VÒNG TAY THƯƠNG YÊU
Truyện vừa: VÕ HÀ ANH
• Viết tặng Tuổi Thơ biết thương yêu gia đình và đồng bào
VÕ HÀ ANH
HAI VỢ CHỒNG DỪNG LẠI TRƯỚC MỘT CỬA HÀNG LỚN. TRONG TIỆM treo la liệt đèn đủ loại, nhìn vào đó người lớn cũng thấy nao nức huống hồ trẻ con, ông Minh nghĩ thế. Ông mỉm cười với vợ, rồi cúi xuống hỏi cậu con trai mười hai tuổi :
- Vũ, ba mẹ mua đèn cho con nhé.
Vũ gật đầu, ngoan ngoãn :
- Vâng ạ.
Ba người bước vào tiệm. Người Tầu bán hàng đon đả mời :
- Ông bà chủ. Mua đèn, mua bánh ?
Bà Minh tươi vui trả lời :
- Tôi mua đèn cho cháu.
- Mua đèn nào ? Con thỏ, con cá, ngôi sao… đủ hết á.
Ông Minh hỏi con :
- Con thích đèn gì ba mua cho ?
Vũ mở to cặp mắt đen lay láy, tay nắm chặt tay mẹ, nghển cổ nhìn lên. Những chiếc lồng đèn đủ mầu sắc treo lẫn lộn giữa những đèn xếp tròn và đèn quả dưa. Chiếc nào cũng đẹp cả. Con thỏ có cái đuôi bông trắng, thật xinh. Con cá bề thế, cặp mắt tròn dí dỏm. Ngôi sao là lạ, treo giữa cửa ra vào có chùm tua bay phất phơ trước gió.
Ông bà Minh nghĩ nên để cho cậu con trai cưng có đủ thì giờ nghĩ ngợi, tính toán, lựa chọn nên quay ra mua hai cân bánh dẻo, bánh nướng cùng hộp trà Ninh Thái.
Bà Minh nhắc chồng :
- Anh có mua bánh biếu ông trưởng phòng chưa ?
Ông Minh cau mặt :
- Thôi phiên phiến vậy. Túng mà cứ mỗi dịp lễ đều biếu xén cả thì tiền đào đâu ra. Chờ Tết biếu luôn thể.
Bà Minh yên lặng. Lương công chức ba cọc ba đồng thật khó xoay sở. Nhiều lúc thấy chồng cực nhọc để nuôi vợ, nuôi con bà không khỏi xót xa lo lắng. Mới ba con đã vậy, thêm vài đứa nữa không biết còn chật vật đến chừng nào.
Chiều thứ bảy – trước Tết Trung Thu – ông Minh giao hai chú nhỏ cho bà vú trông, hai vợ chồng dắt cậu con lớn nhất đi mua sắm. Chiếc Honda cũ gầm gừ như không muốn chạy vì chở ba người, khá nặng. Ông Minh đưa vợ con vào Chợ Lớn. Ông lý luận :
- Tụi Tầu Chợ Lớn nó làm đèn đẹp, bánh cũng bán rẻ hơn ở chợ Sàigòn.
Vợ chồng con cái kéo nhau đi khắp phố mua sắm lặt vặt dùng hằng ngày. Cuối cùng, khi phố đã lên đèn, bà Minh mới nhắc chồng :
- Thôi, đi mua bánh với đèn cho các con kẻo muộn rồi anh ạ.
Ông Minh vui vẻ :
- Ừ, đi thì đi. Chắc cu Vũ sốt ruột lắm rồi đó.
Hai vợ chồng cúi nhìn cậu con trai mỉm cười. Bà Minh hỏi :
- Mỏi chân không con ?
Vũ gật đầu :
- Mỏi quá mẹ ạ. Cho con đi uống nước đi.
Bà Minh gắt yêu :
- Ấy, đi mua đèn mua bánh trước đã chứ.
Mắt Vũ sáng lên. Bà Minh chép miệng :
- Bố Mẹ chăm lo cho con cái từng chút như vậy mà còn chưa yên tâm. Chúng nó có hiểu nổi thế không, hay cứ làm phiền lòng bố mẹ thôi ?
Ông Minh đùa vợ :
- Gớm, sao hôm nay em “triết lý” quá vậy ?
Bà Minh thành thật :
- Em nhìn nó nghĩ lại chúng mình thời còn nhỏ. Con cái chỉ quen trách móc bố mẹ, giận hờn vô lý. Đến khi hiểu được thì bố mẹ đã qua đời, không làm sao báo hiếu được nữa.
Ông Minh nhìn thấy mắt vợ đượm buồn rầu. Ông hiểu vợ đang xúc động vì bất ngờ nhớ lại thủa ấu thơ đã xa xôi lắm.
Ông phá tan bầu không khí u buồn :
- Thôi, đi mua đèn cho con chứ em ?
- Dạ.
Bước đi mà bà Minh thẫn thờ. Mua sắm là chuyện bắt buộc, dù số tiền dành dụm cho ngày lễ này chẳng được là bao. Vậy mà cả trăm thứ phải mua vì không có không được. Càng nghĩ bà càng thấy thương chồng.
Mua bánh xong, hai vợ chồng quay lại chuyện mua đèn cho con. Vũ không còn đứng cạnh mẹ. Cậu bé đang đứng ngẩn người ở một góc tiệm, ngây ngất nhìn một chiếc đèn to lớn và kỳ lạ. Chiếc đèn năm mặt, phất đầy giấy bóng mờ nhiều mầu sắc quyến rũ, loáng thoáng có hình ảnh di động bên trong : chiếc đèn kéo quân.
Vũ nhìn những bóng người bồng súng, từng chiếc xe tăng, tầu thủy, lại có người đeo gươm cưỡi ngựa chạy vòng vòng trong chiếc đèn. Thật là kỳ lạ. Ánh đèn điện bên trong hắt bóng người và vật ra ngoài rõ rệt, một mầu đen thật nổi. Bóng nọ đuổi bóng kia, có ba tầng trên dưới chạy vòng quanh hoài không nghỉ.
Vũ mê man ngắm mãi chiếc đèn kéo quân không biết chán.
Tiếng ông Minh hỏi :
- Thế nào, cậu công tử định mua đèn gì đây ?
Vũ rụt rè, không trả lời thẳng câu hỏi :
- Ba ơi, đèn gì đẹp vậy ba ?
Ông Minh chột dạ. Cu cậu khoái chiếc đèn này à. Chắc phải đắt, không xong rồi. Nhưng ông trả lời tự nhiên :
- Đèn kéo quân, con thích không ?
Vũ gật nhè nhẹ.
Ông Minh tiếp :
- Ba hỏi mua cho con nhé.
Nét mặt Vũ rạng rỡ. Ông Minh tưởng như có thể uống nước, nhịn đói cho con no, để nó có gương mặt rạng rỡ tươi vui như lúc này mãi. Ánh mắt nó như muốn nói :
- Ba là nhất. Cái gì cũng giải quyết được vừa lòng mọi người.
Ông Minh gọi người bán hàng lại :
- Đèn kéo quân này bao nhiêu ?
Người Tầu thản nhiên :
- Sáu ngàn!
Ông Minh không ngăn nổi tiếng kêu kinh ngạc :
- Sáu ngàn, dữ vậy ?
Người Tầu phân bua :
- Đèn làm bằng đồ mua ở Hông Kông về à. Có lính hồi xưa với lính bây giờ nè. Có sơn son thếp vàng nè…
Ông Minh bĩu môi :
- Thôi, thôi. Các ông cái gì nói cũng hay. Thứ đèn này tôi làm lấy còn đẹp hơn nhiều.
Người Tầu im lặng. Ông Minh chợt tự nói :
- Ừ, tại sao mình làm không được. Mình sẽ làm cho Vũ một cái thật đẹp. Dư sức. Mẹ con tha hồ phục bố sát đất.
Bà Minh mỉm cười :
- Biết tài anh rồi, anh làm đến Trung Thu sang năm có xong kịp không ?
Ông Minh trợn mắt, định phân bua thì bà vợ cười thật tươi :
- Đùa thế chứ. Đắt quá anh ạ, phí tiền mua làm gì mấy thứ đó. Để em mua vài cái đèn xếp, và chiếc ông sao với con thỏ cho các con là đủ chán.
Nói xong bà hối hả mua liền. Cu Vũ nghệt mặt ra nhìn, không bằng lòng. Vũ tiếc ngẩn ngơ chiếc đèn kỳ diệu có hình người, xe, ngựa, tầu thủy chạy vù vù kia.
Nhưng bà Minh đã kéo con đi :
- Thôi, xong rồi con. Đi uống nước rồi về kẻo tối.
Từ lúc đó cho đến khi về tới nhà, mặt Vũ nặng ra. Nhìn mặt con trong tấm gương chiếu hậu, ông Minh mủi lòng. Tội nghiệp thằng bé, hẳn nó đang ao ước chiếc đèn ghê lắm. Nhưng hai vợ chồng đều làm lơ, cho Vũ khỏi có cớ giận dỗi lâu. Quả nhiên về tới nhà, chia đèn và quà với hai em, Vũ tạm quên đi chiếc đèn kéo quân kỳ diệu.
Ăn cơm xong ông Minh bảo vợ :
- Em lo dọn dẹp dần đi nhé, anh ra ngoài một lát.
Rồi ông quày quả dắt xe ra đường.
- ANH SẼ LÀM CHO CU VŨ MỘT CHIẾC ĐÈN KÉO QUÂN THẬT ĐẸP, EM biết không ?
Bà Minh trố mắt nhìn chồng ngồi giữa cửa, trên tay nặng trĩu đủ thứ : tre, giấy, giây kẽm, gói bột hồ, và các thứ lặt vặt khác. Tưởng ông nói đùa, không ngờ ông làm thật. Bà Minh mỉm cười thương yêu :
- Tin chứ. Xưa nay em vốn tin anh trong mọi chuyện mà.
Ông Minh cười hể hả, cẩn thận đặt các vật dụng lên bàn, đi thay quần áo. Bà Minh đứng nhìn những thứ chồng mang về, tự hỏi làm thế nào để hoàn thành kịp chiếc đèn cho con trai :
- Bao giờ thì làm xong hở anh ?
Ông đáp, giọng chắc chắn :
- Trước tám giờ tối mai, Trung Thu !
- Nhanh vậy, chiếc đèn to lớn thế mà ?
- Thì mình làm nhỏ hơn, và theo lối cây nhà lá vườn. Này nhé, nhà còn ít sơn đỏ và xanh, mình sơn vào khung gỗ thay cho mầu sơn son thếp vàng. Anh sẽ cắt mấy tấm bìa cứng làm quân và ngựa. Còn đèn thì đốt nến thay điện, đẹp hơn mà lại đỡ tốn.
Bà Minh phì cười. Tài tháo vát của ông đó, lúc trước ông từng là huynh trưởng Hướng Đạo mà.
Rửa mặt xong ông Minh bắt tay ngay vào việc. Vũ và Kiệt, chú nhỏ thứ hai quấn quít bên cạnh bố. Ông Minh luôn miệng la các con :
- Nào nào. Để yên cho ba làm chứ. Các con cứ quấn ba thì làm nhanh sao được.
Bà Minh cũng nói :
- Để yên cho ba làm. Các con phá quá ba làm ngày kia mới xong thì hết ăn tết.
Bà Minh đi dọn dẹp nhà cửa. Mấy bố con lâu lâu lại kêu chí chóe làm bà bật cười. Gia đình những lúc như vậy thật vui.
Thỉnh thoảng lại :
- Ái, suýt đứt tay ba rồi.
- Gớm, chúng mày phá quá.
Bé Kiệt cầm hết cái nọ đến cái kia ngắm nghía, hỏi han. Vũ cũng hỏi :
- Ba ơi, cái này làm gì hở ba ?
- Để làm khung cho đèn cứng và đứng được.
- Thế còn tờ giấy bóng mầu này ?
- Để dán chung quanh khung làm mặt đèn.
- Ba cắt gì vậy ?
- À, cắt hình lính cưỡi ngựa.
