nga thấy Lan ăn mấy bát cơm?
- Em không để ý, hình như hai bát thì phải.
- Khiếp nhỉ? Ăn ba tô bún riêu rồi mà còn ăn được những hai bát cơm nữa cơ à?

Hoàng Lan nguýt dài Tuấn. Tuấn trêu :
- Điệu này ai mà lấy cô thì phải biết. Cả nhà đói vì nàng dâu ăn đến … thủng nồi trôi rế.

Hoàng Lan la “á” một tràng dài, dơ cao chiếc khăn lông đán vào người Tuấn. Nga cũng cười dòn, nhìn Tuấn dơ cả hai tay hai chân lên đỡ. Tự dưng Nga thấy mình người lớn, thấy mình đã đến lúc có thể lấy chồng một cách tự nhiên, không còn e ngại là quá sớm nữa.

Buổi chiều, về tới nhà, Hoàng Lan đem chuyện ăn bún ở chợ bị Tuấn bắt gặp ra kể cho mẹ và Nga nghe. Mẹ mắng cho Hoàng Lan một trận về tội con gái lớn mà còn lê la như vậy coi không đúng đắn tí nào. Nga thì tức cười, mường tượng ra cái cảnh khôi hài của hai cô gái khi biết mình đang làm trò … “khả ố” mà bị bắt gặp. Nhưng Hoàng Lan nói Tuấn rình lén, cả hai không ai hay, mãi tới lúc chia tay Tuấn mới bật mí cho biết.

Nàng hậm hực chờ Tuấn đến, buổi tối, để vặn hỏi cho rõ chuyện. Nhưng khi Tuấn ngồi trước mặt nàng, lúc này, nàng lại thấy khó khăn, không biết đề cập đến chuyện đó cách nào cho khéo. Mắc cở chết được.

May sao, Tuấn đã mở lối cho Hoàng Lan. Nàng níu lấy cơ hội.
- Anh Tuấn.
- Dạ.

Tiếng dạ đầy vẻ hài hước, Hoàng Lan nghiêm mặt, nhíu mày :
- Đàng hoàng nào. Ngồi yên em hỏi.
- Ô hay, tôi vẫn ngồi yên đây thôi.
- Ừ … hồi chiều anh … rình em phải không?

Tuấn dơ hai tay lên trời kêu :
- Oan quá. Tôi rình cô hồi nào.
- Chứ tại sao anh biết?
- À, thì tôi đi lang bang qua khu đó, thấy … vui quá nên nhìn cho biết. Định nhìn thoáng thôi, nhưng sao thấy một dáng dấp quen thuộc ngồi … chồm hổm trong đó nên mở toang mắt ra nhìn thật kỹ. Quả nhiên thấy người đó …
- Sao?
- Nhìn xa tưởng quen, lại gần hoá ra … quen thật.

Biết Tuấn trêu mình, Hoàng Lan vẫn ráng ngồi yên. Giá không có Nga đang ngồi cười ngặt nghẽo bên cạnh, Hoàng Lan đã ra tay cảnh cáo Tuấn rồi. Nàng vặn tiếp :
- Rồi anh đứng đó nhìn?
- Khổ quá, chứ không thì làm sao bây giờ? Đành phải đứng nép vào sau chiếc xe hơi của thiên hạ, chờ cô ra, chả biết để làm gì. Chờ lâu quá anh nẩy ý đếm chơi. Bèn đứng đếm, kết quả đếm được mỗi cô ba bận …

Hoàng Lan nóng bừng hai tai, dù rằng Tuấn đã nói câu đó mấy lần. Tệ hại thật. Thế này thì tôi mất mặt quá trời, còn gì là tôi nữa đây. Các cụ mắng “con gái ăn quà như mỏ khoét” quả là không sai.

Tuấn tiếp :
- Chỉ khổ thân tôi …

Nga ngạc nhiên :
- Sao kỳ vậy?
- Thì đứng nhìn các cô ấy húp sùm sụp cũng phát thèm mà chẳng dám vào.

Hoàng Lan bật cười :
- Anh tò mò. Xấu hết chỗ chê.
- Bậy. Ai bảo cô nhào vô đó.
- Chỗ đàn bà con gái người ta …
- Nhưng cứ ngồi lồ lộ trước mắt người ta, bảo sao chẳng nhìn. May là tôi chứ nếu là anh chàng Khanh thì cô … làm sao.

Hoàng Lan bướng bỉnh :
- Em tỉnh bơ!

Nói thế nhưng Hoàng Lan nghĩ Tuấn nói đúng. Khanh mà thấy thì còn kẹt hơn. Dù sao Tuấn cũng … thông cảm mình hơn. Từ trước đến giờ Khanh chưa hề thấy Hoàng Lan ăn quà kỹ lưỡng như thế. Lần nào đi chơi, ăn uống nàng cũng chỉ ăn vừa phải, nhẹ nhàng, thong thả từng chút một. Điệu rơi điệu rụng. Chắc Khanh cũng không tin mấy là nàng thực sự như vậy, nhưng phải chấp nhận điều đó. Còn với Tuấn, chàng như người trong nhà, không dấu được điều gì.

Nga thôi cười, nói :
- Công nhận mày tệ đi.

Hoàng Lan cười bẽn lẽn :
- Ừ, công nhận. Tại đói quá.
- Và thèm nữa. Con gái mà.

Nga quay sang Tuấn vẻ âu yếm :
Anh Tuấn mà phổ biến tin này rộng rãi thì nhà này chắc … ế chồng hết.

Tuấn lắc đầu quầy quậy :
- Yên trí, yên trí. Cam đoan giữ kín và xin cứ tiếp tục … truyền thống ăn quà cao đẹp ấy.

Ba người cười ngả nghiêng.

Tuấn ở lại chơi đến khuya. Nga mang chè hạt sen để lạnh ra, Tuấn ăn luôn ba chén, nói là đua với Hoàng Lan. Nhân lúc Nga vào lấy nước uống, Hoàng Lan tát khẽ vào má Tuấn :
- Anh hư lắm.
- Tát đau quá.
- Còn đem chuyện đó ra trêu thì biết tay em.

Tuấn cười cười, nhìn Hoàng Lan. Ánh mắt nàng long lanh trong bóng đêm, mái tóc dài xõa rộng bay lất phất theo từng làn gió từ sông thổi vào.


Tuấn nhìn sâu vào mắt nàng :
- Đẹp.
- Không hiểu!
- Dễ thương!
- Không biết!
- Yêu!
- Không nghe!

Tuấn ghé sát Hoàng Lan, nghiến từng tiếng một :
- Anh nói anh yêu em lắm, nghe rõ chưa?
- Nói gì, tôi người ngoại quốc, tôi không hiểu tiếng Việt Nam.

Tuấn thì thào :
- I love you, darling!

Hoàng Lan làm bộ tỉnh bơ :
- Ô, tôi hiểu rồi. Anh nói anh người Thượng Du, không phải Kinh.

Tuấn phì cười, cấu nhẹ vào đùi Hoàng Lan. Nàng kêu lên oái một tiếng, ngồi xích ra xa.

Nga trở ra với tách trà nóng, Tuấn đỡ lấy trên tay nàng :
- Cám ơn Nga.

Nga mỉm cười duyên :
- Anh khách sáo quá. Cứ như chưa bao giờ em làm cho anh vậy.
- Thì Nga vẫn làm cho anh đủ chuyện từ trước tới nay, nhưng vẫn phải cho anh cám ơn chứ.

Nga đỏ mặt sung sướng. Câu nói ấy chứng tỏ Tuấn cũng chú ý tới những săn sóc của nàng. Buông lơi trí tưởng tượng đi thật xa, Nga thấy mình đóng vai trò một người vợ đảm đang. Lo lắng cho chồng, chiều chuộng chồng. Một cảnh gia đình đầm ấm được vẽ ra ngay đó. Nga lặng người trong giòng suy tưởng.

Tuấn đứng lên :
- Anh về nhé, khuya rồi.

Nga đứng lên theo :
- Để em xuống mở cổng cho anh.
Tuấn vô tình :
- Thôi, anh xuống một mình được rồi. Các cô cứ ở đây, xuống rồi lại mất công leo thang lên, cũng ngại chứ.

Tuấn biến mất sau khung cửa. Vài phút sau chàng đã ở dưới sân. Đứng dưới nhìn lên Tuấn thấy hai cô gái đang dựa lan can nhìn xuống. Tuấn dơ tay chào lại. Hoàng Lan chỉ gật gật đầu cười nhẹ.

Tuấn lại biến mất sau hàng dậu um tùm cành lá.






















KHANH TỪ CỬA BƯỚC VÀO TRONG LÚC HOÀNG LAN
đang ngồi đọc báo. Khanh kêu to :
- Lan ơi, anh có kết quả rồi.

Giật mình nhìn lên, Hoàng Lan hỏi vội :
- Đậu chứ?
- Đậu, dĩ nhiên. Ra trường rồi.

Hoàng Lan cười sung sướng :
- Chà, lối dữ.

Khanh nhìn quanh :
- Đi đâu cả mà có vẻ vắng thế.
- Cả nhà đi hết. Chỉ còn anh cu Lộc vẫn chưa chịu thức dậy, ở trên lầu.

Mắt Khanh rực sáng :
- Vậy thì … may quá.
- Gì thế?
- Em phải thưởng anh.
Chưa kịp hỏi Khanh, chàng đã nhấc bổng nàng lên trong vòng tay, quay một vòng tròn và đặt ngồi lên thành ghế. Khanh cúi xuống, hôn đắm đuối trên môi nàng.

Một lát, Hoàng Lan kéo Khanh ngồi vào ghế :
- Chỉ cái tật … ẩu là không ai bằng. Ngồi yên xem nào.
- Em ngồi xuống đây với anh.

Hoàng Lan ghé xuống cạnh Khanh.
- Anh đậu em thích không?
- Dĩ nhiên rồi.
- Mừng chứ?

Lan gật đầu. Anh đậu thì anh sẽ đi làm, anh sẽ có sự nghiệp và chuyện tương lai chúng mình sẽ tốt đẹp hơn, thuận lợi hơn.

Khanh pha trò :
- Sắp sửa đi vặn răng sâu kiếm tiền.

Hoàng Lan cười :
- Nghe chán quá.
- Ừ, chán thật. Nhưng vẫn phải làm, không thì kiếm đâu ra tiền cưới vợ.
- Cưới chi vậy?
- Để hầu mình.

