Thứ Hai, 27 tháng 9, 2010

THƯƠNG MẦU PHẤN BẢNG - truyện dài: VÕ HÀ ANH

* những tác phẩm của VÕ HÀ ANH và DUNG SÀIGÒN đã xuất bản


********

Truyện dài





















Mẫu bìa: tranh Vũ Thái Hòa



* Trang tặng các Thày, Cô của tôi
* Tặng các cựu học sinh Trần Lục, Võ Trường Toản, Trưng Vương, Gia Long (56-62) và T. Đ. Khoa (CVA)

VÕ HÀ ANH



Chương 1

TIẾNG SÚNG ĐÃ IM LẮNG KHẮP XẠ TRƯỜNG. Buổi thực tập tác xạ chấm dứt, cùng lúc với buổi sáng qua đi. Mọi người được hướng dẫn vào nghỉ ngơi và ăn trưa trong khu vườn cao su nhỏ.
Tôi nằm dài dưới gốc cây, gối đầu lên Poncho cuộn tròn. Trên cao ánh nắng chói chang xuyên qua khe lá nhấp nháy trên nền đất làm tôi chói mắt. Tôi xoay mình nằm nghiêng. Mồ hôi trộn lẫn với đất cát thành một mùi quen thuộc trên quần áo, thân thể tôi. Tôi mỉm cười nghĩ đến Trang mà tựa vào ngực tôi lúc này, hẳn là nàng sẽ … chết ngạt mất.
Tâm từ đằng xa xách khẩu M.16 uể oải tiến lại. Nhà giáo uể oải ngồi xuống cạnh tôi, uể oải từng lời nói:
- Thật là mệt, như ….chưa bao giờ mệt đến thế. Còn buổi học địa hình buổi chiều này nữa. Nói thật, nhiều lúc tao thấy tao thật đáng tức cười, quên cả mình từng đi dạy học và là bố trẻ con. Mình đi dạy người ta cả chục năm, bây giờ tới lượt mình vào lính, và …học trò mình nó dạy lại mình.
Tôi nhìn Tâm thân mật:
- Mày buồn à ?
- Không phải vậy. Đó là chuyện rất thường. Cái gì mình chưa biết thì phải học. Nhưng tao già rồi, phải kiên trì đeo đuổi một chuỗi ngày vất vả và triền miên …tao sợ tao đuối sức.
Tôi cười thông cảm với Tâm. Tâm có vợ và bốn con, đi dạy học gần mười năm naỵ Làm sao Tâm còn cái say mê, bầu nhiệt huyết và sức chịu đựng dẻo dai như chúng tôi, những thằng chưa lập gia đình.
Tâm châm một điếu Bastos, gật gù:
- Cứ mỗi lần nghe huấn luyện viên giảng tao lại tưởng mình còn đi học. Tưởng như mình đang tuổi lớn lên và đang mài đũng quần trên ghế nhà trường.
Câu nói của Tâm làm tôi ngẩn ngơ đôi phút, rồi một niềm xúc động bừng bừng trong lòng khiến tôi cũng cảm thấy như mình còn trẻ lắm, nhỏ lắm. Như chú học trò mặc quần “soọc”, cắp cặp





















