HOA MƠ
Truyện của: VÕ HÀ ANH
* Kỷ niệm những ngày theo HQ sang Kampuchea (6.5.1970)
MINH ĐƯA MẮT NHÌN LÊN BẾN TẦU, phía trên cao. Chỉ còn vài gia đình từ chiếc xe Ca cuối cùng đang tất tả khuân đồ đạc trên mui xuống. Những người cán bộ Khối Chiến Tranh Chính Trị vẫn nhẫn nại ghi ghi chép chép và phát phiếu thực phẩm cho người xuống tầu dưới ánh đèn vàng vọt. Những “hành khách đau khổ trở về quê Mẹ” hấp tấp một cách đáng thương, ôm cái nọ kéo cái kia, tay bồng tay bế dắt díu nhau xuống cầu bến. Họ có dáng dấp sợ hãi như chỉ sợ bị tầu bỏ lại.
Bến tầu ở Nam Vang cao hơn mực nước đến hàng chục thước, từ dưới tầu nhìn lên thành phố trên cao tuyệt đẹp. Minh phải thành thật công nhận như thế ngay ngày đầu con tầu quẹo từ ngã ba vào giòng Tonlé-Sap. Thành phố của những dinh thự cổ, những chùa chiền, những lăng tẩm, những đền đài vua chúa với muôn mầu sắc trông thật quyến rũ ; chẳng cần có những buildings cao ngất như Sàigòn. Mà Sàigòn cũng chẳng thể nào so sánh được với thành phố này, Minh nghĩ thế.
Một thành phố từ bao nhiêu năm chưa hề biết chiến tranh, dưới sự lãnh đạo khéo léo như ma quỷ của một ông Hoàng, bỗng nhiên như bừng tỉnh dậy và đổi một khuôn mặt khác, vào một ngày.
Minh không bao giờ ngờ được rằng chuyến xuất ngoại đầu tiên trong đời thủy thủ của mình lại là chuyến vượt biên không chiếu khán sang xứ Chùa Tháp. Chính hàng bao nhiêu ngàn người cũng nghĩ như chàng, vì sang Mỹ, sang Nhật thì còn dễ chứ sang Miên thì chả bao giờ ai nghĩ tới. Minh bật cười, mai mốt mình sẽ tìm cách thưởng thức món mắm bồ hóc của xứ này mới được.
Các gia đình cuối cùng chen lấn nhau để leo lên tầu bị dồn cục ngay giữa hạm kiều. Tiếng cãi cọ vang lên chí chóe. Minh xắn cao tay áo, nắm chặt sợi dây vịn và tuột xuống cầu bến một cách thành thạo. Minh khiêng giúp hai chiếc va ly lớn cho một ông già, lối đi không còn tắc nghẽn. Mọi người nối đuôi nhau bước lên. Minh cúi nhìn một bà mẹ ẵm đứa con chừng mười mấy tháng, tay kia xách chiếc giỏ đan đựng quần áo, một đứa trẻ chừng bốn năm tuổi nắm chặt lấy ống quần thiếu phụ. Ba mẹ con lúng túng, loay hoay ở chân hạm kiều. Minh bước xuống, vui vẻ :
- Chị ẵm cháu nhỏ lên trước đi, để cháu lớn tôi đưa lên cho.
Người đàn bà tươi nét mặt, nhỏ nhẹ cám ơn :
- Dạ, cám ơn chú.
Minh cúi mình nhấc bổng đứa nhỏ lên cao. Thằng bé không biết sợ, nhoẻn miệng cười trong lúc Minh lắc lắc hai tay dọa nó. Bất chợt Minh rùng mình. Đứa bé trai thật xinh, mắt to và ngơ ngác, hai tay quơ quơ về trước như muốn ôm lấy đầu Minh để làm điểm tựa cho khỏi té. Hình ảnh ấy nhắc Minh vụt trở về kí ức vàng son tuổi nhỏ, một dĩ vãng đầy kỷ niệm vui buồn, hình ảnh đậm đà nhất là chuyến di cư vào Nam ngày Minh còn nhỏ.
Ngày đó Minh cũng chừng tuổi đó. Nhưng lúc xuống tầu Minh lại sợ hãi, không như đứa nhỏ bây giờ. Leo từ chiếc “tầu há mồm” sang chiếc hàng không mẩu hạm Boa Boa Lô cao vòi vọi. Minh có cảm giác đang leo trên ngọn cây ở quê nhà, những chiều gió lồng lộng thổi, cành cây như đưa võng.
Một người thủy thủ trẻ tuổi, như Minh bây giờ, đã cúi xuống nhấc bổng Minh lên, lắc lắc như Minh đã trêu đứa bé. Đứa bé cười nhưng lúc đó Minh òa lên khóc. Người thủy thủ cười phá lên, ôm chặt Minh vào ngực gã rồi nhởn nhơ bước trên hạm kiều chênh vênh, lên tầu.
Hình ảnh trở lại bất chợt đó khiến Minh lặng người cảm động. Minh không ngờ mười mấy năm sau Minh lại được đóng vai người thủy thủ đó, đón đưa những người ruột thịt bỏ nơi ăn chốn ở bao đời để về một nơi xa lạ.
Bỗng nhiên Minh cũng ôm chặt đứa nhỏ vào ngực mình và bước lên tầu. Minh cũng có cảm giác bước chân mình thật nhởn nhơ, thành thạo trên chiếc cầu gỗ mong manh.
Minh dắt người đàn bà len vào boong tả hạm, giữa rừng người nằm ngồi đặc nghẹt. Người mẹ có vẻ mệt mỏi, lếch thếch đi theo, Minh tìm cho ba mẹ con một chỗ nằm tạm bên cửa vào phòng vô tuyến, gần thang lên đài chỉ huy. Minh đứng yên nhìn chị trải vội manh chiếu rách rồi ba mẹ con cùng nằm xuống, co rút vào nhau. Thiếu phụ mỉm cười với Minh tỏ vẻ biết ơn. Minh cười lại, dặn dò :
- Chị nằm nghỉ nhé, lâu lâu tôi đi ngang đây chị cần gì cứ cho tôi hay.
Thiếu phụ đáp nhỏ :
- Dạ, cám ơn chú. Chú tử tế quá, chúa sẽ ban phước cho chú nhiều.
Minh nhìn hơi lâu thiếu phụ đó. Khuôn mặt đẹp, hơi quê mùa, thật hiền lành, đôi mắt nhắm lại ôm vòng lấy hai đứa nhỏ. Minh lặng lẽ quay đi, nói thầm :
- Tôi theo Phật giáo chị ạ. Nhưng dù Chúa hay Phật ban ơn, ban phước tôi đều nhận hết.
Con tầu ồn ào như khu chợ nhỏ. Mọi người hối hả tìm một chỗ vừa ý, trải manh chiếu rách ra giữ chỗ rồi vợ chồng con cái dìu nhau ngồi ngả nghiêng. Dưới ánh sáng vàng rực của hai ngọn đèn pha ngắn hai bên hông tầu, Minh trông họ tiều tụy đau khổ không kém gì những người miền Bắc vào Nam trong cuộc di cư năm năm mươi bốn. Họ hầu hết đều nghèo, lại không mang theo được gì trong chuyến trở về này. Chỉ còn một gói quần áo nhỏ, vài cái giỏ rách đựng bên trong lỏng chỏng cái nồi, nắm cơm nguội, chai nước mắm. Có người ôm theo một manh chiếu cùng một con chó, hay một con gà, con heo.
Nhân viên chiến hạm được lệnh rút hạm kiều. Vài phút sau, tầu kéo còi vận chuyển. Mọi người ngơ ngác lắng nghe tiếng dây kéo neo nghiến ken két trên trục quay, rồi cơn mệt mỏi ùa đến, họ nằm ngả nghiêng, lăn lóc ngủ. Chốc lát con tầu trở lại lặng lẽ – ngoài tiếng máy – Minh tin rằng nếu ai giàu tình cảm nhìn thấy quang cảnh đó ắt phải buồn muốn khóc.
Minh thong thả bước len qua từng manh chiếu, đi về phía cửa Ram. Minh leo thang lên ổ súng 40 ly đôi trên cao mũi tầu, tìm một chỗ khuất gió châm điếu thuốc. Hình ảnh những người khốn khổ ở bên dưới vẫn ám ảnh Minh mạnh mẽ. Minh đứng tựa vào thành sắt nhìn xuống đám người ngổn ngang dưới đó, trông họ tả tơi như chiếc lá khô gặp gió mưa tàn bạo. Minh thấy xót xa và quá khứ xa xưa lại chập chờn trở lại.
Minh quay lại, tới nằm dài trên đống bố bao cây súng Bô Pho. Trời đêm lành lạnh, gió nhẹ phất khói thuốc quyện theo hai bên má Minh trước khi mất hút vào đêm. Minh nằm ngửa, nhìn thẳng lên trời cao. Bầu trời đầy sao, nhấp nháy. Một chùm sao tụ lại giống như một cành hoa thật đẹp, tia sáng óng ánh như những giọt sương mai đọng trên cánh hoa lấp lánh dưới ánh bình minh. Bất chợt Minh khám phá ra rằng bông hoa sao đó giống hệt cành hoa của cây Mơ mà mình thường ước ao nhìn lại. Cây Mơ có những trái mơ mịn phấn, sương sớm nhỏ li ti đọng kín chung quanh. Cây mơ của khu vườn bát ngát nhà chàng, bên quê nội, vào thủa tuổi thơ chưa qua.
LÚC BẤY GIỜ MINH MỚI ĐỘ BẨY, TÁM TUỔI. Chiến tranh đã có từ lâu, nhưng không ảnh hưởng gì mấy đến miền “sông cùng núi Sậu” – Làng Nhuệ – nơi gia đình Minh ở. Một khu làng nhỏ, nghèo nàn và ở vào địa thế sông chẩy đến chỗ tận cùng và cả đến núi cũng cằn khô, cây không muốn mọc (sông cùng núi sậu). Tuy nhiên, giữa những ngôi nhà gỗ, nhà tranh nghèo nàn ấy, có một khu nhà cổ, theo kiểu nhà ngói cây mít biểu hiện của quyền thế và giầu có trong làng. Gia tộc Minh quây quần trong khu đó. Những uy quyền lặng lẽ và tuyệt đối, tự bao giờ, khiến người dân làng vì nể, kính trọng mà không sợ hãi hay oán hận. Minh không còn nhớ rõ, nhưng hình như tài sản gia tộc chàng là cả trăm mẫu đất, ruộng vườn, ao cá. Hoa lợi là lúa, ngô, cây trái và những thứ khác do sự đổi chác trên khu chợ Bến bên sông.
Ngôi nhà Minh ở xây lên từ đời ông Nội hay trước nữa. Nhà ngói ba gian, cột gỗ lim to cả nửa vòng tay, xây trên nền cao chín bậc thềm. Hai bên dẫy bậc thềm dài hút, hai con rồng uốn khúc, nhe nanh. Minh có một hình ảnh để so sánh, sau này khi lớn lên : nét kiến trúc ngôi nhà chàng ở giống như nét kiến trúc của Đền Kỷ Niệm trong Thảo Cầm Viên Sàigòn. Trên mái ngói đỏ uốn cong, cũng có đôi rồng nhỏ vờn mặt nguyệt.
Nhà ba gian, gian giữa kê một cái sập Gụ, tủ chè khảm xà cừ lộng lẫy, và bộ bàn ghế tiếp khách nghe nói bằng gỗ Tek. Gian bên trái, từ ngoài bước vào, là phòng ngủ của Mợ, và của Minh từ khi mợ mất. Chính căn buồng này đã ghi dấu nhiều kỷ niệm khó phai mờ tuổi ấu thơ của Minh, và vĩnh viễn Minh không thể nào quên được. Cũng như cả một chuỗi dài dằng dặc những kỷ niệm vui buồn tuổi nhỏ, Minh vẫn còn nhớ thật sắc nét, thật đậm đà. Từ những lần theo Thầy đi gánh nước ở sông – xa hàng cây số – về nhà mỗi buổi chiều Đông nhá nhem tối mưa phùn gió bấc lạnh cắt thịt do chui trong chăn ăn ngô rang thật nóng. Minh thích nhất những hình ảnh đó. Vì đi gánh nước ở sông Minh thường gặp lũ mục đồng lùa trâu lội ngang giòng nước. Những đứa trẻ ngồi ngất ngưởng trên lưng con vật đen xì lùi lũi qua sông, tiếng gọi “ nghé ơ… nghé ơ” nghe buồn cam phận vang vang trong gió chiều lồng lộng loang tít về xa. Vì những ngày Đông dài rét mướt, mưa phùn che kín rặng soan bên chái gianh nhà bếp trông ảm đạm đến mủi lòng – nhất là từ khi Mợ và em Đạm nối tiếp qua đời, nhưng nằm trong chăn, ăn ngô nóng, nghe chị Ánh kể chuyện thần tiên “ Cô Nhất cô Nhị cô Tam” hay “ Cô bé quàng khăn đỏ” hoặc “ Cây vàng cây bạc” thì thật tuyệt !
Thời gian đó khuôn mặt của chiến tranh có hiện đến một đôi lần, nhưng mơ hồ và mờ nhạt. Mươi phát súng vu vơ, một tiếng moọc chê lạc lõng. Rồi lại êm ả, và tuổi nhỏ không cho Minh thấy nổi những ưu tư của người lớn. Ăn uống vẫn đầy đủ, vả lại ở nhà quê những nhu cầu cần thiết không bao nhiêu đối với mọi người.
Nhà chú Giáo cách nhà Minh một cái sân thật dài. Thầy Minh trồng trong sân ba cây nhãn lấy giống Hưng Yên có tiếng là ngon, hạt nhỏ cùi dầy và ngọt như đường. Mấy chục cây na sai quả và cây bưởi già mang nhiều huyền thoại. Mỗi năm đến mùa đơm hoa kết trái, hoa bưởi trắng rụng đầy gốc và Minh thường nhặt đưa lên mũi ngửi. Mùi thơm êm ái khiến Minh ngất ngây.
Chiều chiều, mùa Hạ, Minh thích nhất là đứng tựa lưng rồng, ngắm anh Thăng ngồi thổi sáo trên sân thượng nhà chú Giáo. Dẫy nhà ngang dài mút mắt, kiến trúc theo lối tỉnh. Thật lạ, ở xó nhà quê mà kiến trúc những ngôi nhà ấy cũng tân kỳ, không thua gì dinh ông Phủ, hay ông Thượng Thư trong họ mà Minh đã ở thời gian chạy loạn sau này. Có cả bồn sứ rửa mặt, có cả mành sáo kéo dây. Sáng sáng chú Giáo ra chăm chút gốc Ngọc Lan sau nhà như chăm con mọn.
Anh Thăng cất công leo lên sân thượng ngồi thổi sáo. Anh bảo ngồi ở đó mới cảm thấy mình thanh thản, mới thấy mình buồn và… thổi sáo mới hay. Minh không hiểu nổi tại sao anh Thăng thích tìm tòi các loại thuốc nổ đem về cho vào ống nhôm và làm ngòi cho nổ. Tính anh thích tìm tòi lục lọi, và bí mật.
Nhưng Minh thích tiếng sáo của anh Thăng. Tiếng sáo buồn, khi trầm như than thở, có khi lại vút cao. Dáng dấp anh ngồi thật câm nín, chiếc ống sáo nằm ngang môi anh, lỏng lẻo. Hình ảnh đó, âm thanh đó nhắc nhở lại những ngày mợ ốm, lúc Minh chưa đầy bốn tuổi. Và Mợ mất đi, rồi em Đạm thiếu người chăm chút cũng bỏ đi vĩnh viễn sau đó một năm. Sau này khi lớn lên, cứ nghĩ tới mẹ, tới em Đạm là Minh mủi lòng muốn khóc.
Đêm hôm đó Mợ nằm dài trên võng, trong buồng. Mợ ốm từ lâu, thiếu thuốc men nên bệnh càng ngày càng nặng. Mợ nằm thiêm thiếp, mái tóc dài xõa ra, rủ lòa xòa xuống nền gạch. Mái tóc dài và đẹp, dài đến tận đầu gối mà mợ chăm chút cả đời. Minh chập choạng đi vào, lặng lẽ ngồi trên chiếc ghế thấp đầu võng trong bóng tối, nắm những sợi võng đứt, đu đưa. Đến bây giờ Minh vẫn không hiểu vì sao đã có được hành động ấy, và ở phút giây nào. Và sự mầu nhiệm nào đã khiến Minh nhớ được câu chuyện ấy. Đến độ bây giờ, cứ mỗi lần kể lại cho chị Thục, chị Ánh nghe, ai cũng sợ Minh có óc nhớ dai, nhớ sớm. Và bảo là Minh có khối óc thông minh. Minh thì chẳng biết là mình có thông minh không, vì cứ nghe chị Thu – người chị họ – kể lại thì Minh thuở nhỏ chẳng nhanh nhẹn gì lắm. Chị Thu kể cho Minh và các con chị nghe mỗi lần Minh đến chơi : “ngày còn nhỏ chú Minh cứ bám lấy Mẹ suốt ngày, rớt rãi tèm lem trên vai Mẹ chứ đâu được như bây giờ. Lúc ấy bà đau nặng. Nhà thiếu người làm lụng. Mỗi sáng sớm Mẹ cắp rổ ra vườn với cô Kim, hái dâu cho tằm ăn dỗi. Để chậm, tằm đau bụng chết. Bận thế mà chú Minh với cô Ánh bám lấy mẹ, quấn quýt bên chân nèo nẹo đòi theo. Cô Ánh thì lè nhè : Chị Thu ơi, em đi mấy… ấy. Còn chú Minh thì khóc nhè suốt ngày, mẹ phải bế vẹo cả sườn. Lúc ấy Mẹ đang có mang con Hạnh đấy. Mẹ nhớ Bà ghê đi, nhất là những khi trời lạnh, nhắc mùa Đông ngoài ấy. Bà thương Mẹ lắm”. Thế là lũ nhỏ lại xúm lại trêu Minh và Minh lại mủi lòng nghĩ đến sự ra đi của Mợ. Qua đêm ấy, đến gần sáng, cửa sổ bỗng mở tung, Thầy và chú Giáo chạy ùa vào. Thầy bế xốc Mợ lên, và chú Giáo nhấc bổng Minh đem ra hiên đặt xuống. Minh đứng nhìn qua cửa sổ thấy Thầy gục đầu vào vai Mợ mà khóc, thế là Minh cũng khóc ré lên. Cả nhà nhốn nháo từ khi ấy. Có lẽ Mợ mất ngay giữa khuya , và Minh đã ngồi bên Mợ khi Mợ trút hơi thở cuối cùng. Minh mồ côi Mẹ lúc hơn bốn tuổi.
Mợ mất, chị Kim chị Thục dọn buồng lại làm chỗ ngủ cho chị Ánh, Minh và em Đạm. Lúc bấy giờ em Đạm được mười bẩy tháng. Không có sữa mẹ, em sống và lớn đến khi đó nhờ nước cơm và cơm nhai mớm. Nhưng bệnh hoạn làm em èo uột như lá chuối non gặp gió. Rồi một tối, Đạm chết bên anh. Lúc đó Minh đã say sưa ngủ. Đó là hai ngôi vị tha thiết nhất mà Minh đã thiếu và hằng đòi hỏi, khi lớn lên. Minh thèm được gọi một người đàn bà bằng Mợ. Mợ mất khi Minh chưa biết gì, nên Minh chẳng còn cơ hội để thốt lên tiếng gọi tràn ắp yêu thương ấy nữa. Cả tiếng em cũng vậy. Đứa em gái, giá còn sống, bây giờ cũng ngoài hai mươi tuổi. Và chẳng khi nào Minh lại có dịp bực mình, tức giận hay bận rộn vì sự quấy phá, nghịch ngợm hay nũng nịu của đứa em, trai hoặc gái ! Mặc nhiên Minh trở thành con út trong gia đình.
Và Minh lớn dần trong tình thương kín đáo của Thầy. Thay cho những vuốt ve trìu mến của người đàn bà, Thầy chỉ cho những ánh nhìn ngay thẳng và nghiêm khắc, những lời giáo huấn cứng rắn về đạo làm người. Tính nết Minh được uốn nắn theo tiêu chuẩn đó.
Cứ vài ba ngày hai cha con lại ra sông lấy nước. Nước mưa trong bể tuy nhiều nhưng phải để dành dùng cho suốt cả mùa Thu. Nước sông gánh về đổ vào chum lớn chum nhỏ rồi đánh phèn cho đất lắng xuống. Con sông hẹp, nước chả mấy trong nhưng đối với Minh thủa đó là cả một hình ảnh bao la bát ngát. Con sông chẩy đến tận cùng giòng là quê Minh, nên đã được ví von cùng với núi đá trơ cây : “ Sông Cùng núi Sậu”. Để nói lên cái địa thế nghèo nàn của vùng đất ấy. Nhưng Minh không cần biết đến điều đó. Minh yêu giòng sông lạ. Minh thích nhất những lần đi tắm sông cùng anh Đình. Anh Đình đi trọ học ở Quỳnh Lưu – nơi lâu lâu lại có một lần mưa đá, anh kể thế – và chỉ về quê vào dịp nghỉ hè. Mỗi lần về anh trổ tài… nội trợ thật khéo, ai cũng phục. Anh bón phân trồng rau, đan ghế mây, đóng bàn gỗ, may quần áo cho Minh và sửa sang nhà cửa. Khi đi ngủ anh hay rúc vào nách thầy mà thủ thỉ, dù đã lớn, nên sau này khi xa anh, thầy cứ bùi ngùi nhắc nhở mãi đến tên anh, cũng như anh Thăng.