Hoàng Lan thụi vào hông Khanh một quả, Khanh đỡ được
- Không chơi thế, đau.
- Đàn ông mà sợ đau
- Đau thì ai chẳng sợ.
- Dở.
- Dở mà bê nổi cái bằng nha sĩ.

Hoàng Lan bĩu môi :
-Dễ ợt.

Khanh cười cười :
- Dễ thì sau này cứ việc theo. Còn bây giờ nghe anh nói đây.
- Nói đi.

Khanh vạch chương trình :
- Mình đi chơi, tối chui vào xi nê.

Hoàng Lan nhăn mặt :
- Lại đi chơi, lại xi nê. Chỉ có từng ấy mục, chán thấy mồ. Vả lại chiều nay em làm sến.

Khanh ngẩn người :
- Nản nhỉ. Vậy làm gì bây giờ.

Hoàng Lan an ủi :
- Thôi ở lại đây chơi với em đến năm giờ rưỡi về cho em làm cơm. Ngày mai em trốn giờ Anh Văn đi chơi với anh cả buổi chiều luôn.

Khanh đành gật đầu. Hai người ngồi dựa sát nhau, Khanh choàng tay qua vai Lan. Hoàng Lan kêu khẽ :
- Ngồi đàng hoàng. Lỡ có ai về thì chết.
- Yên chí, chả ai về giờ này.
- Sao anh biết?
- Không. Anh tin thế.

Khanh cúi xuống, hai người trao nhau một cái hôn đắm đuối. Và một cái hôn nữa đắm đuối hơn. Rồi nụ hôn họ nối tiếp nụ hôn kia, không muốn dứt. Hoàng Lan thật sự bị kích thích, bị cuốn hút vào đam mê. Hai người tựa vai nhau, thủ thỉ đủ chuyện.

Một lúc Khanh chợt gọi :
- Lan này.
- Gì cơ?
- Chúng mình lấy nhau đi.

Hoàng Lan nghe lòng mình dội lên một cảm giác kỳ lạ. Không trả lời gì được. Nên ngồi im.
- Nhé. Nếu bằng lòng. Nếu em yêu anh …

Khanh nghe tiếng Lan thật nhỏ :
- Em yêu anh.
- Vậy thì mình lấy nhau đi. Anh đã ra trường và sẽ đi làm. Anh có sự nghiệp rồi …

Không nghe Hoàng Lan trả lời, Khanh nâng cằm nàng lên :
- Nhé, em?
- Bất ngờ quá.
- Anh không nghĩ là bất ngờ. Khi chúng mình yêu nhau, chúng mình hẳn đã nhiều lần nghĩ đến chuyện lấy nhau.
- Nhưng không nghĩ được là vào lúc này.
- Sớm hay muộn cũng đi tới chuyện đó.

Hoàng Lan thở mạnh, một hơi dài :
- Em còn muốn học. Em chưa muốn bỏ trường, bỏ thầy bạn.
- Thì em cứ tiếp tục sau đó.
- Và chưa ý thức nổi trách nhiệm của em đâu.
- Có gì mà lo ngại đến thế. Mình cũng như thiên hạ, và thiên hạ cũng khởi đi từ mình lúc này.

Hoàng Lan quay mặt ra sân nắng :
- Để em suy nghĩ đã.

Khanh gật đầu, giọng chàng đầm ấm :
- Ừ, em cứ nghĩ. Rồi trả lời anh sau. Bây giờ anh về, đã tới giờ em làm cơm rồi đấy.

Hoàng Lan gật đầu âu yếm. Hôn nhẹ lên trán nàng, Khanh bước nhẹ ra sân. Chiếc xe rồ máy rồi vụt ra đường.

Hoàng Lan quay vào, chậm chạp ngồi xuống ghế. Một thay đổi quan trọng sắp đến. Nàng sắp làm người lớn mất rồi. Sắp phải tự mình quyết định cho mình về một cuộc sống mới, đầy xa lạ. Sắp phải từ giã những dễ thương, êm ả của đời nữ sinh tươi trẻ, vô trách nhiệm, không vướng bận những ưu phiền của đời sống.

Tự dưng Hoàng Lan thấy lo sợ vẩn vơ. E ngại len lén vào lòng. Như thế là ta phải đổi thay tất cả. Thay đổi nếp sống là một điều đáng sợ cho mình. Nếp sống gia đình quen thuộc với cha mẹ với chị em đã như sợi dây ràng buộc thật chắc nàng vào những người thân. Bây giờ, gỡ tung các mối dây để bắt đầu cho những nút buộc mới, nàng thấy mình không đủ can đảm.

Hoàng Lan đi vào bếp. Nồi niêu, xoong chảo quen thuộc với tay nàng đến độ nhắm mắt lại cũng nắm đúng, quay mặt đi cũng cầm không sai. Một hôm nào sẽ xa cách chúng, buồn không tả nổi.

Hoàng Lan cất tiếng gọi Lộc. Tiếng gọi vang trong căn nhà vắng. Tiếng gọi quen thuộc, đầy thân mật và tự tin. Mai này sẽ không còn được như thế nữa. Nàng sẽ khép nép đi, khép nép ngồi, cân nhắc từng lời nói, từng cử chỉ. Nghĩ đến đó đã thấy buồn chán, dù có người bạn đời bên cạnh.

Từ đó, Hoàng Lan liên tưởng đến hình ảnh Tuấn. Sẽ không còn được quyền yêu Tuấn nữa. Sẽ không còn được phép đi với chàng rong chơi, sẽ không còn được thân mật với Tuấn như anh em, như cặp tình nhân lãng mạn nhất đời. Sẽ không còn được yêu thảnh thơi như yêu hoa, yêu nắng, yêu trăng, yêu gió.

Hoàng Lan buồn buồn, ngồi xuống một nấc thang, gục đầu trên gối.

Người buồn cảnh cũng buồn theo.

NGA QUẲNG CHIẾC VÍ LÊN BÀN RỒI NẰM LĂN RA GIƯỜNG. Hoàng Lan ủi đồ gần đấy, cất tiếng hỏi :
- Chị đói không, em dọn cơm cho chị nhé.
- Thôi, để tao lo. Ăn quà với tụi nó cũng thấy ngang bụng rồi.
- Chị đi chơi về đấy à?
- Không, ăn tiệc kỷ niệm hai năm thành lập Ngân Hàng.

Hoàng Lan kêu lên :
- Hai năm rồi nhỉ, chóng ghê.

Nga không đáp, nằm nhìn vẩn vơ trên trần. Hai con thạch thùng đuổi nhau trên đó, con này vừa đến gần con kia đã ngúng nguẩy bỏ đi. Tình yêu cũng là một cuộc chạy đuổi không ngừng. Nhất là tình yêu đơn phương, một chiều, lại càng thấm mệt cho kẻ đuổi theo.

Nga miên man nghĩ đến Tuấn. Nàng đã yêu Tuấn thật sự, yêu say đắm, nồng nàn. Nhớ Tuấn da diết, mong Tuấn điên cuồng. Nhưng vẫn không dám bày tỏ nỗi lòng với Tuấn. Mà Tuấn cũng vô tình không hay biết. Chàng như đang chạy đuổi một bóng hình nào khác.

Sau buổi tiệc, Nga gọi điện thoại đòi Tuấn đón về. Trong thâm tâm, Nga muốn có Tuấn để các cô bạn cùng làm ở Ngân Hàng nể chơi. Họ sẽ thì thầm với nhau :
- Bồ bà Nga đấy.
- Đẹp trai, lịch sự đấy chứ.
- Trông xứng đôi ghê.

Nga tưởng tượng như vậy. Nên khi Tuấn đến, Nga thật điệu bước lên xe, lờ đi những cặp mắt của các bạn, cười tình tứ với chàng và nhí nhảnh tươi thắm như một người đang tràn ngập hạnh phúc.

Tuấn quàng tay sau lưng Nga đóng cửa xe, và mở máy chạy. Nga nói :
- Anh cho Nga ghé Bưu điện.
- Đồng ý.
- Em gửi ít thiệp chúc Tết cho những người quen.
- Có anh không?

Nga mỉm cười không nói. Tuấn tiếp :
- Nếu có, đưa anh nhận cho, gửi bưu điện vừa lâu vừa tốn tem.

Nga mở xách tay, rút trong xấp thiệp chúc Xuân trao cho Tuấn một cái. Tuấn nói cám ơn rồi đặt chiếc thiệp ngay ngắn phía trên tay lái, sát kính xe.
- Để đây, tối về đọc xem cô chúc gì.
- Chúc tất cả những gì anh muốn.

Tuấn cười lớn :
- Anh chẳng muốn gì nhiều. Chỉ muốn một chuyện.

Nga nhìn Tuấn dò xét :
- Anh thích gì?
- Muốn có đủ tiền lấy vợ.

Nga rùng mình nhè nhẹ.
- Anh lấy ai, giới thiệu với em được không?

Tuấn cười cười :
- Có ai đâu. Là mình tính trước thế . Ba mươi ba rồi, cũng phải lập gia đình thôi chứ.

Nga gật đầu :
- Đúng rồi, anh phải lập gia đình.
- Nga tìm hộ anh nhé.
- Không bao giờ.

Nói xong Nga thấy mình kỳ cục, sợ Tuấn để ý, Nga tiếp :
- Anh thì thiếu gì, giới thiệu rồi anh lại chê thì quê lắm.

Tuấn vung tay :
- Bậy. Mang ơn cô không hết.

Trong lòng Nga thì nghĩ :
- Sao anh còn đòi em giới thiệu. Anh không nghĩ, không biết là em yêu anh sao?

Nhưng ngoài mặt Nga lại tỏ vẻ hờ hững đối với chuyện giới thiệu bằng cách chê Tuấn :
- Các ông bây giờ có ông nào chịu tính chuyện đúng đắn, lâu dài đâu mà cứ đòi làm mai.
- Nói như Nga đàn ông các anh toàn tính chuyện … bất lương?
- Không phải thế. Nhưng các ông trốn trách nhiệm.
- Chứ không phải các cô kén chọn?
- Tùy người chứ anh.