Vũ reo lên :
- Có đánh kiếm không hở ba ?
- Không. Nhưng có ông râu dài cầm giáo.
- Cầm giáo làm gì vậy ba ?
- Để đánh giặc.
Vũ la lên :
- Con thích đánh giặc. Con thích lớn lên đi lính giết thật nhiều giặc, mà con thích bắn chết giặc cơ, đánh bằng giáo mỏi tay lắm.
Ông Minh ngẩng lên nhìn con đăm đăm :
- Con thích đánh nhau hả ?
- Dạ. Con bắn chết giặc thật nhiều cơ.
Rồi Vũ chìa hai ngón tay trước ngực, tay kia che lên giả làm cao bồi bắn súng :
- Giết, giết hết. Pặc pặc, pặc pặc pặc. Ẻng… ẻng…
Ông Minh ngây người nhìn con. Thằng bé lăn kềnh ra nhà giả làm người bị trúng đạn.
Trẻ con dễ ảnh hưởng phim ảnh. Hơn lúc nào hết ông Minh nhận thấy sự tai hại của xi nê và chiếc máy truyền hình để giải trí. Phim ảnh đã cho trẻ con những ý niệm sai lạc về chiến tranh, về sự xung đột giữa con người.
Ông bảo :
- Giết người không phải là điều tốt. Con phải biết, những người bị giết cũng có gia đình, bố mẹ, anh chị…
Vũ cãi :
- Nhưng quân giặc là phe địch mà ba. Nó có tội…
- Con không nên nghĩ tới chuyện đánh giặc, bây giờ bố khuyên con phải chăm học và ngoan ngoãn. Thế là đủ rồi, nghe con ?
Vũ tiu nghỉu gật đầu :
- Vâng ạ.
Bà Minh từ trong bếp đi ra :
- Thôi, Vũ với Kiệt đi ngủ. Mười giờ rồi. Ngủ sớm, mai dậy xem tiếp.
Vũ mè nheo :
- Còn sớm mà mẹ.
- Không được, đi ngủ sớm không rồi mai lại dậy trễ, xấu lắm.
Bà Minh bế Kiệt lại giường :
- Đi ngủ đi cậu hai. Khẽ khẽ cho bé Thư ngủ. Nó mà thức dậy thì bà vú mệt.
Bà vú nghe nhắc tới mình, đang rửa bát chén cũng góp chuyện :
- Mợ để tôi dỗ em Kiệt cho.
- Thôi, vú cứ rửa xong rồi đi ngủ. Mai tôi nghỉ, không đi chợ nữa.
Bà Minh phải lục đục trong giường đến nửa giờ mới dỗ được hai cậu con trai ngủ. Bà pha cho chồng ly trà chanh đường rồi ra ngồi cạnh. Ông Minh vẫn loay hoay làm. Ông khoái chí nhìn những khúc tre bắt giữa lòng đèn để giữ cho quân chạy thật thẳng và vững.
Bà Minh khen chồng :
- Anh làm nhanh nhỉ. Mà đẹp ghê.
Ông Minh vênh mặt :
- Anh mà, bộ tưởng dở à ?
Hai vợ chồng cười khúc khích. Ông Minh giục vợ :
- Đi nằm trước đi em. Kẻo mệt chết.
- Anh cũng nghỉ đi thôi.
- Được rồi, kệ anh. Xong tí nào đỡ tí ấy.
- Em nằm đọc sách một lát nhé.
- Ừ.
Bà Minh vào giường đọc truyện. Bà ngủ quên không biết bao lâu, đến lúc giật mình tỉnh dậy vẫn thấy chồng cặm cụi bên chiếc lồng đèn dang dở. Bà giục :
- Đi ngủ đi anh.
Ông Minh đứng dậy, vuôn vai ngáp :
- Khoái quá. Xong được một nửa công việc rồi. Ngày mai ráp quân vào, phất giấy bóng và trang trí nữa là… ăn tiền. Thằng bé tha hồ mà vui.
Bà Minh cảm động nhìn theo chồng bước vào nhà tắm. Lòng thương con của bố mẹ lúc nào cũng tràn đầy. Những đứa con ngoan có bao giờ biết thế không ?
HÔM NAY LÀ TRUNG THU MÀ CŨNG LÀ NGÀY CHỦ NHẬT. ÔNG MINH vừa ăn sáng, uống cà phê xong lại tiếp tục làm chiếc đèn kéo quân. Mặc dù thiếu thốn nhiều thứ nhưng với tài tháo vát của một cựu hướng đạo sinh, ông tự chế biến hay chắp vá để vượt qua những trở ngại nhỏ nhặt ấy. Lũ trẻ quẩn quanh cạnh bố, la hò, nghịch ngợm khiến bà Minh đang bận rộn với bé Thư cũng phải chạy ra chạy vào hò hét không ngớt miệng.
Tới bữa cơm trưa và bữa chiều, ông chỉ nghỉ một lát để ăn cơm rồi lại cặm cụi làm. Bà Minh thỉnh thoảng cũng tới ngồi cạnh giúp đỡ chồng những việc lặt vặt.
Nhờ thế, hơn bẩy giờ tối chiếc đèn kéo quân đã làm xong. Ông Minh thò tay vào bên trong, xoay cái trục nhè nhẹ. Hai hàng quân sĩ ngày xưa cưỡi ngựa và ngày nay cưỡi xe thiết giáp xoay như chong chóng. Bà Minh trêu :
- Mặc dù ba các con giỏi nhưng cũng không thay họa sĩ được. Ông lính này mập ú, ông kia dài ngoằng. Xe thiết giáp thì như hộp diêm, con ngựa có vẻ giống con lừa hơn.
Ông Minh lườm vợ :
- Hết sức rồi đó. Tài “tui” chỉ có vậy thôi à.
Vũ cũng “théc méc” :
- Sao mặt ông lính ba tô đỏ lòm vậy ba ?
- Tại thiếu “cu lơ”. Vả lại càng đẹp chứ có sao. Phim… mầu mà lỵ.
- Ông này mặt xấu quá.
- À, lính bây giờ vất vả nên mặt đẹp sao được.
Nói xong ông Minh bật cười. Vì ông chợt nhớ tới những chương trình quân nhân học tập của Đài Phát Thanh Quân Đội và đôi khi trên vô tuyến truyền hình. Những vai chánh trong chương trình đó là Binh Mập Cai Tròn, Binh Hô Cai Méo. Có lần nói chuyện với Trung Úy Khoa, một người bạn thân, ông nghe Khoa chê :
- Thật kỳ cục. Vẫn biết họ cốt ý làm cho chương trình vui nhưng họ quên một điều : làm cho lính khó chịu. Chả lẽ lính mình toàn là những thành phần binh hô, sún, móm mém và cai toàn thứ cai… thợ hồ, méo móp, mập ú hay sao. Tại sao không là binh Hùng cai Mạnh, binh Giỏi cai Khôn… để biểu hiện cho thành phần quân đội bây giờ ?
Một lần khác Vũ nghe xong, quay lại hỏi bố :
- Ba ơi, Binh Hô là gì hở ba ?
- À, binh hô là anh lính có hàm răng nhô ra khỏi miệng… Đến nhà ai gõ cửa xong, chủ nhà nói mời vào thì thấy hàm răng khách vô trước, chủ hàm răng vô sau.
Bà Minh lăn ra cười :
- Anh chỉ giỏi giải nghĩa tếu là không ai bằng. Con nó làm sao hiểu được.
Vũ lại thắc mắc :
- Thế còn Cai Méo ?
- À, ông cai này mới là đặc biệt. Cai là ông hạ sĩ bây giờ, ngày xưa gọi là cai. Bi giờ người ta chỉ gọi là cai thợ hồ, cai… cu li, hay “cai”… thuốc phiện. Mà ông cai hạ sĩ này có hình dáng méo là vì… vì… đầu ông ấy méo. Hay tại miệng méo, mông méo.
Vũ ngạc nhiên :
- Tại sao thế ba ?
- Vì lý do gì thì ba của con không biết được. Có thể bị trời sinh, mà có thể tại trước khi lên cai ổng bị ông cai “xếp” của ổng bợp tai đá đít nhiều quá nên miệng và mông méo xẹo.
Bà Minh gắt lên :
- Thôi đi ông. Anh chỉ giảng nghĩa ẩu không à. Nó tưởng thật thì hỏng bét.
Nghĩ lại câu chuyện ấy ông Minh càng thấy tức cười. Ông bảo vợ và con :
- Đây này. Anh này là Binh Hô, anh mập kia là Cai Méo, cái mông móp đi thấy không?
Cả nhà cười ha hả. Vũ la lớn :
- Kiệt ơi. Anh có cái đèn kéo quân Binh Hô Cai Méo nè.
Ông Minh thu dọn đồ đạc rồi treo cái đèn lên trên giá sách. Cả nhà lăng xăng xếp đặt bàn ghế để lát nữa cúng trăng rồi thưởng thức mấy hộp nánh nướng, bánh dẻo Đông Hưng Viên nổi tiếng.
Buổi tối trời mát và trăng rằm tròn trĩnh lên cao trên nền trời xanh không gợn mây, trông thật đẹp.
Ông bà Minh quần áo chỉnh tề đứng trước bàn thờ cúng vái. Ngày nay, những người còn trẻ chưa ngoài bốn mươi mà giữ được tập tục cổ truyền thật hiếm. Dân Việt Nam có biết bao nhiêu nghi lễ, tập quán do ông bà truyền lại cho con cháu. Nhưng bây giờ người ta đua đòi sống theo Tây Phương, bỏ quên hay không học hỏi để biết những phong tục tập quán ấy, thật đáng tiếc. Dân Việt Nam phải là dân Việt Nam thuần túy, oai hùng với truyền thống tự ngàn xưa. Nghĩ vậy nên ông Minh đã hết sức cố gắng giữ được những lễ giáo mà ông, cha truyền lại. Ông cũng thường giảng dạy cho Vũ nghe những điều hay lẽ phải và khuyên răn không nên đua đòi, bắt chước bạn bè xấu ở trường.
Đứng trước bàn thờ Tổ Tiên, ông Minh thành kính khấn vái. Bà Minh đứng nép một bên, chờ chồng cúng trước. Hai anh em Vũ cũng nép bên Mẹ, mở to mắt nhìn lên bàn thờ.
Trên bàn thờ khói hương nghi ngút, tỏa ra quyện lấy chiếc lư đồng và đôi chân nến đánh bóng sáng loáng. Tự nhiên Vũ thấy e dè, sợ sệt trước quanh cảnh trang nghiêm ấy. Không khí trong nhà ấm cúng hẳn lên, mọi người ai cũng trịnh trọng, cả bà vú đang bế bé Thư đứng ở góc nhà cũng kính cẩn đứng nhìn. Vũ nghe bố lẩm nhẩm khấn, rồi mẹ cũng thế mà chẳng hiểu gì hết. Mẹ cúng xong bảo Vũ :
- Vũ ra chắp tay vái bốn vái đi con, để xin ông bà phù hộ cho hay ăn chóng lớn, học giỏi, ngoan ngoãn chớ.
Vũ làm theo lời mẹ bảo không chút ngượng nghịu. Cúng xong cả nhà quây quần quanh chiếc bàn. Bấy giờ ông Minh mới thong thả bảo :
- Nào, mình “khai trương” cái đèn kéo quân nào.
Anh em Vũ chỉ đợi có vậy. Hai đứa chạy ào ra cạnh chiếc đèn, mắt mở to thật to. Ông Minh cầm cây nến và bao quẹt tới cạnh Vũ.
- Ba cho con đốt ngọn lửa đầu tiên.
Vũ sung sướng đỏ cả mặt, run run đánh diêm. Ngọn lửa bùng sáng. Ông Minh trịnh trọng gắn vào trong đèn. Cả nhà hồi hộp chờ đợi. Ông Minh cũng muốn nín thở. Không gặp gió ngọn nến bùng thẳng tắp. Những vòng tròn kéo quân rung rinh một chút nhưng vẫn đứng yên. Vũ vừa định kêu lên “sao nó không chịu chạy hở ba” thì những vòng tròn nhúc nhích và… từ từ chạy. Cả nhà cùng reo lên. Ông Minh quay lại nhìn vợ, hay tay xoa xoa vào nhau cười hể hả. Bà Minh cười lại, nheo nheo mắt nhìn ông như muốn nói :
- Xưa nay em vẫn phục anh mà.