Chiều chiều anh Đình thường dắt Minh ra tắm ở sông. Cả gia đình Minh, các anh các chị ai cũng bơi giỏi, xa hàng cây số. Anh Thăng có lần chiếm giải bơi xa vào dịp tế Đình. Chỉ có Minh là không biết bơi, ngay cả bây giờ là thủy thủ, Minh vẫn bơi rất tệ.
Anh Đình hay dắt Minh ra tắm ở bến anh Đam. Bến sông ở quê Minh mang những cái tên rất giản dị. Bến anh Đam vì chỗ đó có quán hớt tóc của anh Đam, bến bà Chử vì ở đó có nhà bà Chử. Anh Đình bảo tắm ở bến anh Đam sạch hơn bến bà Chử và xa bọn đàn bà con gái. Minh bảo ở bến bà Chử đông người thì vui hơn, nhưng anh Đình gắt : “tắm chung với đàn bà sao được”.
Minh thì chả thấy có gì là không được, nhưng là lúc đó cơ. Bây giờ thì Minh dư hiểu anh Đình có lý. Thủa đó, mọi sự mọi điều đều giản dị và trong sạch. Đàn bà con gái trong làng, vào một giờ nào đó lúc nhập nhoạng tối, rủ nhau ra bến bà Chử tắm tự nhiên. Và còn bế, còn dắt theo con em vào cỡ tuổi Minh đi để kỳ cọ tắm rửa luôn cho tiện. Đã một đôi lần Minh được dắt ra tắm ở đó. Và tuy thấy “lạ”, nhưng Minh không hề thắc mắc, nghĩ ngợi gì. Thật tự nhiên, những phụ nữ ấy. Họ cởi quần áo tắm và mặc quần áo khi tắm xong cũng tự nhiên như ở ao nhà, hay như khi cho con bú. Mọi người ngâm mình xuống giòng sông, nước ngang tới hai vai rồi cúi mặt rũ tóc ra vò, gội. Một vài người giặt quần áo ngay khi đang tắm, và ai cũng thích bơi ra giữa giòng để tắm, giặt nước trong. Vừa tắm giặt họ vừa cười đùa trêu cợt, nhắc đến tên những người đàn ông con trai trong làng, rồi gán ghép cho nhau.
Minh thì hay đứng ở mé bờ chỗ cạn, chơi té nước với những trẻ cùng lứa tuổi.
Những lần đi tắm với anh Đình, Minh thường say mê ngắm anh bơi thoăn thoắt ngang giòng, chỗ khúc sông rộng nhất. Anh dơ ngón trỏ lên cao, nói với Minh trước khi phóng mình vào giòng nước :
- Minh đứng đó tắm, để anh bơi qua bơi lại bốn lần cho Minh xem. Đếm to lên nhớ.
Anh Đình bơi tài thật. Anh bơi đủ kiểu, như một con cá không lồ. Minh đã ao ước được như thế. Nhưng rồi có một lần anh Đình đã làm Minh sợ giòng sông, mang một kỷ niệm khó quên.
Lần đó anh dắt Minh đi tắm ở bến bà Chử từ lúc trời còn sáng, bọn đàn bà con gái chưa dắt díu nhau ra đông đảo. Anh để Minh đứng trên một tảng đá xanh, nước ngang vai cho Minh kỳ cọ lấy. Anh dặn Minh chờ anh bơi qua bên kia sông bẻ ít cành râm. Râm và duối là hai thứ cây mọc rất nhiều ở quê Minh, có một chất nhựa chát kỵ sâu răng. Mọi người hay chặt một cành cắm vào độc bình trong nhà, bẻ cành nhỏ lột vỏ xỉa răng, rất tốt.
Minh đứng nhìn hút theo bóng anh Đình ở bên kia sông, khuất sau mấy bụi rậm. Bất chợt, Minh bước tới một bước. Nhưng cục đá xanh đầy rêu đã hết bằng phẳng, và dốc tuột xuống một nấc, Minh mất đà chúi tới trước và chìm lỉm, chỉ còn hai tay đưa một nửa lên khỏi mặt nước. Minh hãi hùng rú lên, gào tên anh Đình và khóc thét. Nhưng tiếng khóc bị nước lùa ngược trở vào lồng ngực, Minh uống hết hớp nước này đến hớp nước kia. Những người đàn bà đứng rê lúa trước gió trên bờ đê thoạt đầu tưởng Minh lặn. Sau thấy Minh “lặn” lâu quá và tay quơ quào một cách tuyệt vọng họ mới rõ Minh lâm nguy và gọi ầm người đến cứu. Anh Đình nghe thấy, hốt hoảng ném mấy cành râm, bơi vội về. Đến khi anh kéo được Minh lên mặt nước thì mặt Minh đã xám ngoẹt, và bụng to phềnh vì nước. Anh Đình đặt Minh nằm ngửa lên một tảng đá trên bờ, đầu dốc ngược xuống. Rồi anh đè lên bụng Minh dậm nhè nhẹ. Nước trong người Minh theo miệng vọt ra như vòi phun. Minh ọe ra cả chậu nước chứ không ít. Sau đó anh Đình vác hai chân Minh lên vai, đầu dốc ngược xuống đất và chạy lồng lên một quãng. Bao nhiêu nước trong người Minh dốc ra gần hết. Minh mệt, mê man cả mấy hôm liền. Hôm gần khỏe lại, nằm trên giường mà Minh vẫn còn sợ. Và nhớ đến cái chết của ông cụ Tích buổi chiều nào ở bến đò bà Chử.
Ông Cụ Tích đã hơn tám mươi tuổi nhưng còn rất khỏe. Cụ hay ở trần mặc chiếc quần đen, ngang lưng thắt một chiếc ruột tượng như đàn bà. Chiều chiều cụ đi từ nhà ra sông tắm, mang theo cái nồi đồng kỳ cọ cho bóng và để lúc về xách thêm được nồi nước. Hôm đó cụ cũng đi tắm như mọi lần, nhưng vì mải chăm chú giặt chiếc quần đen nên cụ để cái nồi trôi tuốt ra giữa giòng. Cụ già tiếc của bơi ra lấy. Lúc vào nửa chừng bị mệt, rồi chuột rút (vọp bẻ). Cụ chìm lỉm. Mọi người hô hoán lên. Đến khi vớt được cụ lên, cụ đã chết. Người ta cởi hết quần áo cụ ra, làm hô hấp nhân tạo, nhưng chẳng ăn thua gì. Minh đứng nhìn cụ già nằm chết trần truồng mà tay vẫn khư khư nắm chặt chiếc nồi đồng, vừa buồn vừa sợ, khóc không thành tiếng.
Từ đó Minh không còn dám “gần gũi” với giòng nước nguy hiểm ấy. Nhưng lòng yêu mến con sông nhỏ vẫn không hề suy giảm. Minh vẫn thích đứng nhìn giòng nước lấp lánh ráng chiều, khua động dưới mái chèo của thuyền buôn xuôi ngược. Và hình ảnh Minh thích nhất phải là hình ảnh mục đồng đưa trâu qua sông về thôn xóm.
Đám trẻ nhỏ, đồng trang lứa với Minh, ngồi ngất ngưởng trên lưng con vật đen xì, từng đàn nối đuôi nhau đi trên con đê gồ ghề, trong chiều tím. Tới bờ dốc, đứa trẻ đầu đàn cho trâu lội xuống. Những con tiếp không người cỡi cũng nối theo. Lũ trẻ đứa ngồi, đứa đứng lên lưng trâu, cất tiếng gọi :
- Nghé ơ… nghé ơ… ờ ơ…
Để nhắc chừng những chú nghé con đứng ngẩn ngơ nhìn trời mây nước, quên cả theo đàn. Tiếng gọi trầm bổng, nghe buồn buồn, vang vọng xa xôi giữa chiều gió lộng. Đàn trâu lội qua sông ló khỏi mặt nước cái đầu với cặp sừng và cái sống lưng nhọn. Chúng lướt đi, nhẹ nhàng như chiếc thuyền nan. Tới bờ bên này lũ mục đồng cho trâu leo lên đê thiện nghệ tựa ông tướng nhỏ. Gặp Minh nhìn chăm chú, chúng nó toét miệng cười, chào hỏi :
- Cậu ạ.
Minh ngẩn ngơ nhìn, không biết đáp lại ra sao. Bây giờ, tuy đã thành người lớn, Minh vẫn ôm ấp những hình ảnh nhẹ nhàng, nên thơ đó trong lòng, và vẫn bồi hồi cảm động dễ dàng mỗi khi nhìn một bức họa thôn quê, hay một vài nét vẽ thô sơ giản dị trong cuốn Tân Quốc Văn, Bài Tập Đọc của đàn cháu nhỏ. Và giòng sông vẫn là hình ảnh cuốn hút Minh như nẻo về tới Thiên Đường. Hay xứ sở cây Vàng cây Bạc của cô Nhất cô Nhị cô Tam.
- NGỦ ĐÓ HẢ MINH ?
Minh giật mình nhổm người dậy. Người Thượng Sĩ già đang cúi lom khom nhìn Minh bên tấm bửng sắt che ổ súng.
Minh cười :
- Nằm nghĩ vẩn vơ chứ ngủ gì được, ông Quản ?
Người Quản Nội Trưởng chiến hạm lách qua đống thùng đựng bố che súng, bước đến cạnh Minh.
- Ngồi chơi ông Quản !
- Ừ, tôi cũng không ngủ được. Ở dưới nóng quá, tính lên đây ngồi hút thuốc nhìn sao cho đỡ buồn.
Minh cười :
- Ông có chuyện gì mà than buồn vậy ?
- Cũng chả có chuyện gì. Gia đình chắc cũng bình thường, thấy nhớ nhà thôi.
Minh chép miệng :
- Vâng, kỳ này đi cũng khá lâu. Ba bốn tháng chưa ghé về Sàigòn chắc bà nhà cũng trông ông dữ ?
Người thượng sĩ già trầm ngâm :
- Vợ tôi nó cũng chẳng lo cho tôi đâu. Trông tôi gởi tiền lương về thì đúng hơn. Bẩy đứa con, nheo nhóc quá.
Minh buồn buồn. Cảnh gia đình nào cũng thế. Cũng bắt đầu từ một khởi điểm và chấm dứt cũng từ khởi điểm ấy. Minh bỗng thấy thương ông già ngồi cạnh. Mười sáu năm lính, chỉ có ba năm ở cạnh vợ con thường xuyên ; bốn năm ở đất liền và mười hai năm còn lại sống lênh đênh trên mặt nước. Đã bạc biết bao bộ quân phục trên người lính biển già nua ?
Minh thích nói chuyện với ông già này. Một người có tư cách và biết thương thuộc cấp. Nhân viên trên tầu đều gọi ông là “Ba Ba” (Papa) và xưng con tự nhiên. Có chàng lại đòi làm con rể ông già, dù con gái đầu lòng của ông mới mười bốn tuổi. Ông chỉ cười và gọi họ là mầy, là con như họ muốn. Nhưng với Minh, không hiểu sao ông lại gọi bằng anh. Có lẽ vì chưa bao giờ Minh xưng hô với ông như những người kia.
Người thượng sĩ già cúi mình tới trước nhìn đám người nheo nhóc nằm ngủ la lệt dưới sàn tầu. Đàn sâu đèn bay vù vù chung quanh hai ngọn pha bên hông tầu. Chợt ông nói :
- Tội họ quá chừng. Vợ con tôi mà khổ như vầy chắc tôi khóc quá.
Minh nhích tới cạnh ông :
- Họ gợi cho tôi nhớ lại hồi di cư vô Nam năm năm tư, và nhớ lại quê nhà ngoài Bắc.
Viên Quản Nội Trưởng quay lại chăm chú nhìn Minh thấp thoáng dưới ánh đèn, một bên sáng một bên tối. Ông nắm lấy tay Minh :
- Buồn hả ?
- Dạ.
- Quê nhà hơn tất cả, anh ạ. Tôi cũng thường nghĩ về ngôi mộ ông bà tôi ngoài đó. Mình già rồi, chẳng biết còn có dịp nào trở về quê cũ được không ?
Minh chợt thấy người lính già này nói những câu y hệt thầy, chú Giáo và các cụ già khác. Ai cũng tiếc, cũng buồn, cũng ân hận triền miên về ý nghĩ đó. Minh buồn rầu nghĩ rằng đến chính mình cũng chưa có một tia hy vọng nào cơ hội ấy.
Hai người xoay quanh những chuyện về quê Cha đất Tổ. Một lúc, cả hai cùng có ý nghĩ cảm thông nhau như đã gặp gỡ từ lâu lắm.
Có tiếng trẻ khóc ré lên gần đấy. Ông già đưa tay nhìn đồng hồ, quay lại bảo Minh :
- Mười hai giờ hơn rồi, anh cố ngủ một lúc cho khỏe, sáng mai còn nhiều việc phải làm.
Minh cười thay câu trả lời, nhìn theo dáng dấp cam chịu của người lính tóc hoa râm lom khom leo xuống những nấc thang.
Cuộc nói chuyện với người Quản Nội Trưởng dương vận hạm làm Minh tỉnh táo, không thấy cơn buồn ngủ kéo đến. Minh tuột những nấc thang, đi ngang chỗ người đàn bà Minh giúp lên tầu lúc tối. Ba mẹ con đã ngủ say, một bên vạt áo người đàn bà phủ cả lên mặt đứa bé. Minh mỉm cười êm ả, bước qua chiếu, xuống phòng ngủ. Minh pha một ca chanh muối, lấy bao Winston mới rồi lại leo lên ụ súng. Những hớp nước chua chua ngọt ngọt mát lạnh khiến Minh thấy người tỉnh táo. Minh ngước nhìn lên.
Nền trời trong thật trong, các vì sao lấp lánh chi chít. Chòm sao “hoa Mơ” của Minh như nổi bật hẳn lên, óng ánh như những đóa hoa Mơ trên cành, trong vườn nhà Minh. Nhìn thấy lúc vừa nở trọn vẹn, vào một sáng tinh sương. Những bông hoa tươi thắm, ướt đẫm sương đêm.
CỨ ĐẾN MÙA ĐÔNG, SẮP SANG XUÂN, là cây cối trong vườn như bừng cơn ngủ. Những chiếc lá vàng tự đầu Thu và rũ chết khi mùa Đông đến chỉ còn những chiếc cành trơ trụi, bây giờ lại trổ lộc non. Những chồi nhỏ xíu, những lá nhu nhú, mơn mởn trên lớp vỏ nâu.
Mỗi sáng Minh thức dậy thật sớm, thơ thẩn trong khu vườn rộng bao la. Có một cái gì đó cuốn hút Minh, làm Minh thấy yêu mến từng cụm cây, từng ngọn cỏ trong vườn nhà. Minh bước tới, vịn cành nọ, nắm cành kia và miệng lẩm bẩm một mình. Sắp có trái đó. Trong mùa Xuân, trái sẽ lớn dần lên. Minh thích nhất ngày hôm sau ra vườn thấy trái na, trái vải chợt to hơn ngày hôm trước một cách rõ rệt. Trông chúng tràn trề sức sống. Rồi trái nào cũng thế, sẽ chín vào cuối Xuân và đầu Hạ. Những trái bưởi sẽ rám nắng, những quả nhãn bắt đầu phải vào lồng tre và tối tối cả nhà thay nhau cầm sào buộc râu mây để quơ bắt đàn dơi bay lượn quanh ngọn ba cây nhãn, lấy giống tận Hưng Yên.
Minh cứ thơ thẩn một mình như thế trong khu vườn cây cho đến khi nắng lên cao, làm khô dần những giọt sương trên lá mới trở vào nhà. Đi ngang dẫy nhà ba gian, trước khi qua cửa tò vò lên nhà trên bao giờ Minh cũng dừng chân lại trước dẫy chuồng gà, kiễng chân nhìn vào từng ổ. Những con gà đẻ sớm đã ra khỏi ổ kiếm ăn, lúc đó cũng lại có những chị gà mái khác nhẩy ổ, cục te cục tác ầm ỹ. Minh cẩn thận nhón từng trái trứng còn nóng hổi, ngắm nghía một cách thích thú rồi cho vào giỏ tre, đem cất trên kệ. Thường thường cứ được mười lăm trứng chị Ánh đã cho gà ấp. Ít lâu sau, lại có một đàn gà lăng quăng chạy theo chân gà mẹ, luôn “mồm” kêu chiêm chiếp vui tai.
Thú vui chơi của trẻ con ở nhà quê thường là như thế. Chỉ một mình hay vài ba đứa thơ thẩn với nhau. Sau này nghĩ lại tình cảnh đó, Minh thấy tội nghiệp cho bọn trẻ nhà quê, và cũng tự thán phục đoạn đời thơ ấu của mình. Mọi người trong nhà đều lớn, chả ai nghĩ tới chuyện chơi với Minh, trừ chị Ánh. Nhưng chị Ánh luôn luôn bận rộn với bếp núc, vá may và những giờ học buổi chiều Thầy dậy. Minh học buổi sáng, sau khi đi qua dẫy chuồng gà, qua cửa tò vò, rửa mặt và ăn điểm tâm bằng mấy củ khoai luộc hay bát cháo hoa với đường. Thầy dậy Minh và vài đứa cháu, cứ đúng giờ – nắng lên khỏi mái gianh nhà bếp – chúng nó mới sang.
Trong đám học trò, Minh nổi bật. Chúng nó “đặc… nhà quê”, chậm chạp và dốt. Minh thích chơi với thằng Hồng con anh Tâm và thằng Trị con của anh Trừng. Hai thằng này là anh em chú bác và gọi Minh bằng Ông. Minh là vai chú cả hai đứa. Thằng Hồng hay ăn vặt, ăn suốt ngày. Có lẽ vì vậy mà nó bị sún răng, những chiếc còn lại bị sứt mẻ lung tung. Thằng Trị người nhỏ loắt choắt hàm răng trên nhô ra phía trước. Hai thằng đặt biệt danh cho nhau : Trị Vẩu và Hồng Sứt. Cứ mỗi lần cãi nhau, thằng Hồng hùng hổ hét vào mặt thằng Trị :
- Tao về tao mách chú Trừng chú ấy… “Trừng Trị” mày mới được, Trị Vẩu ạ.
Trị Vẩu giận xám cả mặt, cái thân bé nhỏ của nó run lên bần bật :
- Bố thằng Sứt ! Tao mách “bố thằng Sứt” cho mà xem.
Hai thằng học dốt nhưng… “chơi chữ” giỏi. Minh nghe và nhìn hai thằng cãi nhau mà phải bật cười. Chúng nó chỉ tạm yên khi Minh dọa mách Ông. Gì chứ chửi nhau là Ông ghét nhất, đánh dừ đòn.
Hết giờ học Minh thường giữ hai đứa cháu đồng trang lứa ấy ở lại đánh đáo, chơi bán hàng hay nắn tượng đất sét. Chúng nó thích về chơi với lũ em, vui hơn. Nhưng sợ Minh đánh nên chịu khó ở lại một lúc rồi kiếm cớ về. Minh thèm sang nhà chúng nó chơi, nhưng Thầy không cho. Nên đành đứng nhìn hai đứa bạn chơi đi khuất sau lũy tre, ngẩn ngơ buồn. Đến khi bừng tỉnh, Minh nhìn quanh. Chỉ có mỗi mình mình, và tiếng gió rì rào trên ngọn cây, tiếng se sẻ chiêm chiếp đầu nhà, tiếng gà cục tác, tiếng chó sủa vu vơ… Buồn quá, Minh lủi thủi đi vào nhà, nhìn bàn thờ Mợ, rấm rứt khóc.
CÓ TIẾNG CÒI. CHI ĐỘI 2 THAY CA. Minh vùng ngồi dậy xuống phòng lấy chiếc áo khoác. Mươi người giật mình vì tiếng còi, tỉnh dậy, nhìn người gác. Minh cười vỗ về :
- Ngủ đi bác. Bà con cứ ngủ đi. Tầu sắp về ngang Hố Lương rồi.
Minh leo lên đài chỉ huy, nhận ca trực. Dưới lòng tầu rực rỡ ánh đèn, nhưng trên đài Chỉ Huy tràn đầy bóng tối. Viên sĩ quan trưởng phiên và những người kia loay hoay cạnh chiếc mặt bàn nhỏ. Sĩ Quan trưởng phiên nhắc nhở :
- Bảo Radar quan sát kỹ dùm , Minh. Đừng ngủ gục !
Minh nhắc lại lệnh vào ống nói. Có tiếng nhân viên trực Radar lè nhè đáp nhận. Minh mỉm cười, chống khuỷu tay lên thành sắt. Bên ngoài tối đen, chỉ lờ mờ nhìn thấy rặng cây cắt nét ở tít xa. Gió lạnh thổi phần phật tà áo lạnh. Minh kéo cao cổ áo, châm điếu thuốc nữa. Tiếng Trung sĩ nhất Hòa, người Hạ Sĩ Quan phụ tá léo nhéo :
- Thơm quá, cho xin một điếu đi bồ.
Minh rút điếu thuốc đưa cho Hòa, lạnh nhạt, Minh không ghét Hòa, nhưng cũng không ưa Hòa. Chỉ vì anh Hạ Sĩ Quan này hay chửi thề, “nâng bi” cấp trên mà lại hay “hù” cấp dưới. Hòa nể Minh nên không mấy khi dám dở trò ăn hiếp.
Hòa hít một hơi dài, thở ra :
- Đã thiệt. Cám ơn nghe. Có chuyện gì kể nghe chơi cho đỡ buồn ngủ đi Minh.
Minh đáp cộc lốc :
- Không.