Tuấn bỗng gật đầu :
- Ừ. Nga nói cũng đúng. Đàn ông sợ trách nhiệm, lười biếng. Riêng anh còn những lý do khác.
- Còn gì nữa anh?
- Sợ thực tế không đẹp. Tính anh lãng mạn, gặp những sự thực phủ phàng thì càng ngại chuyện lấy vợ hơn.

Nga lặng im. Tuấn tiếp :
- Anh có một thằng bạn. Hai vợ chồng hắn thương yêu nhau lắm, nhưng cô vợ cứ mỗi lần giận dỗi thì … tàn canh giá lạnh. Thô lỗ, cộc cằn, từng lời nói, từng cử chỉ. Tên bạn anh thất vọng vô cùng, nhưng tình yêu của hắn sâu đậm quá rồi, nên hắn đành chấp nhận.
- Cô đó tệ quá.
- Bởi vậy anh e ngại mình cũng sẽ đi đến bế tắc như thế, nếu gặp nhầm người.

Nga muốn nói :
- Anh sẽ không bao giờ gặp người như vậy. Vì em không giống vợ bạn anh.

Tuấn tiếp tục :
- Không gì chán chường hơn là sống cả đời cạnh một người đàn bà luôn luôn đưa mình từ thất vọng này đến thất vọng khác.

Nga nhìn Tuấn. Vẻ mặt chàng thật thành khẩn. Nàng hiểu Tuấn đang sống thực với lòng.

Xe chạy quanh quanh trong thành phố. Tuấn hỏi :
- Ăn kem chứ.
- Thôi anh, ăn kem hoài chán lắm.
- Vậy cô chọn mục đi.
- Anh rảnh không?
- Rất rảnh.
- Vậy mình ra khu Mũi Tàu Phú Lâm hóng gió đi. Thiên hạ hay ra đó nhìn mặt trời lặn.

Nga thấy Tuấn quay hẳn sang nhìn nàng, mỉm cười chế diễu. Nàng hỏi :
- Anh cười gì đó?
- Cô có vẻ rành nhỉ?

Nga đỏ mặt :
- Bọn bạn em nói thế. Chứ cho đến bây giờ em còn chưa biết mũi tàu Phú Lâm ở đâu.
- Ở Phú Lâm.

Tuấn đậu xe cạnh một hàng bắp rang điện, mua hai gói lớn.
- Để ra đó ăn cho vui.

Một lúc sau xe đã ra vùng ngoại ô. Đến Phú Lâm Tuấn rẽ về phía bãi đất rộng. Giờ đó nắng sắp lặn, đỏ rực cả chân trời. Thiên hạ kéo ra đây giải trí những buổi chiều oi ả, câu cá, hóùng gió, nhìn trời đất đi vào hoàng hôn.

Hai người mở tung cửa xe cho gió lùa vào. Mái tóc Nga lồng lộng bay xuôi. Làn gió mơn man da mặt, ve vuốt trên thân thể. Một cảm giác thoải mái tràn ngập hồn Nga.

Tuấn châm điếu thuốc. Khói thuốc lùa thơm ngát trong lòng xe. Nhưng Nga lại nói :
- Anh hút thuốc tối ngày. Độc hại lắm đấy.
- Hút theo thói quen.
- Chứ không phải anh nghiện nặng? Bỏ thuốc đi…
- Có thể. Anh sẽ bỏ dần.

Nga ngả người vào nệm xe, vòng hai tay sau gáy. Tuấn nhìn Nga trong dáng điệu ấy. Hai cánh tay co làm ngực nàng căng lên khêu gợi, hai bàn tay đỡ nhẹ hai bên má bầu bĩnh dễ thương.
- Đó là khuôn mặt của người trẻ lâu. Tuấn nghĩ. Và chàng chợt nghĩ tới Hoàng Lan. Cô bé giờ này làm gì nhỉ ?

Nga lim dim đôi mắt, khẽ liếc nhìn Tuấn, ánh mắt chàng thật kỳ lạ. Như nhìn nàng chăm chú mà như thật xa xăm, mơ mộng ở đâu đâu. Nga tự nói :
- Giá Tuấn hôn mình, mình sẽ để yên.

Tuấn ghé lại sát gần Nga, và Nga tưởng Tuấn sắp thực hiện điều nàng nghĩ. Nhưng Tuấn chỉ nhặt một cánh lá me khô nhỏ xíu bám trên mái tóc nàng tự bao giờ. Nga thở ra nhè nhẹ.

Một cặp nhân tình ôm vai nhau đi bách bộ qua đầu xe. Tuấn buột miệng kêu :
- Giống quá.

Nga ngỡ ngàng ngồi thẳng dậy :
- Anh nói ai?

Tuấn chớp chớp mắt :
- Không.


Nga nhăn mặt :
- Anh bữa nay … kỳ cục. Toàn cứ … nửa chừng không à.

Tuấn không hiểu nàng nói gì. Nhưng biết Nga trách móc thái độ của mình, chàng quay sang Nga thân mật đặt tay lên tay nàng.
- Anh xin lỗi. Để anh kể cho nghe.

Nga vẫn nhăn nhăn :
- Em có bắt anh đâu.
- Thôi mà.
- Chuyện riêng của anh, đừng miễn cưỡng rồi lại trách.
- Mình thân nhau như anh em một nhà từ bao năm nay, anh có kể cho em nghe cũng đâu có sao. Vả lại, chuyện cũ mà.

Nga buồn phiền. Mình thân nhau như anh em. Chỉ thế thôi sao? Anh vẫn không biết, không hay gì hết sao. Hay phải đợi đến lúc em nói cho anh biết là em yêu anh, anh mới để ý đến em?

Nàng cố gắng dịu dàng :
- Vâng, anh kể đi.
- Cô gái đi trước mũi xe vừa rồi gợi anh nhớ cô bồ cũ. Người con gái anh đã yêu thương tám năm trước đây. Tên cô ấy là Trâm. Hai người thân nhau được hai năm thì tan vỡ.

Tuấn ngồi im thật lâu. Nga không thể nhịn được, quay sang ra bộ trách móc :
- Lại dở dang nửa chừng.

Tuấn mỉm cười :
- Xin lỗi. Anh đang hồi tưởng lại những ngày vui cũ. Hai đứa thương nhau ghê gớm, tưởng chừng không thể nào thiếu nhau nổi. Nhưng một ngày cô gái ấy đã quay lưng.
- Lý do?
- Tiền. Sự giàu sang của kẻ khác. Anh hai mươi lăm tuổi, chưa đủ sức tạo một cơ nghiệp trong đời. Vì vậy sau này anh đã tự hứa với lòng sẽ cố gắng đem hết sức ra tạo cho mình một địa vị, một tài sản để không còn bị ám ảnh và mặc cảm vì thua sút người khác.

Trên đường anh đi sau tám năm qua, anh đã gặp nhiều người con gái khác. Có lẽ anh đã trở thành khó tính, có lẽ anh đã thiếu công bằng, nhưng đã nhận thấy điều này rất đúng : khi quen nhau người ta cố tìm những nét đẹp ở đối tượng để yêu cho bằng được, đến khi cần quyết định sau thời gian dài yêu nhau, người ta lại cố tìm cho được những nét xấu của người kia để có lý do ruồng bỏ nhau.

Nga gật đầu đồng ý :
- Em cũng nghĩ thế. Bạn bè em nhiều đứa có những mối tình thật đẹp, em luôn ngỡ ngàng khi nghe tin tan vỡ. Thực sự thì người nào chẳng đầy nết xấu. Ngay cả tính nết người này không hợp với người kia cũng bị coi là nết xấu rồi, khi người ta muốn nghĩ thế.

Nhưng đưa những lý do đó để bào chữa cho mình khi ruồng bỏ người kia, kẻ đó thực sự chỉ nhằm thực hiện được ý muốn thầm kín là trốn trách nhiệm, hay đã chán vì sự thân mật lâu ngày. Đó là một sự ích kỷ, lợi dụng, vô trách nhiệm, lường gạt đáng xấu hổ.

Tuấn cười :
- Cô có vẻ hăng thế.

Nga giật mình. Nàng nghĩ tới người bạn gái và mối tình dang dở của cô ta. Hai người yêu nhau một thời gian dài. Tin cẩn người yêu, cô ta đã chấp nhận cho tất cả. Cuối cùng người kia bỏ cô ta và kết án rằng cô ta dễ dãi như thế tất sau này sẽ dễ dãi với kẻ khác. Anh chàng còn nêu ra một lô thói hư tật xấu của cô ta.

Nghe chuyện, Nga không khỏi tức giận. Tại sao khi còn đầm ấm, mặn nồng, hắn không nhìn ra những điều đó. Đến khi bướm chán ong chê thì quay lại phụ rẫy tình hoa.

Nga kể lại với Tuấn câu chuyện này. Tuấn ngồi im nghe kể xong mới nói :
- Chính điều đó làm anh sợ bị mang tiếng là không thành thực, không chung thủy khi định yêu một người con gái nào sau đấy. Anh nhủ lòng, phải tìm hiểu, phải đắn đo kỹ trước khi quyết định cho tình cảm mình. Và lúc đã yêu chắc chắn mình sẽ không bị lo là đã chọn lầm.

Tuấn chợt quay sang Nga :
- Anh chàng của Nga dạo này ra sao?
- Bỏ nhau rồi anh ạ. Lâu rồi.
- Sao thế?
- Anh chàng mặc cảm cùng mình, cho là mình nghèo và thua kém. Giống như anh ngày trước nhưng khác ở chỗ là em không đi theo … tiếng gọi của kim tiền.

Nga kéo dài giọng theo lối cải lương đầy vẻ mỉa mai chế diễu. Tuấn bật cười, nghĩ :
- Đàn bà con gái người nào cũng có sẵn trong người một người khác, ngoài cái vỏ thùy mị dịu dàng : đanh đá, lắm điều và dữ tợn.

Chàng hỏi tiếp :
- Vậy thời gian này tình cảm của Nga thế nào?

Nga nhìn Tuấn :
- Anh hỏi vậy là sao?
- Đã tìm được đối tượng chưa?

Nga bạo dạn :
- Rồi anh.
- Anh chàng này khá hơn anh chàng trước chứ?
- Có lẽ thế. Ít ra là về phương diện không mặc cảm tự ti.
- Hạnh phúc hoàn toàn chứ.
- Em cũng không biết nữa.
- Sao lạ vậy?
- Vì người ta không biết được tình cảm của em.