Như một chuyên viên ánh sáng chính hiệu, ông Minh tắt hết đèn điện, chỉ để ngọn đèn tròn gần cửa hắt ánh sáng vào. Căn nhà trở nên tối, và chiếc đèn kéo quân đột nhiên nổi bật giữa đám đèn ông sao, đèn xếp.
Cả gia đình chăm chú nhìn chiếc đèn kéo quân Binh Hô Cai Méo. Hàng trên anh lính xưa cầm giáo cưỡi ngựa đang rượt theo tên lính Tầu chạy bộ ngã chúi về trước. Rồi một anh khác cầm cờ giơ cao lên, đằng trước một toán lính nối đuôi nhau. Hàng dưới là một cái đầu anh lính ló lên trên nắp chiếc xe thiết giáp, rồi tới anh Binh Hô nhe hàm răng ra phía trước, tay cầm súng. Tiếp đó là anh Cai Méo đang dẫm lên chiếc nón có ngôi sao tượng trưng cho quân giặc. Sau cùng là một đoàn lính đội mũ sắt, tay cầm súng đang lao mình về phía trước. Bấy nhiêu hình thù in gần rõ rệt phía sau tờ giấy bóng mờ căng ra vì hơi nóng.
Anh em Vũ chỉ trỏ reo hò thích thú. Bà Minh hỏi :
- Hạ lễ xuống được rồi đấy nhỉ, anh ?
Ông Minh gật đầu. Những nén hương đã tàn vẫn còn buông ra những đợt khói mong manh ẻo lả trong không gian.
Bà Minh trịnh trọng đem hai dĩa bánh nướng, bánh dẻo đặt ra bàn, bên cạnh chiếc ấm trà tầu đã pha sẵn và hai chiếc tách nhỏ. Bà cắt hai chiếc bánh nướng và bánh dẻo ra chia cho các con ăn trước. Thủa ông bà còn nhỏ, bao giờ miếng ăn miếng uống cũng để người trên dùng trước sau đó được cho phép mới dám lấy ăn. Và ăn uống phải học cách sao cho lễ độ, lịch sự, ý tứ. Ngày nay sự việc ấy có thay đổi. Con cái không được học, vì cuộc sống vất vả, bố mẹ đầu tắt mặt tối làm lụng nuôi con nên không có thì giờ dạy bảo. Riêng với ông bà Minh và số đông những gia đình khác, lòng cha mẹ thương con đã khiến người trên nhường nhịn cho con cái. “Thấy chúng nó ăn được mình còn mừng. Và tiếc không có khả năng mua đủ thứ cho chúng nó ăn”. Bao giờ cũng vậy, cha mẹ đều thương yêu con cái, nhưng được mấy đứa trẻ hiểu rõ điều đó ?
Ông bà Minh ngồi uống trà ăn bánh. Ánh trăng rằm hắt qua cửa sổ, ngả dài trên nền nhà. Làn gió nhẹ đùa bóng những cành hoa giấy bên khung cửa rung rinh trên mặt gạch. Ông Minh nằm dài ra giường :
- Mỏi lưng ghê.
Bà Minh cười :
- Đứa nào ra đấm lưng cho ba đi. Ba già rồi.
- Cả ngày ngồi lom khom làm đèn mệt ghê.
Vũ chạy lại ôm lấy bố :
- Con thương ba ghê !
Ông Minh mắng yêu :
- Bố mày. Thương ba hay thương cái đèn ?
Vũ dấu mặt vào ngực bố :
- Thương cả hai.
Cả nhà cười ồ. Ông Minh bảo :
- Nào, mấy mẹ con lại đây ngồi. Hôm nay ba có một câu chuyện làm quà cho cả ba con nhân dịp Tết Trung Thu. Chuyện về tuổi thơ của ba.
Mọi người lại quây quần bên ông Minh. Ông Minh nhìn Vũ :
- Có thể con sẽ không hiểu hết được những điều ba kể, ba khuyên nhủ nhưng ba hy vọng con sẽ nhớ. Và khi lớn thêm ít tuổi nữa con sẽ hiểu, kể lại cho các em con nghe.
Tự nhiên bà Minh thấy chồng có vẻ trịnh trọng. Bà cũng công nhận chưa chắc Vũ sẽ hiểu những điều ông nói. Nó mới mười hai tuổi. Còn thơ dại lắm. Nhưng bà linh cảm những điều ông sắp nói rất cần cho con, cho tuổi thơ của nó.
Ông Minh nói :
- Kể câu chuyện này ba muốn Vũ ghi nhớ những điểm chính : chúng ta là người Việt Nam. Mỗi người dù lớn, dù nhỏ đều có bổn phận yêu Quê Hương, Tổ Quốc. Và bảo vệ quê Cha đất Tổ của mình. Lòng yêu mến và bổn phận đó phát sinh từ gia đình. Gia đình hướng dẫn cho mỗi người để có tinh thần ấy.
Vũ ngẩn ngơ nghe. Đúng như ba nói Vũ chẳng hiểu gì mấy.
- Nên ba muốn kể cho con nghe về tuổi thơ của ba, để biết rõ nguồn gốc, giòng họ và quê quán mình. Hồi đó ba còn nhỏ, như con bây giờ. Nghĩa là, ba còn là cậu bé Minh. Chúng ta hãy nghe kể lại câu chuyện một quãng đời của cậu bé Minh.
- CON BIẾT ĐÓ, CHÚNG TA HỌ VŨ. MẸ CÁC CON HỌ NGUYỄN. HỌ VŨ chúng ta lập nghiệp tại làng Thắng Động, Phủ Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, Bắc Phần. Cụ Tổ chúng ta tên là Thức. Đến đời con là cháu sáu đời. Ba là đời thứ năm.
Tuổi nhỏ có rất nhiều kỷ niệm, không thể nào kể hết được. Ba chỉ kể những nét chính, hay nét đặc biệt đời niên thiếu của ba cho con nghe. Câu chuyện có thể kể bắt đầu vào năm Ba mười ba tuổi.
Vậy thì, năm đó cậu bé Minh mười ba tuổi. Mỗi năm vào dịp Tết Trung Thu, Minh đều được chứng kiến những nghi lễ cổ truyền rất trang trọng. Từ hôm trước ngày rằm, tất cả những đồ dùng về thờ cúng như lư đồng, chân nến… đều được đem ra đánh bằng lá chuối và tro, bóng lộn. Một năm chỉ có mấy lần như thế : Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu và những ngày giỗ kỵ.
Tất cả những người quá cố trong họ đều được thờ phụng tại Nhà Thờ toàn Họ, do người Trưởng Họ đảm nhiệm. Ngoài ra mỗi gia đình đều thờ cúng riêng tại nhà, những người quá cố sau này như ông bà, cha mẹ, anh em.
Mỗi Trung Thu, đối với Minh đều có nhiều hình ảnh đáng nhớ. Cứ một năm qua, Minh lại hồi hộp đón chờ ngày Tết Tròn Trăng đến để được tham dự vào những cuộc vui dành riêng cho thiếu niên trong làng. Bơi lội, leo cột, ca hát… Những thú vui ấy rất hiếm, một năm chỉ có đôi lần.
Nhưng hình ảnh lôi cuốn Minh hơn cả vẫn là sự nhộn nhịp long trọng của ngày Tết Trung Thu tại Nhà Thờ họ Vũ. Buổi sáng ngày rằm, cửa Nhà Thờ mở rộng, con cháu trong họ lăng xăng lau chùi và quét dọn lần cuối những đồ thờ cúng. Không còn đến hạt bụi trên mặt các bệ thờ. Những bài vị được xếp thật ngay ngắn theo thứ tự và vai vế. Các bát hương được gạt tàn cho gọn gàng hơn. Rồi họ hàng các chi trong họ lũ lượt kéo tới Nhà Thờ.
Minh xúng xính trong chiếc áo dài may bằng the đen, đầu đội khăn vành, chân đi dép kiểu xưa, theo Thầy Mợ bước qua ngưỡng cửa. Khói hương bắt đầu nghi ngút, những ngọn nến lung linh.
Buổi lễ bắt đầu.
Đến bây giờ Ba không thể nào nhớ hết những nghi lễ đó, nhưng vẫn còn nhớ mọi người theo vai vế trên dưới mà bước vào trong chiếu lễ, quỳ lạy nhịp nhàng, khấn vái rì rầm vui tai. Trên bàn thờ, các vị tiền nhân hẳn cũng hài lòng vì con cháu hiếu thảo đã không lãng quên nguồn gốc.
Lễ xong, vị cao niên và vai vế cao nhất đem quà bánh ra phát cho con cháu. Đứa nào cũng hả hê với món quà được phát. Giờ phút sung sướng nhất là bọn con trai được lệnh đứng xếp hàng để Cụ Trưởng chọn mặt cho leo lên ba cây đào để trẩy. Mùa này đào đã chín. Minh luôn luôn được chọn, phần vì khỏe mạnh, phần vì cháu cưng của Cụ.
Những trái đào hồng tím như má con gái nhỏ, phơn phớt lông tơ được ngắt bỏ vào túi vải đeo trước ngực. Đứa nào cũng trổ tài hái nhanh và hái được trái ngon. Công việc xong, mỗi đứa được thưởng một trái. Mọi người ồn ào cười nói, tình gia tộc thắm thiết như những miếng bánh, miếng trái quả được chuyền tay lúc ấy. Người lớn, trẻ con, đàn ông đàn bà đều mặc áo dài, đội khăn trông thật đẹp. Ngày đó, tình gia tộc họ hàng được phát lộ mạnh mẽ hơn ngày nay rất nhiều. Ba nhận rõ điều đó. Ở nhà quê người ta năng đi lại thăm nom nhau, hỏi han giúp đỡ nhau. Bây giờ đời sống vật chất làm người ta vất vả cách xa nhau dần.
Buổi lễ chấm dứt, ai về nhà nấy. Mọi người nghỉ ngơi chờ tối đến. Ở nhà quê không có điện. Nhưng cũng nhờ vậy người ta mới nhận thấy được tất cả sự đẹp đẽ của một đêm trăng thôn dã.
Buổi tối trăng… Ánh trăng chan hòa trên đầu cây ngọn cỏ. Sáng vằng vặc. Vầng trăng tròn vành vạnh, lơ lửng giữa bầu trời xanh ngắt. Những chiếc đèn giấy, đèn nhiều cạnh được thắp nến treo lên, hay trẻ con rước đi nhộn nhịp trên sân.
Và cuộc vui tuổi nhỏ không cần nhiều tiết mục. Chỉ cần một đám tụ họp với nhau, tiếng cười thật ròn, tiếng reo thật vui là cuộc vui Tết năm ấy cũng đủ khó quên rồi.
ÔNG MINH NGỪNG NÓI, UỐNG MỘT HỚP TRÀ TẦU. BÀ MINH ÂU YẾM :
- Ăn bánh đã anh. Ăn xong rồi kể tiếp.
Vũ say sưa với những hình ảnh mới lạ mà bố vừa tả lại. Trong óc Vũ hiện ra hình ảnh những chú nhỏ trạc tuổi Vũ, khoác áo dài đội khăn xếp trông ngộ nghĩnh đáng yêu.
Vũ hỏi :
- Thế tại sao bây giờ không ai mặc áo dài khăn xếp như ngày đó hở ba ?
- Ngày nay người ta ăn mặc theo lối Âu Mỹ cho gọn gàng. Tuy có lợi như vậy nhưng lại làm mất một tập tục tốt đẹp của dân tộc.
Ông Minh kể tiếp :
- Có một lần, Tết Trung Thu năm đó… năm ba mười ba tuổi. Quả thật Trung Thu năm ấy đã in sâu vào đầu óc ba. Nhờ một chiếc đèn kéo quân.
