SÁNG TÁC MỚI







45 NĂM NHÌN LẠI

Quốc Anh

Tôi bồi hồi nhớ lại : Sau những thăng trầm dâu bể của cuộc đời, sau bao đổi thay khủng khiếp của Lịch sử và xã hội, trước các buâng khuâng về một ngày nào đó không còn xa sẽ vĩnh viễn chia tay cùng Bạn Hữu.
Đã 45 năm qua đi, kể từ năm tôi nảy ra ý kiến thành lập Hội Ái Hữu và Tương Trợ Cựu Học Sinh Trần Lục (1956-1962). Đó là năm 1965, khi tôi tròn 20 tuổi và vào năm cuối cùng bậc Trung Học Đệ Nhị Cấp.

Với tâm tình lãng mạn của tuổi hai mươi, khi chia tay bạn bè cùng lớp, tôi xiết bao buồn bã. Mỗi người đi vào xã hội theo một hướng riêng và hoàn cảnh lúc đó không thuận lợi. Chiến tranh tàn bạo đã dìm ngay những mảnh đời vào trong nó. Tôi nhanh chóng nhận ra sự mất mát của tất cả mọi người chung quanh, ít ra thì cũng là của hơn hai trăm bạn học ba lớp Đệ Thất B1 - B2 - B3 niên khóa từ 1956 đến 1962 trường Trung Học Trần Lục.

Tôi quyết định thành lập Hội Ái Hữu và Tương Trợ cựu học sinh ba lớp trong ý nghĩa đơn giản như tên gọi : Ái hữu và Tương trợ lẫn nhau. Đầu tiên, tôi tự đóng vai trò kết nối bạn bè trong các cuộc họp mặt định kỳ mỗi tam cá nguyệt. Ý niệm cho rằng trong đời người khoảng thời gian đẹp nhất của tình bằng hữu chính là những năm Trung Học được các bạn tôi nhiệt liệt ủng hộ . Ở tuổi mười một mười hai mỗi người bắt đầu có sự hiểu biết đúng đắn, lòng đầy trong sáng và nhiệt huyết. Tuổi này bắt đầu cảm nhận đúng mức về đời học sinh, về nghĩa Thầy trò, về tình Bạn Hữu. Nó không non nớt như độ tuổi bậc Tiểu Học, mà cũng không bon chen như những năm Đại Học, không tính toán như phần đời gây dựng sự nghiệp hay lúc đứng tuổi.

Thế là một “Hội” được hình thành sau một lần “họp”. Tôi thường chọn một nhà hàng để tổ chức họp mặt : Bò 7 món Duyên Mai hay Ánh Hồng – Bánh bao Ông Cả Cần… hoặc một cái quán không tên. Mời bằng thư hay điện thoại, trước 1 tuần. Rồi người nọ nhắn người kia, cùng đến. Trong thời buổi chiến tranh rất khó để hiện diện. Ba lớp hơn hai trăm người, nhưng lần đến nhiều nhất cũng chỉ khoảng 70 người, vì bấy nhiêu con người đang “lang thang” đâu đó khắp miền đất nước hay đã du học, tu nghiệp ở nước ngoài. Tôi thường bàn bạc với bạn bè – với sự hỗ trợ của Phạm An Đà và Ninh Đức Thăng – từng bước để hình thành nhóm vận động tổ chức Hội. Nghe cho oai vậy thôi, chứ chỉ là gặp mặt – ăn với nhau một bữa cho vui – thông báo cho nhau về tin tức, hoàn cảnh bạn bè – ngay lập tức đưa ra biện pháp tương trợ, tổ chức thực hiện …… và chia tay trong quyến luyến. Hẹn ba tháng sau gặp lại.

Chúng tôi chọn Thăng làm người đứng tên xin Giấy Phép lập Hội. Anh có điều kiện thuận lợi để làm Hội Trưởng, tôi “phụ tá” Thăng giữ vai trò tổ chức. Nhưng chờ mãi chẳng có kết quả, vì chiến tranh nên chính quyền rất ngại “hội hè”. Mãi đến cuối năm 1974 mới được thông báo đi làm….thủ tục cấp phép, nhưng chúng tôi quyết định không làm nữa.
Trong thời gian từ 1965 đến 1975, quãng đường “ái hữu” và tương trợ của ba lớp chúng tôi rất vui và cũng không thiếu nỗi buồn. Gặp nhau là ồn ào náo nhiệt, thân thiết đầy ắp tiếng cười. Nhưng không ít lần lặng lẽ trước hung tin bạn bè đã vĩnh viễn ra đi. Chúng tôi chung nhau đóng góp và Ban tổ chức ba người thực hiện, cùng những bạn có thời giờ tiếp tay. Không có quỹ sẵn, khi họp mặt mới góp chi phí cho bữa ăn. Nhưng lúc góp tương trợ không ai khước từ. Có người đóng giúp cho bạn bè vắng mặt, hoặc đóng nhiều hơn mức qui định với những lời dặn dò đầy ắp tình người. Tôi với Đà, Thăng và các bạn khác ngay sau đó lên đường đến nhà bạn học không may thăm nom, tặng quà tương trợ kèm lời chia tay vĩnh biệt. Riêng các bạn ốm đau, thương tật sẽ là những lời động viên, an ủi chí tình với món quà tuy nhỏ nhưng là cả tấm lòng.

Mỗi năm họp mặt bốn lần như thế. Chúng tôi có biết bao kỷ niệm và thấu hiểu rất rõ ý nghĩa các chữ “ái hữu” – “tương trợ”. Nhưng từ đầu năm 1975 không còn tổ chức được lần họp mặt nào. Chúng tôi không còn gặp lại, từ đó.

Mười năm sau, năm 1985. Biết bao biến cố cho mỗi cuộc đời đã xảy ra và mãi đến năm này tôi mới có thể thực hiện lại hoạt động từ thiện bị dang dở. Các anh em bạn học đã gặp lại được ít người, ai cũng ủng hộ, vì người nào cũng cảm thấy cô độc muốn nương tựa vào nhau để sống. Dần dần, lần lượt những người khác từ “trại” được về, tinh thần và vật chất đều có chung mẫu số. Chúng tôi báo cho nhau để tìm gặp lại nhau. Tôi và Đà – Thăng cùng một số anh em họp lại bàn cách tương trợ, đặc biệt có Phạm Sinh Diễm rất tích cực kết nối đồng môn, đi thăm từng nhà bạn bè, nghĩ đủ cách mong giúp đõ mọi người (sau này Diễm xuất cảnh và qua đời tại Hoa Kỳ vì bệnh). Tuy hoàn cảnh ai cũng khó khăn, nhưng chúng tôi thường xuyên liên lạc và vận động các bạn đóng góp để tương trợ người không may về bệnh tật (như L.K.H, bị tai biến mạch máu não), vì gia cảnh ( như N.V.X – T.T.L), những người đau ốm bất ngờ phải nằm Viện, giải phẫu…, nhất là những bạn lên đường xuất cảnh (H.O) cần có một khoản nhỏ phòng thân. Tôi và các bạn chỉ dám gặp nhau thành nhóm ở các quán cóc vì sợ bị hiểu lầm. Đà và Diễm thông báo từng vụ việc, đưa ý kiến. Tôi kêu gọi mọi người và anh em chung tay góp sức. Đối với các bạn lên đường xuất ngoại chúng tôi tổ chức “tiệc” tiễn đưa, tặng quà lưu niệm. Các bạn ốm đau, chúng tôi “phân công” người có chuyên môn thăm nom săn sóc. Người gặp khó khăn về đời sống, thủ tục giấy tờ …… tôi và Đà chạy đôn chạy đáo nhắc các bạn có chuyên nghiệp (luật sư, kỹ sư, chuyên viên,…) giúp đỡ, góp ý. Người qua đời, ốm đau nặng sẽ chia nhau đến lo liệu công việc cần lo. Và cứ như thế, từ 1985 đến nay. Có hàng chục vụ đưa tiễn đầy tiếng cười thân ái. Hàng chục vụ khác ngồi cạnh nhau chỉ để chia xẻ và cảm thông. Những khoản tiền nhỏ trao nhau do đóng góp của (một số) người còn khả năng, vì chúng tôi không còn là “Hội”. Từ 1985 đến nay những đóng góp và hỗ trợ tuy không nhiều (phần lớn là của đồng môn ở nước ngoài) bao giờ cũng được viết thành Thông Báo chi tiết đến từng đồng bạc để gửi cho anh em rõ. Chúng tôi không có Quỹ sử dụng, lâu lâu có “ngoại viện” thì tôi gửi sổ tiết kiệm để có thêm chút lãi mà dùng cho “Hội”.

Các hoạt động trên tương đối có hiệu quả. Những năm gần đây gia đình bạn bè đã khá hơn, hoạt động tương trợ được mở rộng ra đến tứ thân phụ mẫu, con em …. để có “cớ” mà thăm nom, gặp gỡ nhau. Nhưng các lần họp mặt chính thức mỗi năm lại ít hơn trước (một hoặc hai lần/năm) vì tuổi tác, bệnh tật đã ngăn cản chúng tôi, đành phải gặp nhau bằng điện thoại. Nên không mấy khi đông đủ (những năm 90 lên tới gần 40 bạn, gần đây còn lại chưa đến 15 người). Gặp nhau trực tiếp thì móc túi góp tiền điểm tâm – giải khát. Tiền bạn bè không đến được hoặc ở xa gửi đóng góp chỉ dùng cho một nội dung : tương trợ, không được chi cho các khoản nào khác.

Nhưng “Quy chế Hội” được mở rộng: thăm nom các Thầy, Cô còn thọ – tiếp đón các vị và bạn bè ở xa về thăm quê hương. Nhờ vậy chúng tôi có cơ hội gặp lại một số Thầy – Cô (Tuyến, Oanh, Dũng, Liễn, Vịnh, Hảo….) trong không khí đầy cảm động và chân tình. Chúng tôi cũng mở rộng “Hội” bằng cách mời các bạn các lớp trước cùng lớp sau niên khóa 56 - 62 tham gia sinh hoạt, để tìm cái ấm áp của tình đồng môn. Có gần 10 bạn đã đến họp mặt và hăng hái tham gia công việc từ thiện chung : tương trợ bạn bè.

Dù vậy, Ban tổ chức và điều hành (ba người chúng tôi : Thăng – Thủy – Anh) vẫn cố gắng xoay sở trong khả năng có thể, để những lần họp mặt vẫn thật vui, những việc cần tương trợ vẫn đầy đủ và đúng quy định. Chúng tôi cũng chính thức đưa ra “quyết định” : hoan nghênh và tiếp nhận mọi sự đóng góp, hỗ trợ của mọi người ở mọi nơi cho “Hội”một cách tự nguyện, nhưng tuyệt đối không vận động bất cứ ai giúp đỡ, để tránh bị hiểu lầm hay phụ thuộc vào ý muốn của người khác.

Thời gian trôi đi như thế, và đã 45 năm trôi qua tính từ 1965 đến 2010. Tình bạn của chúng tôi, từ lúc “đầu để chỏm” đến lúc “tóc bạc da mồi” vẫn là rất đẹp, cho dù “thương hải biến vi tang điền”. Đã nhiều người nằm xuống, sức khỏe kém không ra được cửa nhà, sống cậy nhờ vào con cháu…, đầy khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn gặp nhau ở một điểm : Tình Bạn. Tất nhiên là vẫn có người (rất ít) quay lưng với bạn bè hoặc vì nguyên cớ riêng tư mà không tìm gặp lại nhau, nhưng tôi TIN là có những lúc trong đời HỌ vẫn nghĩ tới đồng môn, vẫn thèm có được tình cảm đó. Và tất cả, ai cũng hiểu, TÌNH BẠN là trên hết. Đem chính trị, tôn giáo, xã hội hay tị hiềm riêng tư làm thước đo Tình Bạn sẽ vô cùng khập khiễng, nếu không nói là “ngớ ngẩn”!.

QUỐC ANH
(Tôi và chung quanh tôi)
(1/10)


******************************************************************





Tùy bút
DƯ ÂM MỘT CHUYẾN ĐI
ANH VŨ


• Chuyến viễn du Hoa Kỳ năm 2007 của tôi quả là một chuyến đi của ước mơ không thể nào quên được. Và trên tất cả đó là một minh chứng hùng hồn cho câu “đi một ngày đàng học một sàng khôn” mà tôi đã được học từ thuở nhỏ.
Những hình ảnh, những câu chuyện về đất nước Cờ Hoa vốn đã cuốn hút tôi từ những năm đầu trung học. Tôi không nhớ rõ đã đọc được bao nhiêu, đã đọc những gì viết về xứ sở này. Nhưng tôi biết rõ tôi có nhiều thuận lợi tiếp cận với các sách viết về đất nước Hoa Kỳ, do anh cả của tôi là Giám Đốc Nhà xuất bản Thời Đại chuyên ấn hành các bản dịch từ các tác phẩm đó ở thập niên 60 thế kỷ trước. Ngoài ra, tôi vốn là đệ tử của ngành nghệ thuật thứ bẩy, có khi xem đến 4 phim trong ngày cuối tuần, đều đặn suốt năm và có mặt trong những rạp sang trọng nhất cũng như rạp ngồi bằng ghế băng dài ở Sài Gòn – Gia Định, suốt mười lăm năm tuổi thanh xuân.
Bên cạnh đó những người thân, bạn hữu, đồng nghiệp của tôi đã rời xa quê hương từ giữa thập kỷ 70 cũng là động lực thúc đẩy tôi mong ước được tái ngộ sau ba chục năm xa cách hay bặt vô âm tín.
Cuối cùng, những cơn bệnh đến với tôi ở tuổi xế chiều, suýt nữa đã quật ngã tôi trên bàn phẫu thuật, như một thách thức, một châm biếm đối với cuộc đời tôi, đã làm tôi chán nản tung hê hết cả mọi ước mơ. Còn gì nữa chứ khi hoa sắp tàn sau độ mãn khai ? Còn đáng gì đâu khi bước thấp bước cao tập tễnh đi bên lề cuộc sống trẻ trung sôi động của các hậu sinh ? Nên tôi quyết định mang ra những đồng tiền dành dụm, để chuẩn bị cho một chuyến đi chơi xa cùng người bạn đời chung thuỷ.
Người Mỹ đã dễ dãi cấp cho vợ chồng tôi tờ Visa sư Ûdụng được một năm, dù tôi chỉ xin 3 tháng. Thế là vợ chồng tôi chọn buổi lên đường, một ngày đẹp trời cuối tháng ba hai ngàn lẻ bẩy.

• Đẹp và tuyệt vời ! Chỉ cần khen như thế về nước Mỹ là đủ. Vì nếu nói nhiều hơn thì chẳng khác gì câu : khen phò mã tốt áo !
Tôi đã được gặp lại những người thân. Tôi đã được trùng phùng bạn hữu và đồng nghiệp làm báo, viết văn thuở đi học và thuở vào đời. Tôi ngụp lặn trong bao niềm xúc động đã dồn nén nhiều năm khi hội ngộ những con người đó. Không chỉ ở Cali, mà còn ở nhiều tiểu bang khác. Bạn bè – trong niềm vui và tình cảm mến thương từ thuở đầu để chỏm – đã đến với tôi, đưa tôi đi những chặng đường dài để gặp mặt những bạn bè khác. Rồi những người khác ấy lại đưa tôi đi gặp những người khác nữa. Điện thoại cả ngày sôi réo, liên tiếp những cuộc hẹn. Vợ tôi, em và cháu vợ tôi cứ đùa : chưa bao giờ điện thoại “ hot “ thế.
Những khuôn mặt của quá khứ hiện ra, đầy sinh động. Đầy tình cảm. Họ là anh chị em họ hàng. Họ là những bạn bè chí cốt, anh em kết nghĩa. Họ là những người đã có lần trong đời làm tim mình xao xuyến loạn nhịp. Và còn nữa, thật ấn tượng, họ là đám đông đồng môn thuở để chỏm – của trường Trung Học Trần Lục suốt bảy năm “đèn sách “ . Tôi đã được gặp lại họ trong những lần họp mặt tại Santa Ana, Los Angeles ở Cali, hay tại Houston, Dallas ở Texas hoặc tại một vùng hiu quạnh ở South Carolina ít bóng dáng người Việt.
Họ đã chào đón tôi trong dáng vẻ chậm chạp của tuổi đời trĩu nặng đôi vai, ánh mắt không còn long lanh trong sáng nữa. Nhưng giọng họ vẫn ồn ào, to lớn, đầy quen thuộc của ngày xưa. Là những câu nói đầy cá tính, những câu chửi tục hồn nhiên, những cử chỉ thân quen KHÔNG THỂ NÀO QUÊN. Bên chiếc bàn đầy ắp thức ăn, thức uống, chúng tôi ôn lại những kỷ niệm ân tình thuở nhỏ. Chúng tôi nhắc đến những thầy cô, những bạn học đã vĩnh viễn ra đi, những câu chuyện vui buồn hay ngô nghê ngớ ngẩn, những mối tình trai gái đầu đời vụng dại hay dễ thương … Chúng tôi điểm lại ai còn ai mất vì chiến tranh – bệnh tật . Chúng tôi cố moi trong ký ức những cái tên của đồng môn, không hiện diện vì không thể đến hoặc vì muốn quay lưng với đám đông … Chúng tôi nhắc đến gia đình của những người kém may mắn, khókhăn, với lời kêu gọi tương trợ một chút gì.
Thức ăn vơi dần, tình cảm dần lắng xuống, sự ồn ào náo nhiệt cũng giảm dần cường độ. Các bà vợ cùng đi với chồng đến chốn náo nhiệt này để tìm chung chút ấm cúng đồng bào, đồng môn vẫn tươi cười tế nhị, kiên nhẫn để chồng bộc lộ hết tâm can với bạn bè. Họ cũng là Trưng Vương – Gia Long – Lê Văn Duyệt ngày xưa. Và họ cũng có những lần họp mặt truyền thống hàng năm, to lớn đông đảo cả trăm cả ngàn người, hơn chúng tôi nhiều.
Nhưng dù chỉ mới gặp gỡ lần đầu, họ cũng đối với vợ chồng tôi đầy thân quen gần gũi. Phút chia tay, chúng tôi như đã biết nhau từ lâu lắm.