Để tránh khỏi bị Hòa tiếp tục quấy rầy, Minh day lưng lại, đi sang mé đối diện Sĩ Quan trưởng phiên, nhìn xuống dưới khoang tầu. Vẫn là cảnh mọi người nằm la liệt, ngủ như chết. Minh giết thì giờ bằng cách đứng quan sát dáng ngủ của từng người, nhìn cách nằm và đoán tính tình họ. Mấy tiếng đồng hồ qua đi nhanh chóng nhờ trò chơi đó. Tiếng còi đổi ca vừa vang lên Minh đã nghe Hòa lầu bầu :
- Buồn ngủ thấy mẹ !
Không ai góp ý kiến, lầm lũi xuống thang. Minh chập choạng bước về phòng ngủ. Trời lạnh đã làm Minh qua cơn buồn ngủ từ lúc tối, sau khi nói chuyện với ông Thượng Sĩ Già. Minh để nguyên quần áo leo lên giường nằm, nghĩ ngợi vẩn vơ đến quê nhà. Minh không hiểu sao tối nay lại nghĩ hoài về một quá khứ xa xôi. Phải chăng vì những người hồi hương đau khổ trên khoang tầu đã gợi lại hình ảnh năm xưa, khi Minh còn nhỏ cũng đã phải rời xa quê nhà yêu dấu ? Hay tại những đẹp đẽ vàng son, những êm đềm thời thơ ấu mà bấy lâu Minh đã lãng quên giờ có dịp bừng bừng sống dậy ? Giòng sông, khu vườn, ngôi nhà ngói, cây mít… cây mơ… những hình ảnh cũ kỹ ấy hiện ra sắc sảo như mới thoáng đây thôi.
Minh chợt vùng dậy, khua đôi dép vào chân leo lên thang. Tự dưng Minh nghĩ rằng mình sẽ vô cùng thoải mái nếu lại nằm chỗ cũ – cạnh ổ súng 40 ly – ngó lên bầu trời đầy sao hoa mơ của Minh đang nở ở giai đoạn tươi thắm nhất.
Minh leo thang phía sau lái đi vòng sang hữu hạm để khỏi phải chen vào giữa đám người đang ngủ trong khoang. Gần tới ổ súng 20 ly, ngang Đài Chỉ Huy, Minh chợt nghe tiếng con gái cười rúc rích và tiếng con trai nói nho nhỏ. Minh tò mò tiến lại gần. Một mảnh nylon được căng khéo léo từ cây súng sang bửng sắt che và bít kín mé dây cáp phía ngoài khiến khu ổ súng trở thành “cái ổ” khá kín đáo. Một cặp trai gái đang nằm ôm nhau trong đó. Dưới ánh sáng lờ mờ của đèn pha từ dưới khoang tầu hắt lên Minh nhận ra hai người ấy còn rất trẻ. Minh đứng lặng nhìn, tuy trong lòng thấy xấu hổ vì hành vi lén lút của mình.
Người con gái cố ngăn chặn hai bàn tay tò mò của người thanh niên, cười rúc rích :
- Kỳ ghê. Nhột muốn chết.
Người thanh niên rắn mắt :
- Kệ, cho chết luôn.
Người con gái càu nhàu trong tiếng cười :
- Anh thiệt… quỷ nè. Chưa lấy nhau mà… ăn hiếp người ta hoài. Coi chừng ai thấy đặng, kỳ lắm.
- Hổng có đâu. Ai nấy mệt mỏi ngủ hết trơn. Có tụi mình là… phẻ thôi à.
- Xí, em không có phẻ. Mệt với buồn ngủ nữa. Thôi anh xích ra đi, để em nằm ngủ một chút chớ.
Người thanh niên năn nỉ :
- Tội anh mà em. Tụi mình vừa từ cõi chết chun ra, mai này về bên quê nhà chắc là vất vả, đâu mấy khi được gần nhau… thế này.
Người con gái có vẻ xiêu lòng, mặc cho người con trai âu yếm. Minh tủm tỉm cười bỏ đi. Cách đối đáp của hai kẻ yêu nhau ấy thật bình dân và mộc mạc. Tình yêu, dù thể hiện dưới bất cứ hình thức nào cũng đều đẹp . Dù là kẻ có học hay không, dù là người thuộc giới thượng lưu hay giai tầng hạ cấp thì khi vào tình yêu cũng đều… hành động như nhau. Nên tình yêu không bao giờ được đánh giá nặng nhẹ, đẹp đẽ, hay xấu xa. Chỉ có những kẻ đứng ngoài tình yêu đó xếp hạng một cách méo mó tất cả những gì mà hắn không nhập cuộc.
Minh lại leo lên ổ Bôpho 40 ly đôi. Minh có cảm tưởng chỗ mình nằm lúc nửa đêm vẫn còn hơi nóng. Minh đưa tay rờ mó chỗ nằm của mình, tưởng như có một làn hơi ấm áp từ chỗ nằm đang len nhẹ theo những ngón tay tràn vào cơ thể. Hơi nóng đó ấm và dễ thương như hơi nóng từ một tấm thân nào khác mình đang ôm ấp trong tay. Bất chợt hình ảnh hai người trẻ tuổi ôm nhau ở dưới boong hữu hạm trở về với Minh.
Minh nằm xuống, đầu gối lên đống giây thừng.
BUỔI CHIỀU MINH LANG THANG DỌC THEO BỜ AO nhà bác Tổng, mải mê nhìn đàn gọng vó chạy lăng quăng, trên đám lá gianh nằm lòa xòa trên mặt nước. Minh nhặt những viên gạch nhỏ ném vào đám cành sung. Một đôi lần, những quả sung chín rơi tõm xuống nước. Minh thèm thuồng đứng nhìn không biết làm sao để vớt.
Khi Minh trở lại, đi ngược bờ ao về nhà thì trời xâm xẩm tối. Minh thơ thẩn đi sát rặng bưởi đỏ thấp lè tè, nặng trĩu trái non. Đám cành lá xum xuê bao phủ cả một khu bờ ao dốc. Đang đi bất chợt Minh thấy một bóng người lom khom bên một gốc bưởi già. Ngạc nhiên, Minh tiến lại gần. Một cục đất bị Minh dẫm phải, lăn theo bờ dốc rớt vào làn nước gây tiếng động nhỏ. Bóng người giật mình quay lại nhìn Minh, luống cuống sững sờ như toan tính một điều gì. Minh nhận ra là cô Tính, con ông Chánh Trầm ở đầu ngõ nhà bà Toại. Cô Tính mặc chiếc áo nâu và quần đen, làn da trắng nổi bật nhờ y phục đậm mầu đỏ. Nhưng Minh không thích mặt cô Tính. Cái mũi to, mắt nhỏ và hai bên má loáng thoáng những nốt rỗ.
Cô Tính nhìn Minh, ánh mắt như van lơn. Một chút thôi, rồi trở nên táo bạo, sáng kỳ lạ. Cô mỉm cười với Minh, rồi đưa tay lên môi, suỵt nhẹ. Minh ngạc nhiên, hỏi nhỏ :
- Chị làm gì đó, chị Tính ?
Cô Tính bước vội đến sát cạnh Minh, nắm lấy tay Minh, nói khẽ như thì thầm :
- Đừng nói. Theo chị xuống đây xem… cái này hay lắm.
Minh bước theo cô Tính. Cả hai lom khom lén lút giữa đám lá cây rậm rạp. Cô Tính chợt dừng lại, kéo Minh ngồi xuống cạnh gốc bưởi già, cô ngồi phía sau lưng Minh và ôm nhẹ lấy người Minh. Cả hai nhìn về đám cành lá xum xuê phía trước, cách họ chừng bẩy tám thước. Một cặp trai gái đang ôm cứng nhau. Minh nhìn mãi mới nhận ra người con gái ấy là chị Vân con ông Lý Bản và anh Hoằng con ông Chánh Trầm em cô Tính. Anh Hoằng trẻ, đẹp trai, khỏe mạnh và nghe nói anh đã vào bộ đội từ năm ngoái. Minh ngoái nhìn cô Tính, hỏi nhỏ :
- Anh Hoằng mới về hở chị ?
Cô tính thì thào :
- Ừ, ngồi yên mà xem… hay lắm.
Minh ngồi yên, xem. Chả thấy gì… hay, chỉ thấy kỳ cục. Nhưng Minh nghe cô Tính thở dồn dập và hai tay cô xiết chặt thân thể Minh cơ hồ muốn nghẹt thở. Minh oằn người, gỡ nhẹ tay cô Tính. Cặp trai gái dưới kia vừa âu yếm nhau vừa thủ thỉ. Cho đến lúc chị Vân nói : “Tối rồi anh, em phải về không có bị đòn chết” thì cô Tính đứng vụt lên, kéo tay Minh đi vội vã về phía nhà kho, chứa rơm và gạch, của cụ Tổng. Ở đó vắng vẻ không một bóng người.
Minh ngạc nhiên, kêu lên :
- Ra đây làm gì hở chị ? Tối rồi…
Cô Tính thở mạnh, nhìn trước nhìn sau, rồi bảo :
- Ngoan, chị thương… Ngồi xuống đây chị nói chuyện cho mà nghe.
Minh bị cô Tính kéo ngồi xuống đống rơm. Cô Tính hỏi :
- Minh mấy tuổi rồi ?
- Em tám tuổi.
Cô Tính chợt thở dài :
- Nhỏ quá, em còn nhỏ quá, chắc chị có kể em nghe em cũng chả hiểu gì đâu.
Minh ngạc nhiên, chờ đợi. Cô Tính vuốt ve mái tóc Minh :
- Em biết anh Khải con ông Tổng Khang không nhỉ ?
Minh nhanh nhẩu :
- Biết chứ. Anh ấy hay làm diều cho bọn thằng Hồng, thằng Trị.
- Ừ, anh ấy tốt lắm.
Rồi cô Tính nói, ánh mắt cô mờ đi, nhìn mông lung về phía xa. Minh tưởng cô nói một mình :
- Chị yêu anh ấy, em biết không, chị yêu anh ấy. Nhưng anh ấy không thèm nhìn chị. Chắc tại chị xấu, tại chị đã lỡ thì rồi. Chị buồn lắm, chả ai hỏi cưới chị cả, ở nhà thầy bu cứ rủa là ăn báo cô đến bao giờ mới đi cho khuất. Chị định tự tử mấy lần nhưng lại sợ…
Minh rờn rợn trong lòng và không hiểu cô Tính nói gì. Cô Tính chợt hỏi :
- Chị có xấu lắm không em ?
Minh ngơ ngẩn đáp :
- Em… em không biết.
- Vậy thì xấu thật rồi. Đến em còn không thấy chị đẹp thì người lớn ai thèm ngó ngàng đến nữa.
Cả hai ngồi lặng yên một lúc. Cô Tính chợt hỏi :
- Lúc nãy em xem… anh Hoằng chị Vân… như vậy, có thích không ?
Minh ngơ ngác :
- Thích gì hở chị ?
- Thích… giống như thế ấy.
Minh lắc đầu :
- Em không biết.
- Thích chứ ?
- Em chả biết.
- Minh thích chị không ?
- …
- Chị… ôm em một lúc nhé.
Minh dẫy nẩy :
- Không chịu đâu. Nóng lắm.
Cô Tính cười hì hì :
- Nóng gì mà nóng. Em ghét chị à ?
- Không.
- Thì cho chị ôm em một lúc ! Cũng như các anh các chị bế em vậy mà.
Không cần nghe Minh trả lời, cô Tính ôm choàng lấy Minh. Minh chẳng biết phản ứng ra sao, chỉ tìm cách gỡ tay cô Tính. Hai mắt cô Tính nhắm lại, cô xiết chặt Minh trong lòng và rên rỉ gọi :
- Anh Khải ơi, anh Khải…
Cô Tính hôn chùn chụt lên má, lên trán Minh. Bất ngờ, cô Tính nằm lăn ra đống rơm, kéo Minh ngả lên người cô. Minh muốn nghẹt thở, vùng vẫy lung tung. Nhưng cô Tính lúc đó như mê như dại, hai cánh tay to lớn quấn chặt lấy đầu và lưng Minh. Minh thoang thoảng thấy mùi mồ hôi từ ngực cô Tính phả vào mũi. Minh càng sợ hãi, vùng vẫy mạnh. Cô Tính chợt nới vòng tay thở dài buông Minh ra, ngồi dậy. Minh tròn mắt nhìn cô Tính, lúc bấy giờ hai vạt áo mở rộng. Cô thẹn thùng cài lại cúc áo, nói lí nhí :
- Chị xin lỗi nhé. Đi, chị dắt em về.
Minh bước như kẻ mất hồn, mặc cô Tính nắm tay dắt đi. Về tới cầu ao, gần ngõ nhà Minh, cô Tính chợt cúi xuống nói vào tai Minh :
- Những chuyện từ chiều tới giờ Minh không được kể cho ai nghe nhé.
Minh gật đầu. Cô Tính hăm dọa :
- Minh mà kể, chị… cắn đứt tay Minh. Răng chị sắc lắm.
Minh sợ hãi nhìn cô Tính bỏ đi.
TIẾNG NGƯỜI LAO XAO LÀM MINH GIẬT MÌNH tỉnh giấc. Những nghĩ ngợi lan man về quá khứ làm Minh mệt mỏi, đã ngủ thiếp đi tự lúc nào. Minh không nghe tiếng máy tầu rầm rầm của lúc hải hành, liền nhổm dậy. Tầu đã neo lại ở một ngã ba sông, có lẽ gần biên giới. Minh không ngạc nhiên vì đã biết trước lệnh ngừng tầu ở đây để chờ những tầu bạn về đầy đủ trước khi vượt biên giới vào đất Việt.
Minh ngó đồng hồ. Đã hơn năm giờ sáng. Vậy là Minh đã ngủ được mấy tiếng đồng hồ. Minh vuốt nhẹ hai bên túi áo khoác ngoài tìm chỗ cất gói thuốc. Chiếc áo ướt đẫm sương đêm.
Điếu thuốc đầu tiên buổi sáng, hút lúc trời lạnh, ngon thật ngon. Minh bước cạnh thang sắt, ngó xuống khoang tầu. Mọi người lục tục thức dậy, ngồi ngơ ngẩn ngó quanh. Một số thanh niên tò mò leo lên các ụ súng, ngó ra hai bên bờ, lao xao bàn tán.
Minh tuột thang xuống, về phòng ngủ lấy khăn mặt và bàn chải răng. Nước mát làm mắt Minh bớt cay xè. Lúc trở vào phòng ngủ Minh thấy Toàn đang loay hoay đun nước pha mì gói. Minh bảo :
- Nấu nhiều nước sôi cho tao “quá giang” với. Bữa nay mệt, cần uống chút cà phê.
Toàn bĩu môi :
- Cà phê bột của Mẽo chua như nước đái khỉ.
Minh cười xỏ lá :
- Mày uống nước đái khỉ khi nào vậy ?
Toàn lầu bầu :
- Sư mày, đó là ông ví von thế chứ.
Điểm tâm xong Minh mặc quần áo, lên khoang tầu. Thấy Minh đi ngang, mọi người xúm lại, người xin nước sôi, người xin bánh mì. Minh lắc đầu cười :
- Xin bà con chờ một lát. Nhà bếp đang nấu nước sôi và cháo đậu xanh.
Chừng nửa tiếng nữa sẽ có nhân viên của tầu đem tặng đồng bào.
Minh đi dọc theo hai bên hông tầu, hỏi han từng gia đình. Miệng Minh nói như máy. Ai có thân nhân đau được chỉ đến phòng y tá, ai cần nước rửa mặt được chỉ đến tận nơi. Vừa làm công việc đó Minh vừa cảm thấy thú vị nho nhỏ vì kết quả thiết thực của nó.
Minh ngồi vào một góc chiếu hỏi thăm cụ già đang loay hoay bó lại bọc quần áo. Cụ già vui vẻ trả lời, rồi kể lể về tình cảnh bi đát của mình và gia đình trong thời gian xẩy ra nạn Cáp Duồn ở đất Miên. Những người khác cũng xúm lại, mỗi người một lời, than thở về những xấu số của mình. Minh nghe và an ủi từng người. Chiến tranh mở đầu cho thù hận và tan nát, ở đâu chả thế, bao giờ chẳng vậy ?
Minh ngồi nghe một lúc lâu rồi lên thăm ba mẹ con người đàn bà tối qua. Đứa lớn còn ngủ, nằm co quắp vì lạnh. Đứa con nhỏ đang bú, bàn tay nhỏ xinh xắn vỗ nhẹ nhè trên chiếc vú no tròn của Mẹ, thật dễ thương. Thấy Minh đến người Mẹ lúng túng kéo vạt áo che bớt ngực, nhoẻn miệng cười, Minh hỏi :
- Chị ngủ được chứ ?
- Dạ, cám ơn chú.
- Chắc lạnh hả chị ?
- Dạ.
- Còn ảnh đâu rồi ?
Người đàn bà chợt buồn :
- Chồng tôi bị giết rồi chú à. Còn mình tôi với đứa em gái và hai đứa nhỏ này trốn thoát vào nhà thờ, rồi được các dì phước đưa về trại Providence.
Minh ngạc nhiên :
- Ủa, thế em gái chị đâu ?
- Dạ, nó ở với gia đình người quen dưới kia. Hôm qua nó bị nhức đầu, tôi cho đi theo họ lên trước đặng kiếm chỗ nằm tốt, sau nhờ chú dắt lại đây thấy chỗ tốt hơn nên tôi ở đây luôn.
Minh ngồi tựa lưng vào chiếc cột, vuốt nhè nhè mái tóc đứa con đầu của thiếu phụ. Đứa bé cựa mình, miệng hơi dẩu ra như làm nũng. Người đàn bà nhìn hành động ấy của Minh, bỗng cúi mặt xuống buồn buồn.
Minh vô tình khơi lại chuyện buồn của người thiếu phụ :
- Tại sao anh ấy bị giết hả chị ?
Người đàn bà đáp, giọng tràn đầy xúc động :
- Vợ chồng tôi làm nghề thợ may ở Kompong Cham. Khi xẩy ra vụ Cáp Duồn chồng tôi bị bắt ngày đầu tiên. Lính kín biểu chồng tôi lo tám chục ngàn Riel thì tha về. Tôi chạy ngược chạy xuôi được bẩy chục, năn nỉ mãi bọn y mới nhận và thả chồng tôi về. Nhưng tới tối, bọn y tới nhà bắt chồng tôi ra trước sân chém nát mình chết luôn.
Người thiếu phụ nức nở khóc, Minh ngồi lặng một chút mới hỏi :
- Thế lúc đó chị và em, cháu ở đâu mà không bị bắt ?
- Con em tôi và hai đứa nhỏ tôi gởi bên nhà thờ khi đi chạy vay tiền. Còn lúc bọn y trở lại, tôi đi thăm con.
- Chị trở về lúc anh ấy bị bắt ra sân à ?
- Không. Tôi về tới đầu hẻm, mấy người Miên quen thương tình ra cho biết và biểu trốn đi. Tôi sợ quá chạy luôn đến nhà thờ.
Minh thở dài, nhắm mắt lại, không muốn nhìn hình ảnh người đàn bà khóc chồng ấy. Cảnh giết chóc vì hận thù hay vì chiến tranh phi lý thì Minh đã từng chứng kiến bao lần, ngay từ thủa còn thơ ấu.
CHIẾN TRANH CÓ TỪ LÂU, nhưng chỉ thực sự đem tang tóc đến từ đêm quan Pháp bắn đại bác vào làng. Một vài nhà bị sập, vài gia đình có người chết. Cả làng nhốn nháo hoảng sợ. Không khí an vui chợt biến mất, nét âu lo hiện rõ trên nét mặt mọi người. Rồi, lần đầu tiên quân Pháp kéo về làng. Mọi người khủng khiếp.
Một buổi sáng, không biết ai là kẻ đầu tiên trông thấy quân Pháp kéo về. Tin “Tây càn” (càn quét) làm mọi người nhốn nháo. Một vài người đưa ý kiến tập trung vào một chỗ để nương tựa nhau. Thế là tự động có những người khỏe mạnh chạy đi từng nhà báo động và dặn tập trung tại sân nhà ông Chánh Trầm. Đàn bà trẻ con vừa chạy vừa khóc như ri. Tuy chưa gặp Tây nhưng lời đồn về chúng ai cũng biết. Giết người như ngóe, cướp của và hãm hiếp có tiếng. Các cô con gái mười ba mười bốn trở lên, các bà còn trẻ lo sợ mặt xám ngoẹt, lấy bùn đất bôi lên mặt, mặc quần áo dơ bẩn rách rưới vào mình và núp sau lưng các ông già bà cả. Mọi người ngồi im thin thít. Trong sân chứa hàng trăm người mà không một tiếng động lớn. Mỗi phút qua lâu cơ hồ thời gian ngừng hẳn lại.
Rồi tiếng súng lác đác nổ, tiếng máy xe rú lên, tiếng người xì xồ vang lên đâu đó. Mọi người sợ run bắn lên. Và bất ngờ từ ngõ vào sân, những người cao lớn mũi lõ mắt xanh hiện ra. Cái hình ảnh khủng khiếp mà thường ngày trẻ con thường nghêu ngao hát chơi :
“Tây lai ăn khoai cả vỏ, ăn chó cả lông, ăn hồng cả hột”.
Bây giờ hiện thành sự thật, không phải Tây lai mà là Tây thực thụ. Bọn lính Tây ào ào kéo vào sân, súng ống lăm lăm chĩa vào đám người đang rúc vào nhau sợ thất thần. Chúng xì xồ với nhau, không ai hiểu gì nhưng cứ nhìn cặp mắt trắng dã của bọn da đen gạch mặt hay xanh biếc của bọn da trắng cũng biết chúng đang mưu tính chuyện chẳng lành.