Trước Tết Trăng Tròn mấy ngày, một ông bạn của Thầy đem biếu Thầy (cha Minh) một chiếc đèn kéo quân. Lần đầu tiên được nhìn thấy chiếc đèn ấy Minh cũng bị lôi cuốn mạnh mẽ. Và suốt ngày Minh luẩn quẩn bên chiếc đèn, chờ phút Thầy đốt nến lên. Và giây phút ấy đã đến. Ngọn nến bùng lên, đoàn quân chuyển động. Ba hàng quân lính cưỡi ngựa cầm đao đuổi giặc được cắt rất cầu kỳ, đẹp đẽ. Minh đứng say mê nhìn không chán mắt.
Buổi tối Minh đi ngủ với hình ảnh chiếc đèn kỳ diệu, biết chuyển động lạ lùng. Mỗi lần có một điều gì thắc mắc, Minh đều được Thầy giảng giải cặn kẽ.
Nguyên nhân làm cho đoàn quân chuyển động, sự tích cái đèn kéo quân cũng được Thầy kể cho nghe. Đoàn quân đuổi giặc ! Lúc đó Minh cũng đã ước mơ lớn lên làm dũng sĩ, cưỡi ngựa cầm gươm đi đánh giặc. Nhưng thời buổi ấy cảnh dũng sĩ với thanh gươm, yên ngựa không còn nữa. Minh chưa hề được thấy hình ảnh thật sự bao giờ.
Một lần Thầy hỏi :
- Lớn lên con thích làm gì ?
- Con thích đi lính đánh giặc.
- Tại sao Minh thích thế ?
- Để được cưỡi ngựa đeo gươm.
Minh ngây thơ đáp. Và tiếp :
- Con thích cầm quân đánh giặc, cưỡi ngựa đuổi chém giặc ngã gục dưới chân ngựa như trong sách Sử Ký vẽ quân ta đuổi giết quân Tầu, thật là oai.
Thầy bảo :
- Người ta đánh giặc vì giặc sang xâm chiếm nước mình. Đó là lòng yêu nước. Ai có lòng yêu nước đều đáng ngợi khen. Nhưng đánh giặc không phải là cưỡi ngựa đuổi chém giặc mà còn là đua tài, sức với quân thù. Muốn thế, Minh phải học hành thật giỏi cho nên người.
Minh reo lên :
- Con học giỏi mà Thầy. Con được thầy giáo khen đó thôi ạ.
Thầy vuốt tóc Minh :
- Ừ con học giỏi, thầy biết. Nhưng như thế chưa đủ. Muốn làm một “dũng sĩ” đánh giặc cần học giỏi và ngoan ngoãn hơn nữa. Một người cầm quân đánh giặc không phải chỉ giỏi về học hành mà còn phải biết hiếu thảo với cha mẹ, hòa thuận với anh em, tốt với bạn bè, giúp đỡ và thương yêu đồng bào. Có thế mọi người mới nể phục và tôn làm cấp chỉ huy.
Minh thắc mắc :
- Sao con chưa bao giờ thấy mấy ông quan với lính hở Thầy ? Cả quân giặc nữa ?
Thầy cười :
- Thời đó xa rồi. Bây giờ chỉ có bộ đội kháng chiến chống quân Pháp xâm lăng thôi.
- Quân Pháp ? Quân Pháp giống ai cơ ?
- Họ là người ở phương Tây. Cao hơn người Việt mình và mắt xanh, mũi lõ. Quân Pháp sang xâm lăng nước ta và bị dân ta chống lại. Thời bây giờ người ta đánh nhau bằng súng đạn chứ không bằng gươm đao như trước.
Minh đứng nhìn chiếc đèn kéo quân :
- Mai kia lớn lên con cũng vào bộ đội đánh quân Pháp. Con sẽ giết hết quân giặc…
Thầy không nói gì, đăm chiêu suy nghĩ. Minh nhìn chăm chăm đoàn quân đuổi nhau trong chiếc đèn kéo quân. Như có một sự lôi cuốn mạnh mẽ, Minh nằm dài ra giường ngắm nhìn chiếc đèn đến mỏi mắt.
Thầy chợt nói :
- Chiến tranh khổ lắm.
Minh hỏi :
- Chiến tranh là gì hở Thầy ?
- Là đánh nhau. Quân ta và quân giặc đánh nhau thì có chiến tranh.
- Đánh nhau thì quân ta thắng, đuổi quân giặc chứ sao lại khổ cơ Thầy ?
Thầy thở dài :
- Đánh nhau thì có người chết, nhà tan…
- Thế sao người ta cứ đánh nhau ?
- Con lẩn thẩn. Tại quân giặc xâm lăng.
- Làng mình có chiến tranh không Thầy ?
- Có chứ ! Nhưng là ở quanh đây. Rồi một hôm nào đó, chiến tranh sẽ đi qua đây và biết bao tai ách sẽ đến với mọi người.
Minh không để ý mấy câu nói của Thầy, vì còn mải mê với chiếc đèn kỳ lạ. Và mơ ước của Minh vẫn mạnh hơn. Một ngày nào đó sẽ cầm súng dẫn quân đi đánh Pháp. Lúc đó hẳn là vui, và Minh sẽ oai ghê lắm.
- TÂY CÀN, TÂY CÀN. ỐI GIỜI ƠI, TÂY CÀN. TRỐN MAU…
Tiếng la thất thanh của dân làng truyền nhau vào tới nhà Minh. Mọi người hốt hoảng quơ vội vài món đồ rồi ù té chạy. Người ta tìm hướng nào có đông người chạy là ùa theo.
Thầy kéo Minh và chị Ánh, anh Đình chạy theo mọi người, bước thấp bước cao. Minh sợ xanh mặt vì những tiếng nổ ròn lác đác vọng tới, rồi mỗi lúc mỗi gần. Mọi người không ai bảo ai chạy tới tập trung trong sân nhà ông Tổng Dán. Khi tới nơi, Minh thấy trong sân rộng đã đông nghẹt. Minh bắt gặp những khuôn mặt quen thuộc của bà con họ hàng.
Một lúc sau, những bóng người cao lêu nghêu, mắt xanh mũi lõ da trắng hay da đen, tóc xoăn tít mắt trắng dã hiện ra ở cổng.
Họ nói xì xồ hoặc líu lo, vẻ dữ tợn hiện rõ trên gương mặt. Trên tay họ cầm những khẩu súng dài, thỉnh thoảng lại bắn nổ đoàng đoàng. Lần đầu tiên Minh thực sự nhìn thấy khuôn mặt của chiến tranh : bọn người xa lạ xông vào đám đông cướp bóc, đánh đập tàn nhẫn. Tiếng la thất thanh vang lên hỗn độn. Đám thanh niên bị bắt đứng riêng ra một chỗ, những người còn lại bị lùa vào trong những căn nhà quanh đó và khóa kín cửa lại. Người này nhìn người kia ngơ ngác, nét lo âu đè nặng trên ánh mắt.
Tiếng súng nổ, tiếng quát tháo, tiếng chân chạy rầm rập. Thứ âm thanh đáng sợ đó hợp cùng những hình ảnh ghê gớm của bọn người Pháp xa lạ kia làm Minh khiếp đảm.
Minh thì thào hỏi thầy :
- Họ có giết mình không hở Thầy ?
- Chắc là không.
- Chúng nó dữ tợn quá, Thầy ạ.
- Ừ !
- Tây nó có bắt mình đi không Thầy ?
- Chắc là không.
- Thầy ơi, con đói quá.
Thầy xoa đầu Minh thương hại :
- Ừ, chắc gần chiều rồi. Cả ngày hôm nay mấy bố con mình đói.
Trong căn phòng đóng kín cửa mọi người lo âu quên cả đói. Bây giờ nghe bố con Minh đối đáp họ mới nghĩ đến điều đó, người này một câu, người kia một câu. Nhưng chỉ dám thì thào to nhỏ.
Có tiếng đấm đá huỳnh huỵch ngay bên ngoài cánh cửa. Mọi người sợ hãi xanh lè mắt. Tiếng rên rỉ của người thanh niên xấu số nào đó vọng vào, càng làm mọi người sợ sệt thêm.
Mọi người chỉ còn biết ngồi lo âu cho thân phận mình, và chờ đợi mà không biết mình chờ đợi gì.
Thời giờ qua, thật lâu. Rồi bên ngoài bỗng im lặng hẳn. Mọi người xì xào bàn tán. Lại một lúc thật lâu, có tiếng người lao xao rồi tiếng gọi ơi ới và cánh cửa mở bật ra, ánh sáng ùa vào làm những người trong phòng lóa mắt.
- Tây rút rồi bà con ơi !
Câu nói ấy vừa bật lên, mọi người nháo nhác nhìn nhau rồi nháo nhác hỏi :
- Rút chưa ?
- Rút thật rồi à ?
- Có ai bị giết không ?
- Có ai bị bắt đi ?
Lại có tiếng trả lời :
- Rút ra rồi, bắt đi nhiều lắm. Con ông Tổng Dán bị đánh gần chết vì bỏ chạy. Con ông Chánh Tân, ông Tiên Chỉ bị bắt với bọn thanh niên xóm trên rồi.
Có tiếng người khóc òa lên vì tin dữ ấy. Ai nấy, sáng chạy ào đi để tập trung thì bây giờ lại chạy ào về nhà. Thoáng cái trong sân trở nên vắng lặng. Thầy dắt tay ba anh em Minh trở về. Con đường xác xơ vì cây cối gẫy gục, nhà cửa bị phá tan nát.
Về tới sân nhà, mấy bố con đứng lặng người. Một quang cảnh hoang tàn hiện ra trước mắt. Đồ đạc trong nhà vương vãi tứ tung, những ô cửa kính và chiếc tủ gương vỡ tan tành. Bàn ghế đổ lỏng chỏng và ly tách vỡ nát cả. Minh ù chạy vào trong. Chiếc đèn kéo quân không còn treo trên nóc mà gẫy gục dưới đất. Những khung đèn gẫy nát, ba hàng quân rách tả tơi. Chiếc đèn đẹp là thế, bây giờ chỉ còn là đống vụn.
Minh òa lên khóc. Nguồn vui đã mất, đã bị bọn xâm lăng tàn bạo phá tan tành. Đột nhiên Minh thấy trong lòng dâng lên niềm thù ghét bọn người xa lạ kia.
Có tiếng người lao xao bên ngoài. Minh quay trở ra. Chú Giáo và bác Tổng cũng sang đến.
Bác Tổng than thở Nhà Thờ Họ bị bọn Pháp vào đập phá lung tung, gẫy nát hết cả. Chú Giáo cũng nói :
- Đàn chim bồ câu và gà vịt ngan ngỗng nhà tôi bị chúng bắt sạch không còn một con.
Minh thảng thốt. Bồ câu, gà, vịt, ngan ngỗng nhà chú nuôi gần năm trăm con mà chúng nó bắt sạch được sao. Chú Giáo nói như giải thích :
- Chúng nó cầm gậy đập vào chuồng bồ câu, không con nào bay thoát. Gà vịt cũng thế. Đập chết rồi buộc từng xâu, bắt bọn trai tráng đeo đầy người, dắt đi.
Câu chuyện xoay quanh những người bị bắt. Minh đứng nghe và nhìn mọi người. Ai cũng có vẻ buồn rầu. Anh Đình và chị Ánh lúi húi dọn dẹp trong nhà. Khi chú bác ra về, Thầy bảo :
- Dọn dẹp đi con.
Minh mếu máo :
- Nó phá hỏng cái đèn kéo quân rồi thầy ơi!
Thầy ừ một tiếng rồi nói :
- Bây giờ con biết thế nào là chiến tranh rồi nhé. Con có sợ không ?
- Có ạ.
- Minh còn muốn đi đánh giặc không ?
Minh gật đầu. Thầy bảo nhỏ :
- Đó là bổn phận của mọi người. Nhưng rồi chẳng ai làm được gì cả đâu.
Minh chẳng hiểu tại sao thầy nói vậy. Bốn bố con thu nhặt đồ đạc cho tới tối mịt. Chị Ánh nấu nồi cháo, mọi người húp xì xụp với đường cho quên đói.