• Suốt ba tháng ở Hoa Kỳ tôi đã được tiếp đón như vậy. Tôi được đưa đi thăm nhiều nơi ở hơn một chục tiểu bang, nơi ở lâu hàng tuần, nơi vài buổi theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Tôi đa Õghi nhận được bao chuyện về đất nước này, thu vào ống kính và camera rất nhiều hình ảnh.
San Francisco với Golden Gate – Nam Cali với Hollywood – Las Vegas trên sa mạc Nevada – Dallas có bia đá kỷ niệm nơi Tổng Thống Kennedy ngã xuống – San Antonio với đồn luỹ của Davy Crockett lừng danh … và Thủ Đô Washington đầy địa danh nổi tiếng, thành phố New York không ai là không nghe không biết … trong mơ. Có thể tất cả những cái đó là đủ, đủ quá cho một khách du lịch ở phương xa muốn đến.
Nhưng với tôi, những gì về tình cảm mà tôi có được suốt thời gian lưu lại nơi đây mới là đáng kể. Những cuộc gặp ấy cho tôi biết được nhiều điều. Tôi đã biết được sự gắn bó tinh thần của bạn bè dành cho tôi, xác tín trong tôi cái mà người ta gọi là tình bạn. Nó cũng giải toả trong tôi sự nghi ngờ về tính mong manh của tình bạn ấy. Nó làm cho tôi thấy được an ủi ở đoạn cuối của cuộc đời, khi Quỹ Thời Gian của mỗi con người không còn nhiều nữa ta vẫn có một cái mốc vững chắc để đặt niềm tin.
Tôi rất xúc động khi gặp lại bao nhiêu “dân Thịt Luộc” (Trần Lục) và tôi rất muốn nói với họ lời cảm ơn chân thành. Đã xa cách nhau gần một phần hai thế kỷ lại được gặp nhau quây quần bên chiếc bàn dài. Tường chừng như đang nghe tiếng hò hét cười đùa của nhau. Tưởng như đang nhìn thấy nhau bên các trò chơi sôi động : đánh đáo, đánh khăng, ném bóng … và đang cạnh nhau thơ thẩn bên những bóng hồng Trưng Vương – Gia Long – Lê Văn Duyệt trong Thảo Cầm Viên, đường Tú Xương, đường Lê Lợi. Tim run lên loạn nhịp và mặt nóng bừng.
Ơi, tuổi trẻ của chúng tôi. Biết tìm đâu. Và đây cũng là sân chơi cuối cùng của cuộc đời chúng tôi, những lần họp mặt thế này.
Chúng tôi hồi tưởng lại những lần họp mặt ở quê nhà, của những năm 60 và 70 thế kỷ trước, với các địa điểm quen thuộc : Bánh bao Ông Cả Cần – Bò Bảy Món Duyên Mai – Ánh Hồng … Rồi những năm gần đây ở Sài Gòn. Tất cả chỉ vì tình bạn. Vì tình bạn mà thôi !

• Đã một năm qua, kể từ chuyến Mỹ du ngày ấy. Tôi đã lại trở về với cuộc sống bình nhật, ngồi “gặm nhấm “ kỷ niệm. Chuyến đi đã để lại dư âm trong tôi, tha thiết và không giảm cường độ chút nào.
Tôi nhớ về nước Mỹ, về Họ. Và mong thêm một lần gặp lại trước khi mọi sự trở thành quá muộn.


ANH VŨ
(Tôi và chung quanh tôi)
Tháng 12.08


********************************************************

























Truyện ngắn
- sáng tác mới
BUỔI TỐI NGÀY SINH NHẬT
Võ Hà Anh

(Xin mời xem bản dịch Anh ngữ của Hà Liên sau phần Việt ngữ)


* Tặng Dung Sàigòn
(Và tất cả bằng hữu của tôi tại Hoa Kỳ)

Chiếc BMW nhanh chóng rời các con đường thành phố ra đường cao tốc, đầy vẻ sung sức. Các cửa đều lên kính, chỉ có tiếng ù ù của dòng xe xuôi ngược vang đều bên tai Quang. Trời chiều bốn giờ nắng chói chang, và sẽ chỉ tắt hẳn sau tám giờ tối, khi mặt trăng đã đến đỉnh đầu.

Quang liếc nhìn mặt đồng hồ trước tay lái của Văn: 70 miles, là hơn 110 cây số. Nét mặt Văn trầm lặng, không thể hiện rõ điều gì. Người bạn bốn mươi hai tuổi, hơn anh hai tuổài, đầy vẻ đàn ông và nghị lực. Như loài cây trên vùng đất mầu mỡ, như con thú hoang trong rừng già bí ẩn, là một kẻ thành công trong cuộc đời, sừng sững và tự tin. Dáng cao lớn của Văn phủ xuống tay lái, mơn trớn nó giống như cầm một món đồ chơi. Chiếc xe lướt đi trên đường cao tốc với tốc độ chóng mặt. Trời chiều Cali khá lạnh và gió khô rát mặït nhưng bây giờ trong xe ấm áp. Không khí quen thuộc của máy điều hòa và mùi thơm nhè nhẹ làm Quang co rút người lại, cảm nhận được sự dễ chịu đang len lỏi trong mình. Anh đặt hai bàn tay áp vào nhau giữa hai đùi, ép chặt hai đầu gối, lim dim mắt thả hồn suy nghĩ mông lung.

Quang đến Mỹ đã năm tuần. Một chuyến đi dài gần hai mươi giờ làm anh hơi ê ẩm. Nhưng niềm háo hức mạnh mẽ hơn, luôn thôi thúc anh. Từ khi còn nhỏ Quang đã đọc rất nhiều tác phẩm về vùng đất này. Trong tủ sách của Bố, Quang tìm thấy rất nhiều cuốn sách viết về nước Mỹ, về phong cách - văn hóa-con người. Về những câu chuyện kỳ lạ và hấp dẫn, đầy thú vị, lôi cuốn, thôi thúc trí tưởng tượng của anh. Quang đã mơ có một ngày nào đó mình sẽ đặt chân lên xứ sở Cờ Hoa, gặp được dấu vết kho tàng trong mộng của Tom Sawyer, tham gia các cuộc phiêu lưu kỳ thú của Huck Finn, trông thấy túp lều của chú Tom, nhìn tận mắt vùng đất sống của người chiến sĩ cuối cùng của giòng họ Mohican... và hành hương trên quê hương Mark Twain, nhà văn hào anh thán phục. Quang lại càng mơ ước nhiều hơn khi lớn lên đọc các tác phẩm của Hemingway, các bài viết về Elvis Presley, các danh nhân khoa học, văn chương: Edison-Magaret Mitchell – Bill Gate... Giấc mơ tồn tại trong Quang như một ngọn lửa hồng không bao giờ tắt, cho đến tận giờ.

Ngày lên đường Quang vẫn chưa hẳn tin đó là sự thật.

Chuyến đi thăm thân nhân và nghiên cứu thị trường của một doanh nhân trẻ là lý do chính thức để anh đến được đây. Visa một năm, được thuận cho lưu lại nơi này sáu tháng, trong khi anh chỉ dự trù một chuyến viễn du sáu mươi ngày. Và hơn năm tuần lễ đã trôi qua đầy sôi động. Những cuộc gặp gỡ với bà con họ hàng, bạn bè cùng học ngày nhỏ ở Sài gòn, vài bóng dáng êm ả từng qua cuộc đời anh, những doanh nhân mà anh đã giao dịch làm ăn trước đây nhiều năm... Họ làm cho anh sôi lên, họ nung anh nóng chẩày, họ làm anh ngộp thở với những buổi gặp gỡ, đi thăm viếng các nơi và trên tất cả là tình cảm nồng ấm của những kẻ gặp lại nhau sau bao năm xa cách. Anh ngụp lặn trong bầu không khí đó, có lúc quên mình đã có vợ và hai con ở Việt Nam, tuy cứ đôi ba ngày lại gọi một cuộc điện thoại đường dài vào buổi tối cho những người mà anh thương yêu nhất.

Ngày đầu tiên khi tới phi trường San Francisco, gia đình Cô Thanh cậu Phát đem xe ra đón Quang đưa về San Jose.

Anh ở đó một tuần, rồi gia đình Bác Khánh đến chở anh về Sacramento. Lạïi một tuần qua. Các anh chị em trong họ luân phiên chở Quang đi khắp nơi ở California và Nevada, Holliwood, Los Angeles, Santa Anna, Las Vegas... anh được họ giới thiệu về đất nước, văn hóa và con người của xứ sở kỳ lạ này. Từ Cali Quang bay sang Texas ở với gia đình Bác Hùng, một người bạn thân thuở nhỏ của Bố Mẹ. Hơn hai tuần liên tiếp anh được hai bác cùng gia đình đưa đi chơi các tiểu bang và thành phố Washington DC - New York City – và các địa danh nổi tiếng ở Texas.

Những nơi mà anh đã thấy qua sách vở và hình ảnh nay tái hiện trên thực tế, có cái giống và không giống, có cái làm anh sững sờ nhưng cũng có cái làm anh thất vọng.

Quang quay về San Jose, sống ít ngày trong yên tĩnh ở nhà Văn sau khi có vài cuộc gặp gỡ “bất ngờ” với hai người bạn gái thuở nào. Họ lần lượt rời xa quê hương những năm 80 và 90 cùng gia đình. Họ đã có tổ ấm nhưng ánh mắt khi gặp lại Quang... hình như vẫn còn có đuôi, làm anh bâng khuâng. Làm anh dội lên cảm xúc khó tả ở trong lòng

Văn và Quang là đôi bạn thân ngày nhỏ, hai gia đình cũng quen nhau. Quả bóng đá làm họ gần nhau hơn nữa, nhưng chuyến đi HO của Ba Văn khiến họ không còn gặp nhau từ hai chục năm qua. Nay gặp lại, Văn đã là Kỹ Sư Điện Toán, người bạn ngày xưa có vẻ người lớn đầy chững chạc, đầy vẻ ... Mỹ. Tự dưng Quang muốn mình cũng có được dáng vẻ rất đàn ông, rất mạnh mẽ như bạn. Nhưng vẫn phải rất Việt Nam.

Trong những ngày này buổi sáng Quang dậy sớm, thu mình trong chiếc áo khóac bằng dạ rất ấm của Văn. Anh thích đứng bên khung cửa kính, rộng như cả bức tường, ngó xuống vườn. Cây cối xanh, nâu, xám, đỏ, vành nhạt mơn mởn mùa Xuân. Thời tiết đã chuyển sang đầu Hè nhưng vẫn còn khá lạnh. Sương mù bao kín các ngọn cây, các nóc nhà ở xa xa, mờ mịt. Tiếng xe cộ ù ù đâu đó, bất tận. Chỉ độc có tiếng xe hơi đều đều không dứt. Xứ sở của sắt thép công nghiệp, của sức mạnh, của giầøu có.

Anh suy nghĩ miên man nhiều lần khi đi qua các vùng cộng đồng người Việt. Có một số người bạn bảo anh rằng họ đang dần dần trở thành người Mỹ. Như Mỹ trắng chứ không phải Mỹ gốc Việt da vàng hiện nay. Nhưng cũng có những người bạn khác bảo rằng cộng đồng đang cố gắng hết sức để bảo tồn văn hóa Việt trước nền văn hóa thực dụng nơi quê hương mới, dẫu sao thì cũng đã ít nhiều làm cho tâm hồn Việt Nam co lại, dấu kín hay biến mất. Nhưng ở gia đình thân nhân, bè bạn của mình Quang vẫn cảm nhận được những tình cảm rất Việt Nam và anh thực sự cảm động. Vậy thì đâu mới là điều đáng quang tâm? Đâu mới là điều thực sự tồn tại và phát triển? Sáng nay Quang đang đắm mình trong những suy tư như thế, đột nhiên tiếng Văn ngay bên cạnh, trầm ấm:

-Lạnh hả?

Quang quay lại, Văn vẫn chỉ áo chui bình thường. Anh cười gượng:

-Lạnh thật đấy chứ

-Chưa quen thôi. Ơû đây vài năm cậu sẽ thấy giống như Đà Lạt, ra đường chạy bộ mà không cần quần áo ấm.

-Cái lạnh ở đây… khó chịu quá. Khô và buốt không giống bên mình.

Văn ngồi ghé lên mặt bàn bi da lỗ, gật gù :

-Cali thời tiết tương đối giống Việt Nam nhất. Nhưng khô nên không có mồ hôi, quần áo mặc cả tuần không thấy dơ

-Nhà cửa hầu hết thấp… lè tè, chỉ có một hai tầng.

-Xứ sở của động đất mà, nên tòan bằng gỗ và vật liệu nhẹ cho đỡ thiệt hại.

Hai người trầm ngâm nhìn qua cửa kính. Một lúc, Văn hỏi bạn:

-Hôm nay có chương trình gì không?

Quang lắc đầu:

-Thứ sáu? Không, không có. Nhưng tuần tới được mời qua South Carolina thăm vài tên bạn học cũ.

-Ừ, nên đi. Qua đây mà không đi nhiều nơi, biết có dịp khác hay không. Xứ sở này mênh mông quá, không có bạn bè thì chẳng ai đi đâu xa, trừ dân du lịch.

Văn cười cười trước khi quay đi:

-Vậy thì chiều nay tôi đưa cậu đi chơi cuối tuần, khi tan sở về.

-Tiết mục gì? Hấp dẫn không đấy?

-Chả biết nữa, nhưng cũng qua được mấy tiếng cho đầu óc thảnh thơi

Quang nhìn theo bạn. Cái máy khổng lồ của cuộc sống đang cuốn mọi người vào nó. Văn cũng phải lao theo, không ngọai lệ. Nơi Văn làm việc cách nhà hơn nửa tiếng chạy xe, thuộc một thành phố khác. Ởû Cali có những cái ngược với Sài gòn, như thành phố lại nằm trong Quận. Chỉ riêng một quận Cam (Orange County) đã có hàng chục thành phố trong nó, còn thành phố Sài Gòn có đến 17 Quận và 5 Huyện trên bản đồ hành chánh. Từ ngày sang đây Quang đã cố ý tìm hiểu và học hỏi nhiều điều để có thể thích nghi. Trong đó có việc tự nấu mì gói nếu không muốn tự nấu cơm để lo cho bữa ăn của mình trong ngày. Không những chỉ vì Văn sống một mình mà còn vì ở đây ai cũng phải tự làm. Không có người giúp việc để giúp đỡ hay phục vụ mình như ở quê nhà. Mà cũng không thể vừa bước ra đường là có hàng quà, hàng ăn, giống Sài Gòn – Hà Nội. Phải lái xe với tốc độ sáu bẩy chục cây, đi vài chục phút mới đến được một tiệm ăn nào đó, và ít có tiệm nào mở cửa đến tám giờ tối.

Quang loay hoay trong ngôi nhà vắng lặng. Anh bắt đầu giống như Văn, giống như hầu hết các gia đình Việt ở hải ngoại này: phần lớn thời gian của họ ở nhà sau khi đi làm, đi học về là ngồi trước máy truyền hình hay vi tính. Xem chán, anh đi nằm, đọc sách rồi lại… xem phim. Cho đến lúc Văn về. Đã bốn giờ chiều của một ngày xuân lạnh buốt.

Văn sửa sọan rất nhanh. Quang nhận ra một điều là ở đây người ta dùng nước hoa ít hơn người Sài gòn. Chỉ thoảng nhẹ. Và hình như không trau chuốt. Dáng vẻ lè phè. Cũng chẳng ai quan tâm chú ý tới ai. Trong đám đông đa sắc tộc, ở nhà hàng hay sân trường đại học hoặêc các trung tâm mua sắm, Quang lại càng thấy rõ điều đó. Mọi người như chỉ sống cho riêng mình và chung quanh chỉ là người xa lạ.