Bỗng nhiên bọn tây đen cười hô hố, len lỏi vào giữa đám người, báng súng đập lên đầu lên lưng những thanh niên khỏe mạnh và kéo họ ra một góc sân. Những người tập trung rú lên sợ hãi, vái lạy xì xụp, nhưng đàn ông vẫn bị lôi ra tập trung riêng một chỗ, và đàn bà bị bọn gạch mặt nắm tay lôi đi như con nhái. Minh sợ xám xanh cả mặt. Thầy ngồi lặng yên bên vách nhà, chị Ánh ôm chặt lấy tay Thầy nhìn những người lớn đang bị hành hạ. Các cô gái, các bà vợ trẻ gào lên lạc giọng:
- Ma lách, ối ông Tây ơi, tôi ma lách ! (Malade : ốm, bệnh)
Mặc, bọn Tây đen Tây trắng vẫn cười hề hề kéo họ đi. Minh chợt nhìn thấy cô Tính bị một tên Tây trắng lôi xềnh xệch. Cô Tính gào thét, vùng vẫy dữ dội. Tên lính Tây bế bổng cô Tính lên cùng những tên khác đi vào các căn nhà cạnh đó, giờ đã bỏ không. Tiếng khóc, tiếng gào la vang dội. Các ông bà già cay đắng nhìn theo những đứa con trai bị đánh, con gái bị lôi đi hãm hiếp.
Đám thanh niên bị trói thành từng nhóm. Một vài tên lính Tây dắt họ đi. Một lát, họ trở lại trên người đeo đầy chim bồ câu, gà vịt, ngan ngỗng chết. Bọn lính Pháp bắt họ đi bắt gia súc nuôi ở các nhà trong làng. Minh thầm nghĩ đàn bồ câu gần trăm con nhà chú Giáo và mấy chục con gà lớn nhỏ nhà Minh chắc đã bị giết hết.
Buổi trưa. Đám phụ nữ bị kéo đi đã được thả về, người rũ rượi. Có cô phải khiêng. Bọn Tây bắt đám thanh niên làm đầu bếp, làm thịt đống gia súc. Cánh, đầu, cổ, chân và bộ lòng được nấu riêng cho dân làng, còn phần mình chúng ăn cả. Mọi người vừa đói, vừa sợ nhưng không ai dám ăn một chút, cứ chúi vào nhau.
Sau bữa ăn, bọn lính Tây mở những hộp đồ hộp ra lấy kẹo, bánh và thuốc. Chúng nhìn đám dân làng bằng cặp mắt dọa nạt.
Bỗng có tiếng la lớn, và bọn Tây nhốn nháo hẳn lên. Một lúc, chúng dắt từ mé sông – bên hông nhà ông Chánh Trầm – lên bốn thanh niên quần áo ướt như chuột. Bốn người này nhân lúc rửa chén bát đã nhẩy xuống nước, toan lặn trốn đi. Lính tây lái ca nô rượt theo bắt lại hết.
Tên Sĩ Quan chỉ huy quát lên, giọng lơ lớ :
- Việt Minh, Việt Minh !
Cả bốn người run rẩy, xua tay lia lịa :
- Nông, nông. Không phải Việt Minh.
Tên Sĩ Quan quay qua nói xí xô với mấy tên lính đứng cạnh. Bọn này bắt đám thanh niên đi lấy hai cái hòm (rương) đựng đầy đá rồi bắt bốn người chia hai toán khiêng lên vai. Sau đó tên Sĩ Quan ra lệnh bọn lính Pháp đứng rải rác chung quanh sân, và bắt bốn người kia khiêng hòm đá chạy quanh. Mỗi tên lính Pháp cầm một khúc cây, khi họ chạy ngang, chúng dơ khúc cây thẳng cánh phang vào đầu, vào vai hai người khiêng. Bốn người dần dần loạng choạng, chân chạy chậm dần. Máu từ đầu chảy xối xả, ướt đẫm cả mặt và quần áo họ. Một lúc, hai người ngã quỵ, lăn ra bất tỉnh. Rồi hai người còn lại cũng ngã xuống ở góc sân đằng kia. Bọn lính Pháp ào tới đánh đập, đấm đá tơi bời. Bốn người lăn lộn dưới trận mưa đòn. Minh ôm chặt lấy Thầy, sợ hãi nhìn cảnh tượng dã man đó.
Tên Sĩ Quan ra lệnh dọn dẹp hai hòm đá và khiêng bốn người bị thương đi. Bọn “Việt Gian Thông Ngôn” được lệnh dò hỏi mọi người về nơi ẩn núp của Việt Minh, nhưng ai cũng lắc đầu trả lời không biết.
Trời đã về chiều. Mọi người đang lo sợ không biết mọi chuyện sẽ ra sao thì bất ngờ bọn lính tây sửa soạn rút. Chúng bắn chỉ thiên loạn xạ, rồi kéo nhau đi, dắt theo đám tù binh. Chờ đến khi biết chắc chúng đã đi xa, mọi người mới dám giải tán về nhà, vừa đi vừa sụt sịt khóc.
Về tới nhà, Thầy và Minh đứng nhìn cảnh tượng tan hoang của ngôi nhà. Chị Ánh vừa khóc vừa thu dọn đồ đạc. Minh tiếc nhất chuồng gà, không còn một con gà mẹ, không còn một quả trứng con. Đám gà con kêu chít chiu dưới gầm chuồng. Trong nhà các tủ kính bị đập vỡ toang, tủ gỗ bị bắn nát ổ khóa. Những tư trang, quần áo quý bị lấy mất hết. Thầy thở dài, bỏ vào buồng nằm.
Từ đó, cứ độ mấy tuần, Tây lại về làng càn quét một lần để tìm Việt Minh.
Từ đó, thanh niên trong làng bỏ quê nhà theo bộ đội vào chiến khu.
Vài cũng từ đó, nhiều phụ nữ trong làng sinh ra một đàn con Tây lai. Cô Tính cũng sinh một bé con Tây trắng. Có người bỏ làng đi biệt tích, có người can đảm nuôi con, có người dấu diếm đem bỏ đâu đó.
MINH THỞ DÀI. Người thiếu phụ tưởng Minh buồn chuyện của mình, lau nước mắt :
- Cực khổ lắm chú ơi. Bọn nó giết hàng ngàn người vậy đó. Bên Kompong Cham còn nhiều người bị kẹt trong vùng đánh nhau, chưa ra được. Còn ở Nam Vang, dân Việt ở Nhà Bè và bên Xóm Biển cũng bị đem đi thủ tiêu biết bao nhiêu. Cũng tại mấy “ông ấy” báo hại không à. Chớ người Miên cũng có người tốt lắm, giúp đỡ người Việt mình rất nhiều.
Minh lại an ủi người đàn bà thêm mấy câu. Thiếu phụ chợt chỉ tay về phía cầu thang, nói với Minh :
- Con nhỏ em tôi kia rồi !
Minh quay lại. Một cô gái khoảng mười bẩy, mười tám tuổi đang leo lên, cười với chị và cúi đầu chào Minh.
Người đàn bà nói :
- Nó tên Ngọc Mai.
Minh cười :
- Chào cô Mai.
Ngọc Mai đáp :
- Dạ, thưa Chú.
Minh phản đối :
- Sao lại kêu bằng chú. Anh chớ ?
Thiếu phụ cười :
- Bên này chúng tôi thường kêu ai lớn cũng bằng chú hết.
Minh giải thích :
- Người miền Bắc chúng tôi chỉ kêu chú khi nào là em ba, hoặc là em của mình.
Người đàn bà đề nghị :
- Vậy thì Ngọc Mai kêu bằng anh cho chú vui lòng nghe em.
Ngọc Mai dạ một tiếng thật ngoan.
Minh bảo :
- Chị kêu chú thì được. Chú em đó.
Ba người nói chuyện vui vẻ và thân mật rất nhanh. Mai kể là đang học troisième trường bà Phước Providence ở Nam Vang thì bỏ học về ở với anh chị ở Kompong Cham. Được mấy tháng xẩy ra vụ này.
Minh hỏi :
- Nếu vậy em nói tiếng Pháp giỏi lắm nhỉ Mai ?
Ngọc Mai trả lời một cách hồn nhiên :
- Dạ, cũng được được thôi anh à. Ở bên này Pháp văn là sinh ngữ chánh. Em còn nói được tiếng Miên, tiếng Tầu.
- Giỏi quá. Vậy là Mai nói được bốn thứ tiếng Pháp, Việt, Miên, Tầu đấy.
Ngọc Mai lém lỉnh :
- Tiếng Anh nữa chớ. Em có học ít lâu, nói được chút chút. Như Good Morning. How are you…
Ba người cùng cười.
Minh đề nghị :
- Vậy Mai dậy anh tiếng Miên nhé.
- Để chi vậy anh ?
- Thì để khi trở lại Nam Vang tán các cô Miên chơi.
- Gái Miên ít cô đẹp lắm anh. Các cô Việt, Tầu hay Miên lai các dân khác mới đẹp.
Minh gật đầu :
- Đúng. Anh chưa gặp cô Miên nào đẹp xuất sắc cả. Nhưng các cô Việt thì gặp nhiều, như Mai chẳng hạn.
Ngọc Mai đỏ mặt, e thẹn :
- Ớ, em mà đẹp !
Minh thành thật :
- Mai đẹp lắm là khác.
Ngọc Mai cười, quay đi. Một lát, Mai hỏi :
- Anh muốn học tiếng Miên thiệt hả ?
- Ừ. Nhưng để anh đặt ra từng câu tiếng Việt, rồi em nói câu tiếng Miên cho anh nghe. Học vậy chóng thuộc và chỉ học những câu cần thiết thôi.
- Dạ.
Minh nói :
- Chào cô.
- Chùm riêc xưa.
- Cô tên gì ?
- Niêng ai, s-mua ây.
- Cô bao nhiêu tuổi ?
- Niêng ai, à du pà man ?
- Tôi muốn kết bạn với cô.
- Khnhum choongthơ mưt chòm muôi niêng ai.
Minh chăm chú nghe và nhắc lại từng câu một cách khó nhọc. Hai chị em Mai cười rúc rích. Cứ thế, Minh nhờ Mai chỉ cho các câu muốn biết. Khi Minh từ biệt hai chị em vì tới giờ cơm Minh đã học được gần một trăm câu. Minh đứng lên, nhìn gương mặt tươi thắm của cô gái chợt thấy lòng xao động.
Minh nói thầm :
- Nếu anh nói với em những câu em vừa chỉ, em sẽ trả lời sao đây.
Minh đi một vòng khắp khoang tầu để hỏi xem có ai cần nhờ vả gì thêm. Minh nhận thấy một điều, ai cũng hỏi “về bên mình dễ sống không ông?”. Dễ sống thì chắc chắn là không rồi, so với Cao Miên. Bên mình chiến tranh tự bao năm, đời sống vất vả, ai nấy phải cực nhọc mới đủ ăn. Nhưng Minh không thể trả lời mọi người như vậy, mà phải nói quanh :
- Cũng không cực nhọc gì mấy, cô bác à.
Có người tỏ vẻ âu lo, có người cương quyết nói thà về bên nhà cực khổ còn hơn ở đây chết oan chết ức không biết lúc nào. Những than thở của mọi người, những đau khổ của họ mà Minh đã nghe làm Minh thấy mệt mỏi. Đó là những đau thương mà Minh sợ hãi phải thấy, phải nghe. Vì Minh đã từng chìm đắm trong những thứ đau thương như thế.
Bữa cơm trưa qua đi vội vàng. Mọi người ăn thật nhanh để tiếp tục đi giúp đỡ dân chúng. Minh lên khoang tầu chỉ dẫn mọi người cách dùng thuốc trên các bao do y tá cấp, dậy trẻ em hát những bài hát cộng đồng và lấy nước uống cho các gia đình.
Quá trưa, trời nóng hừng hực vì tầu neo một chỗ. Mọi người quạt phành phạch. Minh leo lên chỗ hai chị em Mai.
Chị Hai, chị của Mai, đang ru con ngủ, Mai ngồi nhìn vơ vẩn ra sông. Thấy Minh lên, Mai lộ vẻ mừng rỡ trên nét mặt. Mai nói nhỏ :
- Em trông anh ghê.
Minh thấy thoáng xúc động :
- Có chuyện gì đó Mai ?
- Ngồi buồn muốn chết à. Trông anh lên nói chuyện cho vui.
Minh cười :
- Anh phải làm việc chứ ?
- Có, em có thấy. Nhưng mà… anh làm việc lâu quá à.
Minh nghe như có âm thanh nũng nịu trong câu nói đó. Tự dưng Minh thấy gần gũi với Ngọc Mai nhiều hơn. Minh thân mật nắm tay Mai dắt ra sát dây cáp an-toàn. Hai người đứng ngó về hướng biên giới. Minh vung tay chỉ :
- Phía đó là Việt-Nam mình đó em. Ngày đầu tiên tầu lên Nam Vang anh gặp một xác người trôi gần khúc này, về hướng đó.
Giọng Mai chợt buồn :
- Đối với em, biến cố vừa qua thật là khủng khiếp. Em không trông thấy , nhưng em đã nghe bao nhiêu gia đình trong trại tập trung gặp nạn, thật thương tâm. Có gia đình bị giết hết chỉ thoát một người con gái nhỏ. Chị ấy ở một mình trong trại, đi xin ăn mọi nhà.
Minh nghe như Mai muốn khóc. Minh hỏi :
- Em ghét người Miên không ?
- Em… em không biết nữa. Bọn bạn học trong trường, những người hàng xóm nhà em thảy đều rất tốt. Nhờ họ mà hai chị em và hai cháu nhỏ thoát chết. Em nên oán hận họ không ? Em có thù ghét họ không ? Nhiều lúc ngồi nghĩ lại, em không biết mình nghĩ sao nữa. Có lẽ em thù hận những kẻ hung ác giết người vô tội, nhưng em không thù hận tất cả người Miên. Sau này, những gia đình Miên có con đi lính bị mấy ông Việt Cộng giết chết trong các trận đánh, em lại thấy thương họ. Em nghĩ không phải bất cứ ai muốn giết người , nhiều khi chỉ vì bị bắt buộc. Ở đây dân Miên bị mấy người làm lớn trong chính quyền thúc đẩy giết dân Việt, họ bảo người Việt toàn là Việt Cộng. Và vì mang tội là Việt Cộng nên mới có vụ Cáp Duồn khủng khiếp này.
Minh gật đầu công nhận :
- Có thù hận là có chiến tranh em ạ. Người ta khơi dậy trong lòng kẻ khác những thù hận mơ hồ rồi thúc đẩy họ vào đường làm ác. Sự thực, bản tâm của mỗi người, ai cũng thương kẻ khác và muốn sống yên ổn, hòa bình.
Ngọc Mai chợt hỏi :
- Bao giờ tầu chạy hả anh ?
Minh chỉ tay vào chiếc tầu đậu gần đó :
- Chiếc tầu kia là trưởng đoàn. Khi nào ông Tư Lệnh Hạm Đội trên tầu đó cho lệnh thì tầu mới chạy. Nghe nói bốn giờ chiều nay mới nhổ neo, vì còn chờ đón thêm những đồng bào bị kẹt ở Biển Hồ mấy bữa rồi.
- Em mong chóng về tới nơi. Ở đây lúc nào em cũng nghĩ tới những bất trắc có thể xẩy tới. Em không muốn nhìn thấy bóng dáng những người lính Miên nữa.
Minh cười :
- Em thù ghét họ đó thôi.
- Không hẳn thế. Nhưng họ nhắc nhở mọi người nhớ đến những chết chóc vừa qua. Họ đang là kẻ thắng – đối với dân Việt ở đây thôi – nên có vẻ đáng ghét. Nếu họ bị bắt, bị giết, và em nhìn thấy, chắc em cũng tội thương cho họ.
- Anh kể Mai nghe câu chuyện này. Đây là chuyện thật trong đời anh, lúc còn thơ ấu. Ngày đó chiến tranh đã có tự lâu rồi, giữa những người thanh niên chống Pháp – với giặc Pháp xâm lăng. Dân làng anh bị giết cũng nhiều, nhắc tới quân Pháp anh cũng thấy thù hận. Như em bây giờ. Nhất là mỗi lần có đàn ông trong làng bị bắt đi mất tích. Nhưng bộ đội lúc đó, cũng bắt được quân Pháp, và đôi lần đem “triển lãm” chúng tại làng cho dân tới coi…
HÔM ĐÓ CẢ LÀNG NHỐN NHÁO về tin Bộ Đội bắt được hai chục thằng Tây, đem triển lãm ở đình Trung. Lâu nay Tây ít về càn, có lẽ vì bộ đội khá mạnh và đồn Tây gần làng bị tấn công luôn nên chúng không dám đi càn quét xa. Nghe tin bắt được Tây, cả làng kéo đi… xem mặt. Minh và thằng Hồng, thằng Trị dắt nhau chạy một hơi tới đình.
Trong đình đông nghẹt người. Mấy anh cán bộ đang ba hoa kể lại thành tích cho dân nghe và giới thiệu các chiến lợi phẩm. Ở góc đình, hai chục tên lính Tây ngồi lố nhố. Minh kéo hai thằng cháu len về phía đó.
Bọn lính Tây bị bắt, mặt mũi bơ phờ, quần áo tả tơi. Tên nào cũng râu ria xồm xoàm và tóc rối bù. Minh len đến cạnh tên lính Tây ngồi gần cửa. Hắn ngồi bệt xuống sàn nhà, đầu gục trên đầu gối. Hai cánh tay dài ôm chặt lấy hai chân. Bên cạnh chân hắn gói thuốc lá Job đã hút hết, bị bóc toang ra nằm lăn lóc.
Ba đứa ngắm nghía “kẻ thù của dân tộc”. Giọng anh cán bộ oang oang ra điều đắc chí. Thằng Trị chơi tinh, nhặt tờ giấy bao thuốc lá dưới đất đặt lên cánh tay tên lính Tây. Hắn ngẩng đầu lên, nhìn ba đứa, Minh chợt rùng mình. Hắn nhìn Minh thật lâu, hai giòng lệ lăn dài trên má. Lúc đó Minh không hiểu tại sao. Sau kể thầy nghe, thầy bảo chắc hắn nhìn Minh, nhớ nhà, nhớ vợ nhớ con. Minh thấy tội nghiệp hắn.
Suốt buổi trưa mọi người vây quanh bọn lính Tây. Đến chiều, lúc trời đã nhập nhoạng tối bọn lính Tây bị giải đi. Tay trái chúng bị trói vào một sợi thừng dài do một cán bộ dắt. Tên nọ đi cách tên kia chừng một thước. Minh và Hồng, Trị chạy theo đoàn người lên tận trên đê, vượt qua thật xa rồi đứng chờ họ đi tới. Cảnh tượng lúc ấy còn in sâu trong ký ức Minh mãi. Con đê nhỏ, gồ ghề và ngoằn ngoèo. Một bên là sông, một bên là ruộng lúa đã qua mùa gặt. Gió sông lồng lộng thổi. Minh đứng nhìn lên bọn tù binh cao gấp ba lần Minh, đi thất thểu trong bóng tối nhập nhoạng, những dáng người cao lênh khênh cắt nét lên nền trời ảm đạm. Một tên đi dép, bị văng một chiếc ra xa, cố gắng khoèo chân móc lại nhưng bị đoàn người lôi kéo đành bỏ mất. Minh bỗng làm một việc ngoài suy nghĩ : nhặt chiếc dép ném sát vào chân hắn. Tên lính Tây xỏ vội chân vào, ngoái cổ gật đầu ra vẻ cảm ơn Minh.
Minh đứng nhìn theo bọn tù binh, đi thất thểu và câm nín trên con đê hẹp, xa dần. Trong lòng Minh tự nhiên tràn đầy sự tội nghiệp, thương hại cho những kẻ thất thế sa cơ.
Trên đường về Minh cũng đã tự hỏi : tại sao Minh không ghét những thằng Tây bị bắt đó ? Rồi Minh lại nghĩ : chúng nó chắc đang đau khổ, lo sợ lắm. Bấy nhiêu đó cũng đủ làm lòng Minh nhẹ lại…
- VÀ EM NÊN NHỚ ĐIỀU NÀY : thù hận hay oán ghét không phải chỉ nẩy nở phát sinh tự lòng mình đối với những kẻ thù nghịch, những kẻ mà ta không hề quen biết hay mới biết. Mà thù hận còn phát xuất từ lòng ta đối với cả những kẻ mà ta yêu thương, quý mến nhất, nếu những kẻ đó đột nhiên tạo cho ta một thất vọng lớn lao.
Ngọc Mai nhíu mày :
- Em không hiểu ý anh lắm. Học trường Sơ chương trình Pháp, từ nhỏ tới lớn nên em không có tâm hồn Đông phương phong phú như con gái Sàigòn. Tuy nhiên em đã cố gắng tìm hiểu, học hỏi rất nhiều. Anh biết không, em đã ước mơ trở về Việt Nam từ lâu nhưng không bao giờ có dịp. Từ khi Ba em chết đi, không ai nghĩ rằng sẽ về Sàigòn nữa. Lo sinh kế và học hành ở đây cũng đủ bận rộn lắm rồi. Nếu không xảy ra vụ này, chắc em không có dịp được về nhìn quê Mẹ, và mãi mãi chỉ là ước mơ…
Minh chợt buột miệng :
- Như ước mơ một bông hoa…
Ngọc Mai lộ vẻ ngạc nhiên :
- Anh nói sao ?
Minh cười :
- Anh cũng ôm ấp một sự ước ao tương tự. Bao nhiêu năm xa miền Bắc, xa Hà Nội, xa quê cha, anh ao ước được trở về nhìn lại quê cũ một lần. Niềm ao ước ấy anh thấy đẹp đẽ như một bông hoa.