chạy tung tăng từ nhà ra bến xe buýt đến trường mỗi buổi trưa nắng cháy. Như anh học sinh đã biết tán gái, đạp xe đuổi theo những tà áo trắng bay bay qua các nẻo đường dẫn đến ngôi trường Gia Long con gái thân yêu. Bỗng nhiên tôi thèm sống lại một đôi giây của kỷ niệm, tìm lại nét dễ thương tươi trẻ của những ngày xưa thân ái, ngày tôi còn đi học. Ngày tuổi trẻ nô đùa bên nhau. Những phút ngắn trở về với kỷ niệm và kỷ niệm trở lại đẹp đẽ chói chang làm tôi xúc động, buồn muốn khóc. Tuổi học trò của tôi đã đi qua.
Ngày xưa …những câu văn nào, những mẩu chuyện nào được kể mà bắt đầu bằng hai tiếng “Ngày Xưa”, đều êm đềm, đẹp đẽ và nhiều nuối tiếc. Ngày xưa. Thời gian mà tôi còn mặc áo sơ mi trắng và quần ống ngắn đẹp làm sao ?
Năm ấy (năm đầu khi tôi di cư vào Nam) tôi khép nép, bỡ ngỡ bước chân vào cửa trường Trung Học. Tôi từ bỏ hình ảnh một cậu học trò để khoác vào mình chiếc áo mới của anh chàng học sinh Trung Học. Nghe có vẻ lớn, có vẻ quan trọng, thực ra thì vẫn thế: tóc hớt thật cao, áo trắng và quần xanh ngắn ống. Sau này, mỗi lần nhìn lại mình trong những hình lưu niệm hay trong thẻ học sinh, tôi không thể nào nín cười trước vẻ ngây ngô của cậu bé con trong ảnh. Mặt thộn ra, mắt cau cau nhìn xuống, môi mím lại. Bây giờ nhiều lúc tôi lẩm cẩm tự hỏi, Trang, người con gái tôi đang yêu và yêu tôi – dù là ngày xưa – không biết nàng có la lên “mặt mũi gã như “dzầy” sao mình thương được nhỉ ?”.
Tôi trở thành học sinh trường Trung Học Trần Lục từ năm đó. Với niềm hãnh diện chưa tan của kẻ thắng cuộc trong kỳ thi Tiểu học được gia đình thưởng chiếc cặp da đắt tiền và chiếc bút Paker “gồ ghề” trong kỳ thi đậu vào Đệ Thất.
Những ngày đầu trong lớp học đầu tiên ban Trung học tôi đã nhiều mơ mộng. Tôi như cảm thấy tiếng chim hót đâu đó trong không gian của bài tôi đang học, của Thanh Tịnh: … “Mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi …” Tôi như cảm thấy những vị ngọt và mát của kem Cẩm Bình, của lạc rang nóng ròn trong rét mướt bên bờ hồ Hoàn Kiếm, của bánh tôm béo ngậy Hồ Tây ở Hà Nội hãy còn vương vấn đâu đó, chưa xa vời vì ngày di cư còn mới đây. Nhưng mà tôi vẫn học thật chăm, thật ngoan. Thật chăm, thật ngoan cả những năm sau. Tôi đứng hạng cao, được phần thưởng cuối năm đều đặn. Tôi không còn nhớ nỗi hết tên thầy và cô dạy tôi. Và những vị đó theo tháng ngày cũng quên, có gặp mặt trên đường đi cũng không hề ngờ gã thanh niên trước mắt đã có thời gian mình giáo huấn. Cách đây không lâu, tôi đang trên đường đi phép về nhà bỗng gặp một cụ già băng ngang đường nét mặt thản nhiên cam chịu. Tôi giật mình nhìn cụ đi ngang đầu xe và chợt nhớ lại một thời gian xa xưa đã tan trong dĩ vãng. Cụ là giáo sư Việt Văn tôi học hai năm đầu Trung Học. Tôi tìm tên vị thầy cũ trong khối óc chứa đầy những bận rộn vì con số, tiền bạc và lo âu. Tôi reo lên nho nhỏ vui mừng: tên thầy là Trạch. Cùng một lúc tôi nghẹn ngào xúc động: “Thầy đã già quá rồi thầy ơi !”