Hai người mang giầy ở ga ra và lên xe. Cánh cửa nhà xe được điều khiển từ xa từ từ mở rộng. Có nhiều chuyện, nhiều hình ảnh ở đây về đến quê nhà đã từng làm mọi người trầm trồ thì thực ra chỉ là chuyện tự nhiên, là bắt buộc hay là phương tiện phục vụ. Nó không thể hiện gì nhiều về sự giầu nghèo, sự cách biệt trong cuộc sống của các gia đình. Một ngôi biệt thự với ba bốn chiếc ô tô trong vài ba ga ra cửa đóng mở tự động là một trong những hình ảnh bình thường.

Quang ngồi cạnh Văn, thắt dây an toàn. Anh đã quen với công việc bắt buộc này. Luật pháp Mỹ được thể hiện qua việc thực hiện nghiêm chỉnh mọi quy định, luôn được nhắc nhở bằng hình phạt nặng. Một vi phạm tưởng nhỏ có thể bị phạt từ hàng trăm đến hàng ngàn đô la, khối anh không đủ tiền nộp phạt mỗi năm phải xin trả góp, Văn nói thế.

Văn đưa xe ra đường, không cần nhìn lại, cửa ga ra đã tự khóa. Quang hỏi:

-Đi đâu đây?

Văn cười dòn:

-Có nhớ hôm nay là ngày gì không?

-Thứ sáu, cuối tuần.

-Tệ quá. Hình như quên mất rồi nhỉ?

Quang cố đào bới trong ký ức. Văn liếc nhìn bạn, gợi ý:

-Chúng ta thường có những buổi “đánh chén” với nhau thịnh soạn ở Sài gòn khi còn bé. Bột chiên, bò khô, bánh ướt... đặc biệt là thêm món phá lấu và nước mía Viễn Đông vào những dịp ... long trọng.

Quang la lên:

-A, nhớ rồi. Tháng ba, cuối tháng ba. Sinh nhật cậu.

Hai người phá lên cười vui vẻ. Quang tiếp:

-Vậy thì tôi đãi cậu một chầu. Gần đây có nhà hàng nào không?

Văn xua tay:

-Không cần thế. Lần này tôi khao, mình sẽ đi ăn ở quận Sacramento.

Quang tròn mắt:

-Đi xa thế? Bằng từ Sài gòn đi Phan Thiết đấy ông a.ï

-Hai tiếng chạy xe, nghĩa lý gì.

Quang lắc đầu chịu thua: Xứ này cái gì cũng khác thường, ít nhất là khác với Việt Nam. Hai người chìm vào yên lặng.



Văn bẻ lái vào Exit, tìm một trạm xăng. Chàng quay sang Quang định hỏi có cần vào nhà vệ sinh dọc đường không. Hình như Quang đang say ngủ. Văn nhẹ nhàng kéo ống bơm đổ xăng vào xe đến đầy bình rồi lại đưa xe vào đường cao tốc. Chỉ mới được nữa đường và sớm nhất thì sáu giờ chiều mới đến được Sacto.

Không khí lạnh tràn vào xe lúc đứng bơm xăng làm chàng co người lại. Chàng rên nhẹ trong cổ họng, phát hiện ra mình cũng thường có tiếng rên như thế những lần ở cạnh người con gái ấy, trên chăn ấm nệm êm. Một niềm thôi thúc mãnh liệt chợt đến, Văn nhấn mạnh chân ga và đắm mình trong hồi ức.

Bích Hạnh có dáng người cao và mảnh mai. Nét đẹp tây phương dù là người Việt Nam. Cha mẹ định cư ở Cali từ trước 75, đều là sinh viên du học. Cô gái sinh ra đúng vào cái năm bao nhiêu người đồng hương lũ lượt kéo về đây sinh sống. Bích Hạnh nói tiếng Việt tương đối khá. Nàng lớn lên giữa những con người vàng – đen – đỏ – trắng nhưng không hề thắc mắc. Nói tiếng Anh ở trường và ở nhà, nhưng nàng biết mình là người Việt Nam, một xứ sở xa xôi nào đó ở cách đây nửa vòng trái đất. Dân tộc ấy trông giống như ông bà nội và ngoại của nàng, nhưng sinh hoạt không giống như cha mẹ anh em nàng lắm. Họ chỉ mới đến ở gần gia đình nàng khi nàng mới là cô bé học sinh lớp 6

Bích Hạnh lớn dần. Lớn dần. Nàng dành thời gian cho việc học và cũng dành thời gian để tìm hiểu cội rễ của mình. Nàng khám phá ra nhiều điều thú vị, nhiều điều bi thảm và buồn bã từ quê hương cha mẹ. Nhưng đồng thời nàng thấy thiết tha yêu quý mảnh đất nghèo nàn cơ cực ấy. Tốt nghiệp cử nhân luật nhưng Bích Hạnh bỏ việc sau hai năm tập sự tại một văn phòng luật sư nổi tiếng người Mỹ. Trong thâm tâm, Bích Hạnh vẫn mong mỏi có cơ hội về thăm miền đất xa xôi nơi cha mẹ mình từng sống. Bích Hạnh thường nói thế.

Cô gái có nụ cười thật tươi, răng khểnh. Ánh mắt long lanh. Nàng đẹp rực rỡ và thân hình đầy hấp dẫn. Ở đây người ta quen nhau dễ dàng. Văn gặp Bích Hạnh trong sinh nhật một người bạn. Em gái người này giới thiệu Bích Hạnh. Văn chú ý đến nàng ngay lần gặp đầu tiên. Hai người ngồi cạnh nhau ở góc vườn sau. Trời se lạnh và nắng chiều rực rỡ. Nụ cười dường như đọng thường xuyên trên đôi môi nàng. Văn hỏi:

-Em có lạnh không?

Bích Hạnh trả lời, giọng hơi trầm:

-Mát mà, đâu có lạnh.

Nàng ưỡn người. Hai gò ngực nhô cao, Văn nhìn thẳng vào đó, tự nhiên. Không có gì là sỗ sàng cả, chàng biết Bích Hạnh cũng nghĩ như vậy. Người ta thưởng thức nó như thưởng thức vẻ đẹp của trời đất, cỏ cây.

Văn hỏi:

-Sao em không theo nghề Luật sư?

-Không hợp.

-Sao lại học luật?

-Lúc đó không thấy.

-Tại sao đổi làm nghề địa ốc?

-Vui.

Văn và Hạnh cùng phá lên cười. Không ai khó chịu vì tiếng cười của họ, mọi người đang vui vẻ ăn uống trong vườn. Văn lấy tiếp cho Hạnh mấy cái chả giò. Câu chuyện làm họ thân nhau nhanh chóng và vẻ chững chạc, già dặn đàn ông của chàng đã cuốn hút người con gái. Hạnh kể cho Văn nghe thời thơ ấu của nàng bằng cái giọng hơi tức cười không đủ vốn tiếng Việt để dùng phải xen lẫn tiếng Anh của những người thuộc lứa tuổi từ 75 trở về sau, sống xa quê Cha đất Tổ – Họ là một thế hệ mới mẻ, non trẻ đầy sức sống và không có dĩ vãng. Họ chỉ nhìn về phía trước, không biết đến sau lưng và quan tâm tối đa vào hiện tại. Hạnh tốt nghiệp Đại Học ngành Luật Ngân Hàng và Địa Ốc. Lĩnh vực dịch vụ địa ốc cần am hiểu nhiều về luật, nên Hạnh chuyển nghề một cách dễ dàng và gặt hái được kết quả khá tốt.

Hạnh chính là mẫu người tiêu biểu cho thế hệ này, xông xáo và thực dụng.

Văn ngồi im chăm chú nghe. Vẻ mặt của chàng như một khích lệ làm cho cô gái thêm hào hứng nói liến láu quên thôi. Khi kết thúc câu chuyện, nàng hỏi:

-Anh có biết tại sao em thích làm service địa ốc không, Toni?

-Em nói rồi: vui!

Bích Hạnh nheo mắt, trề môi:

-Đúng rồi. Nhưng còn có một lý do nữa, đó là em có nhiều dịp để ra vô các loại nhà.Một ngày nào đó em sẽ kiếm được mẫu căn nhà vừa ý của riêng em.

-Và một gia đình vừa ý nữa chứ?

-Đúng vậy. Em phải tìm cho em một người chồng vừa ý.

Cả hai cùng cười thoải mái. Họ cảm thấy như đã quen nhau từ lâu, như đã từng gặp gỡ nhiều lần. Như đã từng xẻ chia những ý nghĩ riêng tư, thân thiết. Văn thấy mình trẻ lại như còn ở tuổi hai mươi và không nhớ cô gái này kém chàng tới mười lăm tuổi.

Sau lần gặp gỡ đó họ trở thành đôi bạn thân và không rõ tự lúc nào, họ yêu nhau và quấn quýt lấy nhau. Mỗi cuối tuần Văn thường từ San Jose “bay” về Sacramento với Hạnh, ở chung với nàng trong căn “nhà house” xinh đẹp có vườn rộng chung quanh, đủ các loại hoa khoe sắc cùng các loại cây ăn trái. Văn đem đến trồng ở nhà nàng hai giống hoa quỳnh: một là nhật quỳnh của Nhật Bản và một là dạ quỳnh của Việt Nam. Cùng một loài hoa nhưng hai xứ sở khác biệt thì hoa cũng khác biệt. Quỳnh Việt đài các, hiếm hoi chỉ nở vội vài ba đóa mấy tiếng trong đêm rồi tàn úa, trong lúc quỳnh Nhật nở rộ, rực rỡ suốt cả tuần. Văn bảo anh thích quỳnh hương và nghĩ là em cũng thích. Bích Hạnh nũng nịu:

-Em chỉ thích anh thôi.

Văn nhận ra tâm hồn người con gái này rất giản đơn và thành thật. Nàng nghĩ sao nói vậy và cũng thật lòng tin tưởng ở chàng. Cuộc sống gần giống như vợ chồng làm cho họ thấy dễ chịu. Bích Hạnh từng kể bạn bè ganh tị với nàng vì có người tình Châu Á cao lớn, đẹp trai. Có bạn hỏi nàng chừng nào làm lễ cưới và nàng ngạc nhiên về câu hỏi ấy, điều mà Hạnh và số đông bạn đồng trang lứa ít quan tâm. Văn nói ở quê nhà vào tuổi này người ta bảo là “cô gái ế chồng”, Hạnh tròn xoe mắt không thể hiểàu. Tự dưng Văn thấy yêu Bích Hạnh quá chừng. Chàng để tâm săn sóc nàng ngày càng nhiều hơn. Điều ấy làm cho cô gái thích thú, có những lúc nhận thấy Văn khác biệt rất xa với những người bạn trai khác, kể cả những người bạn trai Mỹ trắng cao lớn đã từng nói yêu nàng, đã từng hôn nàng say đắm. Bích Hạnh kể lại cho Văn nghe những suy nghĩ này một cách hồn nhiên.

Bên cạnh, Quang cựa quậy và bật lên vài tiếng ho khan. Văn ngó sang người bạn “nối khố”. Lúc hai người còn bé gia đình ở cạnh nhà nhau trong con ngõ nhỏ Sài gòn, đã có một thời gian dài chơi với nhau thân thiết.

Quả bóng lăn dài dưới đôi chân trần hai đứa. Cây tây ban cầm bị quăng quật, vật vã dưới những ngón tay tập dượt những bài nhạc tây, ta. Ở trần, quần đùi, chân đất, hai đứa chạy nhẩy khắp nơi như chân sáo không mệt mỏi

Họ chưa kịp lớn lên đã phải chia xa. Đã hai mươi năm cách biệt, đây là lần đầu tiên hai đứa gặp nhau. Trong khoảng thời gian dài như vậy, họ chỉ gặp được nhau qua những lá thư và những năm gần đây qua máy vi tính. Tuy nhiên tình bạn của hai người không có gì thay đổi, Văn biết chắc như vậy và Quang cũng nghĩ như vậy về chàng.

Văn nghe Quang hỏi nhỏ:

-Sắp tới chưa, mình ngủ thiếp đi lúc nào không biết.

-Chưa, nhưng dậy đi. Nhìn chong chóng kia kìa.

Trong nắng chiều vàng óng, trên các đồi cao cỏ mọc xanh mơn mởn gió đùa các cụm cây lá rung rinh, Quang nhìn thấy hàng cột chong chóng ba cánh trắng nhạt quay tít chạy dài và nhấp nhô. Những ngọn đồi cao thấp không đều, từng lớp từng lớp chạy về mọi hướng được trồng những hàng chong chóng thép khổng lồ trên ngọn và quay bằng sức gió để sản sinh điện cho toàn khu vực chung quanh. Một hàng chong chóng chạy ngang thì lại có một hàng chạy dọc bắt lấy gió mọi phương, không để lọt mất chút nào. Dưới chân chúng từng đàn bò nhởn nha gặm cỏ. Cảnh tượng thật là thơ mộng, thanh bình.

Quang kêu lên:

-Đẹp quá.

Anh cầm vội chiếc camera thu lấy đoạn hình ảnh ấy. Nắng vẫn rực rỡ ở trên cao, dù đã sáu giờ chiều. Quang nghĩ có lẽ đến tám giờ trời mới tối hẳn cho đêm có cơ hội lên đèn. Chiếc xe lồng lên, vun vút. Phút chốc, các đỉnh đồi khuất lấp, trước mặt là con đường xa tít tắp với những hàng dài xe ô tô ngược xuôi bất tận, tốc độ vẫn làm Quang chóng mặt. Nhưng không thấy bóng dáng của khói xăng và bụi mù quen thuộc ở quê nhà Việt Nam.





Hai người tới Elk Grove khi thành phố đã lên đèn. Sacto buổi tối vắng vẻ hơn San Jose và lại càng vắng vẻ hơn Santa Anna, Los Angeles những nơi anh đã đi qua. Hình như thời tiết lạnh hơn. Trong lúc Văn đưa xe rời xa lộ rẽ vào thành phố, Quang thả hồn nhớ lại những ngày vừa qua tại các nơi anh đến. Những lần đi chơi với gia đình chú thím Trường và các cô Thái – Lạng cùng các em ra bãi biển; đi với vợ chồng Khoa lê la các khu phố vắng người hoặc ngồi hàng giờ trong quán kem; cùng Phúc – Đính, vợ chồng Toán – vợ chồng Chiểu thưởng thức các món Việt Nam hay đi ăn quà vặt. Tất cả đều là những kỷ niệm khó quên, Quang đã không tiếc thời gian để thu vào camera và chiếc máy chụp hình nhỏ những hình ảnh ấy. Đột nhiên anh thấy bâng khuâng. Cuộc đời – tan hợp – mỗi người một hoàn cảnh. Hạnh phúc không phải là thứ được san xẻ đồng đều cho mọi người cùng hưởng. Không ít tiếng cười nhưng cũng tràn đầy nước mắt. Tiếng than thở càng làm cho khuôn mặt già nua khắc khổ hơn sau bao nhiêu đày đọa xẩy ra với mọi người suốt những năm chiến tranh.

Quang thấy thương tất cả những người đã gặp và cũng thương cho chính bản thân mình. Trong anh, không cứ là người Việt, mà bất cứ ai anh gặp cũng thấy đều rất thiện cảm, rất có tình người.

Văn rẽ tay phải, vòng qua một công viên rồi tiếp tục cho xe chạy trên đường nội bộ của một khu nhà độc lập. Ởû Cali, đâu đâu cũng thấy những khu nhà rộng bằng gỗ, một và hai tầng kiểu biệt thự khang trang nhiều mẫu mã, sơn mầu thanh nhã hài hòa. Nhà nào cũng có vườn rộng bao quanh với các loài hoa rực rỡ.

Những đóa hồng to bằng cái bát canh đỏ tươi trên cành cao hơn hai mét, cạnh đó là các bụi hoa lạ đủ mầu xanh đỏ trắng tím vàng khoe sắc.

Xe dừng lại trước ngôi nhà xinh xắn. Quang nhận ngay ra được dấu vết sự chăm sóc của bàn tay người trên thảm cỏ xanh mướt trước nhà, trên các bụi hoa cạnh hòn non bộ cạn, trên lối đi uốn lượn đến hàng hiên vào cửa chính biệt thự.

Quang không hỏi, trước sau gì cũng biết mình ở đâu. Có thể là gia đình một người bạn. Hay một nhà bà con nào đó.

Văn bấm chuông và như chỉ trong tích tắc, cánh cửa mở rộng. Một cô gái cao lớn cắt nét giữa khung cửa tràn ánh sáng. Quang sững sờ. Đẹp quá. Mái tóc dài uốn nhẹ phủ trên đôi bờ vai, một khuôn mặt thanh tú và có nét châu Âu tươi cười với Văn, không có vẻ gì quan tâm đến người đứng bên cạnh chàng. Cô gái choàng hai vòng tay quanh cổ Văn, âu yếm hôn nhẹ lên đôi môi người tình. Một tiếng “chut” nho nhỏ – Văn ôm lấy ngang lưng nàng, hỏi khẽ trong tiếng cười:

-Có nhớ anh không Doris?