- Ý nghĩ ví von của anh thật ngộ.
- Không lạ đâu. Vườn ở quê anh có trồng nhiều loại cây ăn trái. Trong số đó có một cây tên là cây Mơ, hoa rất đẹp và xinh xắn, dễ thương.
- Anh thích hoa gì nhất ?
- Không biết nữa. Hoa nào đẹp anh cũng yêu. Hoa bưởi, hoa mơ, hoa đào, hoa mận… nhiều lắm.
- Nhưng hiện tại ở miền Nam, anh yêu hoa gì nhất ?
Minh mỉm cười tinh quái :
- Hoa Mai.
Ngọc Mai đỏ mặt, tủm tỉm cười nhìn Minh và nguýt dài một cái. Tự dưng cả hai cùng thấy ngượng ngập, và Ngọc Mai cảm thấy thương mến người thủy thủ duyên dáng này.
Mai đứng vịn vào dây an toàn nhìn về xa. Minh đến cạnh, Mai thấy vai Minh chạm nhẹ vào vai mình, Minh chợt hỏi :
- Mai có… bồ chưa ?
- Chưa anh.
- Nghĩa là vẫn ca bài… em chưa hề yêu ai ?
Mai nhíu mày :
- Có một lần em thương một anh làm nhà Băng. Nhưng sau anh ấy bỏ đi theo Việt Cộng, ba em cấm em không cho chơi với anh ấy nữa.
- Bây giờ y đâu ?
Minh bật cười thấy mình bị lây cách dùng chữ của người Việt trên đất Miên.
- Y đã biệt tích từ lâu. Y không muốn lấy em, chỉ tính dụ em đi theo y vào rừng ở với Việt Cộng không à.
- Sao em không theo ?
- Tại ba em làm ăn với nhiều giới, sợ em theo họ làm chính trị sẽ nguy hại cho ba, nên ba cấm.
- Nếu ba không cấm, hoặc sau khi ba chết mà có dịp chắc em theo họ ?
Mai lắc đầu :
- Không có đâu. Em thù ghét họ từ khi ba em chết, dù trước đó có cảm tình nhiều.
- Sao vậy ?
- Họ kêu gọi ba ủng hộ tiền bạc, rồi còn bắt ba vô ban kinh tài gì đó. Ba không chịu, họ liền bỏ thư rơi, nói ba là gián điệp của Miền Nam. Ba bị chết trong ngục Prey Xor sau khi bị bắt được bốn tháng. Má uống dầu nóng chết theo lúc hay tin ấy.
Minh thở dài :
- Đó, câu nói của anh hồi nãy nhằm vào những chuyện như em vừa kể. Việt Cộng ở đây là nhóm người được nhiều dân mình tại Căm Bốt có cảm tình. Chính em cũng thích họ nữa, vì có người con trai em yêu trong hàng ngũ họ. Rồi chính những người đó tạo cho em một thất vọng lớn lao nên em đã ghét họ. Sau vụ Cáp Duồn này, anh tin họ sẽ chẳng còn quyến rũ được ai. Nếu biết rõ về họ sớm hẳn ai cũng muốn xa lánh. Sự thật, Việt Cộng đã bị chán ghét ngay từ hồi còn tên Việt Minh, sau khi những người yêu nước chống Pháp bị triệt hạ, và những kẻ cầm đầu ngả hẳn theo chủ nghĩa Cộng Sản.
HỒI ĐÓ, VIỆT MINH LÀ CỤC NAM CHÂM thu hút thanh niên yêu nước. Thanh niên bỏ làng vào chiến khu gần hết, chỉ còn lại ông già bà cả và trẻ con thơ dại. Lâu lâu nghe tin con cái mình trong vùng kháng chiến gửi về, các ông bố bà mẹ vừa lo âu vừa hãnh diện. Thế lực của Việt Minh khá mạnh trong làng nên quân Pháp ít về càn quét nhưng pháo kích luôn. Làng xóm tiêu điều từ dạo ấy. Nhà cửa đổ nát, vườn tược ruộng nương chẳng còn mấy ai canh tác, đầy hoang lạnh. Chiến tranh thực sự có mặt thường xuyên ở làng Minh. Chẳng đêm nào là không có đại bác câu về làng. Sáng ra đã thấy vài ba người chết. Mọi người trông đợi quân Việt Minh thắng trận, dù rằng chiến dịch đóng thuế cho bộ đội kéo dài và nặng nề hơn sưu thế ngày xưa. Ai cũng có gắng chạy chọt để có đủ tiền nộp gạo nộp thuế cho cán bộ, vào mỗi đêm cuối tháng. Nhưng bộ đội không còn thu hút được dân, kể từ hôm bộ đội về làng buổi tối rồi rút đi vào tờ mờ sáng. Ngay sau đó quân Pháp pháo kích như mưa, vào buổi chiều kéo về càn quét. Một nguồn tin tung ra, nói rằng bộ đội cố tình kéo về làng cho Tây bắn và kéo đến càn để lập mưu dụ địch ra khỏi đồn đánh úp. Tây kéo ra thật nhưng bộ đội đánh úp không nổi, dù đã lập kế như vậy nhiều lần. Rốt cuộc quân Pháp cho rằng làng Minh toàn Việt Minh, kéo về càn quét thẳng tay. Những vụ giết cả xóm ở chân núi Sậu, đốt cháy bao nhiêu nhà cửa, bắt đi bao nhiêu người trong làng làm cho dân chúng kinh hồn táng đởm và quay ra chán ghét bộ đội.
Và Minh, vốn từ trước tới giờ yêu mến các anh Bộ Đội, cũng đã phải sợ hãi, thù ghét họ kể từ hôm anh Từ bị bắt.
Anh Từ là anh họ Minh, nhà ở sau vách nhà Minh. Nhà anh khá rộng và có một cái sân phơi thóc thật lớn. Bọn hàng sáo (buôn lúa) cứ đến vụ gặt là kéo đến đầy sân nhà anh để buôn thóc.
Hôm ấy Tây về càn. Mọi người tập trung ở gần nhà anh Từ. Nhờ nhiều lần tập trung trước, và với số vốn Pháp văn bập bẹ học từ lúc Thầy nuôi anh ăn học, anh Từ đã đấu tiếng Tây bồi với bọn Tây càn. Anh Từ tuy là anh họ, nhưng hơn Minh đến gần bốn chục tuổi, nên anh già như ông cụ. Nhờ anh Từ, lần Tây càn đó không có ai bị bắt, trừ vài cô trong làng bị hiếp.
Khi Tây rút đi, một đêm sau anh Từ bị mất tích. Rồi có tin anh bị Bộ Đội giam ở Liên Khu Tư về tội nói tiếng Pháp… làm tay sai cho giặc.
Bẵng đi hơn một năm, vào đúng dịp Tết anh Từ được tha về. Ngày mồng hai Minh theo chú em họ – lớn hơn Minh hàng chục tuổi – sang chúc Tết anh Từ. Minh còn nhớ như in hình ảnh anh Từ lúc đó. Anh ngồi giữa cái sập gụ, mặc áo the đen. Lúc trước anh mập mạp hồng hào bao nhiêu thì bây giờ người anh gầy quắt lại.
Anh trở thành ít nói, ít nói hơn tất cả những người ít nói. Hai chân anh bị liệt một thời gian, sau này đỡ dần, nhưng anh thường ngồi một chỗ cho chóng khỏi. Đó là hậu quả những trận đòn thừa chết thiếu sống mà Việt Minh “thân mến” tặng anh. Họ treo anh lên lơ lửng chân không chạm đất, rồi dùng đủ thứ đánh đập anh. Chỉ vì một cái tội gàn ghép không đâu.
Anh Từ nói chuyện nhát một với chú em họ. Minh ngồi lặng yên nhìn anh. Trông anh như người xa lạ, thảm não và uất ức.
Từ đó Minh cảm thấy ghét Việt Minh. Không còn thấy mê say hình ảnh người Bộ Đội oai hùng với súng ống, lựu đạn, lưỡi lê như trước, mà còn e ngại, xa lánh họ. Bộ Đội đi tới đâu chiến tranh theo tới đó. Những người trong làng Minh lần lượt ra đi, chết hay mất tích, không bao giờ trở lại. Tuy Bộ Đội đã hùng mạnh, Tây vẫn không e dè, kéo về làng Minh lục soát luôn. Lại có người bị bắt, bị giết. Mọi người sống giữa hai gông cùm đó, và chẳng còn biết sợ. Ai khôn ngoan đến đâu cũng chẳng biết cách nào lo toan cho mạng sống của mình, chỉ còn biết phó mặc cho may rủi.
Minh và Thầy, chị Ánh sống ru rú trong nhà. Các anh các chị đã tìm cách ra Hà Nội từ mấy năm trước, nhưng không ai xoay sở đưa ba bố con Minh trốn khỏi vùng đất chết được.
TRÒI ĐỘT NHIÊN U ÁM RỒI ĐỔ MƯA. Đám người trên tầu nhốn nháo như tan chợ, vội vàng lấy chiếu, lấy chăn mền ra che cho đỡ ướt.
Minh và Ngọc Mai vội trở lại chỗ ba mẹ con người đàn bà, ngồi ghé vào một chiếu. Hoàn cảnh đã tạo cho hai người thân và gần nhau thật nhanh. Minh chợt thấy lòng mình xuyến xao nhè nhẹ và nhìn Ngọc Mai bằng ánh mắt thoáng ít nhiều âu yếm.
Cơn mưa qua đi rất nhanh. Trời quang đãng trở lại, không khí mát mẻ và đẫm hơi nước. Có tiếng còi đi ca. Minh đứng lên :
- Tới phiên anh rồi đó.
Mai cười gật đầu. Minh bước tránh chiếc chiếu, tượt chân chúi về trước. Ngọc Mai vội vã ôm chầm lấy vai Minh. Hai người ngỡ ngàng nhìn nhau rồi bất ngờ Minh nắm lấy tay Mai, âu yếm:
- Cám ơn em.
Ngọc Mai không rụt tay lại. Một chút, Minh buông tay Mai ra, leo lên thang đài chỉ huy còn ngoái cổ dặn vói :
- Chừng nào tầu chạy anh sẽ chụp cho em mấy tấm hình. Prom-rư-tê ? (Chịu không) ?
Ngọc Mai cười thật tươi :
- Prom !
Minh ngồi trên đài chỉ huy không thấy buồn như mọi lần. Nhưng thấy kim đồng hồ sao nhích đi quá chậm. Minh giết thì giờ bằng cách lấy ống nhòm quan sát chung quanh. Một vài chiếc tầu tuần Miên chạy lùi lũi ở xa, sơn trắng như tầu buôn và thấp lè tè, nhỏ tí. Tự dưng Minh thấy hãnh diện nhè nhẹ. Tầu Việt Nam như con gà mẹ, mà tầu Miên như con… vịt con. Khoái chí với sự so sánh đó, Minh cười một mình.
Khi còi đổi ca vừa dứt thì có tiếng còi vận chuyển. Minh chạy nhào xuống bảo Mai :
- Tầu chạy rồi Mai ơi. Có lẽ lần này đưa đồng bào về Chợ Mới.
Mai gật đầu háo hức. Minh xuống phòng ngủ, một lát trở lên với chiếc máy hình trên tay. Minh ngạc nhiên thấy Ngọc Mai đã thay chiếc áo mới mầu xanh da trời, thật eo. Minh tắc lưỡi thay lời khen làm Ngọc Mai đỏ mặt mắc cở.
Tầu bắt đầu chạy. Hai người dắt nhau ra sát dây an toàn. Nắng vàng thật đẹp làm đỏ hồng một bên má Ngọc Mai và gió mát lồng lộng thổi tạt tóc Mai về phía sau. Ngọc Mai nắm chặt sợi dây cáp, ưỡn người thở một hơi dài khoan khoái. Minh đứng ngắm buồng ngực thật khỏe, căng phồng nhựa sống của thiếu nữ một cách say sưa. Đẹp. Đẹp thật. Minh mở nắp máy, điều chỉnh thật nhanh và bấm lia lịa :
- Thế, thế nhé. Cười đi.
Ngọc Mai cười, thật hồn nhiên :
- Em sửa tóc lại nhé.
Minh vội cản :
- Chớ. Cứ để thế đẹp hơn. Mắt nhìn lên chút nữa. Phơ-nê ôn s-at nac ! (Mắt em đẹp lắm).
- Pưt mên ? (Thật không ?).
- Pưt ! (Thật mà !).
Ngọc Mai nở rộng nụ cười. Minh bấm liên tiếp, góc cạnh khác nhau. Nửa cuộn phim mầu còn lại Minh chụp hết cho Mai. Ngọc Mai hết sức tự nhiên, cười tươi và làm điệu thật nhí nhảnh.
Xong, hai người dắt nhau leo lên phòng lái, đứng gần bộ cờ giảm lộ. Minh giảng giải cho Ngọc Mai nghe từng chút, và Ngọc Mai chăm chú nghe một cách thích thú. Minh lấy trong túi áo ra một trái cam, khéo léo :
- Em bóc vỏ, cho anh ăn chung với nhé.
Ngọc Mai gật đầu, nhanh nhẹn lột vỏ :
- Anh mua bao nhiêu một chục đó ?
- Hai mươi lăm Riels.
- Mắc rồi. Em đi thì chỉ mất hai chục thôi.
- Tất nhiên rồi, các cô bao giờ cũng khéo hơn con trai tụi anh.
Mai cười :
- Tại họ thấy các anh là… người ngoại quốc nên bán mắc.
Minh đùa :
- Thế em là người gì ?
- Người… bản xứ !
Cả hai cùng cười. Minh khen :
- Cam ở đây ngọt ghê.
Ngọc Mai hỏi :
- Anh thích ăn trái gì nhất ?
Minh nhớ tới khu vườn nhà ở quê nội, trầm ngâm :
- Ngọc Mai biết không, bây giờ là mùa Hè ngoài Bắc đó. Mùa này trong vườn nhà anh các loại cây ăn trái đều nặng trĩu quả. Chanh, vải, ổi, nhãn, na, mơ, mận, đào, bưởi, táo… Thứ trái nào cũng thật ngon. Anh thích tất cả những trái đó, nên chưa bao giờ anh nghĩ mình thích ăn trái gì nhất.
Ngọc Mai xuýt xoa :
- Sướng ghê ha. Phải chi em được vô khu vườn đó.
Minh nhếch mép :
- Chắc chả bao giờ đâu em. Chính anh, anh cũng không hy vọng gì được trở về quê cũ. Anh nghĩ tới Thầy anh – tiếng kêu cha của người miền Bắc lúc xưa – chắc Cụ sẽ ở lại miền Nam vĩnh viễn, không bao giờ có dịp về quê nhà. Hy vọng chăng là tới đời con cháu của anh thôi.
Hơn hai mươi năm rồi mà chiến tranh vẫn chưa dứt, biết bao giờ mới hòa bình. Niềm mơ ước thiết tha nhất của anh – dù biết khó mà thành – là trở về quê cha, sống và chết ở đấy. Ước mơ đó đẹp quá, thiết tha quá khiến anh không mệt mỏi, đeo đuổi hình ảnh ấy mãi không thôi.
Minh đứng thẳng người, vuôn vai :
- Mai biết không, anh thích những buổi tối trời trong và đầy sao. Có một chùm so tụ lại đẹp và khéo như một chùm hoa. Không hiểu sao anh thấy chùm hoa sao đó giống hệt chùm hoa Mơ trong vườn nhà anh ngoài Bắc. Cây mơ in sâu đậm trong trí óc anh tự bao lâu, có lẽ vì anh hay thơ thẩn bên gốc cây ấy nhất.
Minh ngừng nói. Tự nhiên Minh thấy mủi lòng, nuối tiếc.
HẰNG NĂM, ĐẾN MÙA HOA MƠ NỞ, Minh hay thơ thẩn trong vườn. Chiến tranh đến, những phát đạn đại bác làm sạt một góc nhà, phá tan bể nước nhà Minh, làm gẫy hai cây na lớn trong sân và những ngọn cau, ngọn chuối trong vườn nhưng cây Mơ vẫn ngạo nghễ vươn lên, không chút hề hấn. Những buổi sáng sương đêm vẫn còn đọng lóng lánh trên lá, trên những cánh hoa đài các, xinh xinh. Những trái mơ nhu nhú trên cành, dễ thương và hứa hẹn những ngọt ngon cho người đứng ngắm.
Nhưng Minh không còn dịp đứng ngắm khu vườn nhà Minh nữa. Chiến tranh không còn là hình ảnh chập chờn mà xuất hiện thường trực. Khiến Thầy và chú Giáo cùng họ hàng phải quyết định di cư lên Tháp, một vùng núi cách quê nhà vài chục cây số, ở trong rừng và hang núi. Từ đó Minh chỉ thấy núi, thấy nước tù đọng không bao giờ lên xuống. Cuộc sống thật buồn như cảnh những người sống sót sau trận Đại Hồng Thủy trong Thánh Kinh Thiên Chúa Giáo. Và cực khổ. Ăn uống không đủ no. Mới đầu còn đủ gạo ăn, sau phải trộn lẫn gạo với ngô (bắp), khoai, rồi sắn (khoai mì). Cuối cùng là với kê rồi… cám. Việc giết một con gà, con vịt trong số gia súc mang theo cũng trọng đại không kém gì việc họp bàn cúng Thành Hoàng làng những năm yên bình thủa trước. Gia súc rồi cũng hết, chỉ còn lại vài con chó. Rồi chó cũng “ngả” luôn, chỉ còn trơ lại người với người. Lúc đó mọi người đành phải kéo về làng. Lẽ ra gia đình Minh định về sớm hơn, chỉ vì khuôn mặt chiến tranh thảm khốc quá nên cứ nấn ná ở lại.
Lúc về mọi người ngồi trong thuyền chở thuê. Mới đầu nước còn sâu, người ta chống sào cho thuyền lướt. Sau nước cạn dần, bọn lái đò phải buộc thừng vào thuyền rồi chia nhau lội lên hai bên bờ vừa đi vừa kéo.
Thuyền tới gần núi Sậu thì bị Tây chận lại. Mọi người lo sợ xám cả mặt. Bọn lính Tây đóng dưới chân núi lái xe Jeep ra chặn ngã ba sông, bắn súng bắt mọi người lên bờ. Các gia đình líu ríu dắt nhau bước khỏi thuyền. Trong bờ, phía chân núi lửa cháy đỏ rực. Mọi người bị giải về phía đó. Tới gần đám cháy Minh rợn cả người. Các gia đình sống dưới chân núi bị giết hết và ném vào trong đống lửa. Những mái nhà tranh bị gió cháy bùng bùng dữ dội, thiêu đen những cái xác cụt đầu, thiếu tay, thiếu chân. Minh sợ hãi nhắm mắt lại từng lúc, rồi lại tò mò mở hé ra nhìn.
Bọn lính Tây xì xồ tiếng Pháp, Thầy và chú thay phiên nhau trả lời. Thấy hai người nói tiếng Pháp giỏi, bọn chúng ngạc nhiên :
- Các ông làm nghề gì ?
- Thầy giáo !
- À, tốt. Nhưng Việt Minh đâu, chỉ ra đi.
- Chúng tôi không biết. Chúng tôi đi tránh bom đạn đánh nhau, bây giờ đói quá mới trở về làng.
Bọn lính Tây quay lại bàn bạc với nhau một lúc, rồi tên sĩ quan chỉ huy ra lệnh bắt Thầy, chú Giáo và một số đàn ông nữa đi theo chúng. Đàn bà và con nít thì tha về làng. Mọi người khóc lóc om xòm. Thầy và chú Giáo quay sang an ủi, dặn dò gia đình rồi theo bọn lính Pháp về phía những chiếc ô tô đậu ở chân núi. Minh và chị Ánh bước theo thím Giáo, lủi thủi trở về.
Thế là hai chị em về ở lại trong căn nhà rộng thênh thang. Minh thắc mắc không biết khi nào Thầy mới trở về.
Bấy giờ đã lại tới mùa Hè. Nắng chói chang trên những luống cà đầy trái trắng, lấp lánh sau rặng tre cao. Trong vườn cỏ dại mọc cao hơn mắt cá chân nhưng cây ăn trái đã nặng trĩu quả. Minh thơ thẩn dưới bóng mát các lùm cây, mân mê từng trái vải, từng chùm chanh, mê man nhìn ngắm những trái mơ, trái mận đã rám hồng dưới nắng.
Minh chạy về kiếm chị Ánh đòi ăn những thứ trái cây đã chín.
Nhưng chị Ánh cản :
- Chờ Thầy về rồi ăn. Em không nhớ Thầy sao ?
Nhắc đến Thầy hai chị em lại thấy nhớ nhung lo ngại, chúi vào nhau thút thít khóc. Minh nghe được tiếng khóc lạc lõng của hai chị em như muốn lẫn vào tiếng chim sẻ chiêm chiếp đầu nhà trưa mùa Hạ.
Ít hôm sau thím Giáo quyết định đưa gia đình và hai chị em Minh đi Phát Diệm. Hình như Thím nhận được tin gì đó, nhưng Thím không nói với Minh vì Minh còn nhỏ. Mọi người tụ họp ở nhà ngang của chú Giáo. Thím bảo Minh ra vườn hái đầy một rổ cà pháo, về ăn với mắm cáy, canh cua. Buổi tối đi ngủ thật sớm và tờ mờ sáng hôm sau mọi người lục đục lên đường.
Minh đánh mất khu vườn từ ngày ấy.
TIẾNG NGỌC MAI RỤT RÈ VANG LÊN :
- Anh nghĩ gì đó ?