CHIẾN TRANH THỰC SỰ XUẤT HIỆN TỪ ĐÓ. QUÂN PHÁP THỈNH THOẢNG lại kéo về làng cướp bóc, đốt phá, bắt bớ và làm đủ chuyện tang tóc. Thanh niên trong làng trốn đi theo bộ đội cả. Và bộ đội thỉnh thoảng cũng kéo về làng, ban đêm. Họ ăn nhờ ở đậu những gia đình khá giả trong làng một đêm, sáng tinh sương lại rút đi mất, dù là trời mưa bão. Cũng có lần họ ở lại một đôi ngày. Và chính trong một lần ở làng vài ngày, một “anh bộ đội” đã rủ rê được anh Đình vào bộ đội.
Minh còn nhớ lần đó. Thầy, anh Đình và anh độ đội ngồi ở chiếc bàn tròn. Minh đứng trong lòng anh Đình nhìn mọi người nói chuyện. Anh bộ đội trông thật oai phong trong bộ Kaki xám, đeo lựu đạn, súng lục và dao găm. Anh thuyết phục thầy :
- Cụ cứ cho em Đình theo chúng con. Chống Pháp cứu nước là bổn phận của toàn dân…
Thầy gật gù :
- Tôi cũng có ý đó. Nhưng Đình còn nhỏ, tôi lại già. Cần em nó ở nhà để trông nom em Ánh, em Minh.
Anh bộ đội cười :
- Cụ đừng lo. Vào bộ đội em Đình cũng sẽ có nhiều cơ hội về thăm nhà. Vả lại hai em kia cũng khá lớn, đủ sức lo cho cụ.
Anh Đình có vẻ đồng ý. Anh hỏi anh bộ đội :
- Em vào bộ đội có được như anh không ?
Anh bộ đội nhanh nhẹn gật đầu :
- Được chứ. Cũng súng, dao, lựu đạn như anh vậy.
Anh rút con dao găm ra khỏi bao. Ánh thép sáng ngời. Anh nói mạnh dạn :
- Dao này đã đâm bao nhiêu quân xâm lược… Em xem không ?
Anh Đình gật đầu. Anh bộ đội trang trọng trao cho anh Đình. Anh Đình say mê ngắm nghía con dao. Say mê không kém Minh lúc ngắm chiếc đèn kéo quân sặc sỡ. Nhìn ánh mắt thèm muốn của anh Đình, anh bộ đội thản nhiên quyết định :
- Em thích không ? Anh cho em đó.
Anh Đình mừng rỡ :
- Thật không anh ?
- Thật chứ.
- Anh cho em nhé, bây giờ nhé ?
- Ừ. Cất đi. Mai sau có cơ hội em hãy dùng dao đó mà giết giặc.
Minh thoáng thấy rùng mình nhè nhẹ.
Anh bộ đội lại thuyết phục :
- Cụ cho em vào bộ đội nhé. Em có vẻ thích lắm, cháu tin em sẽ lập được nhiều chiến công.
Thầy trả lời :
- Ông để tôi nghĩ đã.
- Còn gì phải nghĩ nữa ạ. Giặc xâm lăng nước ta, bổn phận của những người yêu quê hương là phải góp công góp sức để đánh đuổi quân thù. Cụ đã có tuổi thì để các em đi thay. Ai cũng phải đóng góp mỗi người một chút thì mới dành lại được đất nước, quê hương.
Anh bộ đội quay lại hỏi anh Đình :
- Em có yêu quê hương không ?
- Có.
- Em thấy giặc đến xâm lăng em có căm hờn không ?
Anh Đình trả lời như máy :
- Căm hờn.
- Em muốn theo anh giết giặc không ?
Anh Đình nhìn thầy, e dè :
- Có.
Anh bộ đội tươi cười :
- Đấy, cụ thấy không. Lòng yêu nước của em Đình rất cao. Cụ nên cho em cơ hội.
Thầy vẫn nói :
- Thôi được, tôi sẽ trả lời sau.
Thế rồi mấy hôm sau anh Đình hí hửng khoe với Ánh và Minh :
- Thầy cho tao vào bộ đội rồi. Anh bộ đội lại tìm thầy nói mãi thầy mới cho đó.
Chị Ánh và Minh lo buồn :
- Thầy buồn không ?
- Việc gì phải buồn. Ừ, nhưng mà Thầy cũng có vẻ hơi buồn.
- Thầy thương anh lắm đó.
Chị Ánh nói vậy, Minh tiếp :
- Anh không có ở nhà với chúng em nữa sao ?
- Lớn rồi, phải ra khỏi nhà chứ. Anh sẽ có súng thật đẹp, thật hách. Anh sẽ kéo bộ đội đi đánh giặc Pháp.
- Bao giờ anh đi ?
- Không biết. Hình như ngày mai hay ngày kia là chậm nhất.
- Anh có về thăm thầy với chúng em không ?
Anh Đình vung tay :
- Có chứ, sao không ?
- Nhớ mang súng với dao về cho em coi nhé.
- Ừ. Anh sẽ tìm cho Minh một con dao găm đẹp như con này.
Anh Đình dặn dò hai em mọi công việc lo lắng cho Thầy. Anh khuyên chị Ánh và Minh ngoan ngoãn, vâng lời thầy chăm học để lớn lên giúp ích cho nước nhà. Đừng lêu lổng, lười biếng mà Thầy buồn phiền. Minh bỗng thấy anh Đình thật người lớn, thật chững chạc.
Rồi anh Đình ra đi. Thỉnh thoảng anh trở về thăm nhà. Anh đen và gầy đi, nhưng đầy hăng hái và cứng rắn. Mỗi lần được phép về, anh ở lại nhà năm sáu hôm. Anh tưới rau, trồng cây. Mỗi khi có động, anh được báo tin trước, trốn đi dễ dàng. Trong làng có nhiều người làm “gián điệp” cho bộ đội, theo dõi mọi chuyến di chuyển của Tây về làng. Tây vừa về tới ruộng lúa đầu làng là thanh niên đã trốn đi hết sạch.
Gia đình thiếu anh Đình nhà càng vắng vẻ. Từ ngày Mợ mất không ai trong gia đình muốn đi đâu xa, bây giờ lại tới anh Đình xa gia đình. Minh không còn ai để vui chơi, trừ những lúc ngồi tỉ tê với chị Ánh, hay loay hoay chắp nối một cách tuyệt vọng chiếc đèn kéo quân. Nhiều lúc Thầy buồn rầu đứng nhìn Minh. Có lúc Thầy bảo :
- Các con thiếu thốn nhiều quá. Thiếu vòng tay yêu thương của mẹ, thiếu đời sống đầy đủ và no ấm trong một xã hội thanh bình. Hồi Thầy còn trẻ xã hội cũng đã loạn rồi. Quân Pháp sang từ độ ấy…
Minh mơ hồ buồn lây với nỗi buồn của Thầy. Minh bắt đầu có ý niệm mới về chiến tranh, về bộ mặt thực ghê gớm của trận giặc. Đánh nhau là máu đổ, thịt rơi, người chết, nhà tan cửa nát. Là cực nhọc khổ sở, lo âu sợ hãi. Là thiếu ăn thiếu mặc, là sống thường xuyên trong kinh hoàng, là còn nhìn thấy mặt những người thân yêu bây giờ, nhưng chốc lát nữa có thể sẽ không còn nhìn thấy nữa. Vì mình sẽ chết hay họ sẽ bỏ mình bởi súng đạn. Từng đêm, từng đêm Minh nghe tiếng đại bác câu về vang rền đâu đó mà lo âu thắc thỏm trong hố ẩn núp. Sáng dậy thế nào cũng có người đưa tin :
- Tây bắn moọc-chê chết sạch gia đình anh Tý Bân xóm dưới rồi.
- Nhà ông Quan thợ nề bị sập vì đại bác Tây rồi Cụ ơi.
Mỗi lần nghe thế, Thầy chỉ thở dài không nói.
Minh hỏi :
- Sao bộ đội không đánh đuổi Tây đi hở Thầy ?
Thầy trầm ngâm :
- Tại Tây mạnh hơn, nhiều súng hơn bộ đội.
Minh bực tức :
- Con ước gì cho bộ đội giết hết quân Tây…
- Con có ghét Tây không ?
- Ghét lắm ạ.
- Con có thù họ không ?
- Có.
Thầy bảo :
- Quân Pháp xâm lăng nước ta, ai cũng ghét, cũng thù và tìm cách đánh đuổi. Nhưng đó là người lớn. Con còn trẻ con không nên thù hận. Trẻ con không nên tập hận thù, vì hận thù sẽ làm con trở nên người luôn luôn sống trong khổ sở. Trẻ con chỉ nên tập trở thành người yêu nước, thương nòi, và thành người hữu ích.
Thầy ngừng lại, tìm những cách giải thích cho hợp với lứa tuổi của Minh :
- Con có muốn nước mình chiến tranh mãi không ?
- Không ạ. Con sợ chiến tranh rồi. Con chỉ muốn nước mình thanh bình, mọi người thôi đánh nhau để ai cũng sướng, khỏi xa cách gia đình.
Thầy vò vò tóc Minh :
- Con ngoan lắm.
TỪ ĐÓ, HÌNH ẢNH CHIẾN TRANH KHÔNG CÒN LÀ ĐẸP ĐẼ, GIỐNG CHIẾC đèn kéo quân ngày Rằm tháng Tám như Minh đã tưởng.
Mỗi năm Minh mỗi lớn hơn, nên Minh càng cảm thấy những mất mát, do chiến tranh mang tới.
Làng Minh càng ngày càng tiêu điều, vì bom đạn, vì những trận đánh của hai bên. Trên mái nhà, trên tường nhà Minh đầy dấu vết đạn, cây cối gẫy đổ, trơ trụi chẳng còn đơm hoa, kết trái. Mọi gia đình nghèo xơ xác.
Bộ đội thỉnh thoảng về đóng tại làng. Nhưng Minh không còn thấy ở họ hình ảnh dễ thương như lúc trước. Họ hoạnh họe đủ thứ thuế để nuôi quân. Dân nghèo lại nghèo thêm. Những người không lo nổi bị bắt đi lúc nửa đêm. Mọi người vài ngày lại phải tập trung ở Đình Thuế để nghe anh Chính Trị Viên giảng thuyết và hối thúc đóng thuế nhiều hơn nữa. Thầy càng ngày càng lặng lẽ, và chỉ thở dài thở vắn.
Một đêm, anh Đình về. Mấy bố con đang ngủ, bỗng có tiếng gọi cửa xen lẫn trong mưa:
- Thầy ơi. Minh ơi, mở cửa mau.
Thầy ngồi dậy, húng hắng ho :
- Ai đó ?
- Con ạ. Đình đây ạ.
Thầy ngạc nhiên :
- Đình à, sao lại về lúc nữa khuya thế này ?
Anh Đình hối thúc :
- Vâng, thầy mở cửa cho con.
Thầy mở cửa lách cách. Anh Đình lách qua khe cửa, người ướt như chuột. Thầy vặn lớn ngọn đèn. Trông anh Đình tiều tụy, gầy còm làm sao.
Anh thì thào với Thầy :
- Con bỏ trốn về thầy ạ.
Thầy lo sợ :
- Sao lại thế ?
- Chúng con đánh trận liên miên mới đây lại thua trận nữa. Cấp trên ra lệnh đưa chúng con lên khu Tư học tập. Anh em khổ quá đứng lên phản đối, bị kết tội là thành phần Tiểu Tư Sản, trong Đơn Vị rất nhiều, cần thanh lọc, đưa đi tẩy não.
Chúng con rủ nhau bỏ trốn. Bây giờ chỉ còn một lối thoát là Thầy và con đưa các em trốn ra Hà Nội. Ở lại không được nữa rồi.
Thầy trầm ngâm :
- Đi thoát không ?
- Thì đành liều. Bây giờ hãy còn dễ đi lại. Thu dọn ngay đêm nay mới kịp. Ở lại thế nào cũng bị bắt đi dân công, chết hết.
- Còn họ hàng thì sao ?