Hình ảnh vị giáo sư năm xưa nhắc tôi nhớ những thầy cô khác. Ông Tuyến dạy Pháp Văn nổi tiếng dữ vẫn còn dạy ở Trần Lục – nhưng nhờ vậy học trò chăm học. Cứ giờ thầy thì học trò xanh mặt với những bài học thuộc lòng trong cuốn Pháp Văn của Cao Văn Thái (La famille se réunit autour de la cheminée. Une buche flamme dans le foyer …) Anh nào không thuộc là bò lê, bò càng. Bây giờ thầy Tuyến đã già lắm, thầy vốn đã gầy lại gầy hơn. Cô giáo C. là cô giáo tôi thương nhất. Ngày đó chắc cô mới ra trường. Cô thật trẻ và đẹp. Đẹp và lại hiền hậu nữa. Tôi đã “thương” hình ảnh này với giọng nói dễ thương và sự trong sáng khó quên. Thuở học trò, con trai hay con gái đều thích mê những thầy, những cô mà mình chọn lựa làm thần tượng. Đến bây giờ vẫn không phân tách nổi – không muốn thì đúng hơn – tình thương ấy. Cô dạy tôi Việt Văn năm Đệ Ngũ, và năm sau cô đổi đi Đà Lạt dạy ở Bùi Thị Xuân. Cô C. thương tôi nhất. Cô nhận tôi làm em tinh thần và năm sau, ở Đà Lạt nghe tin tôi học giỏi, cô gởi quà về nhờ thầy Tuyến trao tôi chung vào phần thưởng cuối năm. Bây giờ cô đã lập gia đình, hạnh phúc bên “thầy” và các cháu. Một lần, nghe con trai ông Chu Tử nói quen cô và khi nhắc đến tôi, cô có hỏi thăm, tôi cảm động đến rưng rưng nước mắt.
Tôi không hiểu tại sao tôi là con trai mà mau nước mắt. Xem một phim vui quá hay buồn quá, tôi cũng thấy nóng ở mị Gặp một người đau ốm nặng, một người hoàn cảnh nghèo túng quá tôi cũng mủi lòng hơn người khác. Và chính bản thân tôi, khi gặp chuyện không như ý về tình cảm và cuộc sống, tôi cũng buồn, cũng tủi thân.
Cuối năm Đệ Tứ đời học sinh của tôi bước sang ngã rẽ. Tôi “trót dại” gia nhập “xóm nhà lá” ở cuối lớp. Chúng nó lười kinh khủng, nhưng lắm chuyện vui và chuyện ….tơ lòng. Tôi bỏ bàn đầu dãy giữa - trước mặt giáo sư – mà tôi đã quen chọn ngồi từ những năm tiểu học, để xuống ngồi bàn cuối với chúng nó. Những mẩu chuyện khôi hài, những trò chơi vui đã làm tôi xao lãng việc học hành và bắt đầu suy nghĩ. Tôi học đòi viết văn làm thơ cho báo nhà trường và gửi cho các nhật báo. Đôi khi họ đăng. Tên tuổi tôi được bạn bè nhắc tới và tôi lấy làm hãnh diện. Tôi bắt đầu nghiệp văn …gừng từ đó.
Năm Đệ Tam tôi không còn được phần thưởng. Vài môn học sa sút 1 cách thảm hại: Toán, Lý, Hóa …nhưng tôi không buồn để ý tới điều đó. Tôi theo bọn “xóm nhà lá” trước giờ học đi tán các “em” học Gia Long. Ngày đó có một “em” được cả bọn mê Tuyết trắng, đẹp sắc sảo kiêu kỳ. Em chẳng chịu làm quen với ai nhưng vì em mà tụi tôi - Trần Lục - choảng nhau dữ dội với Võ Trường Toản và P. Ký. Tôi không dự, nhát cũng có mà ghét đánh nhau vì bị “mái sùy” cũng có. Ngày nay hẳn Tuyết đã lấy chồng và con đàn con đùm. Chẳng rõ em còn đẹp như xưa ?