Minh giật mình :
- À… anh hồi tưởng lại thời thơ ấu đã qua từ lâu. Bây giờ thấy mình già mà buồn.
Ngọc Mai bật cười :
- Anh mà già, trông mặt anh người ta đoán ngay cỡ chừng hai mươi bốn tuổi.
- Hai mươi bẩy rồi đó, em.
- Sao anh chưa lấy vợ.
Minh nhìn Ngọc Mai dò hỏi :
- Sao em hỏi anh vậy ?
Ngọc Mai ra vẻ ngạc nhiên :
- Có gì đâu ? Anh đã nói với em là chưa lập gia đình mà ?
- Ừ, anh quên. Tại anh có tật… sợ vợ.
Ngọc Mai cười khúc khích :
- Anh tệ ghê. Đàn ông mà sợ đàn bà, bộ anh sợ lấy vợ dữ, mỗi ngày bị vợ “nựng” sao ?
Minh mỉm cười, chợt nhớ tới câu chuyện đứa cháu kể. Ở Sàigòn, một hôm ăn cơm nhà anh chị, đứa cháu gái học trường Saint P. kể chuyện Ma Sơ “chịu chơi”. Minh ngạc nhiên hỏi cháu sao lại gọi thế, đứa cháu nói :
- Cả lớp cháu gọi thế đấy chứ. Tại mỗi lần Ma Sơ thấy đứa nào nói chuyện, Ma Sơ lại gần rờ cằm nó và nói :
Chà, em cưng ngoan quá, vui miệng dữ. Coi chừng Ma Sơ “nựng” nhẹ một cái “vinh” (vênh) hàm luôn nghe em !
Minh thấy tức cười. Các sơ mà còn thế thì trách sao được các chị vợ lại chẳng dữ hơn cả chục lần.
Minh nói :
- Anh nghèo lắm, tự lo sống chưa xong, kiếm đâu ra tiền cưới vợ ?
- Anh nói vậy thì người ta ở góa hết ? Ý quên, ở vậy hết ?
Cả hai cùng cười, nụ cười Ngọc Mai vô tư và trong sáng.
Tầu bắt đầu vượt qua biên giới. Minh giải thích cho Ngọc Mai nghe về giòng sông, về cây cối hai bên bờ. Tới ngôi nhà xây giữa lằn biên giới vô hình, Minh bảo :
- Em bước chân vào vùng đất quê hương rồi đấy.
Mai ngậm ngùi :
- Kể từ giây phút này em bước sang một cuộc sống mới, không biết có sáng sủa không ?
Minh thấy lại cần an ủi người con gái :
- Anh tin là sẽ không có gì… vất vả lắm. Mà dù có vất vả thì cũng vui em ạ, vì mình sống và đổ mồ hôi trên đất nước mình.
Nhưng dù sao, anh đồng ý với em là có những xao động khi cuộc sống đổi khác. Cũng như anh ngày nhỏ.
Khi thầy anh và chú Giáo bị bắt và khi theo thím Giáo ra Phát Diệm anh không hiểu mình đi đâu, làm gì và sẽ sống ra sao ? Cuộc bộ hành dài dặc và nguy hiểm, len lỏi trốn chui trốn nhủi giữa hai lực lượng Bảo Hoàng – lính Quốc gia thời đó – với Pháp và Việt Minh. Anh chết hụt bao nhiêu lần. Khác với em, anh không biết nơi ngừng chân lại, vậy nên lúc đến Phát Diệm anh vẫn cứ tưởng đó là trạm ghé chân trên cuộc hành trình.
Ở Phát Diệm được ba ngày, một buổi xâm xẩm tối anh và chị Ánh đang đứng ngẩn ngơ ở cổng tòa dinh thự của một người trong họ làm quan hồi trước thì thấy Thầy và chú Giáo đi vào, cùng với vài người bà con. Nỗi vui mừng và ngạc nhiên khi thấy Thầy và chú Giáo được tha về khiến hai chị em đứng chết sững không thốt lên được lời reo mừng nào. Thầy anh giận, bỏ đi tắm rửa rồi vào mắng cho một trận. Đó cũng là một trong những kỷ niệm khó quên của đời anh. Sau này mỗi lần ngồi nghĩ lại chuyện này, anh lại tự hỏi giá lúc ấy hai chị em reo lên vui mừng có lẽ Thầy sẽ được an ủi lắm. Những hối hận nho nhỏ như vậy trong đời mình làm cho con cái thấy thương yêu Bố Mẹ hơn. Ba bố con anh và gia đình chú Giáo ở lại Phát Diệm chừng một tháng thì đi Hà Nội, nhờ được cụ Ngọc – Cụ Phan Ký, người ta gọi thế – giúp tiền mua vé máy bay.
Cuộc sống gia đình anh thực sự thay đổi từ lúc ấy. Tới Hà Nội Thầy liên lạc được với các anh các chị, đến ở với các con. Đó là sự may mắn của một gia đình khi rời bỏ nơi đã sống quen thuộc, đến sinh sống ở một vùng xa lạ. Anh kể câu chuyện này thay cho lời chúc em và gia đình sẽ gặp nhiều may mắn tương tự.
Ngọc Mai cười thật hiền :
- Em cám ơn anh. Anh kể tiếp cho em nghe nữa đi, em thích nghe. Những chuyện tình cảm gia đình thường làm em cảm động, nhất là lại được nghe chuyện về miền Bắc, nơi em chưa hề có một ý niệm, một hình ảnh gì để tưởng tượng ra. Có lẽ em cũng ôm một mối ước mơ như anh rồi đấy.
- Rời quê nhà ra Hà Nội là một quyết định can đảm của Thầy anh. Các cụ ngày xưa thích ở gần gũi quê nhà, làng xóm và thích chết ở đấy, cạnh mồ mả ông cha. Nhưng Thầy anh vốn là một giáo chức thức thời. Sau cuộc nói chuyện với cụ Phan Ký, Thầy quyết định cho các con đi Hà Nội.
Anh còn nhớ trong câu chuyện, hai cụ nói rằng Việt Minh bây giờ đã trở mặt với nhân dân, dựa vào Cộng Sản Quốc Tế để cai trị dân mình. Những điều ấy sau này lớn lên anh mới thấu đáo, nhưng ngày đó cũng đã mơ hồ thấy thất vọng về những người mình mến chuộng khi trước. Việt Minh bắt đóng thuế thật nặng, bắt cóc người đòi chuộc thật cao… những cái đó không phải là hình ảnh “thần tượng” mình ôm ấp. Anh chán ghét Việt Minh thực sự từ khi ấy.
Ra Hà Nội, ba cha con về ở với gia đình nhà anh họ, rồi về ở với chị Kim mấy tháng sau. Chị Thục có chồng và ở cách mấy con phố. Anh Thanh ở Sàigòn dạy học từ lâu, thỉnh thoảng gửi thư về thăm Thầy. Mọi người đều biết anh Thăng, anh Đình theo bộ đội không có tin tức gì.
Năm ấy là năm 1953, anh đã mười tuổi. Ở Hà Nội một năm gia đình theo anh Dương – chồng chị Thục – sang Quảng Yên. Anh Dương là Tiểu Đoàn Trưởng trong quân đội Quốc Gia, được lệnh đưa binh sĩ di chuyển vào Nam. Thế là đầu năm 54, gia đình anh xuống tầu “ há mồm” – giống như chiếc em đang đi đây, ra Hàng Không mẫu Hạm đậu ngoài khơi. Khi tầu chạy ngang Vịnh Hạ Long anh cũng có cảm giác như chúng mình hồi nãy, lúc vừa vượt qua biên giới. Lại thêm một lần lo âu về chuyến đi của mình.
Nhưng rốt cuộc anh đã sống, lớn lên yên ổn cho đến bây giờ.
Ngọc Mai lặng nghe Minh nói. Giọng Minh trầm buồn. Thoang thoảng nuối tiếc và bâng khuâng. Mai lây theo nỗi buồn ấy, cả hai đứng lặng yên.
Trời nhá nhem tối, mọi người đã sửa soạn buổi ăn chiều tạm bợ. Gió gai lạnh. Ngọc Mai nhìn vào bờ, nghe Minh gọi tên từng nơi đi qua : Tân Châu, Hồng Ngự, xã An Long… Những cái tên quen tai và đáng yêu, dễ nhớ hơn cái tên Mai đã học từ nhiều năm qua : Svay Riêng, Kòmpông Chàm, Psa (chợ) Tức Lò Ót…
Trên bờ bóng người và xe cộ qua lại lố nhố sau rặng cây, Ngọc Mai nói :
- Ở bên mình bận đồ cũng không khác tụi em bên đó hả anh ? Em cứ tưởng về bên này ai cũng bận áo dài hết.
Minh cười :
- Thì cùng người Việt cả sao lại không giống. Nhưng về tới Sàigòn em sẽ thấy các cô các cậu ăn bận còn khác em nhiều. Ngoài những chiếc áo dài, jupe, quần jean, bình thường mà em thấy ở Phnom-Penh người ta cũng mặc đó, các cô Sàigòn còn mặc quần ống chân voi, quần xì gà, mini jupe, mini robe và do họ sáng tạo ra. Trông cũng ngộ lắm.
Ánh mắt Ngọc Mai thoáng vẻ tò mò :
- Chắc anh thích các cô ăn bận như vậy nhỉ ?
Minh cười lớn :
- Cũng còn tùy. Anh thích các cô bận đồ gì cũng được, miễn đẹp thì thôi. Có một điều đáng tiếc là các cô không tự soi gương ngắm thân hình trước khi quyết định chọn bộ đồ mình thích. Do đó mới có cái “tai nạn” là có cô mập như khúc chả lụa hoặc ốm tong ốm teo, cao lêu nghêu hay thấp lủm chủm mà lại khoái mặc đủ mode. Đó là sự… sát hại con mắt người nhìn một cách tàn nhẫn vô nhân đạo.
Ngọc Mai lườm Minh :
- Các ông chỉ giỏi chê. Bộ thanh niên các ông ăn bận “suya” lắm đó ?
- Không phải anh chê. Anh chỉ đưa ý kiến là các cô trước khi tính theo mode gì hãy tự xét hoặc tham khảo ý kiến người thân xem có thích hợp với mình không ? Em thử tưởng tượng xem, một cô bận mini mà đưa nguyên cặp giò ốm nhách, đen… hầm và lại dát đô la, khảm xà cừ tùm lum hết thì còn trời đất nào “chứng minh” cho nữa ?
Tụi con trai cũng vậy. Họ cũng cần xét lại như con gái. Anh không chịu được bọn Hippy… ghẻ ở Sàigòn. Bận áo sơ mi mỏng dính, eo thật sát hông hằn cả bộ xương cách trí ra. Quần thì ống … 35, giầy vuông cao gót. Đó là chưa nói đến mái tóc dài uốn vô trật tự xõa trên vai. Cứ nhìn những thanh niên đó rụt vai rút cổ với các cô kiểu anh vừa nói trên đường phố Sàigòn, anh thấy… buồn nôn. Trông các anh Philip Nhỏ ấy là người ta phải tưởng tượng tới những dơ bẩn, bệnh hoạn, yếu ớt, hèn kém khốn khổ mà dân tộc bị đeo đẳng từ bao năm chưa tẩy uế được.
Anh quan niệm rằng, một người con trai đẹp là một thanh niên khỏe mạnh, gọn gàng và thanh lịch. Một người con trai hùng ít nhất phải được như một người lính trong bộ quân phục đàng hoàng. Mái tóc của những người lính tác chiến quanh năm tuy dài nhưng lại có vẻ hùng dũng và phong trần. Nếu bọn Hippy… ghẻ chỉ để cỡ đó có lẽ dễ thương hơn.
- Nói như anh vậy là có hai loại Hippy ?
- Tạm coi như thế. Hippy đích thực đáng ca ngợi, vì họ sống hồn nhiên và cũng có tôn chỉ. Đời sống bây giờ bị ảnh hưởng và lệ thuộc máy móc, cơ khí quá nhiều nên tôn chỉ của Hippy là sống tự nhiên và gần gũi thiên nhiên, xa lánh các ràng buộc buồn phiền chừng nào sẽ vui sống chừng đó. Nhưng thanh niên quốc gia nào cũng có phần đông hiểu sai lạc ý nghĩa của Hippy hết. Đó là dịch… Hippy ghẻ hiện giờ.
Ngọc Mai tinh quái :
- Anh yêu phong trào Hippy không ?
Minh hăng hái gật đầu :
- Yêu chứ. Hippy làm tăng duyên dáng con người. Chẳng hạn khi đi gặp vài cô nữ sinh cặp tóc bằng chiếc kẹp nhiều mầu xinh xinh, chân đi đôi giầy điểm vài mảnh mầu sắc nho nhỏ… những cái dễ thương ấy ai chẳng yêu, và yêu đời thêm ?
Minh hỏi lại :
- Còn Mai, em thích ăn mặc thế nào ?
Mai khéo léo :
- Thích y hệt anh vừa nói. Nhưng anh nhìn em, anh nghĩ em bận gì đẹp nhất ?
Minh cười mỉm :
- Em bận gì cũng đẹp hết.
Ngọc Mai dẩu môi, nhõng nhẽo :
- Không chịu đâu, anh… xạo không à.
- Anh thành thật mà. Nhưng riêng anh, anh thích các cô mặc áo dài nhất. Áo dài nhiều dân tộc tính, lại kín đáo có thể che khuất những thiếu sót của các cô. Còn nếu các cô có đầy đủ nét đẹp thì cứ tha hồ ăn diện, phô bày. Còn một chi tiết nữa, là, cũng cần phải xem xét mình bận bộ đồ đó khi đến một nơi nào có hợp không ? Tỷ dụ đi xin việc làm mà bận jupe hở ngực, hở đùi, hở… tùm lum hết thì coi bộ không… khá rồi à. Trừ phi đi xin việc ở sở… Mỹ, sở Hàn hay sở… thú thì không kể.
Ngọc Mai trách nhẹ :
- Anh có vẻ thành kiến dữ. Các cô mà nghe anh nhận xét thế này chắc chả cô nào ưa anh.
Minh tỉnh bơ :
- Đúng vậy, sự thật mất lòng. Nhưng riêng em, em ưa không ?
Mai tủm tỉm :
- Ưa. Nhưng chút chút thôi.
Hai người cùng cười. Bóng tối đã xuống, trời lác đác các vì sao. Minh chợt nhìn lên, âu yếm bảo Mai :
- Anh đã đề nghị các bạn cho phép anh mời em ăn cơm chung với họ tối nay trong phòng ăn. Em nhận lời nhé.
Mai rụt rè :
- Thôi anh, kỳ chết.
Minh vung tay :
- Có gì mà ngại. Vô xem lính ăn uống ra sao, chia sẻ với tụi anh một chút mà.
Ngọc Mai do dự. Minh nắm lấy tay Mai kéo đi.
- Đi em. Tới giờ rồi, ăn xong, anh sẽ chỉ cho em xem đóa hoa Mơ của anh mỗi đêm trăng sáng.
Hai người bước vào phòng ăn Hạ Sĩ Quan. Mọi người đã có mặt đông đủ. Một người kêu lên :
- Trời ơi, tâm sự kỹ quá vậy, để tụi tui chờ muốn chết luôn.
Minh liếc nhìn Mai, thấy Mai mắc cỡ cúi gầm mặt. Minh đặt tay lên lưng Mai, đẩy tới ghế đầu bàn :
- Ngồi đây em, em là… Hạm trưởng, ngồi ghế danh dự.
Mai riu ríu ngồi xuống. Minh ngồi chiếc ghế bên cạnh Mai, đùa :
- Xin phép quý vị cho Minh ngồi cạnh Hạm Trưởng nhé.
Trung sĩ Tuấn móc nhẹ :
- Anh Minh chẳng cần ăn cũng no.
Minh lì lợm :
- Sao vậy ?
- Dựa… hơi người đẹp cũng đủ no lắm rồi.
Mọi người cùng cười. Minh nhìn Mai thương hại :
- Thôi xin các cụ tha cho. Mai sắp khóc rồi đây này.
Minh la oái một tiếng vì bị Ngọc Mai nhéo mạnh trên đùi. Tiếng cười mọi người ồn ào hơn:
- Đã… có gì với nhau chưa mà ăn hiếp nhau dữ vậy ?
Minh bạo dạn :
- Dạ, chưa có gì hết. Nhưng… sẽ có. Phải không Mai ?
Ngọc Mai không hiểu ;
- Có gì hả anh ?
Mọi người cười phá lên, khiến Mai đỏ mặt.
Thượng sĩ Quản Nội trưởng tuyên bố :
- Mời cô Mai dùng cơm. Ăn đi tụi bây, chọc quê người ta hoài.
Minh giới thiệu tên từng người cho Mai nghe. Anh nào cũng làm ra vẻ trịnh trọng. Chỉ có Toàn là tếu nhộn :
- Mai ăn tự nhiên nghe. Đây này, món ăn Việt Nam trong “thực đơn” bữa nay gồm có : rau muống… thỏ, cá tra biên giới, dưa leo… rừng và đồ hộp thịt gà nấu đậu của Quân Tiếp Vụ. Món sau cùng là do nhã ý của thằng Minh mời khách đó.
Mai cười duyên :
- Thì ra anh Minh mời. Em phải ăn thật nhiều để mừng anh.
Bữa cơm vui vẻ và thân mật. Minh săn sóc Mai từng chút, mặc mọi người trêu chọc. Cơm xong, Toàn mang cam ra mời Mai.
- Cam Nam Vang rẻ thật. Chỉ khoảng 5 đồng Việt Nam một trái, vừa ăn vừa cho cũng không hết tiền.
Toàn cúi xuống nói nhỏ vào tai Minh :
- Em đẹp quá mày ạ. Nhất là đôi môi. Nhìn đôi môi em cắn vào múi cam… tao muốn… phạm tội quá.
Minh nhăn mặt, thúc cùi chỏ vào bụng Toàn. Toàn hự lên ra vẻ đau đớn. Mai ngạc nhiên :
- Sao anh đánh anh ấy vậy ?
Minh cười, lắc đầu không trả lời. Toàn nhăn nhó :
- Tôi có làm gì nó đâu. Tôi chỉ hỏi nó : Mày yêu Mai hở, nó nháy mắt ra dấu ừ. Tôi hỏi vậy vợ con mày ở nhà mày liệng cho… chó nhá hả ? Nó… “oắn” tôi !
Mai thấy bừng hai má, cúi gầm xuống bàn trong tiếng cười của mọi người. Biết Toàn xạo nhưng Mai cũng vui vui, có một cái gì êm ả len nhẹ trong lòng Mai. Ánh đèn phòng sáng rực như ban ngày, quạt máy và quạt gió thổi tóc Mai che xõa một bên má trông thật đẹp. Mọi người trân trối nhìn Mai, kể cả ông Thượng sĩ già Quản Nội Trưởng. Minh bực mình, rủ Mai :
- Mình lên trên nhé em. Để chỗ cho các anh ấy chơi Domino.
Toàn lại trêu :
- Không sao. Bữa nay nghỉ cũng được mà, mà dù có chơi thì Mai ở lại cổ võ càng vui chứ sao ?
Minh cương quyết :
- Cám ơn, ở dưới này… nực lắm, lên trên cho thoáng.
- Mở thêm quạt máy trong góc kia là hết nực ngay, phải không Mai ?
Ngọc Mai không biết quyết định ra sao. Minh nói nhỏ vào tai Mai :
- Lên trên, anh sẽ chỉ cho em đóa hoa Mơ của anh, chịu không ?
Mai gật đầu, đứng lên. Mọi người cười vang đứng dậy tiễn khách. Khi leo lên thang Minh và Mai còn nghe Toàn trêu vói theo :
- Đố các cha, thằng Minh nói gì mà cô Mai chịu đứng lên đi theo nó ?
Toàn tự trả lời :
- Nó nói thế này : Em mà còn ngồi đó một lúc nữa, anh mất em !
Tiếng cười bùng lên như cơn lốc, đuổi theo hai người.
- ĐÓ, MAI THẤY KHÔNG, CHÙM SAO ĐÓ, trông như một cành hoa với một chùm những đóa hoa nhỏ, xinh xinh, rực rỡ. Em thấy không ?
Nhìn theo ngón tay Minh, Ngọc Mai thấy một đám sao kết hợp ngẫu nhiên thành một chùm hoa thật đẹp.
Giữa bầu trời xanh biếc, đầy sao, chùm hoa Mơ của Minh quả thật vô vàn rực rỡ. Mai chăm chú ngắm và buột miệng reo lên :
- Đẹp thật anh à.
Minh nắm nhẹ tay Mai :
- Theo anh lên ổ súng kia, em sẽ thấy giang sơn của anh.
- Giang sơn ?
- Ừ chỗ nằm riêng của anh mỗi lần muốn suy nghĩ hay ngắm nhìn đóa hoa Mơ đó.
Mai cẩn thận leo lên từng nấc thang. Minh đùa :
- Yên trí. Rớt xuống đã có anh đỡ.
- Anh đỡ hụt, chết em sao ?
- Hụt sao được, nghề… của chàng mà.
Nói xong Minh mới thấy mình bạo miệng. Nhưng Mai chỉ cười, tiếp tục leo lên thang.
Hai người ngồi xuống đống dây thừng phủ miếng bố bao súng. Minh lấy mấy chiếc kẹo Chewing Gum trong khẩu phần hành quân trao cho Mai :
- Cho em này.
Mai xòe tay ra và Minh cố tình nắm lấy mấy ngón tay trắng muốt của Mai. Ngọc Mai do dự, nửa muốn rụt về nửa định để yên. Minh bỗng nói :
- Anh nói những lời này, mong em sẽ không nghĩ là anh giả dối. Em nghe nhé ?