- Thầy cứ bảo các em sửa soạn. Mang vài đồ dùng lặt vặt thôi. Để con sang báo tin cho các bác, các chú biết mà trốn đi.
Thế là đêm đó họ hàng nhà Minh trốn đi, trong cơn mưa to gió lớn. Qua bao vất vả khó nhọc mấy gia đình mới đi thoát ra Phát Diệm. Từ đây mọi người mua vé máy bay ra Hà Nội và di cư vào Nam theo lớp người di cư năm năm mươi tư.
Minh hồi tưởng lại những ngày cũ ở quê nhà. Không còn gì nguyên vẹn để nhớ, kể cả chiếc đèn kéo quân được thắp sáng rực rỡ kỳ diệu Rằm tháng Tám năm nào. Minh không còn ước ao những điều mơ hồ chỉ có trong tưởng tượng. Hơn ai hết, Minh biết rằng ai ai cũng cầu mong sớm chấm dứt chiến tranh, hòa bình trở lại và tất cả mọi người được sống trong vòng tay yêu thương, đầm ấm của gia đình.
ÔNG MINH NGỪNG KỂ. KHÔNG KHÍ TRONG NHÀ LẶNG LẼ MỘT LÚC. Ông Minh ngẩng nhìn mọi người, bà Minh mắt ngấn lệ thương xót. Nét mặt Vũ thoáng buồn bã còn Kiệt thì vẫn ngây ngô ngồi nhìn không dám đùa nghịch gì.
Ông chép miệng :
- Đã bao nhiêu mùa Thu qua, đã bao nhiêu Rằm tháng Tám. Bây giờ Minh đã trở thành người lớn, có vợ con. Nhưng lúc nào Minh cũng thiết tha cầu nguyện cho đất nước thanh bình. Vũ biết không, ông nội bây giờ quá già, không hy vọng trở về làng cũ. Ông Chú đã mất, ông Bác cũng mất. Đời ba và mẹ con cũng chỉ có hy vọng mong manh trở về miền Bắc. Không biết đến đời con nguồn hy vọng có sáng sủa hơn không ? Cái gì đã làm người ta chán chường đến vậy ? Chiến tranh đó, con biết không ? Vì chiến tranh nên bao nhiêu người đã chết, bao nhiêu người còn tiếp tục phải cầm súng bắn nhau. Ba cũng đã cầm súng gần mười năm, đến bây giờ mới được nghỉ. Nhiều lúc ba tự hỏi, chiến tranh còn kéo dài đến bao giờ ? Vì thế ba sợ chiến tranh, sợ hận thù. Nên khi con tỏ ý thích chiếc đèn kéo quân và mơ đi lính cho oai – như ngày còn nhỏ ba đã nghĩ vậy – ba chợt giật mình. Con đã gợi cho ba trở về với những kỷ niệm xa vời lúc trước. Và ba muốn cho con sớm biết sự thật của những gì con đang tưởng tượng : chiến tranh không phải là vui đùa, là cơ hội cho mọi người sống trên máu và nước mắt của kẻ khác.
Nói xong ông Minh mới chợt nhận ra mình đang nói những câu khó hiểu. Vũ chưa đủ trí khôn để hiểu được những điều ông nói. Nhưng vợ ông đọc rõ những thiết tha của ông trong câu đó. Bà bảo con :
- Lớn thêm dăm tuổi nữa con sẽ hiểu những gì Ba nói hôm nay.
Bữa tiệc vui tối Trung Thu chấm dứt. Bà Minh giục các con đi ngủ để mai còn đi học. Trước khi vào giường Vũ vẫn còn đứng ngó những hàng quân chạy vòng tròn trong chiếc đèn. Trong lòng Vũ vẫn còn thắc mắc nhè nhẹ. Những thắc mắc mà không ai cởi mở cho Vũ nổi : Vũ chỉ nghe mọi người nói đến đánh nhau và chứng kiến những hình ảnh ấy trên vô tuyến truyền hình. Quân đội ta diệt giặc trong rừng sâu, oai hùng như xem phim Combat đài Mỹ. Nghe ba kể về những khủng khiếp do chiến tranh gây ra Vũ bắt đầu sợ hãi bâng quơ, nhưng vẫn chưa thực sự biết được thế nào là trận chiến.
Vũ đứng tì cằm lên hai tay đặt trên thành cửa sổ. Trăng Rằm càng lúc càng sáng rực rỡ trên tít cao. Ngoài phố, đường bắt đầu vắng vẻ. Trong đêm khuya có tiếng xe hơi ì ì chạy lại gần và Vũ nhìn thấy chiếc xe nhà binh hiện ra ở một đầu đường. Chiếc xe chạy ngang nhà Vũ. Trên xe, hai hàng ghế đầy những người lính cầm súng đi tuần tiễu. Họ ngồi im lặng và chiếc xe từ từ tiến tới. Bỗng nhiên Vũ thấy buồn, thấy thương họ. Đáng lẽ giờ này họ phải được sống đoàn tụ với gia đình, như Vũ, như ba. Nhưng chiến tranh đã bắt họ xa nhà, hẳn họ đang buồn khi nhìn trăng thật tròn, thật sáng. Ai sẽ thắp đèn, kể chuyện cho con, cho em họ tối nay ?
Vũ bỗng nhận thấy đây là điều thứ nhất mà Vũ biết được, một hậu quả của chiến tranh gây ra : sự chia lìa xa cách của những người thân, sự tan vỡ của gia đình. Như một câu nói trong cuốn sách nào Vũ đã học :
“Chiến tranh làm nhà tan cửa nát, đất nước tang thương, gia đình ly tán”.
Vũ buồn buồn quay vào giường, trong lòng tràn đầy niềm thương xót cho những người lính ngoài kia.
TRONG ĐÊM KHUYA TIẾNG SÚNG LỚN ĐỘT NHIÊN NỔ VANG, XEN LẪN vào tiếng pháo Tết ròn rã. Cả gia đình giật mình choàng dậy. Hai em nhỏ khóc thét lên, Vũ run run hỏi bố :
- Ba ơi, tiếng gì nổ to quá.
Ông Minh bảo :
- Ừ, hình như không phải tiếng pháo đại.
Những tiếng ùng ùng lại liên tiếp vang lên. Mọi người bước xuống giường nghe ngóng.
Ông Minh hé cửa sổ nhìn ra ngoài :
- Đúng là tiếng súng. Mà sao bên ngoài tối quá.
Cả nhà xì xào bàn tán. Bà vú sợ hãi ngồi thụp xuống chân tường :
- Không khéo đánh nhau mợ ơi.
Bà Minh chỉ đáp gọn :
- Ừ.
Rồi bà hỏi chồng :
- Có lẽ đánh nhau anh nhỉ.
Ông Minh đăm chiêu :
- Dám lắm.
Tiếng súng mỗi lúc một nhiều. Nổ dòn như tiếng pháo, nhưng chát chúa hơn. Bà cố dỗ cho Kiệt và bé Thư nín :
- Nín, nín đi các con. Nín để nghe tiếng súng ở đâu nào.
Kiệt chỉ còn sụt sịt khóc. Bé Thư được bà vú ôm sát vào người cũng thôi khóc, hai tay ôm chặt lấy cánh tay bà vú. Ông Minh ngồi xuống ghế, rót nước uống :
- Tiếng súng gần quá. Nghe như ở mé sông, phía gần cầu.
Đột nhiên có tiếng huyên náo. Những nhà hàng xón có tiếng lục đục và tiếng người la hoảng :
- Việt Cộng đánh, bà con ơi chạy mau.
Ông bà Minh và bà vú tái mặt. Vũ sợ hãi chạy lại cạnh bố :
- Việt Cộng về ba ơi.
Ông Minh đứng bật lên, thò đầu ra khuôn cửa sổ :
- Ở đâu thế nhỉ ?
Bên hàng xóm cửa mở toang, bà Tư Thanh dắt con chạy ra, tru tréo :
- Thầy Minh ơi, chạy mau. Việt Cộng về mé sông, đánh nhau với lính giữ cầu rồi.
Bà Minh gào lên :
- Vậy hả bà Tư ? Bây giờ chạy đi đâu ?
- Chạy ra lộ, thấy người ta chạy đi đâu mình theo đó.
Nói xong bà Tư Thanh vừa chạy vừa lôi mấy đứa nhỏ xềnh xệch. Tiếng trẻ kêu khóc vang dội.
Lửa đột ngột bốc cháy ở một căn nhà nào đó mé sông, đỏ rực :
- Cháy nhà. Việt Cộng đốt nhà rồi bà con ơi !
Đến lúc này gia đình ông Minh không còn giữ nổi bình tĩnh. Ông Minh nói như quát :
- Sửa soạn chạy đi thôi. Bà vú lấy cái áo khoác cho hai em khỏi lạnh. Vú nữa, mặc áo ấm vào. Còn em lấy hộp nữ trang và cặp giấy tờ theo. Để anh bế thằng Kiệt cho.
Mọi người chạy lung tung. Chốc lát, vợ chồng con cái dắt nhau ra đường. Trong bóng tối mờ mờ Vũ nhìn thấy dân trong xóm chạy rầm rập.
Họ bảo nhau :
- Chạy ra mé ngã ba xa lộ.
- Mé đó có Việt Cộng không ?
- Chắc là không. Mé dưới này bắn dữ quá. Lính mình bị đánh bất ngờ, thua rút đi rồi.
- Tụi nó đang rượt theo dân đấy.
Câu nói ấy làm mọi người quýnh cả lên, cắm đầu chạy bừa.
Ông Minh la lớn :
- Vũ, chạy sát bên ba kẻo lạc. Bà vú đâu ?
Bà vú đáp :
- Tôi đây.
- Ừ, em ơi. Có mang theo giấy tờ tiền bạc chứ.
- Vâng. Khổ quá, bỏ lại hết. Anh khóa cửa chưa ?
- Anh bấm tạm cái khóa ngoài. Lo chạy đã, lỡ chúng nó về chạy không kịp thì chết.
Bà Minh lo lắng :
- Dám mất hết đồ đạc, của cải.
Ông Minh gắt :
- Lo thân trước đã. Đừng tiếc của dại dột thế. Chạy nhanh lên em.
Gia đình dắt díu nhau chạy được một quãng đường. Trong đêm tối người này vấp phải người kia ngã dúi xuống.
Tiếng súng bỗng nhiên nổ ròn, thật lớn như ở sát bên cạnh. Có tiếng người rú lên :
- Chết tôi rồi. Trời ơi !
Mọi người nhìn về phía có tiếng kêu. Một người đàn ông ngã ra lề đường, lăn lộn. Chưa ai kịp tỉnh người để tìm hiểu đạn bay đến từ phía nào thì súng nổ ran cả hai đầu đường. Tiếng người rú lên thất thanh, tắc nghẹn.
Ông Minh la lớn :
- Mọi người đừng chạy ra chỗ có ánh sáng. Tìm nơi núp, tránh đạn đã.
Rồi ông chạy nhào vào hàng hiên một cửa tiệm thuốc Bắc.
Quang cảnh lúc đó thật là kinh hoàng. Trên đường người ta vẫn kéo nhau chạy thục mạng, không phương hướng. Đạn lửa lóe sáng ở hai đầu đường, bay veo véo.
Ông Minh đưa ra nhận xét :
- Lính mình ở bót đầu đường bắn đến, tụi nó đầu kia bắn lại. Mình kẹt ở giữa rồi.
Lời nói đó càng làm mọi người nghĩ đến sự nguy hiểm, nhiều người khóc òa lên. Mấy bà già rên rỉ :
- Ông đâu rồi ông ơi!
- Trời ơi, con mẹ thằng Tư chạy lạc đâu mất rồi.
- Đạn trúng con trai tui chết rồi, bà con cô bác ơi, khổ không nè Trời.
Ông Minh chép miệng :
- Đánh nhau ngay đêm mồng một Tết. Ác thực.