Xóm nhà lá tan rã vào năm Đệ Tam. Chúng nó lớn hơn tôi 3-8 tuổi nên đi lính hết. Tôi ở lại, lạc lõng giữa những bạn bè quá chăm chỉ và học giỏi, quá ngốc lại khù khờ. Chúng nó không ghét tôi và tôi cũng thương chúng nó. Vì thương chúng nó nên tôi dại dột thêm lần nữa. Cuối năm Đệ Tam chia ra 3 ban A, B, C. Tôi đã dại dột chọn ban B, vì ngại phải đổi sang Chu Văn An học ban C, chỉ có mấy đứa đi. Bọn kia chọn B hết và tôi chọn B chỉ vì không muốn xa chúng nó. Hết năm Đệ Tam, cả lớp Đệ Nhị chúng tôi phải đưa qua Võ Trường Toản. Lớp đệ nhị cấp duy nhất học buổi chiều. Chúng tôi lúc đó đã lớn, tình thầy trò không phai nhạt nhưng sự kính trọng thầy tự nhiên giảm sút. Học trò không còn run sợ khi không thuộc bài, vắng mặt thầy gọi bằng tên, bằng “lão”, bằng “lúy” …, nói chuyện gái và chửi tục nhiều hơn nghe giảng. Sáng chế nhiều trò chơi tai quái đến độ Giáo sư, Giám Thị cũng phải than trời, và …cả lớp đua nhau đi tìm người đẹp Trưng Vương. Học sinh Trưng Vương buổi chiều đa số là nhỏ, vì thuộc Đệ Nhất Cấp. Nhưng cũng có một số cô bé thật xinh, trong đó có “em” Liên. Em Liên xinh và lém lỉnh, cũng là đầu mối của nhiều vụ đập lộn u đầu sứt tai. Em là hoa khôi của những năm cuối cùng Đệ Nhị, Đệ Nhất sau này. Tôi không làm quen em, và cũng không đi theo, vì lúc đó tôi say mê làm báo, làm văn nghệ hơn là đi theo gái. Vả lại lúc đó Liên còn nhỏ, mà tôi thì thích quen với những cô lớn hơn.
Trường Võ Trường Toản cho tôi nhiều kỷ niệm. Càng nghịch phá, càng học giỏi hay lười biếng thì càng có nhiều chuyện để nhớ. Lên trình diện văn phòng đều đều. Các giờ thí nghiệm Lý Hóa trong phòng thí nghiệm, các màn đấu Triết của mấy anh học giỏi mới lớn lên học đòi, các cuộc làm báo Xuân …tất cả là kỷ niệm của tôi, của chúng tôi.
Chúng tôi thường ra ngồi dưới gốc cây trước cửa trường sau giờ học, đấu láo và ngắm trêu học trò Trưng Vương đi học về. Giáo sư thấy mặt là lắc đầu “các cậu quá lắm”.
Tôi còn nhớ tên nhiều giáo sư trường này. Ông Thái Văn Khôi dạy Việt Văn thích pha trò, đọc lái tên mình và còn tự đặt biệt hiệu là Thái Văn Zames Dean. Ông Trần Tuấn Nhậm dạy Công Dân lúc nào cũng ngậm ống vố và cù không cười. Ông An “ép phơ” dạy Lý Hóa. Gọi là ông An “ép phơ” vì ông nói đến chữ f là đọc ép “phơ .. ơ” to tướng. Ông từng đuổi Trần Duy Nghĩa 2 ngày (khi dạy ở Trần Lục) vì trong giờ học, Nghĩa đã cởi áo, lót đầu nằm ngủ tỉnh bơ ở bàn cuối.
Nhưng tôi nhớ nhất là cụ Hiệu Trưởng Đinh Căng Nguyên, ông Tổng Giám Thị và ông Giám Học. Cụ Hiệu Trưởng dáng cao ngất ngưởng, lúc nào cũng nghiêm trang đạo mạo. Cụ rất thương tôi nhưng ít khi nói chuyện. Bây giờ cụ đã về hưu. Ông Giám Học Nguyễn Ngọc Văn sau này lên làm Hiệu Trưởng, ít nói cười nhưng thật hiền. Ông Tổng Giám Thị Nguyễn Mạnh Tuân trái lại lúc nào cũng cười. Ông cũng là nhà báo, từ lâu.
Ngày ra trường, tôi trở lại thăm trường vào dịp hè. Theo tôi, hình ảnh đáng ghi nhận nhất cho đời học trò, nhất là học trò đã ra trường, là trở lại thăm trường vào dịp đã khai giảng và dịp hè. Đến thăm trường lúc mọi người đang học sẽ được gặp thầy giáo cũ, nhìn học trò đàn em cúi đầu trên vở sẽ thấy cảm động như chuyện ông Tướng Pháp (ông Các Nô thì phải) trở lại trường xưa trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư học thời còn nhỏ.