Nàng gật đầu hóm hỉnh:

-Nhớ suốt tuần, không lúc nào quên.

-Cám ơn em.

Văn giới thiệu hai người:

-Đây là anh Quang ở Việt Nam qua chơi. Còn đây là Bích Hạnh, một người Mỹ gốc Việt, công dân của Cali.

Cô gái đưa tay bắt tay Quang rất tự nhiên. Bàn tay cô mềm và ấm. Quang đã chuẩn bị những lời chào khách sáo, nhưng anh thấy ngượng ngập. Hình như thiếu nữ không cần thứ ngôn ngữ đó, cô nói những câu nữa Mỹ, nữa Việt với anh, nhanh láu táu và hồn nhiên:

-Hi, anh Quang. Anh Văn nói anh đi du lịch và muốn tìm dịch vụ địa ốc ở đây?

Quang gật đầu, quên cả buông tay cô:

-Đúng thế, Anh Văn nói Bích Hạnh rất rành về dịch vụ này?

-Thank you anh. Em biết gì thì sẽ nói cho anh nghe.

Văn giục:

-Thôi vào nhà đã, anh Quang chưa quen lắm với thời tiết Cali, dễ bị lạnh.

Ba người vào phòng khách ấm áp có máy điều hòa, Quang bước nhẹ trên thảm dầy trải rộng khắp sàn. Bên này nhà nào cũng trải thảm để tránh lạnh chân những ngày đông giá, kể cả nhà vệ sinh, nhà tắm, cầu thang.

Bộ salon to choán một nữa căn phòng, hướng nhìn về lò sưởi. Ở đó là chiếc tivi 50 inch mỏng đang mở, một đọan phim quảng cáo ô tô. Tiền điện và tiền ga chiếm một khoản đáng kể trong chi phí sinh họat hàng tháng của các gia đình. Người ta ở trước máy truyền hình lâu như thời gian ngủ, chỉ sau thời gian đi làm việc. Quang ngồi vào chiếc ghế sô pha và cảm thấy vô cùng dễ chịu sau khi trải qua hai tiếng dài trên chiếc ô tô.

Ba người chuyện trò vui vẻ. Quang chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cô gái, trong lúc Văn và Bích Hạnh ngồi choàng vai âu yếm. Một lúc, Văn kéo Hạnh đứng lên và nói với Quang:

-Cậu ngồi xem ti vi nhe,ù hoặc nếu thích thì chơi game, mọi thứ ở trong tủ bên cạnh đó. Tôi vô phụ cô nhỏ này một tay cho kịp bữa chiều.

Quang nhìn theo hai người, cả hai đều cao và đẹp. Đây có phải là mẫu người Việt Nam trong và ngoài nước của thế kỷ 21 mà người ta thường nói tới trong các bài viết, các chương trình khoa học và đời sống và các tài liệu nghiên cứu về dinh dưỡng? Quang bật cười với suy nghĩ vẩn vơ của mình.

Hạnh mở bếp ga hâm lại đồ ăn cho thật nóng và Văn chuẩn bị cho món ốc vòi voi độc đáo mà chàng ưa thích. Chàng đã dặn Hạnh làm món này để đãi bạn phương xa. Con ốc dẹp giống con chem chép ở quê nhà, nhưng lại có chiếc vòi khổng lồ bằng nữa thân mình nó. Chỉ hai con đã cho một dĩa thịt đầy, trắng bạch như thịt gà xé, chấm với nước tương mù tạt và lai rai với bia lạnh thì thật là tuyệt.

Cơm được dọn ra thật nhanh. Ba người đều vui với niềm vui riêng của mình. Quang nhận ra rằng anh vẫn còn đôi chút dè dặt, trong lúc Văn lè phè, tự tin và cô gái thì rất hồn nhiên.

Bữa ăn kéo dài hơn một tiếng. Đèn điện chợt tối đi gần hết và một ánh nến vụt sáng lên. Hạnh, trong trang phục áo chui cổ lọ quần short bó sát thân mình, một tay bưng đĩa bánh sinh nhật nhỏ bên trên có ngọn nến thắp sáng, tay kia là chai rượu vang đậm mầu, bước tới cạnh bàn. Nàng nghiêng người đặt xuống trước mặt người tình và ôm choàng vai Văn:

-Happy Birthday!

Cả hai cười vui, vỗ tay hát bài hát quen thuộc và Quang ngập ngừng một chút rồi cũng vỗ tay theo. Bích Hạnh kết thúc bài hát bằng nụ hôn nhẹ làm quà mừng sinh nhật trên môi Văn. Mỗi người có một phần bánh nhỏ. Thanh niên Mỹ ngày nay đang hăng hái ăn kiêng (diet) để giảm cân vì nhận ra mình quá dư thừa năng lượng, phát phì.



Văn và Hạnh cùng rửa chén, dọn dẹp nhà trong lúc Quang ngồi xem truyền
hình. Buổi tối ngày sinh nhật của Văn trôi qua nhẹ nhàng, êm ả làm sao.
Chàng cảm nhận một niềm vui trọn vẹn đang ngấm dần. Trong lúc sắp chén
đĩa vào rổ úp cho khô, chàng cảm thấy mình như một người chồng gương
mẫu trong một tối gia đình hạnh phúc. Niềm vui dai dẳng, thiết tha tràn
ngập trong lòng, tan ra máu thịt và nung nấu khắp người làm cơ thể Văn
nóng lên hừng hực.

Hạnh đã vào phòng ngủ, có lẽ là đang trang điểm lại. Văn thấy mình như đang vội vã, hối hả xếp những món cuối cùng vào rổ úp.

Chàng rửa tay trong nước nóng, hơi nóng ngấm sâu vào lòng bàn tay và
những ngón tay. Chàng lau vội, thoa một chút lotion và nhẹ nhàng bước
vào phòng Hạnh.

Nàng đang đứng xoa nhẹ hai má trước gương. Khí hậu ở đây không ẩm làm cho da bị khô và dễ mốc. Nam
hay nữ đều dùng mỹ phẩm như nhau. Văn đứng lặng nhìn nàng. Đã bao lần
như thế, nhưng sao lần này chàng có cảm giác hoàn toàn mới lạ. Như lần
đầu tiên biết yêu trong đời. Như khi chàng gặp Thu Hà, cô nữ sinh Marie
Curie ở Sài gòn và hai người yêu nhau với mối tình đầu cao thượng.
Người con gái ấy đã để lại dấu ấn không thể nào quên trong tâm hồn Văn
từ bao năm qua, tồn tại ở một ngăn nào đó trong trái tim sôi bỏng, vĩnh
viễn không phai mờ.

Bích Hạnh biết có sự hiện diện của
Văn trong phòng nhưng không quay lại. Văn tiến đến cạnh nàng, không
tiếng động. Chàng vòng tay ôm ngang eo nàng siết chặt và vùi đầu trong
suối tóc người con gái. Bích Hạnh nghiêng đầu về một bên, quàng tay lên
vít đầu Văn xuống. Nụ hôn của Văn tham lam trên môi, trên cổ và trên
gáy nàng. Cả hai đều nghe thấy hơi thở gấp rút của nhau, cả tiếng khêu
gợi của hai đôi môi quấn quýt.

Văn dìu nhẹ Bích Hạnh đến góc giường
ngủ. Nàng ngã ngồi xuống và cả hai siết chặt lấy nhau trong vòng tay
mạnh bạo. Những cái hôn nồng cháy nối tiếp. Không gian hoàn toàn im
vắng, ngưng đọng.

Văn quỳ một gối trên thảm dầy. Chàng
úp mặt trong lòng Bích Hạnh, lặng lẽ đón nhận hơi nóng và mùi áo ấm của
nàng. Một lúcVăn bất ngờ kéo vạt áo trước ngực nàng và chui đầu vào
trong đó. Hạnh ngồi yên, hai tay ôm chặt lấy đầu Văn. Chàng cảm thấy
nhịp tim Hạnh hỗn loạn, lồng ngực Bích Hạnh nóng rực và mơn trớn trên
mặt chàng. Văn say sưa với những cảm giác tuyệt vời. Mùi thịt da cô gái
làm chàng ngây ngất, đưa chàng về một thuở xa xôi từng cọ đầu trên ngực
Mẹ.

Hạnh như choàng tỉnh dậy khi Văn nhấc
đầu ra khỏi nàng. Ánh mắt chàng long lanh. Vòng tay chàng như sắt thép.
Hạnh ve vuốt hai đuôi mắt Văn, nói nhẹ như thở:

-Ở lại đi! Ở lại đi!

Chàng không trả lời. Anh sẽ ở lại nhưng không phải đêm nay. Đêm nay như
thế là trọn vẹn. Anh chỉ muốn đến thế, vì anh muốn sẽ ở lại với em trọn
đời. Anh chưa thấy mỏi mệt nhưng anh muốn dừng chân lại mãi mãi. Anh
muốn có một mái ấm gia đình, anh muốn những đứa con. Anh muốn …

Văn nâng nhẹ cằm nàng:

-Đường xa lắm. Anh phải đưa Quang về.

Cô gái thoáng nét buồn. Chàng thì thầm:

-Đừng mà. Anh sẽ trở lại tuần tới.

Bích Hạnh vò tung mái tóc chàng, lặng im. Văn đứng lên, hai ngón tay kẹp nhẹ tai nàng, day day:

-Anh muốn làm đám cưới.

Bích Hạnh vẫn lặng lẽ, bàn tay nàng xoa nhè nhẹ trên cánh tay Văn. Mơn
trớn và âu yếm. Đã đến lúc rồi đó. Em cũng không muốn phải ở xa anh. Em
muốn có anh ở cạnh bất cứ lúc nào.Bây giờ. Ngay đêm nay, ngay trong căn
phòng đầy chăn gối này.

Văn bước ra ngoài. Quang đang khoanh
tay gục đầu ngủ ngồi trên chiếc sôpha. Ti vi vẫn léo nhéo giọng con nít
trong phim họat hình.

Văn đứng khựng vài giây rồi gõ nhè nhẹ trên vai bạn:

-Về thôi!

Quang cựa mình, mở mắt nhìn Văn cười như xin lỗi:

-Ấm quá, ngủ quên mất.

Người con gái đứng tựa khung cửa tiễn hai người. Gió lùa mái tóc cô rối bồng. Quang mạnh dạn siết tay cô:

-Cám ơn Hạnh.

Hạnh cười hiền hậu:

-Good bye anh.

Văn vẫy vẫy tay:

-Ngủ ngon nhé.

Hạnh trả lờøi đầy ý nghĩa;

-OK. Rất ngon. Bye Tony.

Và đứng yên nhìn theo chiếc xe dần khuất ở cuối đường. Văn nhấn mạnh ga, thở ra một hơi dài. Quang hỏi :

-Tối nay vui chứ?

-Vui. Rất vui. Buổi tối ngày sinh nhật đáng nhớ, một bên là người tình, một bên là bạn tri kỷ. Còn muốn gì hơn nhỉ?

Cả hai cười vang. Quang nhớ tới ngày
sinh nhật của mình ở quê nhà. Sắp đến rồi. Lại thêm một tuổi nữa. Nhưng
lần này Văn không thấy bâng khuâng. Lóang thóang hình ảnh vợ con và
ngôi nhà xinh xắn hiện lên trí óc Quang, anh đưa tay vuốt nhẹ trên mặt.
Hạnh phúc của tôi. Đó là cả cuộc sống tôi. Một niềm mong muốn cồn cào
dậy sóng trong lòng anh.

Tiếng Văn vang lên đâu đó:

-Nước Mỹ cầm chân được chàng chứ? Ởû lại chơi một tháng nữa nhé, tôi sẽ đưa chàng đi vài tiểu bang khác trong dịp vacance.

Quang nhếch mép hóm hỉnh:

-Sáng mai cậu lên mạng đổi ngày về giúp tôi.

-Định ở lại bao lâu?

-Thích thì thích thật. Nhưng tôi muốn đổi ngày về sớm hơn nửa tháng.

Văn la lên ngạc nhiên:

-Sao lại thế?

-Nhớ nhà rồi!

-Nhớ nhà hay nhớ vợ con?

-Cả hai. Nhớ lắm.

Văn cười:

-Nỗi nhớ thường hay đến bất chợt và đôi khi làm xoay chuyển quyết định của một người, giống như tình yêu vậy.

Quang chân thành:

-Mình vừa nhớ đến Quốc Văn Giáo Khoa Thư: “chốn quê hương là đẹp hơn cả”.

Văn tán đồng:

-Đúng vậy. Đi đâu rồi cũng quay về tổ ấm thôi.

Chiếc xe lao đi vun vút. Mỗi người
chìm vào thế giới riêng. Văn nhớ tới Bích Hạnh với hơi ấm da thịt, gối
chăn hạnh phúc. Quang nhìn ra cửa, xe đang tiến lên đỉnh đồi cao. Bên
dưới Silicon Valley đang sống động rực rỡ với muôn vàn đèøn điện hoa vàng rực. Thung lũng Hoa Vàng về đêm như bừng sống, như sinh khí của Cali
tụ tập hết về đây. Quang nghĩ tới những người tuổi trẻ, tương lai của
đất nước anh đã gặp trong những ngày qua ở cả hai miền quê hương. Đã
hơn 30 năm xa cách mà vẫn gần gũi thân quen. Anh thấy yêu mến tất cả,
cảm tình với tất cả. Chỉ có yêu thương, không giận ghét. Không phân
biệt mầu da, chính kiến, tập quán, văn hóa.

Không gì hết, chỉ có một chữ Tình.


VÕ HÀ ANH

(Kỷ niệm một lần đến Mỹ Quốc – 03/07)