Tuấn làm ra vẻ đạo mạo :
- À, tình yêu đơn phương! Dốt thế, thời buổi này … nói cho hắn biết đi.
- Em đã định thế.

Tuấn đưa gói bắp rang cho Nga :
- Ăn cho vui. Lát nữa anh em mình về bến Tân Thuận ăn quà nhé.

Nga gật đầu nhè nhẹ. Nửa tiếng sau hai người trở về Sàigòn.

Buổi tối, quán Bến Tầm Dương trông đẹp hơn ban ngày, và trông cũng sạch sẽ hơn. Quán có vẻ vắng, lác đác vài ba cặp thủ thỉ ở các góc sát mặt sông. Tuấn và Nga chọn một bàn khuất nẻo.

Bữa ăn kéo dài gần một tiếng. Trong lúc ăn Nga thấy Tuấn săn sóc nàng từng chút. Với Tuấn, đó chỉ là tự nhiên như đối với bất cứ người con gái nào chàng mời, nhưng với Nga lại có ý nghĩa khác và làm nàng xúc động.

Nga trở về nhà trong niềm vui ấy. Bây giờ, nằm dài trên giường, hồi tưởng lại cuộc đi chơi vừa qua Nga lại thấy lòng mình lâng lâng vui sướng. Nàng cất tiếng hát nho nhỏ một bản nhạc tình.

Hoàng Lan đang ngồi nhổ lông mày trước gương quay lại mỉm cười:
- Có gì vui thế?

Nga kêu nhỏ :
- Ừ, hôm nay ta vui.

Hát vài câu nàng lại tiếp :
- Và có lẽ ngày mai, ngày kia ta vẫn vui.

Hoàng Lan phì cười :
- Thì có lúc nào em thấy chị buồn đâu?
- Nói thế là mày chẳng biết gì về tao cả. Từ nửa năm nay tao sống không có gì vui cả. Bình thản, nếu không nói là buồn chán.
- Vậy bây giờ chị đã có niềm vui mới?
- Ừ.
- Anh ấy về?
- Anh ấy nào?
- Thì ông bồ chị chứ ai.
- Ồ … tên ấy! Hắn chết rồi. Ít nhất cũng là chết trong lòng tao!

Hoàng Lan quay lại :
- Vậy người của hiện tại là ai?

Nga ngồi nhổm dậy :
- Mày biết đấy, Lan.

Hoàng Lan hơi ngạc nhiên :
- Ai vậy nhỉ?
- Cố nghĩ xem.

Hoàng Lan chau mày suy nghĩ. Ai thế nhỉ. Người nào đã đến với tình cảm của Nga mà nàng không biết. Có chuyện gì Nga dấu nàng đâu.

Hoàng Lan lắc đầu :
- Chịu.
- Đoán không ra à? Dốt quá.

Hoàng Lan gặng hỏi :
- Thôi bật mí đi. Ai thế?
- Anh Tuấn!

Hoàng Lan sững sờ. Tuấn. Sao có thể là Tuấn. Thực thế sao? Vậy là Tuấn yêu ai? Yêu cách nào? Như với nàng, hay là một tình yêu khác, như nàng với Khanh.Dù cách nào đi nữa, vậy là Tuấn cũng đã cho đi tình cảm một cách bừa bãi. Tự dưng Hoàng Lan thấy khó chịu. Tự dưng nàng thấy ghét Tuấn.

Hoàng Lan cố tỏ vẻ tự nhiên :
- Ông Tuấn à. Hay nhỉ.

Nga ngạc nhiên :
- Sao hay?
- Anh chị kín đáo ghê. Em chẳng biết gì cả.

Nga thoáng thấy rung động tận đáy lòng. Anh chị kín đáo ghê. Nghe như đầy tình tứ, đầy thân mật và lén lút, vụng trộm. Nàng để yên, mặc cho Hoàng Lan muốn hiểu ra sao thì hiểu. Nhưng lại sợ Hoàng Lan vô tình hỏi Tuấn thì ê mặt. Nga đành nói thực :
- Không phải thế.
- Chứ sao?
- Tao yêu anh Tuấn rồi Lan ơi.
- Chị vừa nói rồi.
- Ừ. Còn anh Tuấn …

Hoàng Lan lạnh nhạt :
- Ông ấy cũng yêu chị chứ gì. Hai ông bà dấu tài quá, cả nhà chẳng ai biết đâu. Từ bao giờ vậy?
- Anh Tuấn chẳng biết gì về tình cảm của tao cả.

Nói xong Nga bất chợt thấy như mình vừa thốt ra một tiếng than dài.

Hoàng Lan quay lại, chăm chú nhìn chị. Lòng nàng dịu xuống. Nét mặt Nga thật tội nghiệp. Kể cũng lạ, bà ấy đẹp, ngoan mà lại hiếm bồ. Đến nỗi bây giờ lại ôm ấp tình yêu một chiều như vậy. Tìm vui trong những thân mật vô tình của người ta, tưởng như là cố ý với riêng mình.
- Sao chị không tìm cách cho ông ấy biết?

Nga trợn mắt :
- Dỡn hoài. Mình con gái …
- Thiếu gì cách kín đáo.
- Tao chẳng biết cách nào …

Còn cách nào nữa không. Tôi đã thu hết can đảm bộc lộ rồi. Những ánh mắt tình tứ, thắm thiết. Những cử chỉ vô tình mà là cố ý. Tuấn có hiểu gì đâu, chàng cứ như người anh lớn đối với đứa em. Hay chỉ hơn thế một chút, như đối với người bạn gái thân thiết trong tình bạn cao đẹp. Vậy thôi. Tôi biết làm thế nào nữa bây giờ?

Hoàng Lan im lặng. Mối tình của nàng và Tuấn chỉ như mây trắng giữa trời xanh, nhẹ nhàng và mong manh. Yêu để yêu, yêu để vui sống, để thấy mình hạnh phúc. Và chẳng đi tới đâu cả. Nàng sẽ lấy Khanh, dù chẳng biết là lúc nào. Sao Tuấn không thể là người yêu của Nga được nhỉ? Tuấn chắc chắn sẽ đem hạnh phúc đến cho Nga, Tuấn chưa biết, nếu Tuấn biết, có thể Tuấn sẽ đáp lại tình cảm của chị mình.

Sự bực dọc lúc đầu tan biến nhanh. Nàng thấy yêu Tuấn thêm một chút. Và chỉ một chút thôi.











VẬY LÀ NIÊN HỌC CUỐI CÙNG ĐÃ QUA. Từ nay, mãi mãi tôi không còn được ngồi trên chiếc ghế quen thuộc, chống tay lên mặt bàn nghe lời thầy giảng dạy. Không còn những vui chơi đùa phá đầy ắp vô tư. Không còn dịp nào để thơ thẩn hai ba đứa bạn thân đếm lá sân trường rơi rụng mà mơ mộng, mà tiếc nuối vu vơ.

Giã từ tất cả, giã từ bảng đen. Giã từ phấn trắng. Giã từ cuốn sổ điểm hàng tháng làm run chân chịu trận trước mặt thầy. Thôi hết tiếng khúc khích cười ranh mãnh, những trò đùa tinh quái và những màn ăn uống như mỏ khoét.

Chỉ còn lại cho tôi tràn đầy tiếc nhớ, buồn và lo âu. Ngày thi sắp đến. Đậu hay rớt, tôi cũng sẽ không còn được ngồi trong lớp, trong ngôi trường thân yêu nữa. Và từ nay, ngôi trường với mái ngói đỏ rêu phong, với cây giáng tiên đổ lá loăng quăng bay trong gió nóng, chỉ còn trong trí tưởng. Cổng trường đã khép kín, lối đến trường không phải để dành cho bước chân tôi nữa.

Mấy tháng trời bận rộn quá quắt với bài vở, chỉ còn ba ngày nữa là đến nghỉ hè. Và sửa soạn cho ngày thi. Tôi cấm Khanh đến rủ đi chơi. Tôi tránh gặp Tuấn để có thêm thời giờ nghiền ngẫm bài vở. Tất cả ở một kỳ này. Tôi sẽ đậu hay rớt? Tôi không tin tôi sẽ học đến nơi đến chốn. Dù có đậu, có lên Đại Học tôi cũng sẽ bỏ học nửa chừng, may ra tôi chỉ tin được vậy. Có theo Khoa nào và có chăm chỉ đến mấy rồi cũng bỏ cuộc.
- Tại sao lại có ý nghĩ ấy?

Đã mấy lần Khanh dục tôi trả lời đề nghị của chàng. Một đám cưới. Khanh muốn làm lễ thành hôn trước khi chàng đi nhận công tác ở nhiệm sở xa xôi. Chàng sợ bâng quơ. Khanh nói cả hai chúng tôi cùng không còn nhỏ nữa. Đủ để sống đời bên nhau. Nếu tôi bằng lòng chàng sẽ về thưa với ba mẹ đến xúc tiến mọi lễ nghi. Tôi vẫn chưa muốn trả lời dứt khoát. Nhưng có lẽ bây giờ tôi sắp sửa phải tự mình dứt khoát với mình. Chắc tôi sẽ nhận lời Khanh sau kỳ thi tới. Cho xong. Từ bỏ mọi vui chơi để làm người lớn, giam thân vào bốn bức tường bổn phận.

Còn chị Nga, như vậy chắc chị sẽ vui hơn. Tuấn không còn lý do tiếp tục tình yêu lãng mạn với tôi, hẳn chàng sẽ nhìn thấy tình cảm của chị đối với chàng. Tội cho chị. Tuấn còn mê mải với em, làm sao Tuấn để ý tới chị chứ. Em sẽ giúp chị, em sẽ gặp Tuấn.

Nếu mai kia Tuấn là chồng chị Nga, tôi sẽ vui hay buồn. Tôi không hiểu nổi một người từng yêu mình – dù là yêu bằng mối tình thoang thoảng mầu hoa đào – bây giờ trở thành anh rể mình, kể cũng khó nghĩ chứ. Nhưng hạnh phúc của chị Nga, tôi muốn nhìn thấy điều đó.