Ngọc Mai ngập ngừng :
- Anh cứ nói.
Minh nhận ra rằng Ngọc Mai đã tập lối nói miền Bắc của mình. Minh thoáng cảm động.
- Chúng ta chỉ mới gặp nhau một ngày. Nhưng anh cảm thấy như đã gần gũi bên em từ lâu lắm. Anh thấy chúng mình cảm thông nhau, cùng có một đoạn đời long đong. Những gì em đang gặp chính là những gì anh đã gặp thủa còn thơ ấu. Nên anh hiểu em… thương em. Anh… anh muốn được nhận em làm em, Mai nhận lời không ?
Ngọc Mai nhìn thẳng vào mắt Minh. Dưới ánh sáng đèn, đôi mắt Minh long lanh và thành thật, trong sáng. Mai nghĩ thế.
Mai mỉm cười, trêu :
- Thì em đã là em của anh rồi thôi ?
- Không, đó mới chỉ là tiếng xưng hô do sự quen biết. Anh muốn em là em của riêng anh, em thật sự. Anh có quyền săn sóc em, lo lắng cho em…
Ngọc Mai chợt buồn :
- Anh có chắc là sẽ lo lắng được cho em không ? Mai này tầu tới bến, khi em xuống bờ thì chúng mình có chắc được là sẽ gặp lại nhau ?
Minh ngạc nhiên :
- Sao lại không ? Em sẽ biên thư về cho anh rõ em ở đâu, làm gì, anh sẽ tìm đến.
- Điều đó thì giản dị rồi. Nhưng em vẫn nghĩ là có một cái gì đó không trôi chảy như anh nghĩ. Xin anh hiểu cho là em rất… mến thương anh. Từ lúc xuống tầu, anh đã giúp đỡ chị em em rất nhiều nhưng em thành thật nói rằng đó không phải là lý do bắt buộc em phải nói những lời biết ơn. Em mến thương anh vì những gì anh đã kể, đã thành thật cởi mở với em. Và vì em cảm thấy được an ủi khi ở gần anh. Nhưng tình anh em giữa chúng mình, em nghĩ rằng đó là một sự gượng ép, em có nghĩ sai không anh ?
Minh giật mình. Cô nhỏ này có thể thông minh đến thế sao ? Minh thấy phải nói vài lời giải thích :
- Em đừng nghĩ vậy. Sự thực, anh cũng công nhận rằng anh không hẳn muốn em đóng vai trò một người em gái. Anh… muốn em là bạn anh, anh thích ở gần em, nghe em nói, nhìn em cười. Đó là sự quyến luyến. Nhưng khoảng thời gian quen biết nhau quá ít, anh sợ sẽ mang tiếng lợi dụng, hay lường gạt nếu nói ra một thứ tình cảm khác. Nên anh nghĩ chỉ có tình anh em mới có thể là nhịp cầu hợp lý nhất để anh gần gũi em thôi.
Ngọc Mai khôn khéo thoát ra khỏi nút thắt của vòng dây tình cảm mà Minh đang xiết lại :
- Chuyện ấy mình tạm thời ngừng nói đến đi anh. Khi xuống tầu, có lẽ em sẽ trả lời anh. Nhưng bây giờ phải để em có thời giờ suy nghĩ. Em không phải là người vô tình mà không biết được những gì đang xẩy đến.
Minh gật đầu không nói. Ngọc Mai ranh mãnh hỏi :
- Anh còn muốn học tiếng Miên để tiếp tục tán các cô bên đó nữa không ?
Minh cười :
- Muốn chứ. Em dậy anh nhé.
Hai người vui vẻ chỉ dẫn nhau. Minh hỏi bằng tiếng Việt và Ngọc Mai chỉ lại bằng tiếng Miên. Nhìn Minh ngọng nghịu nói, Ngọc Mai bật cười :
- Anh mà nói tiếng Miên thì chỉ có em hiểu, chớ các cô trên đó khó mà nghe ra.
Minh pha trò :
- Bởi vậy mỗi lần nói chuyện với dân Miên ở Nam Vang hai tay anh mỏi ghê, cứ cái điệu này tay anh mập hơn cả mình.
Ngọc Mai hỏi :
- Đêm nay anh có đi “ca” không ?
Minh lắc đầu :
- Không. Anh được nghỉ.
Ngọc Mai đề nghị :
- Tối nay mình sẽ thức thật khuya nhé anh. Em muốn cùng anh đếm những cánh hoa trong chùm hoa Mơ trên ấy. Và nghe anh kể thêm về kỷ niệm thủa nhỏ của anh.
Minh đứng dậy :
- Em chờ anh một chút nhé. Anh xuống pha một ca nước cam và lấy thêm thuốc lá.
Ngọc Mai thân mật trách :
- Anh hút thuốc nhiều quá. Từ sáng tới giờ em để ý thấy anh hút hết một bao Winston rồi đó.
Minh cảm động. Ngọc Mai cũng để ý đến Minh từng chút. Mai trách anh, nhưng Mai có muốn lo lắng săn sóc cho anh mãi không ?
Minh chậm chạp xuống thang, nghĩ ngợi vẩn vơ.
Khi mang ca nước và gói thuốc cùng chiếc áo lạnh trở lên, Minh thấy Ngọc Mai đang nằm gối đầu trên đống dây thừng. Minh âu yếm bảo :
- Em gối đầu lên áo lạnh của anh này.
Ngọc Mai ngồi dậy :
- Em nằm y hệt anh để ngó chùm hoa Mơ của anh đó. Càng nhìn em càng thấy đẹp.
- Em có mơ ước gì không ?
Mai hăng hái :
- Có chớ. Em ước mơ nhiều lắm, nhưng chẳng biết có thành được một nguyện ước nào không ?
- Mình có quyền hy vọng và tin tưởng vào những gì đẹp đẽ. Anh đề nghị : chùm hoa Mơ trên đó sẽ là của chung hai đứa. Nhé em.
Ngọc Mai gật đầu, cười bằng mắt. Hai người uống chung một ca nước. Minh chợt thấy không khí tình tứ bao bọc chung quanh, thân thiết tựa vợ chồng. Minh ra vẻ tự nhiên :
- Chúng mình nằm xuống nhé. Em có ngại không ?
Ngọc Mai sững sờ nhìn Minh, nhìn soi mói tận mắt. Nhưng Mai chỉ thấy mắt Minh trong sáng và thẳng thắn. Tuy thế Mai cũng nói :
- Chật thế, anh nằm đâu ?
Minh vui vẻ :
- Hai anh em cùng gối chung lên đống dây thừng. Em nằm nguyên chỗ cũ, anh nằm mé kia. Chịu không ?
Ngọc Mai gật đầu, nằm xuống, gối đầu trên chiếc áo lạnh của Minh.
Một lúc Minh nói :
- Anh còn nhớ một kỷ niệm ngày nhỏ. Thủa quê anh còn thanh bình. Những buổi tối sáng trăng, trời đầy sao, chị Ánh hay trải chiếu trên thềm nhà rồi hai chị em nằm tỉ tê kể chuyện thần tiên mà bây giờ anh vẫn nằm thuộc lòng. Chuyện cây vàng cây bạc, chuyện cô bé quàng khăn đỏ, chuyện cô Nhất cô Nhị cô Tam… Hoặc chuyện về ma quỷ dị thường. Những chuyện ấy lúc nào cũng làm anh say mê thích thú. Hôm nào chán kể, chị Ánh lại bầy trò chơi : nu na nu nống, chi chi chành chành. Hay là tập nói những câu trúc trắc : nồi đồng nấu ốc, nồi đất nấu ếch… Hoặc đặt những câu dài một vần : đang đêm đông đại đốt đèn đi đâu đấy, đang đêm đông đại đốt đèn đi... “đé” đây. Nhưng trò chơi thơ mộng mà anh yêu thích nhất là trò chơi đếm sao trên trời :
Một ngôi sao sáng
Hai ngôi sáng sao
Ba ngôi sao sáng
Bốn ngôi sáng sao
Cứ thế, ai đếm nhanh, đếm đúng không vấp váp và nhiều nhất sẽ thắng. Anh thì mới đếm được chừng một chục lần đã ríu cả lưỡi lại, nhưng không bao giờ chịu cho chị Ánh thắng. Anh cãi bay cãi biến, viện lý nọ lẽ kia để đòi chị phải thua hay tốt lắm là hòa.
Ngọc Mai cười khúc khích :
- Thích ghê ha. Bây giờ em với anh đếm đua nhé. Em không phải là chị Ánh mà là… em của anh nên em sẽ chẳng chịu thua đâu.
Minh thì thầm :
- Nếu em muốn, anh sẽ thua em mãi.
Ngọc Mai hỏi :
- Anh nói gì đó ?
- Không.
Hai người nằm đếm sao như trò chơi của Minh với chị Ánh ngày nhỏ. Không khí thật vui. Minh ao ước đêm dài đừng hết, trăng sao đừng mờ và thế giới hai người cứ vui tươi như thế mãi. Nhưng sương xuống lạnh ướt cả người, nhắc Mai nhớ rằng đêm đã vào khuya.
- Mình xuống dưới đi anh, em lạnh.
Minh thở nhẹ, ngồi dậy. Ngọc Mai sửa lại mái tóc, vạt áo. Minh nhìn cử chỉ ấy, thầm mơ :
- Nếu chúng mình đã là vợ chồng…
- Mấy giờ rồi anh ?
Minh đưa đồng hồ tay lên ngang mắt. Hai chiếc kim chập lại ở số một. Nhưng Minh lại nói:
- Mới mười hai giờ.
Ngọc Mai bước đi :
- Em tới thăm chị Hai và các cháu một chút.
Người đàn bà đang ngồi nhìn hai đứa bé ngủ say sưa. Ngọc Mai hỏi khẽ :
- Chị Hai chưa ngủ sao ?
Thiếu phụ nhìn lên mỉm cười với hai người :
- Chị không ngủ được.
Minh thấy mắt thiếu phụ đỏ hoe. Chắc hẳn người đàn bà đang nghĩ tới cái chết thê thảm của chồng. Lòng Minh bùi ngùi như chính mình cũng là người trong cuộc.
Ngọc Mai và Minh ngồi xuống cạnh thiếu phụ.
Người đàn bà hỏi :
- Mình xuống đâu, Mai có nghe nói không ?
Mai nhìn Minh :
- Anh Minh nói lần này đưa dân về Long xuyên – Chợ Mới.
Chị Hai kéo tấm vải mầu che kín ngực hai đứa con, thở dài :
- Xuống đâu cũng vậy thôi. Gia đình tôi chỉ có một người bà con ở Sa Đéc, nhưng cũng mất liên lạc từ hồi ông Hoàng (Sihanouk) dứt bang giao với bên mình. Chú Minh biết không, hiện giờ chị em tôi chỉ còn mấy đồ nữ trang nhỏ với tám ngàn bạc Việt, hai ngàn bạc Miên. Tôi không biết phải sanh sống ra sao những ngày sắp tới đây.
Người đàn bà nói như khóc. Minh thấy mắt Mai cũng lóng lánh nước. Minh cố nói vài lời vỗ về :
- Chị an tâm. Về bên mình sẽ có chính phủ lo liệu và đồng bào mình giúp đỡ. Cho đến khi nào kiếm được nơi ăn ở mới thôi.
- Chánh phủ cho chúng tôi ở đâu ?
- Có những trại tạm trú, nhưng khác trại tập trung ở Miên. Rộng rãi, sạch sẽ và có người thường xuyên thăm non đồng bào. Khi nào được cấp phát đầy đủ giấy tờ và tìm được bà con hoặc nơi ở tự túc, các gia đình tự do rời trại tạm trú.
Mắt người đàn bà như tối đi. Những gian nan, vất vả đã gặp mấy tháng nay khiến chị không còn tin tưởng trước những gì chưa thấy. Nghĩ nếu mình ngồi thêm một lúc nữa cũng chẳng vui vẻ gì, Minh đứng lên :
- Thôi, chị và Mai ngủ đi, giữ sức khỏe cho ngày mai nữa chứ.
Chị Hai “dạ” nhỏ. Mai đứng lên sát vào Minh :
- Anh cũng đi ngủ chớ ?
Minh gật đầu :
- Anh xuống đem chăn lên chỗ nằm hồi nẫy. Anh thường ngủ ở đó những hôm trời không lạnh.
Mai đùa :
- Ngủ ngay chớ đừng nằm đếm sao một mình nữa nhé. Không có sáng mai ngủ dậy trễ không kịp tiễn em xuống bờ đâu.
Minh nháy mắt :
- Đừng lo, anh thức tài lắm. Và nếu anh chưa cho phép… tầu đâu có quyền thả mọi người xuống ?
Ngọc Mai bĩu môi ra điều “còn lâu”. Minh cười quay đi, vào phòng vô tuyến. Nhân viên trực đang chúi đầu vào máy.
Minh gọi khẽ :
- Toàn, chắc chắn về Long Xuyên chứ ?
Toàn lắc đầu :
- Đổi rồi. Về Đồng Tâm – Mỹ Tho.
Minh đứng yên một lúc, định ra báo tin cho chị em Mai song lại thôi. Xuống Chợ Mới hay Đồng Tâm có khác gì nhau, khi họ chẳng còn ai thân thích ?
Minh theo lối hành lang hầm máy về phòng ngủ, lấy gối chăn chỗ nằm cạnh ổ súng bốn mươi.
Minh trùm chăn tới cằm, nhìn thẳng lên trời. Chùm hoa Mơ vào lúc rực rỡ nhất. Minh lẩm nhẩm đếm :
Một ngôi sao sáng
Hai ngôi sáng sao
Ba ngôi sao sáng
Bốn ngôi sáng sao
Không biết đếm đến lần thứ bao nhiêu, Minh ngủ thiếp đi.
NHƯ MỘT THÓI QUEN, TRỜI VỪA HỪNG SÁNG mọi người đã thức dậy cả, tuy rằng có nhiều người ngồi nói chuyện rù rì cả đêm. Tiếng ồn ào làm Minh giật mình tỉnh giấc. Mắt Minh cay sè, nhưng không cảm thấy thèm ngủ tiếp, Minh ngồi dậy, lủi tới sát tấm bửng sắt ngồi bó gối một lúc rồi châm thuốc hút. Minh hút theo thói quen, nhưng không nghiện vì khi vui chơi Minh cũng có thể quên bẵng thuốc.
Những đợt khói lan nhẹ trong không gian, mong manh rồi tan biến. Minh liên tưởng đến một cái gì đổ vỡ không thành. Thốt nhiên Minh thở dài nhè nhẹ.
Hút hết điếu thuốc Minh xuống phòng. Toàn vẫn là người dậy sớm nhất, và đứng cạnh bếp điện đun nước pha sữa. Thấy Minh, Toàn đã lại trêu :
- Chà, dậy sớm thế. Tài thật đấy, đêm qua chàng thủ thỉ cả đêm mà không ngủ mê mệt cũng lạ.
Minh không đáp, đi đánh răng rửa mặt. Khi trở lại đã thấy Toàn ngồi xì xụp húp cháo đậu xanh nóng. Trên bàn cháo đã múc sẵn ra các bát bốc khói nghi ngút. Minh lấy gói Pall Mall bốn điếu trong khẩu phần hành quân ra cho chú thủy thủ tập sự dọn bàn. Hắn cười toe toét, cám ơn om xòm.
Minh ngồi vào bàn, múc đường vào bát cháo. Toàn chăm chú nhìn Minh rồi bỗng càu nhàu một mình :
- Về cả chục chuyến rồi mà không được lên bờ, lần này Đồng Tâm chỉ bước mấy bước là tới Sàigòn chẳng biết có nghỉ được vài ngày không ?
Minh vẫn ngồi yên. Toàn bĩu môi :
- Nói với mày thà ra nói với cây cột còn sướng hơn. Ai chả biết anh có đào, thiết gì đến chuyện về Sàigòn nữa.
Minh ngẩng lên :
- Chuyện tới đâu hay tới đó, nghĩ trước làm gì cho bực mình.
Toàn xì một tiếng. Một lúc Toàn lại hỏi :
- Em bé đâu rồi ? Rủ em xuống ăn sáng chớ.
Minh không trả lời. Sự thực Minh cũng muốn thế, nhưng lại sợ bạn bè trêu chọc nên định bụng lát nữa sẽ mang cho chị em Mai một ca lớn.
Toàn vẫn lải nhải :
- Cô nhỏ xinh thật, khi cười lại có núm đồng tiền má bên phải trông thật duyên. Mày có mắt đấy.
Minh cười phì :
- Ông không có mắt bộ ông… mù à.
- Là tao có ý nói mày nhanh mắt chớp được em đấy chứ.
- Trái lại, tao gặp em sau tất cả mọi người, và thật tình cờ. Nhưng tao không có ý gì cả. Quen nhau rồi xa, kết vào làm gì lỡ khổ thì nguy.
- Sao lại khổ ?
- Thời buổi này ai mà biết trước được, thương nhau mà mất nhau thì còn khổ hơn là mồ côi… bồ.
Toàn lắc đầu :
- Trong cái khổ ấy có cái sướng của được yêu. Mẹ, ông mà có ai yêu là ông chịu liền, ở… vậy chán thấy bà.
Toàn đổi giọng nghiêm trang :
- Tao nói thật, tao thương hại em Mai của mày lắm. Chỉ vài ngày nữa là biết nhau ngay.
Minh chưa kịp hiểu, Toàn đã tiếp :
- Khéo không em lại cũng bị xấu số như em Hồng quen mày kỳ trước.
Minh thấy nhói trong lòng. Toàn nhắc lại chuyện không may của Hồng, cô gái hồi hương quen Minh trong chuyến sang Nam Vang đầu tiên. Cả một đoạn đời thê thảm của Hồng và gia đình Kim Hải như hiện ra trước mắt Minh, những chết chóc, đầy đọa, tan nát, thù hận và nước mắt đắng cay. ()
Minh thở dài :
- Mỗi người đều có số. Biết đâu em chẳng gặp may.
- Số chó gì.
Minh lắc đầu, đứng dậy. Thấy Minh lấy cháo mang đi, Toàn cười :
- Này, cho tao gửi gói kẹo và mấy trái cam. Nói của tao “lưu niệm”.
Minh mỉm cười thân mật. Toàn chỉ có cái tật ba hoa lắm lời nhưng lúc nào cũng tốt và dễ mến.
Ngọc Mai đã thức từ lâu và sửa soạn xong. Hai mắt Mai vẫn còn vẻ ngái ngủ. Thấy Minh đi tới Mai mỉm cười thay chào, đỡ lấy ca cháo. Chị Hai đang mở mấy hộp bánh lạt của tầu phát trưa qua cho hai đứa bé ăn. Minh nói :
- Chị cho các cháu ăn cháo nóng, tốt hơn. Cất bánh ấy đi, lỡ buổi trưa ở Trại Tạm Trú không kịp nấu cơm thì ăn đỡ lòng.
Rồi Minh quay lại nói với Mai :
- Tầu về Mỹ Tho em ạ. Như vậy em ở gần Sàigòn rồi. Chừng nào anh mãn công tác về Sàigòn anh đi kiếm chị Hai và em nhé.
Mai cười, gật đầu. Minh thấy nụ cười ấy tự nhiên, không có vẻ gì tha thiết. Tự dưng Minh thấy buồn :
- Em không muốn gặp lại anh sao ?
- Có chớ, anh. Nhưng phải lo sống trước đã.
Mai nói như một bà già, Minh nghĩ vậy. Minh đưa kẹo và cam cho Mai, nói Toàn tặng. Ngọc Mai nhờ Minh chuyển lời cảm ơn Toàn và chia kẹo cho hai đứa bé. Minh ngồi nhìn rồi lại châm thuốc hút.
() Đây là một câu chuyện thật vô cùng thê thảm, do Võ Hà Anh dựng thành truyện dài “Bên ấy mưa bay”. Thiên tứ sắp phát hành.
Mặt trời nhô lên khỏi đường chân tời, đỏ rực và to như cái thúng. Nước sông nhuộm đủ mầu sắc, những mảng nước mầu nhấp nhô phủ bọt trắng xóa dọc theo mũi tầu, loang ra xa.
Minh kiên nhẫn chờ Mai nói một lời gì đẹp ý, nhưng Mai vẫn thản nhiên. Một lúc thật lâu. Minh đứng lên rủ Ngọc Mai ra gần mũi tầu đứng ngắm cảnh. Con tầu đi vào những khúc sông đông đúc ghe thuyền, hai bên có làng mạc. Những hình ảnh ấy thật quen thuộc với những chuyến công tác của Minh, nhưng với Mai thì mới mẻ và đáng nhớ. Mai hỏi chuyện luôn mồm và Minh cũng thấy vui vui. Minh kể một câu chuyện hài hước, Mai ngửa cổ nhìn trời cười rồi bỗng la lên nho nhỏ:
- Kìa anh. Chùm hoa Mơ biến mất hồi nào rồi nhỉ, bây giờ em mới nghĩ tới đó.
Minh nhìn theo, rồi cúi xuống mặt nước. Đúng rồi Mai, chùm hoa mơ đã biến mất. Nhưng nó trung thành, sẽ trở lại với anh, với em hằng đêm. Còn Mai, Mai sẽ biến đi như một giấc mơ, cái tên em cũng tựa như tiếng Mơ mong manh ấy.