EVENING OF THE
BIRTHDAY
Vo Ha Anh
Translated by Ha Lien
Introduction:
After 32 years of absence, Vo Ha Anh comes back to the readers with the short story "Evening of the Birthday", with his familiar style -- young and passionate.
But with something new, up-to-date and close to the practicality of these two continents half the globe apart. With the thinking, language and feelings peculiar to TODAY'S people.
Beside this short story, the author also has a record of his "Eighty Days in California" -- written about the visit to the USA that he had made from March to June 2007, complete with interesting and accurate details.
THE BMW SPEEDILY left the city roads for the highway, full of power. All the car windows being shut, only the windy noise made by the two-way traffic resounded regularly to Quang's ears. At 4:00 PM, the afternoon sun struck, ardent, and would only disappear completely after 8:00 PM, when the moon would be shining high at its zenith.
Quang glanced at the speedometer in front of Van's steering wheel: 70 miles per hour -- more than 110 kilometers per hour. The features of Van's face were calm and did not reflect any thought clearly. The forty-two-year-old friend -- two years older than him -- was full of manhood and energy. Like trees growing in rich soil, like beasts in deep, covert forests, like someone who has been successful in life, standing high, straight and confident.
Van's big figure overshadowed the wheel, caressing it as though holding a toy. The car glided on the highway at a vertiginous speed. The weather in Californian afternoons is rather cool, and the wind dries your face's skin. But it was now warm inside the car. The nice ambiance of the car heater and the light scent made Quang contract upon himself, sensing the cozy feeling which was permeating his body. Having the palms of his hands against each other, he placed them in his lap, pressed his knees tightly, slightly closed his eyes and let his mind wander to nowhere.
Quang arrived in the USA five weeks ago. The nearly twenty-hour flight left him a little numb. But the excitement was much stronger and always incited him. Since he was a child, he had read a lot of material about this land. In his dad's bookcase, he had found many books written about the USA, about the way of life, culture and people. Strange and interesting stories attracted and incited his imagination. Quang had dreamed that some day he would set foot in the country of the star-spangled banner, find traces of Tom Sawyer's dream treasures, participate in Huck Finn's wonderful adventures, see Uncle Tom's cabin, witness by his own eyes the territory of The Last of The Mohicans and make a pilgrimage to the homeland of Mark Twain, the great writer he admires. Quang's dreams were bigger when he was grown up. He read Hemingway's novels, articles on Elvis Presley, great names of science and literature such as Edison, Margaret Mitchell, Bill Gates. The dream had lived in Quang as an eternal flame, until now.
HE STILL did not believe it was a reality, even on his day of departure. Visiting relatives and studying marketing for a young businessman was the official reason for his coming to this country. The visa, valid for one year, allowed him to stay for six months, while he only planned for a 60-day faraway trip. And already over five exciting weeks had passed by. Reunions with relatives, classmates from childhood in Saigon, some graceful figures having crossed his life, businessmen he had dealt with many years ago -- they seethed him, they melted him, they suffocated him with their meetings, sightseeing and, above all, the warm feelings expressed between those who met again after so many years of separation. He immersed himself in this atmosphere; there were times that he forgot his wife and two children in Vietnam, although every two or three days in the evening he made a long-distance call to those that he loved best.
When he first arrived at the San Francisco airport, Aunt Thanh and Uncle Phat met him and drove him to San Jose. Quang stayed there one week, then Uncle Khanh took him to Sacramento. Another week passed by. Cousins by turn took him around to see California, Nevada: Hollywood, Los Angeles, Santa Anna, Las Vegas. He was briefed on the land, culture and people of this strange country. From California he flew to Texas to visit the family of Uncle Hung, a dear childhood friend of his parents. Over two consecutive weeks, Auntie and Uncle Hung and family drove him to renowned sites in Texas and to visit many states, the capital city of Washington, D.C., New York City. Those areas that he saw in books and pictures now showed up in reality. Some looked like they did in pictures, some different. Some astonished him, but some disappointed him, too.
QUANG returned to San Jose, spent some quiet days at Van's after having a couple of "unexpected" meetings with two girlfriends of old. One after the other, they had left with their families in the '80s and '90s. They were married, but their eyes when seeing Quang again showed something that left him confused, that instilled some indescribable feelings in his heart.
Van and Quang had been dear friends in their childhood; both families knew each other, too. Football drew them closer, but Van's father leaving Vietnam under the Humanitarian Program had prevented them from seeing each other for twenty years. At this reunion, Van was already a computer engineer; the friend of yore was now an adult full of poise, full of the "American" look. Suddenly, Quang wanted to also have the same male look, to be as strong as his friend, but it had to be very Vietnamese.
During his stay Quang woke up early, wrapping himself in Van's very warm flannel jacket. He liked to stand by the window pane, large as a wall, looking down in the garden. Leaves colored green, brown, grey, red, and pale yellow celebrated spring. The weather had moved to early summer, but was still rather cool. From afar, the fog covered tree tops and roofs like a thick veil. Somewhere the windy noise of the traffic resounded indefinitely. Only the monotonous and unending sound of cars running. The country of metallurgic industry, of force, of wealth.
He pondered a lot every time he passed by the area where the Vietnamese community lived. Quite a few friends told him that little-by-little these people were becoming Americans. Like white Americans, but not yellow-complexioned Vietnamese-Americans as at the present time. But there were others, who said that the Vietnamese community was trying its best to preserve the Vietnamese culture against the practical culture of their new country -- which has more or less caused the Vietnamese spirit to shrink, hide or disappear. However, at his relatives and friends' families, Quang could still sense and recognize feelings genuinely Vietnamese, and he was very moved. Then, what was the point worthy of concern? What survived and actually developed? This morning, Quang was being completely absorbed in these thoughts, when suddenly Van's voice resounded grave and warm.
“Cold?”
Quang turned back; Van still wore his T-shirt as usual. Quang tried to smile.
“Yeah, very cold.”
“Just not accustomed yet. If you stay here a couple of years, you will see that it's like Dalat; you can jog out on the street without needing warm clothes.”
“The cold in here is very uncomfortable. Dry and chilly, not like ours in Vietnam.”
Van casually sits on the billiard table, nodding.
“The weather in California is, relatively, like Vietnam's the most, but it's dry; therefore we don't sweat.”
“Most houses are quite low, only one or two floors.”
“Well, it's the area of earthquakes, therefore houses are completely built with wood and light materials to avoid damage.” They looked through the window pane pensively.
...“Do you have any plans today?” Van asked his friend after a brief moment. Quang shook his head.
“Friday? No... nope. But next week, I am invited to go to South Carolina to visit some former classmates.”
“Yeah, you should go. As a tourist, you should see as much as you can. Who knows if you'll have another opportunity. This country is fabulously immense. If not because of friends, nobody would be going far, except tourists.” Van smiled before leaving.
“Then after work I'll take you out this evening for weekend fun.”
“What's the topic? Is it exciting?”
“I don't know, but we can relax for a couple of hours.”
Quang followed his friend with his eyes. The giant machinery of existence was engulfing everybody. Van had to rush forward, as he was no exception. Van's office in another town was over half an hour drive from home.
In California, there were things which presented a contrast to Saigon: for instance, a city was located in a county. By itself, Orange County already had tens of cities in it, while Saigon city had up to 17 districts and 5 precincts on the administrative map. Since his arrival to this country, Quang had tried hard to understand and learn many things in order to adjust to the situation. Among these was how to prepare the instant noodle if one did not want to prepare his meals during the day. Not only because Van was single, but here everyone had to take care of himself. Nobody to help or to serve you like back home. And also it was impossible to find a snack booth or a restaurant as soon as you got out on the street like in Saigon or Hanoi. It was required to drive at the speed of 40 to 45 miles per hour for about 20 minutes to see a good restaurant, and very few open until 8:00 P.M.
QUANG RAMBLED in the quiet house. He became like Van, like most Vietnamese families abroad:
After work or school, they spend most of their time in front of the television or the computer. Tired of watching TV, he lay down, read a book then watched a movie. When Van came home, it was 4:00 P.M. on a chilly spring day.
Van made himself ready quickly. Quang noticed that here people used cologne less than in Saigon. Just a little bit. And seemingly not taking care of the appearance. Negligent. And nobody paid attention to anybody. Quang saw this attitude clearly in the multinational crowd, at restaurants, college campuses or shopping centers. Everybody just lived for himself, and around him were only strangers.
They put on their shoes and got in the car. The garage door was slowly opened wide by a remote control. Many subjects, many images in this country, which incited admiration back home, were only natural, necessary, things or means for serving people. They did not indicate much difference in wealth or the lifestyle of families. A house with three, four, cars and a garage capable of covering two cars and with a remote-controlled door was an ordinary image.
Quang sat next to Van and fastened the seat belt. He was accustomed to this obligatory act. The American laws were concrete through the serious implementation of all rules, which were often kept in mind by severe punishments. An offense deemed light may be fined from several hundred to several thousand. Many people who did not have enough money to pay at one time had to make the request to pay by installments. Van said so.
Van drove the car to the street without looking back at the garage door, which closed by itself.
“Where to?” Quang asked. Van laughed joyfully.
“Do you remember what day it is?”
“Friday, weekend.”
“Too bad. It seems that you forgot?”
Quang tried hard to dig into his memory. Van gave him a side glance, giving him a hint.
“We used to have a treat in Saigon when we were children. Fried wheat bun (bot chien), dried beef, rice flour crepe and pork skewer and Vien Dong cane juice on important occasions.”
“Oh, I remember. March, late March. Your birthday,” Quang shouted. Both burst merrily into laughter.
“Let me treat you. Is there any restaurant near here?” Quang continued. Van shook his head negatively.
“No need for that. Let me treat you this time. We'll go to eat in Sacramento.”
...“Why travel so far? It's as far as from Saigon to Phan Thiet, buddy,” asked Quang wide-eyed.
“Two hours drive, no big deal.”
Quang shook his head, conceding. Everything was out of the ordinary in this country, at least different from Vietnam. Both fell in silence.
...Van drove into the exit, looking for a gas station. He turned to Quang, and intended to ask if his friend needed to use the rest room in the rest area. It seemed that Quang was having a nap. Van lightly pulled the gas pump, filled up the gas tank, then again took the highway. Only half the way was covered, and they would arrive in Sacramento at 6:00 PM at the earliest.
...The cold invading the car when he pumped gas made Van huddle himself up a little bit. He uttered a light moan in the throat, then realized that he usually had such moaning when he was intimately with that young woman. A strong excitement arose suddenly. Van stepped on the gas pedal and submerged himself in memories.
BICH HANH was tall and slender. She had beautiful western features, although Vietnamese. Her parents settled in California before '75, both alien students. Bich Hanh was born right in the year her compatriots successively came en masse to earn a living here. She spoke Vietnamese rather well. She grew up among different complexioned people: yellow, black, red and white, but did not have any concern. She spoke English at school and at home, but she knew she was Vietnamese -- Vietnam, a certain country halfway around the world from here. Its people looked like her paternal and maternal grandparents, whose way of life, however, did not much resemble that of her parents, brothers and sisters. They only came to live near her family when she was a 6th grader.
Bich Hanh grew up and up. She devoted her time to study and also to understanding her roots. She discovered many interesting things, many mournful and sad things about her parents' homeland. But at the same time she loved tenderly that extremely poor land. Graduated with a law degree, Bich Hanh gave up her job after doing a two-year internship at a famous American lawyer's office. Deep inside, Bich Hanh always wanted to have an opportunity to visit that faraway land, where her parents used to live. She often said so.
She had a very nice smile with a-protruding tooth on one side. Her eyes were shining. She was gorgeous with a very enticing figure. In this country it was very easy to make friends. Van met Hanh at a friend's birthday party. The sister of this friend introduced Bich Hanh. Van paid attention to her at their first meeting. They sat next to each other in a corner of the back yard. It was chilly and the afternoon sun was splendid. Smiles seemed to bloom regularly on her lips.
“Are you cold?” Van asked.
...“Cool, not cold,” Bich Hanh replied, her voice slightly bass. She thrust her body. Her breasts raised up. Van looked straight at them, unaffectedly Nothing indiscreet, he knew that Bich Hanh thought the same. People enjoyed them like they did the beauty of the universe, of nature.
“Why didn't you keep to the lawyer's profession?”
“Not suitable.”
“Why did you study law?”
“Didn't know it then.”
“Then, why did you change to real estate?”
“Fun.”
Van and Hanh burst into laughter. Nobody was annoyed by their laughs, as everyone was eating joyfully in the yard. Van served Hanh some egg rolls.
The conversation quickly brought them closer, and the young woman was attracted to Van's masculine and mature appearance. Hanh told him about her childhood with the rather funny speech of those who did not have enough Vietnamese and had to insert now and then English vocabulary, like those people belonging to the age group who after 1975 were born or grew up in the US and now live far from the motherland. They belonged to the new generation: young, full of vitality, and without past. They only looked to the future, did not know the past and were most concerned about the present. Hanh graduated in banking and real estate law. The field of real estate business needed a profound knowledge of law, and therefore Hanh could change her profession easily, and she harvested rather good results. Hanh represented this generation, smart and practical.
Van listened attentively in silence. The expression on his face was encouraging and incited the girl to go on talking volubly. At the end, she asked.
“Do you know why I want to do real estate business, Tony?”
“You told me: fun!”
Hanh screwed her eyes up and pouted.
“Correct. But there is another reason. It's that I have many opportunities to go in and out of various types of houses, and one day I can find the type of house that suits my liking.”
“And a family of your liking, too?”
“Right. I must find me a suitable husband.”
Both laughed merrily. They felt as though they'd known each other for a long time, as though they had met many times or had long shared with each other their personal and intimate thoughts. Van felt like he was again, a young man of twenty, and forgot that this young woman was fifteen years his junior.
After this contact, they became dear friends. They loved and became attached to each other without knowing when this started. Every weekend Van usually flew from San Jose to Sacramento to visit Hanh. They lived in a house that was so pretty with a big yard full of colorful flowers and fruit trees. Van brought two species of "Quynh" to plant there. One species was from Japan and the other from Vietnam, which was called "Queen of the Night". Both belonged to the same family, but coming from different countries, the flowers were different, too. The Vietnamese queen was high-class and rare, and its scarce flowers only bloomed speedily a couple of hours at night, then withered; while the Japanese Quynh bloomed profusely and sumptuously the whole week. Van said he liked the fragrance of “Quynh” and thought that his lover did, too.
“I only love you,” Bich Hanh fondly replied instead.
Van realized that the soul of the young woman was very simple and sincere. She said what she thought and sincerely trusted him. Their relationship was like that of a married couple and made them feel comfortable. Bich Hanh used to tell him that her friends were jealous of her because she had an Asian boy friend, big and handsome. Some asked her when would they wed. She was surprised at the question, a matter that she and friends of the same age group did not pay much attention to. When Van told her that back home an unmarried maiden of that age would be called "old maid", Hanh was very surprised and could not understand. Suddenly Van felt that he loved her so much. He took care of her more and more attentively. This attitude made Hanh happy. There were times that she found Van quite different from other boyfriends, including big and tall white Americans who used to tell her that they loved her, who used to kiss her passionately. Bich Hanh had told Van these thoughts candidly.
NEXT TO HIM, Quang moved and uttered some dry coughs. Van looked at his childhood friend. When little boys, their families lived next to each other in a small lane in Saigon, and they had been dear friends for such a long time.
The ball rolled and rolled between their bare feet. The guitar was dropped, mishandled carelessly when their fingers practiced Vietnamese and foreign pieces of music. Bare torso, in shorts, bare feet, they both jumped and ran everywhere, tirelessly like birds.
They did not have time to grow up together, and already they had to depart. After twenty years of separation, this was the first time they met again. During such a long time they could only make contact through letters and, recently, through the Internet. Their friendship however did not suffer any alteration. Van knew it for sure and Quang had the same thought.
“Are we about to arrive? I slipped into sleep without knowing it,” Van heard Quang asking him in a low voice.
“Not yet, but wake up. Look at the windmills out there.”
In the bright afternoon sun and on high verdant grassy hills, where the winds softly shook trees, Quang saw long and unleveled lines of translucent three-bladed windmills turning strongly. Masses and masses of hills of different heights running in various directions were topped with gigantic metallic windmills, which used the force of the wind to generate power for all the surrounding area. In horizontal and longitudinal lines, windmills were gathering wind from all directions, thus not losing any bit. At their feet, herds of cows grazed leisurely. The scene was romantic and peaceful.
“How beautiful!” shouted Quang. He seized his camera in a rush and took the picture. Above, the sun was still gorgeous, although it was already six o'clock. Quang thought perhaps it would only be completely dark at 8:00 PM, so that the night scene had a chance to be lighted. The car sprang forth hurriedly. In an instant, the hilltops disappeared, and in front of them, the highway extended indefinitely with unending lines of cars moving two ways with a speed, which made Quang dizzy. However, he did not see the familiar smoke of gas or dust like in his country, Vietnam.
THEY ARRIVED in Elk Grove when the city began to light up. Sacramento was more deserted than San Jose in the evening, and much more so than Santa Anna, Los Angeles, places that Quang had visited. It seemed chillier. As Van left the highway to enter the city, Quang recalled the places he had visited the past days. His trips to the beach with Cousin Truong and his wife and girl cousins Thai and Lang; rambling in deserted streets or staying for hours in the ice cream shop with Khoa and his wife; enjoying Vietnamese food or snacks with Phuc, Dinh, Toan and his wife, and Chieu and his wife. All those were remembrances not easy to forget, and Quang took a lot of time to record them in his moving camera and digital. Suddenly, he was meditative. Life - separation and reunion - and to each individual a particular situation. Happiness was not something to be shared equally for everyone to enjoy. Laughter was not rare, but tears were plentiful, too. Lamentation made the face look older, more austere, after so much misery and hardship endured by everyone through the many years of war. Quang felt pity for all the people he met and even for himself. To him, whomever he met - either Vietnamese or foreigner - was very friendly and compassionate.
Van turned right, drove around a square then kept on driving the lanes of a residential neighborhood. Everywhere in California one saw home sites with big wooden houses, one or two floors, of different models, and painted with harmonious colors. All the houses were surrounded with large yards grown with colorful floral plants. Red roses big like soup bowls bloomed on branches of over two meters long next to bushes of strange multicolored flowers showing their beauty.
Van pulled up in front of a nice house. Right away, Quang recognized the signs of caring hands on the uniform green lawn in the front, on the bushes next to the fake mountain, on the winding lane leading to the patio in front of the main entrance. Quang did not ask, because he would soon know where he was. Probably a friend or a certain relative's house.
Van rang the bell and in a fraction of a second, the door was wide open. A splendid young woman appeared in relief in the middle of the bright door frame. Quang was struck with astonishment. Just beautiful! Softly waving long hair covered her shoulders, a pretty and intelligent face with European features smiled at Van and did not seem to pay attention to the person standing next to him. She embraced Van's neck with her arms, slightly kissed her lover's lips affectionately. A whispered kiss resounded.
“Do you miss me, Doris?” Van softly asked in a laugh while embracing her waist. She nodded teasingly.
“All week long, without any interruption.”
“Thank you.” Then Van introduced them to each other.
“This is Quang, a tourist from Vietnam. And this is Bich Hanh, a Vietnamese-American, citizen of California.”
Hanh shook hands with Quang very naturally. Her hand was soft and warm. Quang had planned a formal greeting, but he felt very awkward. It seemed that she did not need that kind of language. She talked to him in sentences, half American, half Vietnamese, quickly and candidly.
“Hi, Quang. Van said that you came as a tourist and want to find business in real estate here.”
Quang nodded, forgetting even to let go her hand.
“Correct. Van said that you are well-versed in this field.”
“Thank you. I'll tell you what I know.
“Let's go inside first. Quang is not yet accustomed to the Californian weather and might get cold,” hustled Van.
They entered the warm living room of the centrally heated house. Quang stepped slightly on the thick carpet, which completely covered the floor. In this country, every area of the house - even the stairs - were covered with carpet so that the feet would not get cold on chilly days. The big furniture occupied half of the living room, and faced the fire place. On the mantel was a 52-inch television set now showing an ad for cars. Bills for power and gas took a significant part in the family monthly expenses. The time people spent in front of the television was as much as they spent sleeping, exceeded only by the time they spent working. Quang sat on the big sofa and felt very comfortable after being cooped up two long hours in the car.
The three of them were having a nice conversation. Quang admired the beauty of the young woman, while Van and she put their arms around each other's shoulders amorously. After a while, Van pulled Hanh up to her feet and spoke to Quang.
“Watch television, or play game if you like, OK? Everything is in the cabinet next to it. I am going to give this young lady a hand at having dinner on time.”
Quang watched them. Both were tall and good looking. Were these the 21st century models of Vietnamese at home and abroad that people usually dealt with in written articles, programs about Science and Life and articles surveying food? Quang suddenly smiled at his vague thoughts.
Hanh turned on the gas stove to warm up the food stuff, while Van made preparations for the special geoduck dish that he liked. He had asked Hanh to prepare that dish to treat the friend coming from afar. The geoduck looked like our country's clam, but it had a protrusion at one end which was as big as half of its body. Two geoducks made a full plate of meat, as white as stripped chicken meat. Eating it dipped in mustard while drinking cold beer, what a treat!
The meal was ready very quickly. The three friends were happy, each with his own joy. Quang recognized that he was still a little bit shy, while Van was casual, and Hanh very natural. The meal lasted more than one hour. Suddenly the electric lights dimmed out almost completely and a candle lighted up.
Hanh, wearing a turtle neck shirt and tight shorts, a small birthday cake topped with a candle in one hand, a bottle of red wine in the other, approached the table. She slanted a little bit to place these in front to her lover and embraced Van's shoulder.
“Happy Birthday!”
Both laughed and clapped their hands while singing the familiar song. Quang hesitated a second then clapped his, too. Bich Hanh ended the song by a small kiss on Van's lips as a birthday gift. Each had a thin slice of cake. The Americans nowadays were eagerly sticking to their diets in order to lose weight, as they recognized they had many extra calories and could become obese.
Both Van and Hanh washed the dishes and tidied up the room while Quang watched television. The evening of Van's birthday passed so quietly and nicely. Van sensed that a complete happiness was slowly penetrating into him. While placing dishes into the drying basket, he felt that he was a model husband in a happy family. A lingering joy, earnestly submerging his heart, dissolved in his blood and flesh, and warmed him up and made his body passionately hot.
Hanh went to her bedroom, maybe to touch up. Van, feeling in a rush, quickly placed the last items in the drying basket. He washed his hands in hot water; heat sank into his palm and fingers. He quickly dried his hands, put on some lotion, then lightly entered Hanh's room. She was softly massaging her cheeks in front of the mirror.
The weather in this area was not humid, causing the skin to be dry and parched. Both men and women used moisturizer. Van stood looking at her silently. It had happened previously, but he was having a completely different feeling this time. Like someone who loved for the first time in his life.
Like the time he had met Thu Ha, the girl student of Lycee Marie Curie in Saigon, and the two loved each other with a platonic first love. That young girl had left an unforgettable imprint in Van's soul for so many years, had survived in some drawer of his passionate heart, and would never fade.
BICH HANH sensed Van's presence in the room, but did not turn back. Van came near her noiselessly. He embraced her waist, then tightened his hug, and buried his head in her long hair. Bich Hanh inclined her head on one side, raised her arm and pulled his head down. Avidly he kissed her on the lips, the neck and nape. Both heard the panting of their breathing, even the exciting voice of their amorous lips.
Van softly led Hanh to the corner of the bed. She fell sitting on the bed, and both held each other tightly in their strong embrace. Hot kisses resumed. Around them all was quiet and stood still.
Van knelt, one leg on the thick carpet. He buried his face in Hanh's lap, quietly receiving the warmth and fragrance of her garment. After a while, he suddenly pulled the front of her shirt down and buried his head in. Hanh sat motionless, both arms holding Van's head closely. He sensed her pulse beating chaotically, her warm breasts caressing his face. Van was drunk with marvelous feelings. The scent of her body enticed him, took him back to the long-ago time when he used to rub his head on his mother's breast.
HANH SEEMED to be suddenly awake when Van removed his head from her bosom. His eyes were shining, bright; his embrace like steel. Hanh caressed the corners of Van's eyes and talked softly like a breath.
“Don't leave! Don't leave!”
He did not reply. I will stay, but not tonight. This evening is perfect. I only want this, because I want to stay with you all my life. I am not tired yet, but I want to stop here forever. I want to have a sweet home, I want to have children. I want . . . Softly Van held up her chin.
“It's a long drive, I have to take Quang home,” as sadness flickered on his lover's face, Van whispered,
“Please don't. I'll come back next week.”
Bich Hanh messed up his hair, still silent. Van stood up; his two fingers pinched gently her ear and shook it.
“I want us to wed.”
Bich Hanh still kept silence, her hand touching Van's arm fondly. Caressing and affectionate. It was time. I don't want to live far from you. I want to have you beside me all the time. Right tonight, right in this room full of love. Van went out.
Arms folding in each other, head drooping, Quang was having a nap while sitting on the sofa. The television still resounded with a childish voice in a cartoon. Van stood still for a few seconds, then tapped slightly on his friend's shoulder.
“Let's go home!”
Quang moved his body, opened his eyes to look at Van, then smiled as for an excuse, “So warm, I am dozing off.”
Bich Hanh leaned against the door frame to see them off. The wind played in her hair and messed it up. Quang boldly shook hands with her.
“Thank you, Hanh.”
“Goodbye, Quang,” Hanh bid farewell with her kind smile.
“Sleep well, sweetie,” Van waved goodbye.
“OK. Very well. Bye, Tony,” was Hanh's meaningful reply as she stood still watching the car disappear at the end of the road. Van stepped strongly on the gas pedal and uttered a deep sigh.
“Pleasant evening?”, asked Quang.
“Yep. Very pleasant. A birthday evening to remember, one side was the lover, the other the dear friend. What else can one long for?”
...Both burst into laughter. Quang thought about his coming birthday at home. Coming up soon. One year older. But this time, he was not anxious. Vaguely, the images of his wife, children and their nice home appeared in his mind, and Quang raised his hand to caress his face. My happiness. That was my life. A strong longing inflamed his heart. Van's voice sounded somewhere.
“Can the USA hold you? Stay one more month, and I will take you to visit some other states during my vacation.”
“Please go online tomorrow to change my flight back,” Quang replied, miling amusedly.
“How long are you planning to stay?”
“I like it very much, but I want to change my going home to half a month earlier.”
“Why so?” Van cried out in surprise.
“Already missed home!”
“Missed your home or wife and children?”
“Both. Very much.”
Van smiled, “Missing often comes suddenly and sometimes causes the changes of one's decisions, like love does.”
Sincerely Quang said, “I just remember a text in the Vietnamese Literature Textbook, which said, "The Motherland is the most beautiful".
“Correct. Wherever one goes, he always comes back home,” Van agreed.
The car rushed forward. Each sank into his own world. Van remembered Bich Hanh with the warmth of her body and their intimate happiness. Quang looked out of the window; the car was going up to the tops of high hills. Below Silicon Valley was beautifully alive with tens of thousands of gorgeous yellow lights. Quang thought about the youths – the future of the nation - whom he had met in recent days in both homelands. Thirty years had separated them, but they were still close. He loved them all, befriended by everyone. Only friendship, no hatred. No discrimination in skin color, habits or culture.
NOTHING, only one word: LOVE.
VO HA ANH
(In remembrance of a trip to the USA - March 2007).