Nhưng vẫn không xúc động bằng trở lại dịp hè. Ngôi trường có vẻ như bỏ hoang, buổi chiều hôm đó tôi đã nghĩ vậy. Cánh cửa nửa mở nửa khép. Tôi lách vào, bước chân lạo xạo trên sỏi gạch. Ngôi trường vắng lạnh, hoang liêu. Lá vàng từ các ngọn cây theo gió đuổi nhau trong không trung, lăng quăng chạy lên mặt sân. Ngọn cỏ mọc dại ngả nghiêng …thật buồn. Tôi bước vào phòng học cũ. Lớp học tối, bụi phấn phủ trắng mờ nền gạch, 3 dãy bàn nằm câm nín. Ôi, thương màu phấn bảng làm sao. Tôi ngồi vào chỗ từng người ngồi hằng ngày và trước mắt như hiện ra từng bóng dáng thầy trò, từng giọng nói, tiếng cười, từng cử chỉ nô đùa năm trước. Kỷ niệm trở về đầy ắp lòng tôi, tôi gục xuống cánh tay, buồn muốn khóc. Tôi ngồi như vậy không biết bao lâu, cho đến khi ngôi trường nhòa ánh nắng chiều tàn tạ.
Tôi ra về, tưởng như đang cùng bạn bè tung tăng cắp sách bước khỏi cổng sau giờ tan học. Nhưng chỉ còn mình tôi ở đây. Các Thầy cũ có người còn dạy, có người đã đổi đi. Bạn bè cũ ngày nay mỗi thằng một ngã. Mỗi đứa chọn một ngành, một cuộc sống mới.
Tôi trở lại thăm trường nhiều lần như thế cho đến bây giờ. Tôi lao đầu vào nghề viết báo đã nhiều năm, tính lại thấy chả đạt được một ích lợi gì thiết thực cho đời sống, ngoại trừ vài thỏa mãn nhỏ nhoi. Mỗi đứa một số mệnh. Người ta thường nói thế. Như bạn bè tôi, đứa đi lính, làm quan hay lính quèn, bị chết trận. Đứa học lên làm Quận Trưởng. Đứa ra Giáo sư dạy học ở trường xưa. Đứa là Chính Trị và bây giờ là Dân Biểu. Đứa đi tu đạo Tin Lành, cưới vợ và bỏ bạn bè. Đứa lấy vợ đẻ con, đi làm thư ký. Cuộc sống đứa nào cũng bơ vơ dù sung túc hay không. Bạn bè tôi, tôi thương chúng nó. Nên tôi tìm về những ngày xưa thân ái, tuổi vô tư và đời sống cũng vô tự Tôi thích trở về trường cũ, gặp lại thầy xưa, để ngồi kể lể. Thưa thầy, thằng Nghĩa đi Sư Đoàn 7, giết Việt Cộng như ngóe, thằng Cường đi Pilot ở Nha Trang, thằng Minh đi ngoại quốc về dạy Khoa Học …
Tôi cũng muốn mình mãi mãi giữ được thói quen: hằng năm trở về thăm, về góp tìm kỷ niệm trên vùng đất cũ !
Nhưng hẳn tôi không còn cơ hội. Khoác bộ quân phục lên mình, mặc nhiên tôi sẽ phải chịu theo những quyết định của tập thể to lớn đó.
Như ngày hôm nay, như những ngày tháng còn lại của khóa học, như những tháng năm chưa tới. Tôi tin mình có thể cam chịu một cách bền bỉ, và sẽ không bao giờ lùi bước. Bạn bè tôi, mỗi đứa một số mệnh. Chúng nó còn sống hay chết, chưa đứa nào lùi bước. Tôi lại chẳng làm được như chúng nó hay sao ?
Khi tiếng còi tập họp vang lên, tôi chồm dậy, nhanh nhẹn như chưa hề mệt mỏi. Tâm cười:
- Tao nhìn mày, tao cứ tưởng khi còn ngoài … “dân sự” mày chưa hề biết ngủ muộn, chưa hề biết đau ốm là gì.
Tôi cười, trả lời Tâm trong lúc đầu óc vẫn còn loáng thoáng bóng hình những đứa bạn năm xưa và thời học trò vàng son tươi đẹp của thủa nào:
- Quân Đội “nắn” tao đấy !