Như vậy là tôi sắp mất tất cả. Mất tuổi thơ ngây, mất đời học trò đáng quý, mất tất cả những dễ thương mà tôi hằng ôm ấp. Và mất một mối tình lãng mạn tuyệt vời. Của tôi cho Tuấn. Chàng đã ngoài ba mươi, nguyên nhân nào khiến chàng không nghĩ tới việc lập gia đình? Và nguyên cớ nào khiến chàng yêu tôi bằng tấm tình lãng mạn vậy. Chỉ là những lời thân mật, những cử chỉ âu yếm nhẹ nhàng, những đụng chạm không có gì quá đáng. Không một vòng tay ôm. Không một nụ hôn. Sao Tuấn chịu được như vậy? Tôi thương Tuấn, tôi muốn cho Tuấn một kỷ niệm trước khi vĩnh viễn trở về bên Khanh.

Nhưng như thế, tôi có lỗi với Khanh không?

NGA BƯỚC VÀO NHÀ. THU ĐANG LOAY HOAY TRONG BẾP nghe tiếng động, bước ra nhìn.
- Sao hôm nay chị về sớm thế?
- Tao chóng mặt.
- Mẹ vừa đến bác Phán, dặn ở nhà cứ ăn cơm trước, đừng chờ.
- Con Lan đâu?
- Bà ấy vừa ra quán mua cà phê về uống học thi,
- Con khỉ. Uống lắm cà phê vào rồi thức rạc cả người bây giờ.

Nga bỏ lên lầu, thay vội quần áo rồi nằm lăn ra đệm. Căn phòng vắng vẻ, như lòng Nga trống rỗng. Nga cảm thấy buồn chán lạ lùng. Từ ít lâu nay Nga không mấy khi gặp Tuấn. Chàng luôn luôn bận rộn, hay đi khỏi. Chả lẽ cứ điện thoại hoài cho Tuấn, Nga đành lặng lẽ chịu đựng ngày qua ngày. Một mối tình vô vọng, phải thế không. Tuấn. Sao lại có người vô tình đến vậy. Tuấn không nhìn thấy gì hết. Tuấn không hiểu không biết gì hết cả. Chàng thản nhiên trước nỗi nhớ thương của nàng và vô tình trong niềm đau khổ của nàng. Lòng Nga dội lên sự oán giận vu vơ.

Nga trở mình nằm nghiêng, vô tình nhìn lên bàn học của Hoàng Lan. Chiếc bàn xinh xắn được bàn tay khéo léo của Lan bày biện trang hoàng lại càng đẹp thêm. Một lọ hoa giấy nhỏ, một chiếc đèn đọc sách xinh xinh, một giá sách ngay ngắn. Hoàng Lan ngăn nắp và trật tự như đời sống nó. Tình yêu, sự học, cuộc đời … nó thu xếp đâu đấy đều gọn gàng hết cả. Chỉ có mình là lông bông chẳng ra sao.

Một cuốn tập bìa dày mở rộng trên bàn Hoàng Lan. Nga ngắm nghía. Mầu giấy xanh lơ thật đẹp. Nga tự nhủ :
- Con bé có cuốn sổ đẹp quá. Cuốn gì thế không biết?

Nga đoán là một tập chép thơ, hay nhạc. Con gái thường có những ưa thích nho nhỏ như thế. Nga muốn hát một bản nhạc buồn, cho đỡ chán nản. Hát để nghe mình cô đơn lạc lõng trong mình. Nga ngồi dậy, chậm chạp tiến lại bàn Lan. Nàng ngồi xuống thờ ơ nhìn vào trang giấy đang viết dở, có cây viết kẹp ngang. Những dòng nhật ký. Con bé bận học thi mờ cả mắt mà cũng còn thì giờ viết nhật ký nữa à. Tò mò Nga liếc đọc vài dòng. Và lật ngược vào trong, đọc vài trang. Tim Nga hỗn loạn, lòng Nga rối bời. Nàng sững sờ không nhấc nổi cánh tay.

Cơn choáng váng trở lại, mạnh mẽ. Nàng để lại y dấu như cũ cho Lan rồi mệt nhọc đứng lên trở lại giường nằm vật xuống. Nga quay mặt vào tường. Nước mắt ứa ra, tràn xuống má và tan biến vào gối bông.

Nga nức nở khóc, và chìm vào giấc ngủ.

Khi Hoàng Lan trở về nàng thấy chị đang say ngủ. Hoàng Lan ngạc nhiên vì Nga về sớm, định hỏi nhưng lại thôi, đoán chắc Nga bị mệt. Hoàng Lan trở lại bàn, đặt ly cà phê đá xuống mặt kính, ngồi ngay ngắn trước cuốn tập. Cầm cây viết lên, Hoàng Lan định nối tiếp những dòng dang dở. Nhưng đầu óc rỗng không. Không còn gì để viết ra đây nữa cả. Hoàng Lan gập cuốn tập lại, nhét vào ngăn kéo bàn và lấy cuốn sách học ra, mở lại phần đang ôn dở. Những lập luận khô khan, những chứng minh khó hiểu. Thế mà cứ phải nhai đi nhai lại mãi không thôi.

Hoàng Lan chúi đầu vào cuốn sách, cho đến khi tiếng Lộc gọi oang oang dưới nhà :
- Chị Nga, chị Lan xuống ăn cơm.

Hoàng Lan giật mình ngồi thẳng dậy, uể oải gấp cuốn sách. Bắt gặp một khuôn mặt lạ trong tấm gương trước mặt. Khuôn mặt một người con gái bơ phờ mỏi mệt. Vài mụn đỏ lấm tấm trên trán trên má nàng, hậu quả của nhiều đêm thức trắng.

Hoàng Lan xoa xoa hai tay lên hai má, cười buồn với mình :
- Tội nghiệp tôi.

Đứng lên, Hoàng Lan lại bên chị. Nga vẫn nằm im trong tư thế nàng thấy từ lúc mua cà phê trở về. Nga có dáng nằm xấu quá. Nằm co như con tôm, mặt vùi vào trong gối, hai chân rút lên gần tới bụng, hèn gì số Nga chẳng kém may mắn, kém hạnh phúc.

Hoàng Lan lay gọi :
- Chị Nga. Dậy ăn cơm chứ .

Nga ú ớ vài tiếng vô nghĩa rồi mở choàng mắt. Hoàng Lan thấy mắt chị đỏ và ngơ ngác như người xa lạ với quang cảnh chung quanh. Nga nhìn Lan một phút rồi lại nhắm mắt, duỗi dài chân, quay mặt vào tường.
- Gì thế?
- Dậy ăn cơm.
- Tao không đói.
- Sao thế? Đau à?
- Không.
- Vậy thì rửa mặt cho tỉnh rồi ăn cơm đi. Bỏ cơm mệt chết.
- Kệ tao.

Nga sẵng giọng. Hoàng Lan ngỡ ngàng nhìn chị rồi thở nhẹ, lững thững xuống nhà.

NGÔI NHÀ NHỎ NẰM GIỮA KHU vườn rộng, um tùm cây cối, trông thật thơ mộng. Tuấn đưa tay chỉ một vòng chung quanh :
- Tất cả là của anh. Em thích không?

Hoàng Lan gật đầu :
- Đẹp lắm.
- Anh sửa soạn cho giai đoạn đầu của kế hoạch xây một tổ ấm đấy.

Hoàng Lan ngồi xuống một chiếc ghế gỗ đặt dưới gốc cây xoài :
- Có ai ở đây trông nom cho anh không?
- Có chứ. Gia đình một người bà con của ông đồng nghiệp. Nhà họ phía bên kia, cách một hàng rào cây. Mỗi ngày họ sang dọn dẹp nhà cửa, vườn tược giúp anh.
- Họ đâu?
- Anh không biết. Nhưng sáng nay đã dặn họ là trưa nay anh sẽ đến đây cùng với khách quý.

Hoàng Lan háy mắt :
- Điêu.
- Thật chứ. Quý hơn khách nhiều là khác.
- Anh có giải thích cho họ biết là ai không?
- Không. Chỉ nói là … Bà Phụ Tá Giám Đốc đến thăm vườn.
- Bậy. Cứ cái tật đó không chừa.
- Anh chẳng chịu chừa cái tật ấy đâu. Nó ăn sâu vào tim gan phèo phổi mất rồi.
- Xí xoọng vừa chứ.

Hoàng Lan dẩu môi, tiếp :
- À, anh lắm tội lắm đấy nhé.

Tuấn ngạc nhiên :
- Tội gì vậy?
- Tội làm người ta đau khổ.
- Em?
- Còn lâu. Người khác chứ bộ.
- Ai thế?
- Khi nào có dịp, em sẽ cho biết rồi hỏi tội anh luôn. Bây giờ, cho em uống nước đã.

Tuấn vui vẻ :
- Có ngay. Anh đã sửa soạn sẵn cả, toàn món cây nhà lá vườn.

Hai người đi trên con đường đất nhỏ, giữa các khóm hoa nở rộ. Hoàng Lan bước những bước đong đưa, lơ đãng ngắt những chiếc lá trên đường đi.

Nàng kêu khẽ :
- Nhà này đẹp tuyệt.
- Lấy chồng đi, anh cho mượn hưởng tuần trăng mật.
- Đẹp thì có đẹp nhưng ai lại đi hưởng tuần trăng mật ở đây. Phải đi xa chứ.
- Ở đâu chả có hạnh phúc. Yêu nhau thì trong mái lá cũng thấy mình sung sướng. Em ở đây càng hợp chứ sao, một mái nhà tranh hai quả tim mạ vàng tây, nhất rồi còn gì nữa.

Hoàng Lan làm bộ dỗi :
- Anh ngạo em đấy à?


Tuấn phì cười :
- Đâu có.

Bước vào trong nhà, Hoàng Lan ngạc nhiên vì những tiện nghi khá đầy đủ. Như giải thích với Lan, Tuấn nói :
- Anh thường về đây trốn bạn bè mỗi cuối tuần, ngủ lại một vài tối.
- Một mình không sợ à.
- Sợ gì?
- Ma. Kẻ cướp.
- Làm gì có. Vía anh cứng lắm. Còn kẻ cướp lại càng sợ anh vì anh dữ hơn cả kẻ cướp.

Có tiếng động bên ngoài, một người đàn bà đứng tuổi dựng chiếc sào cù móc vào góc tường. Tuấn hỏi lớn :
- Bác Ba ơi, có chưa?
- Dạ thưa ông, đủ rồi đây. Để tôi làm rồi mang lên.
- Cám ơn Bác nhé.

Hoàng Lan thắc mắc :
- Gì thế anh?
- Bác ấy hái dừa cho mình uống nước. Và một ít ổi xá lỵ, anh biết em ưa mấy thứ đó.