******************************************















Truyện ngắn - Sáng tác mới

SỰ TRỞ VỀ CỦA BẦY SẺ NÂU

DUNG (SÀIGÒN)



     Anh Chi ngồi xuống một chiếc ghế trống bên cạnh Mẹ, cô ngước nhìn lên tấm bảng in chữ mầu xanh to và đậm nét –Bác Sĩ, chuyên khoa Thần Kinh. Cô đảo mắt một vòng xung quanh những hàng ghế đợi, cũng phải đến hơn chục người ngồi sẵn từ bao giờ. Mẹ nói nhỏ:
- Mình đi sớm một chút nên cũng không phải chờ lâu lắm, chỉ sau  có gần mười người thôi.
Anh Chi không nói gì, cô vẫn lặng lẽ ngồi im quan sát từng khuôn mặt của những người bên cạnh. Cô tự hỏi: chẳng lẽ ai cũng như mình? Anh Chi không tìm thấy nét khác thường nào trên khuôn mặt họ cả. Đây là phòng khám của Bác sĩ chuyên khoa về thần kinh. Mẹ cứ làm như cô bị thần kinh thật rồi, lúc nào cũng khóc lóc, than phiền bắt cô phải đi khám Bác sĩ. Ban đầu khi nghe mẹ nói cô bực mình lắm, nhất định không chịu, nhưng Mẹ nói mãi, hối hả mãi, rồi nước mắt ngắn, nước mắt dài buộc lòng cô phải chiều mẹ đến đây. Cô biết mình rất bình thường, rất tỉnh táo.  Anh Chi nhớ em, nhớ cháu mà cũng cho là bị bệnh thần kinh à? Làm sao cô có thể không nhớ được tiếng cười hồn nhiên của bé Ti, những câu bập bẹ tập nói đáng yêu của bé, làm sao cô có thể quên được đôi mắt to tròn ngây ngô của bé mỗi chiều cô đi làm về, bé gọi cô bằng tiếng má Chi thật dễ thương. Bởi bé Ti là do chính tay cô bồng ẵm, cô đón nó trên tay cô y tá từ phòng hộ sinh ra. Con bé đỏ như con tôm luộc, yếu ớt cất tiếng khóc chào đời tủi thân không có cha. Cô đã ôm bé vào lòng siết thật chặt như để bù đắp cho nỗi thiếu thốn của bé. Cô đã tự tay tắm rửa cho nó, và săn sóc em gái còn hơn là mẹ săn sóc con. Cô biết Hà cũng chỉ là cô bé dại khờ ngu ngốc, cho dù Hà đã sinh con. Hai mươi hai tuổi, đang là sinh viên năm thứ ba khoa Hoa Văn, Hà quen Thắng ở trên mạng. Thắng tự khai mình là con một gia đình khá nổi tiếng, anh đang hoc ngành du lich. Đêm nào Hà cũng Chat với Thắng, rồi hai người gởi hình cho nhau, rồi yêu nhau đắm say từ lúc nào không biết. Anh Chi chỉ hơn Hà hai tuổi, nhưng cô cảm thấy mình chững chạc hơn em rất nhiều.Anh Chi biết Hà đang yêu- một thứ tình yêu thời thượng của giới trẻ bây giờ. Biết Thắng là một thanh niên ăn chơi, lêu lỏng, cô khuyên em nhưng Hà  không để tâm. Hà sống lặng lẽ và mơ mộng, không bao giờ cô tâm sự với chị , tuy hai chị em suýt soát tuổi nhau , ngoài chuyện học hành chơi đùa ra, Hà không nói gì về những suy nghĩ thầm kín của mình, tâm tư cô dành hết cho những giờ ngồi bên máy tính Chát với người yêu, cô buông thả vào những tưởng tượng tuyệt vời về mối tình lãng mạn ấy.Về một chân trời mới lạ với biết bao điều thú vị, quyến rũ ngoài kia.  Đã có lúc Hà cảm thấy học hành là sự ràng buộc đối với cô.Và cũng có lúc  cô thấy mái ấm gia đình trở nên gò bó quá. Cô đã mơ đến một khoảng trời tự do mênh mông đầy quyến rũ ngoài gia đình. Và thế là cô lặng lẽ ra đi.

Khi cả nhà cuống cuồng lên vì sự vắng mặt của Ha.ø Bố Mẹ cô như người hụt hơi. Mẹ chạy đến nhà tất cả những người bạn của Hà để tìm hiểu, bà không biết được gì nhiều hơn ở những lập luận mù mờ của tuổi trẻ “cháu nghĩ là bạn ấy muốn sống tự lập, muốn thoát khỏi những ràng buộc của gia đình”” cháu nghĩ là bạn ấy đã đi với người yêu rồi’’ “ cháu nghe bạn ấy than chán học quá, chắc bạn ấy muốn đi xa để thay đổi cuộc sống v v”






Phải mất cả tuần lễ Bố Mẹ mới tìm ra nơi ở của Hà. Cô không ngần ngại vượt hơn ngàn cây số để ra đến Hà Nội. Hà ở nhà người bạn gái cô mới quen trên mạng. Cả hai cùng chí hướng, cùng suy nghĩ và đồng tình với nhau nên đã quen nhau. Hà Nội cũng là nơi người yêu cô ở đó. Mẹ khuyên Hà trở về. Hà cương quyết xin Mẹ cho cô ở lại, cô đang cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại , “ Mong mẹ đừng phiền trách, đừng lo âu cho con vì con đã lớn, con đang chờ tìm một việc làm để tự lo cuộc sống cho mình”. Ngọc Hà nói thế, Mẹ cũng đành phải buông xuôi. Làm thế nào để cảm hóa được đứa con bướng bỉnh, lúc này bà vẫn chưa nghĩ được.

Ngọc Hà bỏ đi đã được gần ba tháng rồi, căn phòng của cô mẹ vẫn hàng ngày vào quét dọn và sắp xếp chăn gối giống như Hà vẫn còn ở nhà. Đã mấy lần Mẹ nhấp nhỏm ra thăm Hà nhưng Bố gạt đi, ông còn rất giận. Bố bảo cứ để cho nó biết ra ngoài sống như thế nào. Không cần phải quan tâm đến nó vội. Thế nhưng người cuống cuồng vẫn là Bố khi vừa nghe tin Hà không còn ở chung nhà với cô bạn gái nữa, Mẹ cô năn nỉ mãi cô bạn ấy mới cho Mẹ biết Hà đi khỏi nhà cô hơn một tháng rồi, hiện giờ cô cũng không rõ Ngoc Hà ở đâu. Anh Chi liên lạc được với Thắng trên mạng, Thắng thú nhận hai người đã thuê nhà ở với nhau, nhưng cuối cùng không đủ tiền nên anh đưa Hà về ở tạm nhà cha mẹ, anh đang thuyết phục Bố Me xin cưới Hà. Không thể chờ đợi lâu hơn, Anh Chi đi cùng với Bố ra nhà Thắng để tìm Ngọc Hà. Sau khi bàn bạc với Bố và để làm yên lòng con trai và an ủi cô con gái nhẹ dạ đã được gia đình ra đón về. Cả hai bên gia đình đều đồng ý chờ Hà và Thắng học xong, tốt nghiệp ra trường sẽ cho làm đám cưới vì hiện giờ cả hai còn quá trẻ, học hành dở dang sẽ không có tương lai. “ Cũng chỉ còn hơn một năm nữa thôi”. Bố nói thế khi đưa đứa con gái ra về, Hà im lặng và câm nín . Cả ngày không nghe tiếng cô cười, thỉnh thoảng cô trả lời mẹ những câu cần thiết rồi lại trốn trong phòng ngủ vùi. Anh Chi cảm thấy Hà có vẻ gì khác lạ, cô nói với mẹ, mẹ lặng ngưòi, và nỗi sợ hãi loé lên trong đầu bà! Nỗi sợ hãi tăng dần khi cô chị họ của Hà báo động với mẹ, Hà đã có thai mà không dám cho gia đình biết. Cô âm thầm báo tin cho Thắng. Thắng bảo cô bỏ cái thai đi vì hai đứa còn trẻ quá, không thể có con sớm như thế được. Hà lo lắng và sợ hãi , cô tự che dấu nỗi buồn vào giấc ngủ và có lúc cô hy vọng mình sẽ không thức dậy nữa. Cô sợ đối mặt với gia đình vì cô đã gây ra quá nhiều phiền muộn cho cha mẹ.Tin này làm cả gia đình Hà rơi vào buồn bã. Mẹ cô gọi điện thoại cho gia đình Thắng, bà báo tin Hà có thai cho Mẹ Thắng để xem hai bên gia đình sẽ sắp xếp như thế nào? Như một gáo nước lạnh dội vào gia đình cô, mẹ Thắng đã lạnh lùng trả lời “Các cháu còn nhỏ quá làm sao có thể có con sớm như thế được, gia đình tôi không chấp nhận cái thai đó, thôi thì tuỳ ông bà giải quyết”. Mẹ đau xót đến lặng cả người, câu trả lời phũ phàng ấy đã khiến gia đình Hà đi đến quyết định giữ lại cái thai của cô “ không cần nó có cha, bố mẹ sẽ chăm sóc cho con và nuôi nấng đứa bé nên người”, Bà an ủi cô con gái non dại của mình bằng những giọt nước mắt buồn phiền.