Vũ đứng nép vào tay ba, run cầm cập. Sự sợ hãi làm Vũ thở dồn dập, mặt lạnh và mắt mở thao láo nhìn về hai nẻo đường. Dưới ánh điện mờ, thỉnh thoảng lại có người chạy loạng choạng giữa lộ rồi ngã quay ra. Hình như họ là những người núp ở đâu đó bị trúng đạn rồi chạy bừa ra đường trước khi gục chết. Hình ảnh ghê gớm ấy làm Vũ như chết sững. Có đôi lúc Vũ nhớ tới nhà mình với hơi ấm của chiếu chăn còn mơ hồ quyện lấy người. Cả nhà bỏ chạy, để lại tất cả đồ đạc. Không biết khi hết đánh nhau thì có còn lại gì không hay bị mất mát, tan nát hết ?
Tiếng súng thưa dần, di chuyển về hướng khác. Hình như quân giặc tìm lối đi vòng trong xóm, đánh bọc cái đồn nhỏ đầu ngã ba đường. Mọi người xì xào bàn tán như vậy. Ông Minh nhận thấy đứng mãi ở đây càng nguy hiểm :
- Tôi nghĩ mình nên đi lần về phía bót, rồi chạy lên phía nhà thờ Thị Nghè. Qua mé đó chắc yên.
Sự nguy hiểm làm mọi người gần gũi. Mỗi người góp một câu, biểu lộ đồng ý :
- Phải đó. Mình đi dần tới đi.
- Đi ra chỗ ánh sáng cho lính người ta thấy, khỏi bắn.
Câu nói đó lại làm hoảng sợ :
- Lỡ họ bắn thì sao ?
- Chắc không đâu.
- Sao bà biết ?
Người đàn bà càu nhàu :
- Còn hơn đứng đây, hai đàng cùng bắn.
Một người bảo :
- Đàn bà trẻ con đi trước cho họ thấy.
- Ông nói ngon nhỉ. Lỡ họ bắn thì ai chết trước đây ? Ông đi trước được không ?
- Tui đi trước họ tưởng Việt Cộng.
Ông Minh nhận thấy ai cũng có lý riêng của họ :
- Thôi bà con đừng cãi lẫy nữa. Bây giờ tôi đề nghị nhà ai nấy đi, nhưng kêu bọn con nít khóc lớn lên để lính họ biết là dân.
- Lỡ họ cứ bắn thì sao ?
Ông Minh thở dài :
- Nói vậy thì đằng nào cũng nguy hiểm, cũng chết được hết. Vậy thì mình đi ra giữa đường cho họ thấy, và la lên : chúng tôi là dân, đừng bắn.
Mọi người đồng ý :
- Phải đó.
- Chỉ còn cách ấy.
Nhưng không ai dám đi trước. Ông Minh bảo vợ :
- Thôi mình đi trước vậy em. Sống chết có số.
Bà Minh dạ một tiếng, đầy vẻ lo âu sợ hãi. Hai vợ chồng dắt díu con cái đi ra giữa đường, bà vú đi theo vừa đi vừa lẩm nhẩm tụng niệm “Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát” liên hồi.
Gần tới bót, ánh đèn pha lóe lên. Mọi người sợ hãi rú lên thất thanh. Có tiếng quát :
- Ai, đứng lại. Tiến tới sẽ bắn chết.
Ông Minh la hoảng :
- Chúng tôi là dân. Đừng bắn.
- Đứng đó, cấm nhúc nhích, tay dơ khỏi đầu.
Ông Minh vội đưa Kiệt cho Vũ bế và dơ tay thật cao. Mọi người vội vã bắt chước theo. Lũ trẻ con lại có dịp sợ hãi khóc thét lên.
Phía đồn im lặng một lúc rồi có tiếng quát :
- Đi từng người một, cách nhau ba bước, tay đưa cao khỏi đầu. Những đồ đạc cồng kềnh bỏ lại hết.
Mọi người xôn xao :
- Bỏ lại rương hòm, va li sao ?
- Lấy gì sài đây ? Bỏ lại thì mất hết.
- Hay là mình cứ mang đại ? Họ không bắt đâu.
Như đoán được ý định đó của mọi người, trong đồn có tiếng quát :
- Bỏ lại đồ kềnh càng. Làm sao biết ai ngay ai gian, ai Việt Cộng lúc này ? Tính đem mìn, súng trong rương tới cướp đồn phải không ?
Mọi người sợ hãi ném vội những va li quần áo, rương hòm xuống đất. Ông Minh hối vợ :
- Mình chẳng có gì cồng kềnh, đi trước đi em. Đứng lâu ở đây nguy hiểm lắm.
Ông tiến tới trước, hai tay dơ cao khỏi đầu :
- Tôi tới đây.
Tiếng quát :
- Đi cách nhau ba bước. Ai có cử chỉ gì khả nghi sẽ bị bắn bỏ !
Gia đình ông Minh đi trước, mọi người nối gót theo sau tiến tới sát đồn. Vũ nhìn thấy lính lố nhố trong đồn, người nằm bên ụ cát, kẻ đứng sau vách tường. Một người có dáng cấp chỉ huy tay cầm súng lục chĩa thẳng về trước :
- Đồng bào tính đi đâu ?
Ông Minh đáp :
- Việt Cộng kéo về xóm tôi, bắn giết lung tung nên chúng tôi phải bỏ chạy.
- Ông thấy chúng nó không ?
- Không. Nhưng bà con mé sông chắc thấy rõ.
Một người đàn bà nói :
- Tôi thấy. Đông lắm.
- Chừng bao nhiêu ?
- Ít nhứt cũng bốn năm chục.
- Bây giờ chúng nó ở đâu ?
- Ở trỏng. Thấy họ là dân tụi tui chạy bán sống bán chết còn đâu.
Người chỉ huy ra lệnh :
- Được rồi. Đồng bào đi tới đi. Nhớ đi hàng một, giữa đường, người lớn có thể dắt con nít. Bà con đi về hướng cầu Thị Nghè chắc yên đó.
Mọi người rối rít hối nhau đi mau. Qua khỏi đồn chừng mấy trăm thước, súng bỗng nổ ròn rã ngay tại sát đồn. Những người đi khúc sau cắm đầu cắm cổ chạy. Tin tức đã đồn đại lên tới khúc đầu ngay trong lúc chạy :
- Việt Cộng núp sau dân tính tới cướp đồn bị lính trong đồn nhìn được, hai bên đánh nhau rồi.
- Đám dân đi sau kẹt chính giữa chết nhiều lắm.
Mọi người lại sợ cuống cuồng, dù mệt mỏi rụng rời cũng cắm đầu chạy nữa.
Một lúc sau mọi người chạy tới nhà thờ Thị Nghè. Không khí ở đây vẫn còn có vẻ yên tỉnh. Dân chúng kéo nhau vào đầy trong sân, đứng ngồi nhốn nháo.
Ông Minh nhìn đồng hồ. Đã bốn giờ sáng. Ông bảo vợ :
- Ngồi đây nghỉ một lát. Tới hơn năm giờ tìm cách sang nhà anh Đình hay chị Ánh.
Bà Minh thắc mắc :
- Không biết bên cầu Chữ Y với Phú Nhuận có yên không ? Sợ chúng nó cũng kéo về hai nơi đó thì anh Đình, chị Ánh cũng kẹt.
- Chắc không đâu.
Ông Minh nói thế để tự an ủi mình. Việt Cộng chắc chẳng kéo về khu Thị Nghè thôi đâu.
Cả gia đình ngồi bó gối tới sáng. Tiếng súng lớn súng nhỏ nổ ran, chẳng biết ở nơi đâu. Đến khoảng năm giờ sáng lại có những người từ hướng Sàigòn chạy qua. Mọi người xô lại hỏi thăm nhau.
- Bà ở đâu chạy đến đây ?
- Bến Bạch Đằng. Việt Cộng đánh thành Hải Quân lúc khuya, khoảng hai giờ. Trời ơi đạn bắn như mưa. Trong thành bắn ra từ dưới bắn lên, từ hãng BGI Mỹ bắn tới, tụi tui dưới ghe bỏ ghe mà chạy.
Ông Minh gật gù :
- À, những người này sống dưới ghe gần cột cờ Thủ Ngữ.
Một bà già hỏi :
- Thế sao lại chạy qua đây ?
- Tụi tui đoán đây là ngoại ô, gần xa lộ bề gì cũng đỡ…
Bà già thở dài :
- Đỡ gì mà đỡ. Tụi tui chạy từ cầu Kinh cầu Sơn lên đây đó. Việt Cộng kéo về chiếm khu đó rồi.
Những người mới tới lại nhốn nháo như họp chợ :
- Có ai chết không ?
- Chết nhiều lắm.
Câu chuyện cứ như vậy lan truyền đi mãi. Ngoài đường nhiều nhà đã bật đèn, lố nhố đứng trước cửa hỏi thăm dân chạy loạn để biết tình hình, quang cảnh nhốn nháo, hỗn độn.
Ông Minh nói như than thở :
- Mình quá nửa đời người vẫn phải chạy loạn.
Bà Minh thở ra :
- Giặc giã khổ thật.
Vũ cứ nắm chặt lấy áo bố từ lúc đi, lên tiếng :
- Ba ơi. Sao Việt Cộng ở đâu ra nhiều thế ba ?
- Làm sao Ba biết được. Chắc là họ từ các nơi ẩn núp lén lút lọt vào Sàigòn.
- Họ lấy súng ở đâu mà đánh ?
- Chắc súng chôn dấu từ trước.
- Sao bên mình không biết ?
- Ba không biết.
Rồi ông lại càu nhàu :
- Tại đốt pháo dữ quá, chúng nó lợi dụng tiếng pháo mà bắn phá chẳng sợ ai biết là tiếng súng cả.
Ông cụ ngồi bên gật đầu :
- Đúng vậy. Đốt cả pháo cối, pháo đại nghe như tiếng súng lớn. Nghe riết thành quen, tới chừng súng thật vẫn tưởng tiếng pháo.
Rồi cụ chửi :
- Cha mấy thằng nhà giầu, nó đốt hàng dây pháo nhỏ, pháo đại nghe không dứt hồi. Ba cái thằng Việt Cộng nó mới lợi dụng được chớ.
Ông Minh dạ một tiếng rồi bảo vợ :
- Em lấy cái khăn trải vào góc này khuất gió cho các con nằm đỡ mệt.
Bà Minh bảo :
- Vũ vào nằm đi con. Còn Kiệt với bé Thư còn bé, để mẹ với vú bế cho khỏi thấm hơi ẩm, đau chết.
Đêm đánh nhau sao thật dài. Thêm mấy tiếng nữa. Ngoài đường bắt đầu có xe chạy qua chạy lại. Mỗi người cho một tin tức. Khu này bị đánh, khu kia có Việt Cộng về.
Nghe ra, ông Minh lo lắng :
- Bàn Cờ, Nguyễn Thiện Thuật cũng có Việt Cộng về rồi. Biết đi đâu đây.
Bà Minh bàn :
- Hay mình cứ ở đây. Dân họ ở đông thế này, yên tâm hơn.
Ông Minh đồng ý.
Trời sáng rõ, người ta vẫn xúm vào nhau mà bàn tán, đồn đại. Có người mở máy phát thanh ra nghe. Đài Sàigòn và đài Quân Đội cùng loan báo tin Việt Cộng về quấy phá ở một số nơi tại Sàigòn và các tỉnh. Rồi kêu gọi đồng bào bình tĩnh, di tản ra khỏi vùng có Việt Cộng chiếm đóng để quân đội dễ dàng tiêu diệt địch.
Buổi chiều, máy phát thanh lại kêu gọi quân nhân còn ở nhà phải vào trình diện đơn vị quân đội gần nhất.
Vũ hỏi bố :
- Người ta kêu lính vào trại làm gì vậy ba ?
- Để họ đi đánh giặc.
Vũ nghĩ tới những người lính. Họ lại phải cực khổ những ngày này. Sẽ có người chết, sẽ có người không trở lại với gia đình. Hơn lúc nào hết, Vũ thấy thấm thía ý nghĩa câu chuyện Ba kể tối Trung Thu vừa rồi. Những người lính xưa và nay đều cực khổ như nhau. Có giặc giã là có người chết. Lính cũng chết mà dân cũng chết. Trong thoáng chốc Vũ hồi tưởng lại cảnh tượng đêm qua. Những người dân bị trúng đạn lạc ngã gục giữa đường. Tiếng thét kinh hoàng trong đêm vắng còn ám ảnh Vũ mãi.