Hoàng Lan reo vui :
- Thích quá nhỉ. Em mê chỗ này rồi đó.

Một lát người đàn bà bước vào với hai ly nước dừa lớn trên tay. Bà ta cúi đầu chào Lan. Tuấn giới thiệu :
- Đây là cô bạn tôi, ở Sàigòn.

Hoàng Lan cười với người đàn bà. Bà ta vui vẻ :
- Mời cô dùng thử cây trái vườn nhà. Ngon lắm.
- Cám ơn bác.

Người đàn bà quay trở ra. Tuấn nói với theo :
- Lát nữa tôi sẽ mang chìa khoá sang bên nhà, bác khỏi phải chờ.
- Dạ.

Nhìn theo người đàn bà Hoàng Lan nói nhỏ :
- Trông bác ấy có vẻ tội nghiệp.
- Sao lại tội nghiệp?
- Có cái vẻ như thế.
- Vậy chứ bác ấy sung sướng lắm. Nhà cũng khá, vợ chồng con cái xum họïp đông đủ, có gì lo nghĩ nữa đâu.

Tuấn đẩy chiếc ghế dựa ra sát bàn, âu yếm nói với Lan :
- Em ngồi đây.

Hoàng Lan ngồi ngả người thoải mái trong chiếc ghế rộng, nhìn Tuấn loay hoay khuấy ly nước dừa. Rồi chàng mang lại cho Lan rổ ổi xá lỵ to tướng và đĩa muối ớt.
- Món “hẩu” của các cô.

Hoàng Lan đỡ lấy, bổ đôi một trái ăn ngon lành. Nhìn miệng nàng dẩu ra, chúm chín nhai Tuấn thấy thật dễ thương. Chàng nghĩ thầm :
- Tại sao nàng không là của ta nhỉ?

Miệng Hoàng Lan phác một nụ cười, ánh mắt dí dỏm nhìn Tuấn ngồi ghé trên mặt bàn hút thuốc. Hai chân nàng đong đưa nhè nhẹ.

Tuấn hỏi :
- Ngon chứ?
- Tuyệt!
- Lát đem về hết cả rổ kia luôn.
- Mẹ hỏi thì nói sao?
- Mua ở chợ Sàigòn. Dễ ợt.

Tuấn dạy mình nói dối dẻo như kẹo. Mà mình cũng là vua nói dối. Buổi sáng còn ngồi ở Sàigòn, buổi trưa đã xa Sàigòn gần trăm cây số, bên người đàn ông lấp lửng một cuộc tình không có kết. Mình sẽ nói với Tuấn thế nào về chuyện của mình, về chuyện chị Nga.

Thoáng chốc Hoàng Lan đã ăn xong quả ổi. Tuấn mang ly nước dừa lại :
- Ăn vừa thôi. Để bụng về ăn cơm nữa chứ.

Hoàng Lan mỉm cười đỡ lấy, hớp từng ngụm nhỏ. Chất nước mát và thơm len lỏi trong cơ thể. Hoàng Lan lim dim mắt theo dõi cảm giác mình.

Cuộc đi chơi dài do chính Hoàng Lan đề nghị. Tuấn vội vã nhận lời, thu xếp việc Hãng và gấp rút lên đường, như sợ Hoàng Lan đổi ý. Chàng cũng hơi thắc mắc, cuối cùng cho rằng Lan muốn thảnh thơi sau những ngày thi mệt nhọc. Tuấn hỏi, giọng đầy săn sóc :
- Bài làm khá chứ?
- Dẹp chuyện đó đi anh, nhắc đến là ngán.
- Em không thích kể về chuyện học hành cho anh nghe nữa sao?
- Không. Em chán chuyện học hành rồi.

Tuấn trêu :
- Con gái mà chán học thì chỉ có nghĩa là đến lúc muốn lấy chồng.

Hoàng Lan cúi đầu :
- Có lẽ thế.

Tuấn nhìn Hoàng Lan chăm chú. Ngước lên thấy ánh mắt Tuấn soi mói nhìn mình, nàng hỏi :
- Nhìn gì dữ vậy?
- Xem em đã là người lớn chưa.
- Thấy thế nào?
- Có vẻ sắp thành người lớn thực.

Hoàng Lan ngồi im. Mình chưa nên nói đến chuyện đó lúc này, để lúc gần về đã. Nàng mỉm cười hỏi Tuấn :
- Nếu lớn thì sao anh?
- Lấy chồng được rồi.

Hoàng Lan nhí nhảnh :
- Vậy thì em phải lấy chồng ngay mới được, kẻo lớn rồi thì mau già lắm.
- Lấy chồng rồi thì hết vui chơi.
- Em cũng nghĩ thế, và thấy buồn.

Nhìn xuống đôi cánh tay trần, Hoàng Lan bắt gặp vài sợi gân xanh.
- Anh thấy em gầy không?
- Hơi hơi, so với mấy tháng trước.

Tuấn tiến lại ngồi xuống chiếc ghế thấp đối diện Hoàng Lan. Chàng âu yếm cầm lấy hai bàn tay nàng, đặt nhẹ lên môi.

Hoàng Lan rùng mình, nhưng không phản đối. Em sẽ chiều anh, một lần này, để đánh dấu một chuyện tình lãng mạn. Em sẽ chiều anh hơn cả thế này để kỷ niệm tình yêu của hai đứa không bao giờ mờ nhạt trong anh, trong em. Tuấn đứng lên, khép bớt khung cửa sổ mở ra vườn rồi quay trở lại ngồi xuống chiếc giường đệm sau lưng Hoàng Lan.
- Lan, ra đây với anh.

Hoàng Lan đứng lên, quay lại. Tuấn ngồi đó nhìn nàng đắm đuối. Cơn xúc động làm khuôn mặt Tuấn ấy đó trở thành si dại. Hoàng Lan đẹp quá. Tuấn hồi tưởng lại một buổi tối chàng nhìn thấy Hoàng Lan thay áo trong phòng. Cơn nóng bừng bừng bốc lên làm Tuấn như ngộp thở.

Hoàng Lan nhìn Tuấn, ánh mắt nàng đầy vẻ tin cậy. Em tin anh sẽ không … có gì với em, để em còn yêu, còn kính trọng anh mãi. Nếu anh muốn, em sẽ tặng anh một kỷ niệm nhẹ nhàng để nhớ mãi cả đời. Hoàng Lan tiến đến gần chàng.

Tuấn vỗ vỗ xuống mặt nệm :
- Lại đây ngồi với anh.

Hoàng Lan ngồi xuống cạnh chàng.

Tuấn mỉm cười :
- Sợ anh không?
- Không.
- Sao gan thế.
- Em tin anh.
- Lỡ anh không đủ khả năng làm cho em tin thì sao?
- Thì … em sợ.

Tuấn bật cười thành tiếng, quàng tay ôm eo nàng. Hoàng Lan vẫn để yên.
- Anh hối tiếc rồi Lan ạ.
- Hối tiếc gì?
- Hối tiếc đã chịu đầu hàng Khanh từ sớm quá. Đến bây giờ thì anh hiểu tình yêu trong anh đối với em đến mức nào.

Hoàng Lan nhìn Tuấn, chờ đợi.
- Anh khó có thể cứ tiếp tục thế này được nữa. Anh nhận ra anh yêu em quá mất rồi.
- …
- Anh muốn em sẽ là vợ anh, nhưng muộn rồi phải không em?

Hoàng Lan khe khẽ gật đầu :
- Em đã nhận lời cầu hôn của Khanh.
- Anh cũng có nghe Thu nói vậy.
- Anh nhớ không. Em yêu anh mà vẫn thẳng thắn nhìn vào Khanh không chút mặc cảm, là như anh đã biết, mối tình của chúng mình hoàn toàn trong sạch và lãng mạn. Tất nhiên đến một lúc nào đó, mọi liên lạc giữa chúng mình sẽ phải chấm dứt, nhưng em vẫn yêu anh và nghĩ đó là một quãng đời rất đẹp mà em đã được sống. Em tin anh cũng nghĩ tình yêu không cần đi đôi với chiếm đoạt.
- Nhưng anh không muốn mất.
- Anh không mất. Anh không thấy em nữa, nhưng anh vẫn còn em mãi mãi.
- Nhớ lại tối hôm nào anh gặp em khi vừa tắm xong, đang thay áo. Kể từ hôm đó tình yêu trong anh bỗng đổi khác. Anh không còn sống bình thản và chấp nhận một tình yêu đơn thuần giản dị như thế được nữa. Rất nhiều lần anh đã phải dằn lòng khi gặp em. Anh nghĩ : Nếu mình tiến xa hơn, tình yêu sẽ mất. Hoàng Lan sẽ coi thường mình. Cho đến nỗi có một thời gian anh đã phải trốn em, rồi nhớ quá, đành quay trở lại tìm.

Hoàng Lan bồi hồi xúc cảm. Lòng người không phải là gỗ đá. Lòng đàn bà lại càng khác xa gỗ đá. Nếu không nghĩ tới Khanh hẳn nàng đã đầu hàng trước Tuấn lúc này.
- Em cám ơn anh đã nghĩ cho em.
- Anh vẫn muốn được săn sóc em mãi dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nhưng anh biết anh ngây thơ khi nghĩ vậy. Hơn ba mươi tuổi mà vẫn ngây thơ là điều khó có thể chấp nhận, nhưng không thể là không có trường hợp đó.
- Em chẳng muốn ai buồn vì em.
- Nhưng anh buồn vì em mãi.

Hoàng Lan nhìn vào mắt Tuấn, thấy nao lòng. Đôi mắt sâu thăm thẳm chứa chan những muộn phiền. Hai người nhìn nhau, như mê man, Tuấn cúi xuống.

Vòng tay siết chặt tấm thân tròn lẳn mà Tuấn hằng mơ ước, chàng hôn Hoàng Lan thật nhẹ thật nhẹ, rồi như cơn lốc. Mái tóc Hoàng Lan thơm ngát phủ lên mặt Tuấn.
Một chiếc hôn thật dài. Thật trang trọng. Hoàng Lan rời khỏi Tuấn, dựa lưng vào tường nhìn lên trần.
- Một lần thôi nhé, anh. Em không thể chiều anh hơn nữa.