Chúng mình, không một lời hò hẹn, không một lời dặn dò, rồi đường ai nấy đi. Và rồi em sẽ đi vào giấc mơ, giấc mơ kỷ niệm của anh. Anh sẽ chỉ còn cơ hội nhớ tới em với mớ kỷ niệm vụn rời. Nhớ tới em về một đêm nằm cạnh nhau đếm sao và nhìn chùm hoa mơ ước. Nhớ tới em về những ao ước sống yên vui nơi quê anh của em, khi hòa bình trở lại. Nhưng anh sợ không còn cơ hội gặp gỡ lại em, vì em đã không còn tin là chúng mình sẽ tìm gặp lại nhau. Hay sẽ gặp lại nhau. Hay em chỉ nghĩ anh đối với em cũng như đối với những người con gái khác, mỗi chuyến tầu chở dân về ?
Tiếng Ngọc Mai vang lên :
- Chừng mấy giờ tới nơi anh Minh ?
Minh chợt buồn :
- Khoảng mười một giờ. Sao em có vẻ nôn nóng tới nơi đó thế. Em… em không thích ở gần anh hả ?
Ngọc Mai trách móc :
- Sao anh lại nói vậy ? Em hỏi như một thói quen. Vả lại, cũng phải có lúc xuống chứ, đi như vầy hoài được à ?
Mai cười :
- Anh đừng trách em. Tánh em vậy đó. Việc gì cũng nôn nóng, nhưng xong rồi thì chẳng biết tiếp tục làm gì.
Tiếng còi đổi ca vang lên rộn rã. Và còi tác chiến nối theo. Minh dục Mai trở lại với chị Hai rồi chạy đến nhiệm sở. Nhân viên chiến hạm cũng vội vã chạy đi chạy lại, khoác áo phao, đội nón sắt. Các ổ đạn được lắp vào súng, lên đạn sẵn sàng. Minh thấy mọi người nhốn nháo hẳn lên. Tiếng loa từ đài chỉ huy vang xuống :
- Xin đồng bào an tâm. Nhân viên chiến hạm sửa soạn để đề phòng như thường lệ, không có gì nguy hiểm cả.
Minh cũng giải thích cho những người đứng gần ổ súng nghe :
- Khúc sông này hẹp, lâu lâu Việt Cộng bắn lén vài phát B.40 rồi bỏ chạy, nên chiến hạm phải đề phòng.
Minh nhoài người trên dây an toàn nhìn về phía trước. Mấy chiếc khinh tốc đỉnh hộ tống chạy sát bờ, họng súng hướng vào rừng cây.
Đột nhiên, giữa bầu không khí lặng lẽ tiếng súng vang lên ròn rã. Mọi người hồi hộp nhìn nhau. Minh chăm chú nhìn chiếc PCF bên cánh trái đang bắn từng loạt vào vùng tác xạ tự do.
Một bà cụ hỏi Minh :
- Chuyện chi vậy chú ? Việt Cộng hả ?
- Không có chi đâu bác. Người ta bắn vào mấy khu cây cối rậm rạp để phòng hờ có Việt Cộng núp giật mìn đó thôi.
Tiếng súng chỉ kéo dài vài phút rồi ngừng. Và nửa tiếng sau giải tán nhiệm sở tác chiến. Con tầu lại chạy qua những khúc sông có nhà cửa, ruộng lúa và những khúc sông chăng dài hàng đáy lưới cá. Quang cảnh thật bình yên như chưa hề có tiếng bom đạn nổ. Hơn lúc nào hết Minh ước ao có hòa bình thật sự, ước ao sẽ được đi khắp miền trong nước mà không sợ bất cứ một cái gì dọa nạt. Và nhất là được trở về quê nhà. Nơi đó có những lũy tre xanh um bóng mát, có mái ngói đỏ, mái tranh lam. Có giòng sông hiền hòa với tiếng sáo mục đồng trầm bổng. Có những ruộng khoai nặng củ, những chiếc đò nhỏ nhắn xuôi ngược bán buôn. Và có khu vườn chứa đầy mơ ước tuổi nhỏ thần tiên của Minh, trĩu nặng trên cành mơ, cành ổi.
Minh bỏ xuống phòng, viết một lá thư dài cho chị Thu, miên man ghi những điều vừa nghĩ lên mặt giấy.
TIẾNG CÒI NHIỆM SỞ ỦI BÃI RỀN RỈ trong chiếc loa gắn trên tường. Minh quẳng giấy bút vào trong tủ, chạy lên boong. Tầu đã bớt tốc độ xuống một máy tiến một, lừ lừ lướt tới.
Đằng trước là một bãi đất trống, lố nhố người, cờ và biểu ngữ cùng những chiếc GMC nằm bất động.
Ngọc Mai và chị Hai đã xếp gọn đồ đạc xong, đang đứng nhìn vào bờ.
Thấy Minh, Ngọc Mai hỏi :
- Họ làm gì vậy anh ? Dân xuống đây hả ?
- Ừ. Chánh quyền địa phương trương cờ và biểu ngữ chào mừng đồng bào trở về. Sau đấy họ đưa mọi người đến trại tạm trú bằng những xe nhà binh đậu trên lộ đó.
Tiếng neo kéo sợi dây sắt rít lên sau lái, đầy giục giã. Không ai nói, nhưng cả Minh lẫn Mai đều hiểu rằng chỉ vài phút nữa sẽ không còn ở cạnh nhau.
Minh cố làm ra vẻ tự nhiên :
- Cô giáo, anh trả bài nhé.
Ngọc Mai cười :
- Em mong anh sẽ thuộc bài, để khi trở lại Nam Vang khỏi nói tiếng Miên bằng tay.
Minh ra vẻ nghiêm trang :
- Chngai pì ôn, boong pruôi na. (Xa em, anh buồn lắm).
- Ồn kò châng đá ! (Em cũng vậy).
Ngọc Mai hỏi lại :
- Boong nưc ôn chìa nich rư tê ? (Anh sẽ nhớ em mãi chớ ?)
- Nức ! (Nhớ).
Ngọc Mai đặt nhẹ tay lên cánh tay Minh :
- Boong nâu oi sóc sà bai ! (Anh ở lại mạnh khỏe).
Minh không đáp, nhìn vào bờ. Con tầu đã ủi bãi xong, cửa ram đang mở rộng dần. Mọi người nhốn nháo như tan buổi chợ.
Cánh cửa ram mở toang. Những người đứng gần cửa ngập ngừng một chút rồi khuân đồ đạc ào ra. Những người đứng sau ùa lên phía trước chen nhau xuống. Trên bờ, các quân nhân và nữ cán bộ xã hội tiếp tay khuân vác, giúp đỡ mọi người lên xe.
Minh ẵm dùm chị Hai đứa lớn. Ba người từ từ bước ra phía cửa. Trên tầu chỉ còn vài chục người xuống chậm. Minh đặt đứa bé xuống khoảng đất sạch sẽ, nói với chị em Mai :
- Thôi, chúc chị và gia đình đi may mắn. Khi nào về Sàigòn và nhận được tin tức chị tôi sẽ đi thăm.
Chị Hai lí nhí cám ơn, mắt đỏ hoe. Minh nhìn Ngọc Mai :
- Mai đi nhé.
Ngọc Mai gật đầu :
- Em sẽ viết thư về địa chỉ anh cho.
Hai chị em dắt díu nhau đi. Được vài chục bước Mai bỗng quay lại nhìn Minh, la lên :
- Boong ơi, ôn srô-lanh boong ná. (Anh ơi, em thương anh lắm).
Minh chưa kịp có phản ứng thì Mai đã đưa tay vẫy vẫy rồi quay ngoắt đi.
Minh đứng nhìn cho đến khi hai chị em Mai và mấy đứa cháu khuất giữa đám người. Tiếng còi gọi nhân viên về tầu lại vang lên. Minh bước xuống, những bước chân nặng trĩu.
Cánh cửa ram từ từ đóng lại, ba hồi còi lùi vang lên sau tiếng neo lái kéo khỏi lòng sông.
Con tầu lùi ra giữa giòng và bỏ neo ở đó, cửa ram lại mở ra và các nhân viên chiến hạm sửa soạn làm sạch sẽ.
Minh đứng trên thang bắc ngang hai boong tầu, nhìn về phía trước. Sân tần đầy rác, vỏ hộp, giấy và đủ thứ lặt vặt. Gió sông lùa vào thổi những thứ rác rưởi đó chạy loăng quăng.
Minh bước xuống, nâng vòi nước trong tay người thủy thủ phòng tai. Luồng nước vọt mạnh, lùa những thứ người ra đi bỏ lại đó trôi dạt về phía cửa ram.
Luồng nước thật mạnh, không còn chút vết tích gì để lại trên nền sắt. Minh lặng lẽ làm, với những hình ảnh mong manh về mọi người trong óc, lãng đãng như mây.
NGỌC MAI. SAU CHUYẾN CHỞ DÂN MÌNH – trên đó có em – về Đồng Tâm tầu anh lại ngược giòng Tonlé Sap trở lại Nam Vang. Và lại tiếp tục chở dân về. Cứ thế, anh ở lại thủ đô xứ Chùa Tháp này thêm ba tháng nữa. Mỗi chuyến chở dân lại mang thêm ít nhiều kỷ niệm. Anh nghe thêm, thấy thêm biết bao nhiêu chuyện khổ của dân mình. Nhưng anh tự dặn mình, sẽ không làm quen thêm với một người nào khác nữa. Anh sợ sẽ thân thiết với họ, và sẽ buồn khi họ xuống tầu, như em đã đến và đã đi. Vậy mà, dù không thân mật với ai khi mọi người xuống bến, anh vẫn thấy bâng khuâng nhè nhẹ, thấy buồn vu vơ. Và anh nhớ em tha thiết. Có lúc anh đã tự nói với mình, nếu anh có cơ hội ở cạnh em lâu hơn thời gian đã có, nếu chúng mình gặp gỡ ở một nơi nào khác – không phải là con tầu này – biết đâu em đã chẳng yêu anh (như em đã nói hôm nào) thắm thiết và anh đã chẳng mất em.
Từ khi em đi, hằng đêm anh vẫn lên ổ súng bốn mươi ly đôi nằm nhìn chùm hoa Mơ tuyệt diệu của chúng mình. Anh cũng tưởng tượng ở một chỗ nằm nào đó trong trại tạm trú ở Đồng Tâm em cũng nhìn lên chùm hoa đó với những ước mơ. Em có mơ gì không, như anh ? Anh đã ao ước bằng tất cả chân thành, tha thiết của lòng mình về một ngày. Một ngày nào đó trong tương lai, không còn chiến tranh, không còn bom đạn. Những người con trai thôi phải nhập ngũ để chiến đấu tranh giành lại mảnh quê hương trong tay kẻ ác. Những người con gái thôi còn long đong lận đận, thôi phải mòn mỏi đợi mong. Những – người – tình – một – đời thôi chết để khỏi buồn những người tình còn sống. Những chồng, cha, anh, em sẽ về với mẹ cha, vợ con, anh em họ. Nước mắt vẫn còn rơi, nhưng là nhưng giọt lệ sung sướng, những tiếng khóc mừng vui như tiếng khóc của người con gái vu quy, phải không em ?
Súng ống sẽ không dùng để giết chóc, mà để trang trí cho đẹp mắt. Thù hận tan đi theo tiếng cười vui. Và mọi người tận lực đem tâm sức ra phụng sự cho đời sống của mình cùng những người thân mà không phải băn khoăn vì những âu lo khác.
Ngày đó đẹp quá phải không Mai ? Người ta tin tưởng ngày đó sẽ đến với quê hương, người ta vẫn nói một mai khi hòa bình…và không ai ngừng tin tưởng. Vì mọi người sẽ chết khi không còn tin tưởng nữa.
Một mai khi hòa bình ! Anh nhớ có đọc một cuốn truyện dài như niềm ao ước của những người trong truyện. Trước kia, anh chỉ ao ước cho anh, nhưng bây giờ anh ao ước cả cho em.
Anh ước ao hai đứa mình – ngày đó – đã…yêu nhau, anh sẽ đưa em về thăm quê chồng tương lai một chuyến. Chúng mình sẽ gặp lại khu vườn xưa một lần anh đánh mất. Em sẽ có dịp nhìn tận mắt cây Mơ thực sự, để so sánh với đóa hoa Mơ hiện tại trên trời cao. Em sẽ thơ thẩn trong khu vườn đầy hoa trái – với anh, dĩ nhiên – để thưởng thức những chua ngọt nồng nàn của quê nhà qua mùi vị những trái cây trồng trọt được. Mơ, mận, đào, chanh, ổi, nhãn, bưởi, na, cam, táo, hồng, bồ quân, quýt, chuối… Và cả đến những trái sung chín ngọt lự, trái mây chan chát, trái sắn chua chua… Em sẽ được ăn cà pháo sống với mắm cáy, ăn rau diếp với mắm tép, ăn dưa hành với thịt đông, ăn ngô rang (hay luộc) trong chăn ấm, ăn cốm vòng thơm ngát. Em sẽ có dịp thưởng thức hương vị những bông đòng đòng trước mùa gặt, ăn khoai mật luộc khô nước, ăn cơm nguội để cách đêm với muối vừng…
Trời ơi, Ngọc Mai. Còn nhiều nữa. Lúc đó… vợ chồng mình (biết đâu chúng mình chẳng lấy nhau ?) sẽ tay trong tay bước đi trên những tảng đá xanh khổng lồ lót từ sân ra cổng ngõ bên hàng dậu thưa. Anh sẽ có dịp chỉ cho em nơi anh Thăng ngồi thổi sáo, chỗ anh đã nằm nghe chị Ánh kể chuyện hằng đêm : Ngày xưa… Hay chúng mình sẽ ngồi tựa bên nhau, nhìn đóa hoa Mơ trên cao – buổi tối sao sáng trên trời – mà đếm đua (và hẳn nhiên là em sẽ thắng) :
Một ngôi sao sáng
Hai ngôi sáng sao
Ba ngôi sao sáng
Bốn ngôi sáng sao
Ngọc Mai. Quê hương mình đó, biết bao giờ thì chúng mình hết còn mơ ước, vì mơ ước đã trở thành sự thực ?
Từ khi em đi cứ mỗi lần tầu cập bến Phnom Penh anh lại có dịp lang thang trên phố. Anh la cà trong quán rượu lộng gió, lâng lâng say với Quảng Vạn An rồi lững lờ bước đi trên hè phố. Rồi tưởng như trên phố này đã có bước chân em đi, trên đường kia đã có nơi em qua lại. Hình ảnh nào, kỷ niệm nào của em cho đã khiến anh tìm lối đến trường Providence em học, để rồi bâng khuâng vì không nhận ra được một nét quen thuộc gần gũi nào nhắc nhớ đến em. Nhiều lần đến đó anh cũng đã làm quen (hay được họ làm quen) với gia đình người Bắc qua đây sinh sống từ lâu. Họ kể cho anh nghe Nam Vang ngày trước, về trường nữ Trung học Bà Phước này. Anh thấy như đang nghe những mẩu chuyện liên hệ đến em. Anh hỏi họ về Kompong Cham, về bãi biển Kep… là những nơi em đã sống. Chuyện dài, thời gian qua mau, đến giờ cơm họ giữ anh ở lại. Ngồi vào mâm cơm với gia đình họ, anh lại tiếc sao chẳng phải là bữa ăn của em lo cho anh, của những sửa soạn chứa chan tình ý vợ chồng ?
Sự gần gũi thân mật ấy đã xui dục anh trở lại với họ vào những lần sau. Anh gửi tiền để họ giúp anh cơ hội thưởng thức những món ăn xứ… Mọi (dân mình thường gọi xứ Miên là xứ Mọi, nhưng theo anh thì dân Miên chẳng “mọi” tí nào, trừ nhân dáng họ hơi kém phần sáng sủa). Thế là anh đã được nếm mùi Bồ Hóc với những món Cượng, Nâm bờ Chóc, Sùm lô Cà Cô… Toàn bằng cá biển. Vậy mà bên mình cứ bảo mắm Bồ Hóc làm bằng chuột, rắn, rết… kinh khủng.
Ăn no, uống say, lúc ra về thì trời đã tối. Anh ngồi ngất ngưởng trên chiếc xích lô về tầu. Anh xích lô nói tiếng Pháp như gió, ngỏ ý muốn đưa anh về ngủ đêm ở La Peillotte. La Peillotte thì hẳn em chẳng lạ, đó là khách sạn. Nhưng em không biết đâu, ở đó có những gái bán phấn buôn hương được các anh phú lít Miên chăm sóc để kiếm chác thêm. Cũng như nhiều nơi khác, mà nổi tiếng nhất là số 18 Samdech Iem.
Nhưng anh không về đó. Những nơi đó chỉ làm anh buồn, sợ khi bước chân vào, bất ngờ nghe một cô gái chào bằng tiếng Việt : “Vô đây với em đi, cưng” rồi sau đó tự giới thiệu bằng giọng bùi ngùi “em tên là Nguyệt, là Lan, là Cúc… ở trại Russey Keo, ở Séminaire, ở Miche… phải “nhẩy dù” để kiếm nuôi gia đình sống qua ngày, chờ được tới lượt xuống tầu về xứ”. Cay đắng thế đó em, xót xa quá nhỉ Mai ?
Nên anh sợ, trở về tầu ngủ vùi. Và để khỏi đi “trả thù dân tộc” với chính… dân tộc mình, anh đã một mình lê la khắp nẻo, đi thăm cung Vua, đến viếng chùa Tháp… Để qua đi thời gian ngơi nghỉ, rồi lại tiếp tục đón dân xuống tầu đưa về quê Mẹ.
Gần ba tháng sau, mãn nhiệm kỳ công tác tầu anh trở về Sàigòn. Thư em gửi cho anh đã tới, nằm ngay ngắn trên mặt tủ sách. Anh mừng quá. Được bốn ngày phép, anh “bay” xuống Đồng Tâm ngay ngày phép thứ hai, sau khi về thăm Thầy và các anh chị.
Tìm Mai không dễ như anh tưởng. Mất cả buổi sáng và buổi trưa anh mới tìm ra “dấu vết” em. Bấy giờ mới biết em không còn ở trại tạm trú. Một người hồi hương biết anh (trên chuyến tầu về nước cùng với em) nói rằng em quen một ông Sĩ Quan gì đó, ông này đã tìm dùm nhà cho em ở với chị Hai và các cháu, lại hứa kiếm hộ việc làm cho hai ngwòi. Anh mừng cho em đã gặp may.
Nhưng không biết em ở chỗ nào mà tìm đến, anh trở về Sài Gòn.
Sáng nay chủ nhật (một tuần sau lần đi tìm em) anh lại được nghỉ. Anh quyết định xuống Đồng Tâm lần nữa và lần này lại có người quen – có phải là anh may mắn chăng, hay là rủi ? – chỉ cho anh biết nơi em ở.
Anh tìm đến.
Nhưng khi đến nơi, anh không dám tin mình vào đúng nhà. Ngôi nhà xụp đổ một nửa phía sau, cửa bỏ ngỏ. Anh bước vào, bỡ ngỡ. Không có ai, anh quay trở ra tần ngần đứng nhìn quanh.
Một người đàn bà đi ngang dừng lại nói với anh :
- Căn nhà này không có ai ở đâu ông ơi. Hồi đầu tháng Việt Cộng pháo kích trúng nhà, sập hết phía sau đó. Tội nghiệp, trong nhà có ba mẹ con và một cô gái thì hai người lớn một chết ngay, một chết ở nhà thương. Hai đứa con nít bị thương nặng, người ta đưa đi mất rồi, cũng chả chắc gì sống. Nghe nói một trong hai người đàn bà là vợ nhỏ ông Đại Úy, mới được một tháng nay. Ông biết không, mấy người này là dân mình từ bên Miên về, lúc trước ở trại tạm trú trong kia. Bây giờ vừa mới được ông Đại Úy bảo bọc thì đã chết. Con người ta có số thiệt mà.
Người đàn bà nói nhiều nữa, nhưng không thấy anh bắt chuyện nên bỏ đi. Anh không nghĩ gì kịp để hỏi bà ta, mà chắc bà ta cũng chả biết gì thêm.
Anh đứng đó một lúc lâu, như người bị tê liệt. Rồi anh bỏ đi. Anh sợ. Nhiều lý do để anh sợ và bỏ đi. Anh sợ sẽ biết chắc chắn là Mai đã chết. Anh sợ sẽ biết rõ tên người đàn bà trở thành vợ nhỏ ông Đại Úy “nhanh tay lẹ mắt” nào đó. Anh sợ anh sẽ trở thành người xa lạ, ở chỗ này. Nên anh bỏ đi.
Trên chuyến xe lô trở về, xe chạy ngang cầu Bến Lức, anh nhìn xuống. Mấy chiếc giang đỉnh chạy ngược xuôi, lờ lững. Anh nhớ tới những ngày ở Nam Vang, chuyến trở về có em, những mẩu chuyện đối đáp, những kỷ niệm vụn vặt mà em dự phần vào dó. Dù em còn hay mất, hình như em đã tách khỏi những liên hệ với anh. Hình như em đã quá xa, quá cao khỏi tầm tay anh với.
Thôi em, hãy vĩnh viễn ngủ yên, quên đi phiền muộn. Vượt bao cây số từ bên ấy về quê Mẹ em chẳng được sống để nhìn thấy hết quê hương. Để đi thăm khắp mọi nơi, cả miền Bắc xa xôi có quê quán anh ở đấy. Để thăm khu vườn có hoa Mơ bất tử trong anh, trong em.
Thôi em, nếu em đã nằm xuống. Hãy là một trong những vì sao của chùm hoa sao anh vẫn thấy hằng đêm. Chùm hoa Mơ mà anh hằng mơ ước, thì em hãy làm một phần nhỏ trong nỗi niềm ước mơ xa vời đó. Để anh thấy em còn sống mãi. Để em còn đẹp, còn hiền và còn dễ thương mãi trong anh.
- Lia ôn !
(Vĩnh biệt em
(10 – 1970)
***