Các ông cha và các dì phước trong nhà thờ và từ nơi khác đến đã bắt đầu đem phát bánh mì và cơm gạo cho dân chúng. Mọi người đói khát ăn ngấu nghiến. Họ xin được ở các nhà chung quanh thùng nước, lon, chai, đem ra máy nước hứng về để dành uống dần.
Ông Minh ngồi dựa vào vách tường nhà thờ, thỉnh thoảng lại than :
- Mồng hai Tết mà ăn uống kiểu này đây.
Bà Minh chốc chốc lại chạy quanh dò la, đem về những tin tức mới cho chồng.
Ngoài đường thỉnh thoảng có xe quân sự chạy ngang, hay một chiếc xe cứu thương rú lên nhức óc phóng vụt qua. Lửa bốc cháy, khói đen vẫn ngùn ngụt lúc ở hướng Cầu Kinh, lúc ở ngã ba Hàng Xanh. Người chạy loạn kéo đến mỗi lúc một đông, cả ngàn người… Họ nằm la liệt trong phòng học, sân nhà thờ, ngoài hè phố.
Các đoàn thể, Hướng Đạo, quân đội đem đồ tiếp tế tới cứu trợ dân tỵ nạn cũng nườm nượp.
Ngày hôm đó và cả ngày hôm sau người ta chỉ nói đến một chuyện : Việt Cộng về đây bao nhiêu, đánh nhau, nhà đổ, người chết, của cải tan nát. Người ta khóc, người ta than thở. Trên vỉa hè, trên vũng xình… dưới ánh mặt trời thiêu đốt như nung.
Ai ai cũng chấm dứt chuyện bằng câu :
- Tết nhất như vầy có khổ không chớ ? Giặc giã hoài đến bao giờ, chỉ chết dân thôi.
- Sao không hết giặc giã nhỉ ?
- Phải chi hòa bình thì nghèo mấy tui cũng chịu được.
Mỗi người một câu, người nào cũng cùng một ý nghĩ như nhau. Vũ thấy họ nghĩ giống ba : chán ghét chiến tranh, mơ ước thanh bình. Và quanh cảnh lúc đó lại cho Vũ nhìn thấy tận mắt một điều nữa : trong hoạn nạn người ta thương yêu, đùm bọc nhau. Tình đồng bào tương trợ nhau chưa bao giờ rõ rệt như vậy.
BƯỚC CHÂN QUA CỬA, ÔNG MINH ĐÃ KÊU ẦM LÊN:
- Anh ơi, khu em bị Việt Cộng chiếm rồi.
Ông Đình đang nằm nghe máy phát thanh ngồi vụt dậy :
- Tôi cũng đang lo cho chú đây. Radio nói khu chú bị đánh từ đêm mồng một rạng mồng hai, tôi lo quá. Thử đi tìm chú mấy lần gần gần khu đó nhưng quân đội họ không cho vào. Họ nói khu Cầu Kinh đã hết đánh nhưng còn đang lục soát tìm bọn còn lại ẩn núp bắn sẻ.
Ông Minh thở dài :
- Người ta nói khu đó bị bắn tan nát rồi anh ạ.
Ông Đình an ủi :
- Thôi, có lo cũng vậy. Thím và các cháu vào nghỉ đi. Ở đây nghe động tĩnh ra sao đã.
Các con của ông Đình quây quần chung quanh mọi người. Chị Thúy kéo Vũ vào lòng bảo Vũ kể lại chuyện xẩy ra. Vũ hăng say thuật lại, đám trẻ đứng ngẩn ra nghe, mắt mở to, lè cả lưỡi vì sợ.
Gia đình ông Minh ở lại với anh hơn một tuần, mỗi ngày hai anh em chở nhau trên chiếc xe Honda đi dò tin tức và hỏi thăm bà con. Nhà bà Ánh cũng kéo đến thăm nom. Hết ở tập trung tại nhà thờ Thị Nghè, bây giờ mọi người lại làm như nhà ông Đình là khu tập trung nho nhỏ. Bà Ánh chở tới nào gạo, nào đồ ăn, nào sữa và cả các vật dụng lặt vặt tiếp tế cho gia đình em.
Ông Minh cảm động nghẹn lời. Tình anh em một nhà không phải chỉ lúc này mới được bộc lộ, nhưng quả tình lúc hoạn nạn mới đánhg quý.
Vũ cũng nhận thấy điều đó và nghĩ rằng gia đình mình là gia đình hạnh phúc. Vì anh em họ hàng thương yêu nhau, lo lắng và bảo bọc nhau từng tí. Các anh các chị con hai bác coi Vũ như… “thần tượng”, vì Vũ là người duy nhất trong lứa tuổi chúng nó đã “phiêu lưu” ghê gớm như vậy. Đứa nào cũng xuýt xoa :
- Ghê quá nhỉ.
- Vũ gan ghê. Nếu là chị chắc chị sợ đứng tim rồi.
- Lúc đó Vũ có nhìn thấy Việt Cộng không ?
Vũ ngây thơ :
- Không. Nhưng nhìn làm sao được hở chị, lỡ họ giết mình…
Quang, con trai lớn bác Đình, tiếc rẻ :
- Tiếc nhỉ.
- Tiếc gì cơ ?
- Tiếc Vũ không nhìn thấy.
- Việt Cộng hở ? Để làm gì ?
- Xem nó ăn mặc ra sao, bắn súng gì ?
Chị Thúy chê em :
- Bắn B.40 với AK. chứ gì ? Đài phát thanh chả đọc ầm ầm đó thôi. Cần gì phải thấy?
Quang cải chính :
- Không phải thế. Nhìn để xem hình dạng cây súng ra sao ấy chứ ?
Vũ lè lưỡi :
- Em chả dại. Lúc đó chỉ nhìn người chết với người bị thương không cũng đã đủ sợ mê đi rồi. Các anh chị có biết không, có một người đàn bà có thai bị bắn trúng mặt khi em chạy gần tới tiệm thuốc Bắc. Máu đổ ra từ trán như vòi nước. Bà ấy lăn kềnh ra gần ba em, chân tay dẫy đành đạch. Em sợ quá, bước qua chỗ bà ấy nằm không muốn nổi. Bà ấy đập chân đập tay một lúc rồi nằm im. Một bên đầu vỡ toang.
Bọn trẻ rú lên. Chị Thúy thở dài :
- Tội nghiệp. Vậy là chết hai người.
Bé Hợp ngây ngô hỏi :
- Sao vậy chị ? Sao lại chết cả hai người ?
- Bà ấy chết thì đứa con trong bụng cũng làm sao sống được.
- Ừ nhỉ !
Đám trẻ xúm lại “khai thác” Vũ về những chuyện xẩy ra mấy ngày ấy. Suốt một tuần các anh các chị cho Vũ đủ thứ quà tỏ tình thương mến. Chưa bao giờ Vũ thấy gia đình xum họp có ý nghĩa như lúc này. Và cũng chưa khi nào Vũ sợ chiến tranh, giặc giã đến như lúc ấy.
Vũ nói :
- Em sợ đánh nhau lắm. Chỉ cầu cho hết đánh nhau và mọi người đừng ai chết cả.
Tuấn gật đầu :
- Đúng rồi. Để đừng ai phải đi lính và phải chết trận.
Chị Thúy đồng ý :
- Ừ. Mong sao chóng có hòa bình. Chắc lúc đó mọi người
thích lắm.
Quang vênh váo :
- Anh vẫn thích đi lính đánh giặc.
- Đi lính cực lắm. Đừng ai làm giặc giã, làm Việt Cộng nữa thì cũng chả có ai phải đi lính nữa đâu.
Nói xong Vũ đứng nhìn ra cửa. Một chiếc xe chở đầy lính chạy vụt ngang. Bỗng nhiên Vũ nhớ tới tối Trung Thu vừa rồi cũng đã nhìn thấy một xe lính như vậy. Những người lính trong chiếc đèn kéo quân. Sao không hết chiến tranh, để người ta sống mãi trong yêu thương nhỉ ?
CHƯA VỀ ĐẾN NHÀ, VŨ CŨNG BIẾT NHÀ MÌNH CHẲNG KHÁC GÌ NHỮNG ngôi nhà đang hiện ra trước mắt, hai bên đường đi.
Quả vậy. Về tới sân nhà hai cha con đứng ngẩn người ra nhìn. Một bên mái nhà bị xụp, vách tường cháy nám đen. Vách trước nhà lỗ lớn lỗ nhỏ đầy rẫy dấu vết của súng đạn. Cửa nhà lúc đi có bấm khóa, bây giờ chỉ khép hờ. Hàng rào bông giấy bên cửa sổ cháy rụi và trên hiên vỏ đạn nằm lăn lóc.
Ông Minh dựng chiếc Honda mượn của anh vào dưới gốc cây soài. Hai cha con nắm tay nhau bước vào nhà. Trong nhà chẳng còn gì, đồ đạc vỡ nát, giường gẫy gục, tủ bị nậy toang. Đồ vật mất mát hết, chiếc máy vô tuyến truyền hình bị bắn lỗ chỗ vết đạn, màn kính vỡ vụn.
Cảnh đổ vỡ tan nát dẫy đầy trong nhà, ngoài cửa. Quần áo vứt tung khắp nơi, chỉ còn toàn đồ cũ.
Hai cha con đi nhặt nhạnh gom góp lại. Vừa làm Vũ vừa gọi ba nhìn chỗ nọ chỗ kia. Chợt Vũ chạy vào nhà trong. Sau Tết Trung Thu chiếc đèn kéo quân được Ba cất lên trên kệ gỗ ngang xà nhà. Vũ nhìn lên, chiếc đèn còn đó, không hư hại chút gì.
Vũ reo lên :
- Ba ơi, chiếc đèn còn nguyên Ba ạ.
Ông Minh chạy vào, nhấc chiếc đèn xuống. Bụi đất từ mái nhà đổ xuống phủ đầy mặt giấy.
Nét mặt ông Minh tươi lên :
- Có lẽ đây là món đồ duy nhất còn nguyên vẹn sau chiến tranh. “Món đồ tinh thần dân tộc” vẫn còn tồn tại không bị tan nát theo những vật chất khác.
Nói xong ông Minh cười nho nhỏ. Vũ cười theo :
- Cái đèn Binh Hô Cai Méo chì thật.
Niềm vui thoáng qua mau. Vũ đ
ể chiếc đèn vào gầm bàn rồi tiếp tục dọn dẹp với Ba. Hai cha con dọn tới gần chiều mới tạm gọn gàng.
Ông Minh đã mang theo ổ khóa thật lớn. Ông bảo :
- Dọn tạm đã rồi khóa để đó. Mai mốt cha con mình sửa lại nhà cửa rồi mới đón Mẹ con và các em về.
- Mình khóa cửa vậy lỡ người khác nậy cửa vào lấy đồ thì sao ba ?
- Mỗi ngày mình mỗi về, sợ gì. Tối không ai dám đi ăn trộm đâu. Mà thí dụ có đi nữa thì nhà mình còn gì đâu để lấy ? Ít quần áo cũ, mươi cái nồi, cái chén. Họ bị tan nhà nát cửa có lấy của mình cũng chẳng sao. Cứ cho họ, mình sẽ kiếm tiền mua dần cái khác. Con phải biết, sau một trận giặc mà tính mạng mình nguyên vẹn là may lắm. Những người khác còn bất hạnh hơn ta, thấy không ? Họ có lấy thì cũng là một cách mình gián tiếp chia sẻ cho họ vậy.
Vũ dạ thật ngoan. Hai bố con đi trở ra, khóa cửa. Ông Minh đang loay hoay đẩy xe Honda thì nghe Vũ nói :
- Phải chi ai cũng thương yêu nhau cả. Sống trong yêu thương thì làm gì còn chiến tranh, Ba nhỉ ?
Ông Minh gật đầu nhìn con trai trìu mến.
VÕ HÀ ANH
(Truyện vừa – 1969)
***