Bàn tay Tuấn vuốt ve trên tóc Lan, chàng hối hận. Tan vỡ hết cả rồi. Mình đã phá tung tất cả những gì trong khuôn khổ. Nhưng Tuấn không đủ can đảm rời khỏi Hoàng Lan.
- Anh xin lỗi em.

Hoàng Lan không nói. Anh không có lỗi. Em đã tự bằng lòng như vậy, em đã muốn trao anh một kỷ niệm và bây giờ, kỷ niệm ấy đã trao rồi.

Hoàng Lan nói thật khẽ :
- Tháng sau chúng em làm đám hỏi.

Tuấn rùng mình. Sự tan vỡ bắt đầu. Hoàng Lan sắp đi khỏi cuộc đời của chàng.
- Em bằng lòng cho anh chúc em không?
- Đừng chúc gì cả. Đã có đủ rồi.
- Anh không bao giờ hết nhớ em.
- Anh có gì trách em không?
- Không bao giờ. Anh nhớ có những lần đã nói với em. Anh sẽ trả em lại cho em khi em lấy Khanh hay một người nào khác. Và bây giờ anh vẫn giữ nguyên lời đó, không có gì trách móc, không có gì giận hờn.

Chàng choàng tay qua người Lan, siết chặt.
- Anh xin được ôm em một lần cuối. Tối hôm đó anh từng ao ước ôm em trong tay, bây giờ anh đã được rồi.

Hoàng Lan úp mặt vào ngực Tuấn. Hơi đàn ông tràn vào mũi nàng nồng nàn quen thuộc. Đây là người đàn ông thứ hai đã ôm tôi. Đây là hơi người đàn ông thứ hai được tôi cảm nhận. Và chắc chắn chỉ có thế.

Hoàng Lan nói nhẹ trong hơi thở :
- Cho em ngồi dậy, anh.

Tuấn đỡ nàng ngồi thẳng lên. Hoàng Lan vuốt lại mái tóc, bước đến khung cửa sổ. Nắng đã nhạt trên khu vườn im vắng, lác đác một vài cánh chim vạch đường bay trên nền trời ngả sang màu xanh đục.
- Mình về đi anh.
- Ừ.
- Chiều rồi!

Tiếng Tuấn dịu dàng :
- Hoàng Lan.
- Dạ.

Hoàng Lan quay lại.
- Em không buồn anh thật chứ.
- Không một chút nào, dù chỉ bằng móng tay.

Hoàng Lan pha trò. Tuấn đến cạnh nâng nhẹ cằm Hoàng Lan lên :
- Cám ơn em. Anh nhớ mãi buổi chiều này.

Tuấn lấy cái túi giấy, bỏ hết ổi vào rồi cùng Hoàng Lan bước ra ngoài. Khóa cửa xong hai người thong thả bước trong khu vườn, sang nhà bác Ba. Những bước chân Hoàng Lan thật đẹp, thật điệu, nhún nhẩy một cách dễ thương. Đôi chân dài, chị em nàng cô nào cũng có cặp đùi thật đẹp.

Tuấn giao chìa khóa cho người đàn bà giữ vườn rồi cùng Hoàng Lan lộn lại chỗ để xe. Chiếc xe quay về hướng Sàigòn.

Hoàng Lan ngồi ngó ra bên đường. Gió làm mát đôi môi như còn nóng bỏng vì cái hôn của Tuấn. Hoàng Lan liếm môi. Mỗi người đàn ông hôn một cách. Và cả hai người đều mang đến cho nàng những xúc động tột cùng.

Xe về đến thành phố, chạy len vào biển người và xe cộ. Hoàng Lan nhìn từng đoàn xe nối đuôi nhau bỗng nhiên nghĩ đến đoàn xe rước dâu của nhà trai và thấy bâng khuâng.

Về gần tới nhà Hoàng Lan chợt gọi :
- Anh Tuấn.
- Em hỏi gì?
- Cho phép em khuyên anh một câu.
- Em cứ nói.
- Anh lập gia đình đi.


Tuấn cười, cố tạo ra vẻ vui tươi tự nhiên :
- Anh vẫn có ý đó. Em chả thấy anh đang thực thi kế hoạch là gì.
- Anh nên lấy vợ. Phải có người săn sóc cho anh.
- Anh đang tìm.
- Em nói thật đấy. Em mong thế.

Tuấn quay nhìn Lan :
- Anh chỉ sợ vợ anh sẽ không tìm thấy hạnh phúc.

Hoàng Lan rùng mình. Tất cả đều do tình yêu. Không thể giải thích tình yêu được. Nàng không hiểu được nàng. Tuấn cũng thế. Và không ai chịu chấp nhận tình yêu như kiểu Hoàng Lan với Khanh và Tuấn. Đó là tội lỗi. Họ sẽ bảo thế. Nhưng tôi không hối hận, tôi thanh thản và tôi đã làm được những gì tôi cho là phải làm.

Chiếc xe chạy chậm lại rồi dừng ở đầu khúc quanh. Hoàng Lan mở cửa bước xuống. Cánh cửa vừa đóng lại Hoàng Lan cúi xuống chìa tay ra bắt tay Tuấn. Chàng xiết thật chặt, giữ thật lâu bàn tay mềm mại của người con gái cho chàng nhiều kỷ niệm.

Trước khi quay đi Hoàng Lan nói nhỏ nhưng thật rõ ràng :
- Anh Tuấn. Anh có biết chị Nga yêu anh chừng nào không?

Tuấn thấy ánh mắt Hoàng Lan như ngầm bảo : hãy đón nhận tình yêu đó đi anh. Hoàng Lan đi khuất sau rặng cây, Tuấn còn ngồi ngơ ngẩn, ngẩn ngơ …


- THƯA ÔNG GIÁM ĐỐC, TÔI XIN nhận đảm trách công việc của công ty ở Thái Lan, nếu ông chưa chọn người khác.

Ông Giám Đốc tươi mặt nhìn Tuấn :
- A, hay quá. Động lực nào thúc đẩy khiến ông đổi ý vậy. Vậy mà ông để tôi thuyết phục ran cả cổ. Ông biết đấy, Công ty ngày càng khuếch trương, cần có đại diện ở ngoại quốc để giữ vững thị trường.

Tuấn ngồi im, ông Giám Đốc tiếp :
- Vả chăng, ông ngồi chức vụ này tôi tin thích hợp với ông hơn. Công việc đấu thầu nguyên liệu và vật liệu bất cứ nhân viên cấp trung nào của Công ty cũng có thể thay ông được. Nhưng với chức vụ mới này thì không.
- Tôi ngại đi xa, nhưng nhận thấy lúc này sức khỏe đã khá, chắc có thể góp sức thêm vào công việc Hãng nhà.

Ông Giám Đốc cười ha hả :
- Tốt lắm, có những vị phụ tá như ông tôi chẳng còn lo ngại gì.

Ông nháy mắt :
- Sang đó ông vẫn có đủ thì giờ đi đó đây giải khuây nỗi nhớ nhà.

Tuấn cười cười :
- Ông sẵn sàng rồi chứ?
- Vâng.

Tuấn trở về phòng làm việc. Đứng nhìn một lượt quanh phòng Tuấn thấy như mình sắp sửa mất mát thêm nữa.

Ngồi vào bàn Tuấn lấy giấy bút ra viết cho Hoàng Lan. Chưa bao giờ Tuấn phải viết đi viết lại một bản văn bao giờ, nhất là chỉ một lá thư. Công việc này làm mất của Tuấn cả nửa tiếng.

Cô thư ký bước vào :
- Xin chúc mừng ông.
- Có gì đáng mừng hở cô?
- Ông sắp xuất ngoại rồi.
- Nhưng với tôi chẳng có gì đáng mừng cả. Thay đổi công việc cho đỡ ngán, vậy thôi.

Cô thư ký dạ một tiếng nhỏ. Tuấn tiếp :
- Thời gian qua làm việc với tôi chắc cô không có điều gì phiền trách chứ?

Cô thư ký cười duyên :
- Dạ. Không ạ. Ông tốt quá, làm sao trách ông được.

Tuấn cười cười :
- Vậy mà có người sắp oán trách tôi rồi đấy cô ạ.

Cô thư ký cười hóm hỉnh :
- Chắc tại ông đi xa.
- Có lẽ thế.

Cô thư ký đứng xớ rớ một lúc rồi bỏ ra ngoài, trong lòng có chút thắc mắc về đời tư ông xếp đẹp trai.

Một lát Tuấn bước ra ngoài. Các nhân viên đứng tụ vào nhau thì thầm. Tuấn đọc thấy trong mắt họ những tia nhìn quyến luyến.

Tuấn siết tay từng người, rồi ra khỏi phòng đi thẳng ra đường. Đứng trên hè phố, nhìn lại trụ sở Công ty, Tuấn nhủ thầm :
- Thế là dứt khoát.




































HOÀNG LAN MỘT MÌNH TRỞ LẠI THĂM TRƯỜNG CŨ. Chiếc xe từ từ chạy dọc con đường lá đổ, vượt ngang trường nam. Từ chỗ này trở đi là kỷ niệm. Phía bên kia đường là quán HẸN, đất dụng võ của các chàng trường Nam đứng trêu ghẹo các cô trường Nữ.

Lá vàng vẫn đổ xuống phủ đầy mặt lộ, chạy lăng quăng. Lá chết vỡ xào xạc dưới bánh xe lăn.

Hoàng Lan dừng xe trước cổng. Ngày hè cổng trường đóng kín. Câm nín. Lặng lẽ. Hoàng Lan nhìn lên. Hàng chữ tên trường vẫn đỏ chói trên nền trời xanh biếc xanh, loáng thoáng vài cụm mây trắng trôi lang thang. Sao không có gì thay đổi cả. Hay đã thay đổi một lần rồi trở về nguyên như cũ. Không gian bàng bạc những tiếc nuối, những xa rời của bao nhiêu bước chân chim.

Hoàng Lan khóa xe sau một gốc cây, tìm lối vào. Cổng trước, cổng sau đều đóng cả. Trường ơi không còn nhận tôi sao. Trường ơi người học sinh cũ đã trở về đây với tên trên bảng đậu. Nhưng tôi không muốn đậu, không muốn tốt nghiệp. Tôi không muốn lớn lên, tôi không muốn thời gian qua đi để tôi khỏi bị rời bỏ chốn này.