Cuối cùng rồi Bé Ti ra đời, chồng lên nỗi nhục nhằn là niềm vui khi có một mầm sống mới, nhỏ bé và mong manh đang hiện hữu trong gia đình. Anh Chi đam mê trong công việc săn sóc cho đứa bé. Cô có nỗi lo khi béù ốm , có niềm vui khi bé cười. Cô có tất cả thời gian dành cho cháu. Hà cũng tươi tỉnh hơn với những vui đùa của trẻ thơ. Bốá Mẹ cô chăm lo cho cháu ngoại như đã từng chăm lo cho những đứa con của mình. Bé Ti bất hạnh không cha nhưng bù lại, bé có tình thương của cà nhà. Hạnh phúc tưởng chừng như đọng lại ở nơi đầy ắp tình thương yêu ấy. Anh Chi nghĩ sẽ cố chăm sóc cho cháu thật tốt. Để bù đắp nỗi thiếu cha, cô muốn cháu được bao bọc bởi những người thân yêu nhất. Cô sẽ cố gắng lo cho Bé Ti được vẹn toàn, cô nghĩ một ngày nào Hà có tình yêu mới, sẽ lập gia đình mới, cô tình nguyện nuôi cháu cho em lấy chồng. Cô sẽ ở vậy nuôi bé Ti khôn lớn. Ý nghĩ này tạo thêm niềm vui thích cho Anh Chi.






Mỗi ngày nhìn bé Tí lớn lên, hồn nhiên như một mầm non bé bỏngAnh Chi cảm nhận được sự vui thú là niềm hạnh phúc bất tận. Cô không quản ngại nhọc nhằn, vui cùng tiếng cười của bé, đau cùng với bé những khi bé cảm sốt hay té ngã. Anh Chi bị cuốn hút vào niềm vui có tiếng khóc, tiếng cười của trẻ thơ mà không nghĩ xa hơn những suy tư củaHà. Tình yêu , sự đam mê vẫn còn lôi cuốn cô, đứa con gái chỉ thích sống bên ngoài gia đình, thế rồi Hà lại liên lạc với Thắng, cô gởi những tấm hình ngộ nghĩnh dễ thương của bé Ti cho anh như thể muốn đánh thức bổn phận làm cha của Thắng. Những tấm hình bé bỏng ấy đã có tác dụng , không những với Thắng mà với cả gia đình anh. Bố Mẹ anh gọi điện thoại cho Bố Mẹ Hà, xin lỗi và bày tỏ những hối tiếc và sự ân hận đã không nhận cháu ngay từ thủa ban đầu, Ông bà và cậu con trai đã đến nhà Ngọc Hà để tỏ lòng và xin cưới Hà với đầy đủ lễ nghi, nhưng bố mẹ cô đã từ chối. Rất nhiều lần, gia đình Thắng vẫn kiên trì năn nỉ bố mẹ Hà cho họ cứơi dâu, nhận cháu. Bố nói: “ chúng tôi đã làm khai sinh cho cháu rồi, cha nó vô danh, không thay đổi được nữa đâu” Hà khóc lóc năn nỉ xin Bố Mẹ cho cô toại nguyện, cô muốn bé Ti có cha, cô không muốn lớn lên bé đi học sẽ mang mặc cảm với cái khai sanh không có tên cha trong đó . Bao đêm cô ngồi ôm con khóc với Mẹ, xin mẹ tha thứ cho Thắng, cho gia đình anh được nhận cháu, và cho con của cô có cha.Những giọt nước mắt ấy, những lý lẽ thắm thiết ấy đã làm bố mẹ mềm lòng.Thế rồi cuộc hôn nhân muộn màng cũng hoàn thành với những lời hứa tốt đẹp của hai họ: cưới xong Ngọc Hà vẫn ở với bố mẹ cô cùng bé Ti để tiếp tục học xong Đại Học.Thôi thế cũng tốt mẹ nói thế. Cũng tốt vì Hà có danh phận, bé Ti có cha mà ông bà ngoại vẫn có cháu bên cạnh, có thay đổi gì đâu, Anh Chi cũng thở phào vì cô không muốn bé Ti xa cô, vì bé là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của cô.Cô thương bé Ti như thể bé chính là do cô sinh ra vậy.

Đám cưới vừa xong, bố mẹ Thắng xin phép cho Hà bế con về ra mắt họ hàng một vài ngày rồi Hà lại bế con vào tiếp tục đi học.



Đã hơn một tháng rồi Hà chưa về, Anh Chi đã phải cố gắng lắm mới không rên lên “ sao mà nhớ bé Ti quá”. Cả nhà lúc nào cũng trông ngóng tiếng chuông gọi cửa, căn nhà chỉ rộn ràng khi có tiếng mẹ con Hà ríu rít mà thôi.

Buổi sáng Anh Chi sửa soạn đi làm, vừa bước chân ra khỏi phòng, cô nhìn thấy mẹ thẫn thờ với bức thư trên tay: thư của Hà đấy, mẹ nói mà đôi mắt nhìn xa xăm:

- Em con nói nó xin phép bố mẹ cho nó ở luôn ngoài đó cùng với bé Ti, vì ông bà nội thương cháu quá không nỡ xa cháu. Hà sẽ xin chuyển hồ sơ ra đó để tiếp tục đi học, ông bà nội thuê người về trông bé cho nó tiếp tục đến trường. Bé Ti đựơc cả nhà cưng chiều. Nó xin bố mẹ yên tâm, hiện giờ nó sống rất hạnh phúc và sung sướng, bố mẹ đừng lo gì cho mẹ con nó cả.






Anh Chi cầm bức thư của Hà, cô không nói gì với mẹ, lững thững quay trở về phòng. Anh Chi không muốn đi làm nữa- để làm gì khi không còn bé Ti mỗi chiều đón cô ở cửa để chờ cô dang tay bế bé vào lòng, cù nách cháu để được nghe tiếng cười khanh khách của bé. Căn nhà bỗng dưng vắng lặng một cách tội nghiệp. Tất cả đều thấy mình thừa thãi. Sẽ không còn thấy mẹ tất bật mỗi buổi sáng dậy sớm băm thịt nấu cháo cho bé- sẽ không còn nghe tiếng Hà hối hả dỗ con “ bé ngoan ở nhà với bà ngoai cho mẹ đi học, ngày nào mẹ cũng vào lớp trễ hơn mọi người kỳ quá”. Mỗi sáng sớm sẽ không thấy bố hăm hở với chiếc xe đẩy, đẩy bé đi dạo quanh những con đường tràn đầy bóng mát và một chút nắng non cho má bé hồng hào. Bố sẽ không códịp chỉ cho bé thấy những căn nhà đang xây, những chú chim non đang tập chuyền, những cô bướm vàng rủ nhau đi hút nhuỵ trên những cánh hoa. Bố sẽ không biết thì thầm với ai nũa. Bé thật bé bỏng, nhưng bố cứ tưởng tượng ra bé đã lớn để có thể nghe, có thể hiểu được những gì bố nói. Đó cũng là niềm vui của bố, là điểm tựa cho tuổi già. Sẽ không còn những bữa cơm ồn ào khi cả nhà cho bé ngồi chung, bé cười, bé khóc, bé đòi phá phách. Tất cả sẽ trở thành tĩnh lặng cô đơn.

Anh Chi không biết được thời gian, cô cũng chẳng nhìn thấy không gian, hình như lâu lắm rồi mình chưa bước ra khỏi căn phòng này, cô nghe những âm thanh huyền hoặc đâu đó- là tiếng cười của bé Tí, là tiếng khóc khi bé sốt cao, khò khè và run rẩy, Anh Chi cũng run rẩy đặt bàn tay lên trán béù, âu yếm nắm bàn tay bé bỏng của nó, truyền hết tình thương cho bé mau hết bịnh. Là bập bẹ tiếng bé gọi cô- tha thiết và gần gụi biết bao, ấm áp và dễ thương biết bao. Cô nhớ bé Tí, cô nhớ quá! Nhớ bé quá, cô quằn quại trong nỗi nhớ.Tiếng Mẹ vang lên đâu đó:

-Nó bị bệnh rồi, chắc là nhớ béTi quá mà sinh bệnh đấy thôi. Tội nghiệp, tôi cũng nhớ mẹ con nó quá. Nhưng biết làm thế nào được bây giờ, cũng chỉ cầu mong cho con cái được hạnh phúc mà thôi.

Anh Chi thấy lùng bùng, cô nhắm mắt lại , một chút hờn giận cha mẹ đã mềm lòng gả Ngọc Hà đi lấy chồng xa. Một chút giận em tuyệt tình không nghĩ đến những ngày cơ nhỡ được chị em, cha mẹ cưu mang, bây giờ lấy chồng bỏ rơi tất cả. Cô đi từ giận đến hờn, đến cả sự tuyệt vọng. Cái cảm giác khơng cịn bé Ti nữa giống như cơ vừa bị mất một đứa con làm cơ đau xĩt và nuối tiếc đến thờ thẫn cả người.

Bác sĩ gọi đến tên Anh Chi, cô đi vào phòng cùng với mẹ,ngồi đối diện với Bác Sĩ, cô chịu đựng ánh mắt chăm chú của ông

- Cháu là Anh Chi phải không?

- Dạ

- Bao hiêu tuổi rồi?

- Dạ cháu hai mươi bốn tuổi.

- Hai mươi bốn tuổi, có người yêu chưa?

Anh Chi nhìn bác sĩ, mày cô nhíu lại, không trả lời, Bác sĩ vẫn thản nhiên bảo cô:

- Hai mươi bốn tuổi là tuổi có người yêu được rồi. Lấy chồng cũng tốt nữa. Cháu thấy thế nào? trong lòng buồn bực hay âu lo chuyện gì phải không ?






Anh Chi vẫn ngồi im, hình như Mẹ cô đang thổn thức nói với bác sĩ những suy nghĩ của mẹ về căn bệnh nhớ cháu của cô. Hình như mỗi lúc mẹ mỗi bi thảm thêm câu chuyện. Cuối cùng bác sĩ cũng hí hoáy viết cho cô một cái toa thuốc, kèm theo một lời khuyên:

- Uống thuốc đều mỗi buổi tối nhé, cháu chả có bệnh gì đâu. Lấy chồng, sanh con là vui vẻ ngay thôi.
Cái viên thuốc nho nhỏ, hồng hồng của ông bác sĩ đã có tác dụng làm đặc những suy nghĩ của Anh Chi. Buổi sáng thức giấc cô thấy chao đảo quay cuồng, đấu óc cô bị bưng bít như một cái chai thắt nút, mệt nhoài. Anh Chi đến sở làm, cô lờ đờ như mới vừa ốm dậy. Cô làm việc theo bản năng và không cảm giác,không suy nghĩ cũng không nhớ nhung. Mẹ bảo“ hình như con uống thuốc quá liều mới sinh ra trạng thái đó, thôi giảm bớt liều lượng đi”. Cô bực bội quăng những viên thuốc xinh xinh vào giỏ rác. Nhớ cháu có phải là một cái tội đâu mà phải dùng thuốc để bưng bít nỗi nhớ nhỉ? cô thấy mình không bệnh họan gì cả, chỉ là sự hụt hẫng của sự mất mát mà thôi.


Đã lâu lắm không thấy Hà gọi điện về. Mẹ nóng ruột điện thoại ra thăm con nhưng không gặp cô, tiếng mẹ chồng Hà đon đả ngọt ngào bảo Hà đi chợ. Mẹ hỏi thăm bé Ti bà ríu rít khoe con bé bây giờ khỏe mạnh lắm, bé đã biết đi và ăn được cơm nấu nhão, biết gọi bà bà và bố bố rồi. Mẹ nghe xong lặng buồn. Nỗi nhớ con, nhớ cháu đâu đã nguôi ngoai. Anh Chi thấy bố giường như già hơn. Buổi sáng bố thẫn thờ lười biếng không muốn xuống nhà đi bộ nữa, trong phòng bố dán toàn hình bé Ti. Bé cười, bé khóc, bé làm trò, bé nhăn mặt, Hằêng ngày bố ngồi hàng giờ nhìn say đắm những tấm hình đó. Anh Chi nghĩ: người cần phải đi chữa bệnh là Bố chứ không phải là cô, cô nói với Mẹ như thế. Mẹ thở dài:

- Chẳng riêng gì Bố mà cả nhà đều mang bệnh. Mẹ cũng nhớ mẹ con nó quá.

- Hay là chúng ta ra ngoài ấy đem bé Ti về đi Mẹ?

Anh Chi đề nghị, mắt cô sáng lên niềm mong đợi, Mẹ lắc đầu:

- Chúng ta chẳng có lý do gì đem bé về được, Bố Mẹ đã gả Hà rồibây giờ Bé Ti là cháu nội của họ, đời nào họ cho mình bắt cháu về.

Anh Chi bất mãn;

- Nhưng họ có nuôi bé Ti ngày nào đâu, chính họ đã từ chối nó, và chính gia đình mình đã nuôi nấng bé cho đến ngày hôm nay, khi bé đã cứng cáp rồi họ lại dành bé. Tại sao Bố Mẹ lại gả Hà cho họ chứ? Mẹ có bao giờ nghĩ Hà lấy Thắng sướng hay khổ? Một mình nó sống xa nhà cả ngàn cây số, có chuyện gì cũng một mình nó gánh chịu, biết nương nhờ ở đâu? Thắng là một thanh niên ăn chơi, hư hỏng. Ngay từ đầu chính nó đã thúc đẩy Hà phá bỏ cái thai đi. Tại sao bây giờ lại đòi nhận vợ, nhận con? Họ có mục đích gì đó mà gia đình mình chưa chịu tìm hiểu kỹ đã bằng lòng gả con rồi. Mẹ có thấy lạ không?

Những giọt nước mắt của Mẹ đã bắt đầu lây lan sangAnh Chi.

- Con đường này là em con đã chọn, cho dù Bố Mẹ không gả thì nó cũng sẽ bế con đi theo không người ta mà thôi. Không phải là Mẹ không suy nghĩ những diều con nói, nhưng những giọt nước mắt của Hà làm mẹ siêu lòng, thôi thì số phận của nó mẹ cũng đành chấp nhận chứ không thể giải quyết hơn được nữa. Hay, dở, sướng khổ gì thì cũng là nó chọn. Mẹ chỉ buồn tiếc là nó bỏ học sớm quá, không giữ lời với bố mẹ tiếp tục học xong. Ra trường có thể kiếm một việc làm. Có làm sao thì cũng tự lo cho mình được, không bị lệ thuộc vào gia đình bên chồng.

Anh Chi ngồi thụp xuống bậc thềm nhìn ra đường. Ở một góc vườn, Anh Chi nhìn thấy Bố ngồi trên chiếc ghế dựa, bên cạnh ông là hộp giấy đựng đầy những hạt kê và thóc. Hôm qua lúc đi lãnh lương hưu về, Anh Chiù thấy trong giỏ xe của Bố cĩ một bịch kê và một bịch thĩc thật to. Anh Chi hỏi:







- Bố mua kê, mua thóc làm gì nhiều thế?

Bố bảo:

- Để bố dụ mấy con chim trở về như xưa.

Anh Chi nhớ đến bầy chim sẻ ngày trước, lúc Hà chưa bỏ nhà ra đi, không biết từ đâu bay về những con chim sẻ nâu, chúng thường hay sà xuống khỏang sân vườn nhặt nhạnh những hạt cơm rơi vãi. Vào mỗi buổi chiều, Bố lại bắc chiếc ghế dựa ra sân ngồi chờ đàn chim bay đến, bố thảy một nắm gạo ra sân rồi nhìn ngắm chúng ríu rít vừa mổ gạo vừa chuyện trò râm ran. Lúc đầu chỉ vài ba con, nhưng càng ngày chúng càng kéo về rất đông. Hôm nào Bố bận không ra sân sớm được, chúng kéo nhau bay lượn quanh những bụi cây trong vườn cất tiếng véo von như thúc dục Bố cho ăn, Hà cũng rất thích bầy chim ấy, cô mua cho Bố một bịch thóc và một bịch kê. Hà bảo:

- Bố cho chim ăn gạo hoài nó chán thế nào cũng bỏ đi cho mà xem. Con mua thóc và kê để bố thay đổi món ăn cho nó, nó mới ở mãi với bố.

Những hôm nghỉ học, Hà cũng ra sân cho đàn chim ăn cùng với Bố. Đàn chim ăn uống , nô đùa chán chê rồi mới rủ nhau bay đi, rồi ngày mai lại đến- một khoảng sân vườn tràn ngập những chú sẻ nâu. Cứ như thế, đàn chim giống như một phần trong cuộc sống của Bố. Ngày Hà bỏ đi, bố ủ rũ quên cho đàn chim ăn, chúng bay quanh sân nhà ríu rít kêu đói, Bố lơ đãng thảy những hạt thóc xuống sân. Hình như đàn chim cũng hiểu bố đang buồn nên không chuyện trò râm ran nữa, chúng mổ vội những hạt thóc rồi bay đi. Bố bắt đầu lơ là với công việc cho chim ăn mỗi buổi chiều. Đàn chim bay lượn kêu gào nhiều lần, nhiều lần và rồi một ngày Hà trở về, rồi sanh bé Ti, cả nhà bận rộn cho một sinh mạng mới trong nhà. Bố cũng hòa mình với những tất bật đó của mọi người, Bố đã quên mất đàn chim, thi thỏang chợt nhớ đến Bố lại đem những hạt kê mốc meo ra sân vung vãi nhưng đàn chim đã đi mất tự bao giờ.