Lối vào văn phòng Hiệu Trưởng mở hé. Hoàng Lan mừng rỡ lách mình vào, đi ngang sân sau trống vắng không một chiếc xe, chạy ra sân trước. Nàng thơ thẩn đi qua từng lớp, tay sờ mó từng cánh cửa, mắt dại khờ nhìn đón từng hình ảnh thân yêu. Hoàng Lan nhón gót chạy lên thang.
- Chầm chậm thôi, tiếng guốc làm ồn Bà Hiệu la bây giờ.
- Cái miệng mày còn lớn hơn tiếng guốc.
- Điệu này phải lót cao su dưới đế guốc mới xong.

Tiếng cười nói của bè bạn hôm xưa đâu rồi nhỉ, bây giờ chỉ có guốc Hoàng Lan gõ cô đơn từng tiếng trên nấc thang buồn. Lên tới lầu trên Hoàng Lan chạy vùn vụt qua các lớp, bàn tay ve vuốt theo lan can.
- Tôi ở đâu, tôi ở đâu?

Hoàng Lan nghe mình đang hỏi như thế. Sao không thấy tôi đứng đó, với bạn bè vây quanh thầy giáo. Sao chỉ có tôi bây giờ hết mức cô đơn. Hôm nay tôi trở về đây, thầy ơi, bạn ơi, mọi thân yêu ơi, đâu hết cả. Ngày mai tôi sẽ bắt đầu đón nhận một tương lai khác, một cảnh sống khác. Ngày mai người ta mang cau, mang trầu đến hỏi tôi. Tôi bắt buộc bỏ lại sau lưng tất cả những gì đã có, để gom góp từ đầu những vui buồn trong cảnh ngộ lạ xa.

Trường ơi, tôi có còn ở đây không. Sao tôi không thấy. Mất thật rồi, tôi đã thực sự bị đẩy ra khỏi thế giới này rồi, tôi là của hôm xưa, hôm nay đã hết.

Hôm xưa tôi đã cười, đã khóc ở đây. Tôi đã đem vui buồn về chia xẻ với mọi người. Tuấn đã đi với tôi một quãng đường đời đầy thơ mộng ấy, và bây giờ Tuấn đã xa tôi. Tuấn không còn muốn nghe tôi kể về đời cắp sách để thấy tâm hồn mình còn trẻ trung tươi đẹp, còn thấy tràn ngập muôn vàn niềm yêu thương thầy bạn, còn bâng khuâng trìu mến lá sân trường rụng theo gió mùa Hè.

Trong nắng vàng chênh chếch, trong tiếng lá reo vi vu đùa với gió, Hoàng Lan nghe như đang tưng bừng đùa giỡn với bạn bè.
- Ê, Lan.
- Gì?
- Có cặp mắt nai, hướng 11 giờ.
Hoàng Lan quay nhìn về bên trái, bật cười. Một tên con trai gương mặt khó thương đang trố mắt đứng nhìn các cô ăn quà. Hạnh bĩu môi :
- Mặt chó giấy thì có.

Vân trách :
- Con này bố lếu. Ăn nói thô tục mất vệ sinh.
- Chứ không à. Cái thứ con trai … đứng rình miệng con gái ăn quà là chúa xấu tính.
- Tại mình ăn nó mới ngó.
- Mình ăn ai bảo nó ngó.

Bích xen vào :
- Mày nói đi, nói một tiếng đuổi là tao ra đuổi hắn liền.
- Đuổi!

Bích dợm bước như tính đi thật. Biết Bích đùa nhưng Hoàng Lan vẫn can :
- Thôi nhỏ. Vừa vừa vậy. Làm quá người ta đồn ầm lên là con cháu Hai Bà dữ như bà chằng.

Bích vênh váo :
- Nể lời con Lan đí nhé.
…..

Hạnh vừa lấy chồng, mà lại lấy anh chàng mắt chó giấy. MẮT CHÓ GIẤY giờ thành mắt nai cuốn hút trái tim đứa con gái đanh đá, chua ngoa.

Bích đi làm, ngày hai buổi lặng lẽ như cái bóng. Những nếp nhăn mờ mờ xuất hiện trên trán, những lằn gân xanh nổi trên tay.

Chỉ tội nghiệp cho Vân. Tai nạn xe cộ dốc cầu Bạc Má Hồng hôm nào còn ám ảnh Hoàng Lan. Tội nghiệp con bé hay cười mà cũng hay khóc.

Hoàng Lan ngồi xuống ghế. Lớp học trống trải ghê người. Bảng chưa xóa hết, còn loáng thoáng vài nét vẽ bài học về xương. Màu phấn trắng mờ, bụi phấn phủ đầy mặt đất.

Hoàng Lan gục đầu trên hai tay :
- Trường ơi, chắc ngày mai tôi sẽ khóc.
- Chị có thư, em để trên bàn học.
Thu nói với Hoàng Lan khi nàng về đến nhà. Hoàng Lan gật đầu :
- Thư ai đó?
- Không biết. Chữ ngoài bao thư đánh máy.

Hoàng Lan đi vào trong. Nga đang ngồi xem ti vi. Thấy Hoàng Lan vào, Nga ngẩng lên nhìn rồi lại chăm chú xem.

Hoàng Lan nhìn chị, ít lâu nay Nga có vẻ đổi tính thế nào. Ít nói, ít cười, luôn luôn mơ mơ màng màng ở đâu đâu. Đi làm về là ra balcon ngồi lặng lẽ, Nga như sống với thế giới riêng mình. Biết Nga buồn vì Tuấn bặt tin từ ngày đósau hôm đưa nàng đi chơi xa – Hoàng Lan không biết an ủi chị cách nào.

Như vậy là Tuấn dứt khoát về chuyện Nga. Tuấn không yêu Nga và muốn tránh mặt. Làm sao ép buộc một người phải yêu người này, người khác. Hoàng Lan cho chuyện khuyến khích Tuấn đến với Nga bây giờ là vô hy vọng.

Hoàng Lan gợi chuyện :
- Ăn cơm chưa chị Nga.
- Rồi. Để phần mày trong tủ lạnh.
- Ừ. Sao không đi chơi đâu cho vui.
- Khỏi cần, tao sắp tha hồ đi chơi rồi.

Hoàng Lan ngạc nhiên :
- Đi đâu thế?
- Tao xin đổi đi chi nhánh Ngân Hàng ở Quy Nhơn. Đầu tháng này lên đường rồi.

Hoàng Lan đứng im. Lại một thay đổi bất ngờ. Ba Mẹ nàng hẳn sẽ buồn phiền không ít.

Hoàng Lan lên lầu lấy quần áo đi tắm. Làn nước mát làm người Lan dễ chịu, hứng mình dưới hoa sen.

Trở ra Hoàng Lan thay bộ đồ ngủ mới. Chợt nhớ có một lần đang thay bị Tuấn vào bắt gặp, Hoàng Lan theo phản ứng ngó ra cửa. Cánh cửa đóng kín. Chẳng có ai nữa để bắt gặp bất ngờ như vậy.

Hoàng Lan nằm lăn ra giường, bao thư với hàng chữ đánh máy trên tay không cho nàng đoán được là ai. Nàng tặc lưỡi, bóc nhanh. Nét chữ quen thuộc hiện rõ dưới mắt nàng :

Hoàng Lan yêu dấu,
Anh xin được gọi em bằng tiếng xưng hô đó một lần nữa, trước khi em lấy chồng. Để còn được thấy lòng mình êm ả vì có một người mà nhớ, mà mong, mà tiếc nuối. Lòng tự nhủ lòng, phải để em yên, phải trả EM VỀ VỚI EM trước ngày cưới đến, vậy mà anh vẫn làm xáo trộn lòng em thêm nữa.

Anh nhớ có một lần em đã nói :
- Em là thiên thần, anh là ác quỷ. Anh chỉ cám dỗ em không.

Anh tự hỏi, lần này em có còn nghĩ rằng anh đang cám dỗ em không?

Khởi đầu bằng những cảm thông tuyệt đỉnh với các mẩu chuyện về ngôi trường về thầy dậy về bạn học trong hai đoạn đời cắp sách của anh và em, có lẽ từ đó và do đó anh đã yêu em. Gần em anh nhìn được lòng anh. Gần em, anh tìm thấy được khuôn mặt anh thời xưa cũ. Nên mối tình tuyệt vời lãng mạn của chúng mình đã nẩy sinh. Nên anh cứ tìm em để được bắt gặp mình trọn vẹn.

Bây giờ tất cả đều chấm dứt. Anh biết sẽ có ngày này, vậy mà khi đón nhận vẫn thấy bàng hoàng. Sau mấy ngày suy nghĩ, anh thấy chỉ còn cách đi thật xa mới để em được yên thân. Xa em, anh không còn gì, có gì để mang theo hết, ngoài những hình ảnh, những kỷ niệm em đã cho anh và khởi nguyên của chuyện tình chúng mình : ngôi trường thần thoại. Anh mất em, anh mất luôn cả ngôi trường. Kể từ nay, anh không còn gì nữa cả.

Hoàng Lan ơi, anh nghe em, nhưng không hy vọng gì xây dựng được một tổ ấm như mong muốn. Anh chỉ xin em đừng trách anh về chuyện với Nga. Anh không thể nhìn Nga mà nghĩ là em, và không muốn Nga sống với anh như một chiếc bóng. Anh cũng không thể chịu đựng cảnh ra vào căn nhà ấy mà vắng em. Anh đành xin em vậy. Hãy để Nga yên trên đường Nga đi.

Từ khung trời Băng Cốc xa xôi, những ngày sắp tới anh sẽ có dịp mơ về nơi thân yêu với bao luyến tiếc nhớ thương. Và tự nhủ rằng, dẫu sao, đã có một thời gian mình sung sướng, đã có một đoạn đời mình ôm hạnh phúc trong tay.

Chúc Em tất cả ...
TUẤN.

Nước mắt Hoàng Lan tràn ra ướt nhòa. Hoàng Lan gập lá thư, dấu xuống dưới gối. Tiếng Thu gọi dưới nhà :
- Bà Lan ơi, có mau xuống ăn cơm không để em còn dọn dẹp chứ.

Hoàng Lan nói to :
- Dọn đi, tao không đói.

Hoàng Lan nhắm mắt. Bao nhiêu hình ảnh kỷ niệm bắt đấu dồn dập trở về.



VÕ HÀ ANH
(1974)