Bố cứ ngồi như thế mỗi chiều, lặng lẽ và kiên nhẫn thả từng nắm thóc xuống sân mà vẫn không thấy một chú chim nào sà xuống nhặt. Bao thóc của Bố đã cạn dần , sân nhà mỗi ngày Mẹ lại phải quét đầy những hạt thóc vun lại rồi hốt đổ đi. Mẹ cằn nhằn;

-Bố mày dư thời gian làm những việc thừa thãi,

Dường như Bố không muốn nghe những gì mẹ nói, Bố vẫn lặng lẽ ngồi hàng giờ ở góc sân ấy và vẫn cứ tiếp tục hết bao thóc này đến bao thóc khác thẩy xuống sân- rồi một ngày nào đó chúng sẽ bay về- Bố nói thế- nhất định chúng sẽ bay về- Anh Chi không muốn làm mất đi niềm hy vọng của Bố, cô nói với Mẹ:

- Mẹ cứ để yên cho Bố tạo niềm tin ở những buổi chiều, Bố đâu còn việc gì làm ngoài chuyện đón chờ đàn chim hở Mẹ?

Cơ nói thế và cô cũng mong muốn như bố - hy vọng rồi một ngày đàn sẻ nâu sẽ quay về tiếp tục nhặt những hạt thóc dưới sân nhà và se õcùng nhau chuyện trò ríu rít như xưa.

Đầu tiên là một chú sẻ nâu nhút nhát lạc lõng đậu xuống một cành bông sứ trong sân. Mắt Bố sáng lên, tay run run thảy từng nắm hạt kê xuống gốc cây như thể dỗ dành mời mọc, chú sẻ nâu đánh hơi nhẩy xuống nhánh cây thấp hơn, chú cất tiếng kêu nho nhỏ dò đường, dần dà chú buông nhẹ người xuống đất, những hạt kê vàng ươm ở ngay dưới chân chú, chú mổ thử một hạt, rồi nhiều hạt, chú no bụng cất tiếng véo von như một lời cám ơn, chú đảo một vòng quanh sân nhà rồi mới bay đi. Những ngày sau đó Anh Chi đã nhìn thấy được nụ cười của Bố, chú sẻ nâu nho nhỏ đã rủ rê những chú sẻ nâu khác, dần dà bầy sẻ nâu đông đúc như ngày nào đã trở lại. Khỏang sân vườn mỗi chiều lại đầy ắp tiếng ríu rít chuyên trò của bầy chim. Bỗng nhiên, Anh Chi lại nghĩ đến bé Ti vàø Hà. Nỗi nhớ lại trào dâng sôi sục trong lòng cô. Đã lâu lắm rồi Hà không liên lạc với gia đình, thỉnh thoảng Anh Chi gọi điện ra Hà vẫn trả lời bình thường, bé Ti vẫn khỏe, cuộc sống của cô không có gì phải quan tâm. Giọng nói của Hà có vẻ an phận khiến Anh Chi thấy bâng khuâng sao đó, cô có cảm giác Hà không được vui lắm, nhưng cô biết tính Hà, rất ít khi Hà chịu tâm sự với cô.

Hà trở về- giống như bầy sẻ nâu. Hà về lúc bố đang chăm chú cho bầy sẻ nâu mổ thóc. Hà bế con sà xuống bên bố, cô nhìn bầy sẻ nâu, rồi nhìn bố rưng rưng;

- Bố đã gọi chúng trở về được rồi hả bố?

Bố gật đầu, đôi mắt bố đỏ hoe mừng con.

- Cũng phải lâu lắm chúng mới quay về con ạ

. Bố giang tay ra định ôm bé Ti vào lòng, bé Tí lùi xa một bước, bàn tay nắm chặt tay mẹ. Hà dỗ con:






- Ông ngoại đó mà con, con ạ ông đi.

Bé Ti vẫn mở to đôi mắt nhìn ông lạ lùng. Hà nói:

- Chỉ mới hơn một năm thôi mà con đã quên ông rồi. Tội nghiệp cho con quá!

Giọng cô nhỏ và yếu ớt, cô nắm bàn tay con đi cùng với bố vào nhà. Bây giờ đang là bữa cơm chiều. Mọi người chưa ăn đã thấy no vì Hà đã về. Nụ cười của Mẹ còn tươi hơn cả ngày gả con. Anh Chi ngẹn ngào nhìn bé Ti, cô vẫn nhận ra ánh mắt của cháu. Aùnh mắt to tròn , ngơ ngác đến tội nghiệp. Bé Ti không còn nhận ra cô . cũng không nhận ra ông ngoại bà ngoại nữa. Bé nhìn mọi người bằng ánh mắt lạ lùng soi mói. Chả sao đâu, bé đã xa nhà cả năm rồi, bé quên cũng phải, từ từ thôi, từ từ thôi nhé, bé sẽ lại líu lo như đàn sẻ nâu ngoài kia. Anh Chi nói thầm- thế là Bé đã về rồi, từ từ cô sẽ lại được ôm bé vào lòng, hôn lên đôi má thơm mùi sữa của bé, lại sẽ tập cho bé tiếng Bà ngoại, ông ngoại thân thương, bé sẽ gọi cô là má Chi. Cô vui đến run lên, ánh mắt cô nhìn bé như không muốn rời xa bé nữa. Bữa cơm chiều đầy ắp tiếng cười, mà sao trong niềm vui trùng phùng này Anh Chi ù có cảm giác thật lạ. Anh Chi thấy Hà cũng thật lạ. Sau một năm xa nhà, cơ thấy em cứng cáp ra nhiều, cĩ vẻ đã trưởng thành và mang nỗi khắc khổ. Hà cười ít hơn mọi người. Cô né tránh khi bố mẹ dề cập đến gia đình chồng, Cô bảo cô về nhà một thời gian, cô muốn cho bé Ti quen lại với ông bà và má Anh Chi, cô sẽ để bé ở lại cho ông bà và Anh Chi nuôi dậy bé.

- Chị nuôi bé Ti dùm em nhé, chị Chi. ?

Hà hỏi chị, ánh mắt cô rưng rưng. Anh Chi để lộ cả tấm lòng:

- Đương nhiên rồi, lúc nào chị cũng yêu thương bé và đã coi bé như con mình từ lâu lắm .

- Cám on chị.

Hà nói với nụ cười nhẹ. Mẹ nhìn Hà chăm chăm và lại buông tiếng thở dài. Lớp phấn hồng vẫn khơng che lấp được nét xanh xao trên khuôn mặt cô. Hà đã gầy đi rất nhiều. Bà nghĩ con gái có điều gì uất khúc không muốn nói. Xưa nay tính con bé vẫn thế, ít khi nó gần gũi, tâm sự với mẹ,bà mong những ngày ở nhà sẽ giúp Hà cởi mở hơn.

Mỗi ngày Hà đều nhắc Bố cho bầy chim ăn:

- Bố nhớ cho bầy chim ănđ thường xuyên, đừng bỏ quên nĩ nữa nhé. Lần này mà bố bỏ quên nĩ, nhất định nĩ sẽ đi luơn khơng quay về với bố nữa đâu.

Bố cười hề hà:

- Được rồi, bố nhớ rồi mà.

Hà thường ngồi bên cạnh bố nhìn bố chăm chút bầy chim. Dạo này bé Ti đã bắt đầu quen với ông bà rồi, nó chạy lung tung khắp nhà và nghịch ngợm tất cả những gì có thể nghịch được. Tiếng nói trẻ thơ không thua gì tiếng chim hót, Cả nhà lại bận rộn với bé, Mẹ lại thức dậy thật sớm đi chợ và vội vã trở về, lách cách dao thớt băm thịt nấu cháo cho Bé. Anh Chi lại mỗi chiều tan sở lang thang các cửa tiệm đồ chơi để chọn mua cho bé Ti những món đồ chơi vui mắt. Hà thường ngồi lặng nhìn con hàng giờ, đôi mắt cô thỉnh thoảng lại ánh lên niềm thương xót. Anh Chi thấy Hà thay đổi hẳn. Có cái gì đó đang biến chuyển trong Hà, Anh Chi hỏi nhưng Hà không nói . Hà dặn dò Anh Chi:

- Chị đừng chiều Bé Ti quá nó sẽ hư đấy.

Rồi cô cười buồn buồn:

- Nó hư giống em thì khổ, có lẽ hết hè má Anh Chi cho bé Ti đi học đi, ở trường cô giáo sẽ cho bé vào nề nếp, lớn lên dễ dậy bảo hơn.

Anh Chi thấy ánh mắt Hà lúc nào cũng rưng rưng, cô hỏi:

- Có thật là em để bé Ti ở lại đây với Bố Mẹ không? Gia đình chồng em không phản đối à? Còn chồng em đâu? Em về nhà đã hơn ba tháng rồi mà không thấy nó vào đón em? Hai đứa có chuyên gì phải không? Tại sao không nói cho Bố Mẹ biêt ?

Hà cúi đầu nhìn xuống những ngón chân mình, im lặng. Anh Chi biết khi Hà im lặng là lúc cô không muốn giải thích điều gì cả. Anh Chi cũng không muốn hỏi thêm.

Bữa cơm chiều vừa xong. Hà nói với Bố Mẹ ngày mai cô trở về nhà chồng. Cả nhà lặng đi một phút. Một phút thật nặng nề. Ngọc Hà bước vào phòng , một lát cô trở ra, trên tay cô có một xấp giấy tờ, cô đưa cho Bố và bảo;

-Bố ạ, đây là khai sanh của bé Ti, khai sanh bé vẫn là cha vô danh như ngày nó mới sinh ra nên không ai có thể dành bé Ti với bố mẹ được cả. Còn đây là giấy khám sức khỏe của bé cùng với những tờ giấy xét nghiệm khác chứng minh là bé hòan toàn khỏe mạnh ,không mắc bệnh gì. Con đã xin xét nghiệm cho bé hai lần rồi, mỗi lần cách nhau một tháng, kết quả cũng tốt đẹp như nhau. Trời vẫn còn thương con nên bé Ti vẫn còn khỏe mạnh để thay con ở gần bố mẹ. Con xin cả nhà tha lỗi cho con. Và đây là giấy tờ của con, tờ giấy báo tin con đã nhiễm HIV, con bị lây từ Thắng. Đã từ lâu, con dấu Bố Mẹ, Thắng nghiện ma túy. Con cứ tưởng lấy Thắng con sẽ khiến Thắng cai nghiện được, con cứ tưởng đem bé Ti về bên Thắng, khơi dậy bổn phận làm cha thì anh ấy bỏ hút, nhưng cuối cùng con vẫn không thể làm được gì. Bố Mẹ Thắng biết con mình nghiện ngập, nên đã cưới con cho anh ấy. Mong mỏi con mình thay đổi nhưng cuối cùng Thắng vẫn đi vào con đường dẫn đến sida

Hà lau nước mắt trong lúc sự chết lặng của mọi người. Lưng Bố bỗng dưng còng xuống, đôi vai như không có điểm tựa buông xuôi. Anh Chi cắn môi rướm máu mà không thấy đau, khuôn mặt Mẹ bỗng chốc méo đi, khô cằn và xám xịt. Giống như một cơn giông bão điên cuồng đã phá hủy đi tất cả những gì đang hiện hữu, giống như bầu trời đang xuống thấp, đổ ập xuống từng ấy con người. Hà lại cất tiếng nói, giọng cô âm u như ở tận cõi nào:

- Con biết là lỗ tại con, là con đường con đã chọn. Xin cả nhà tha lỗi cho con . Vì con đường con tự chọn nên con xin bố mẹ cho con đi hết con đường ấy. Không thể thay đổi được nữa rồi. Con chỉ xin bố mẹ săn sóc bé Ti dùm con và đừng cho bé biết bố mẹ nĩ bị sida mà chết. Điều đó sẽ là nỗi ám ảnh cả đời nó. Hiện giờ Thắng đang ở trại cai nghiện, con phải quay về vì đó là nghiệp chướng của con, con đã cố sức vùng vẫy mà không thoát khỏi. Mẹ đừng buồn, mẹ đừng giận con nữa mẹ nhé, vì con đã không ngoan, luơn cãi lời cha mẹ nên hậu quả phải gánh chịu ngày hôm nay. Bây giờ biết mình lầm lỡ thì đã quá muộn rồi. Con cũng không thể bỏ rơi Thắng trong lúc này được nữa.




Trước mắt Anh Chi là những đốm sáng lập lòe, có tiếng đổ ập của một vật thể nào đó và ù tiếng bố ngẹn ngào:

-Mẹ đã xỉu rồi, đưa mẹ vào giường nằm đi các con.

Như một cái máy, Anh Chi dìu Mẹ lên giường. Hà vừa thút thít vừa xoa bóp bàn tay mẹ. Mắt cô cũng đang mờ đi. Hậu quả của những đêm thức trắng chờ chồng đang vật vờ đâu đó chưa về nhà. Hậu quả của những cơn mưa nước mắt khi biết mình mang bệnh- là hậu quả của tuổi trẻ dại khờ mải mê đi tìm niềm vui ở bên ngoài cuộc sống- là những đam mê ngu ngốc của cô.

Buổi sáng Anh Chi thức dậy thật sớm. Thật ra thì cả đêm qua cô có ngủ chút nào đâu, cô cứ chập chờn nghe từng tiếng nấc của Mẹ trong phòng, tiếng dỗ con của Hà và tiếng khụt khịt của Bố. Giấc ngủ không đến với những người trong căn nhà này. Hà đã soạn xong đồ đạc, cô ngồi ở một góc phòng nhìn bé Ti đang ngon giấc, Bố mở cửa phòng bước ra, Anh Chi sững sờ không nhận ra Bố. Chỉ qua một đêm thôi, tóc bố đã bạc hết nửa mái đầu, lưng bố còng xuống, đôi tay dài buông thỏng mệt mỏi. Cô nhìn sang mẹ, mẹ đã biến thành một bà già, đôi mắt mẹ sâu hoắm tăm tối, đôi chân mẹ run run và bàn tay lạc lõng. Hà không nhìn Bố, cũng không nhìn Mẹ Cô lặng lẽ xách chiếc valy bứơc ra cửa. Tiếng Mẹ thảng thốt:

- Con lại đi thật đấy à? khơng thể ở nhà với bố mẹ được sao?

- Con xin mẹ.

Hà bật khóc. Mẹ xuống giọng như một lời năn nỉ:

- Ở lại với Bố Mẹ đi con, Mẹ sẽ thuốc men săn sóc cho con, cả nhà sẽ thương yêu con như lúc con mới sinh bé Ti. Chẳng đâu bằng gia đình con ạ. Ở lại nhà đi con, Mẹ xin con, hãy ở lại để bố mẹ lo cho con. Đừng tự đày đọa mình nữa, cũng đừng đày đọa bố mẹ nữa. Mẹ không chịu đựng nổi nữa đâu.

Hà đứng sựng ngay bực cửa. Cô im lặng và câm nín. Bố dướng đôi mắt u uất nhìn cô:

- Đây mới là nhà của con. Con muốn ở bao lâu cũng được. Cả nhà

sẽ săn sóc cho con, gia đình sẽ cùng con nuôi lớn bé Ti. Ở cạnh gia đình con cứ yên tân dưỡng bệnh. Đừng đi nữa. Bố cũng xin con đấy

Hà cắn chặt đôi môi, cô nhắm mắt lại, hình ảnh Thắng trong trại cai nghiện dường như đang réo rắt rắt gọi cô, sự sụp đổ của cha mẹ lại càng làm cô đau xót. Cô nói trong tiếng thở dài:

- Bố mẹ cho con về săn sóc Thắng một thời gian. Rồi con sẽ quay về nhà mình.Và con sẽ ở bên cạnh bố mẹ. Con xin mẹ hãy giữ gìn sức khỏe, thế nào con cũng sẽ quay về.

Cô nhìn bố, ánh mắt cô tha thiết:

- Bố nhớ cho bầy chim ăn đều đấy nhé, lần này mà bố bỏ quên nó, nó sẽ đi luôn không về với bố nữa đâu.

Hà đi như chạy ra khỏi cổng, cô không quay đầu nhìn lại vì cô biết ở sau lưng cô, bầu trời đang sụp đổ xuống đầu mọi người, cô đã gieo dắt nhiều thảm họa quá. Cô nghĩ: hãy cố lên, hãy manh mẽ lên!


DUNG SÀIGÒN
(2008)

***