Chương 2


TÔI THUYÊN CHUYỂN ĐẾN PKEIKU THẤM THOÁT ĐÃ GẦN 6 THÁNG. Sáu tháng xa nhà của một tên con trai đi lính, …… nhậm đơn vị đầu tiên trong đời binh nghiệp thật là dài và nhiều ý nghĩa. Bâng khuâng như mất mát một cái gì, bâng khuâng như tâm trạng một cô gái trước ngưỡng cửa nhà chồng xa lạ.
Rời xa gia đình, người yêu, bạn bè và thành phố, tôi mang theo túi hành trang cùng dăm ba cuốn sách của người yêu mua tặng. Loại sách dịch, hấp dẫn và bắt nhiều suy nghĩ. Trang biết tôi cần giết nhiều thời giờ và cần quên thực tại.
Ngày nhận Sự vụ lệnh về đây cùng bốn tên khác, Tâm nắm tay tôi thật lâu. Chàng giáo viên thủ thỉ:
- Tao ra Qui Nhơn, có dịp mày nhớ đến tìm tao ở đó. Gặp lại mày tao biết chắc tao sẽ mừng như khi gặp vợ con tao.
Tôi mỉm cười, xúc động. Tôi và Tâm chỉ quen nhau khi học ở quân trường. Hợp ý, hợp tình, chúng tôi thân nhau rất nhanh. Thêm một người bạn mới trong đời, tôi có niềm an ủi ấy để bù lấp vào khoảng trống của những người bạn cũ từ độ ấu thơ gây nên. Những thằng bạn thủa nhỏ giờ này tứ tán, khó lòng gặp lại.
Ngày lên đường, tôi chỉ gặp Sơn. Sơn đi Hải Quân ngay thời gian anh em bạn học còn cắm cúi trước bảng đen, đếm ngày tháng qua từng trang vở. Bạn bè ngạc nhiên và luyến tiếc:
- Sao mày vội vã thế ?
Sơn cười:
- Trước sau gì chả thế ? Tao không tình nguyện bây giờ, nửa năm nữa quân dịch cũng gọi tao.
Sơn vào Hải Quân, lang bạt khắp nơi rồi cuối cùng đổi về Sài gòn. Chúng tôi có dịp gặp lại nhau, khi tôi đã làm báo. Sơn cũng viết lách lăng nhăng, nhưng nó lại có máu mê làm võ sĩ. Đi học võ Bình Định, rồi Thiếu Lâm, sau cùng xoay ra theo Thần Võ. Tôi chẳng nói gì nó về chuyện đó, chỉ nghe và biết qua những gì Sơn kể.
Khi nghe tôi báo tin đổi về Pleiku, Sơn cười:
- Buồn không ?
- Không, chỉ nao nao không hiểu mình muốn gì, nghĩ gì.
- Đi đi, một cuộc sống mới, nên đi cho biết.
- Tao từng đi khắp nơi rồi.
- Nhưng lần này khác. Mày đi trong tư thế của một con người mới, của một cuộc sống mới.
Tôi nhớ lại những thằng bạn cũ đã đi khi tôi còn học ở Trần Lục Võ Trường Toản. Lúc đó chúng nó nghĩ gì, tính gì không biết nữa ? Nhưng chắc chắn là chúng nó can đảm và cương quyết. Và đã đón chịu những gì số mệnh an bài cho mỗi bước chân. Giờ đến lượt tôi, có cần gì phải băn khoăn nghĩ ngợi ?
Bằng ý tưởng đó, tôi từ giã mọi người thân lên đường. Buổi tối cuối cùng thật đáng nhớ, Trang tổ chức bữa cơm tiễn biệt. Có tôi, Trang và năm người bạn cùng cô em gái của nàng. Mọi người cố tình vui, sợ tôi buồn lo nên tìm đủ chuyện vui vẻ. Hương, em gái Trang luôn miệng trêu:
- Thôi, lên đó lập nghiệp để dành tiền cưới vợ.
Tôi hỏi:
- Lập nghiệp cách nào cho có tiền để dành ?
- Buôn măng, đổi đồ với Thượng.
Tôi nhìn Hương cười:
- Cô có vẻ rành lắm nhỉ ?
- Em chưa từng đến đó bao giờ. Chỉ nghe thiên hạ nói là Cao Nguyên nhiều Thượng.
Trang xe vào, bâng quơ:
- Dĩ nhiên.
Tôi nhìn Trang, ánh mắt nàng tối và bối rối. Nàng cố làm ra vẻ tự nhiên nhưng tâm hồn xao động như thủy triều lên. Tôi cười với Trang bằng mắt.
Bữa ăn tàn, mọi người rút lui vội vã. Hương cũng bỏ vào trong nhà, chỉ còn tôi với Trang ở Balcon. Trang đem chiếc máy hát ra để bên cửa sổ, mở một dĩa nhạc xưa và nàng mang cho tôi một ly trà nụ vối. Trang ngồi nhấm nháp những múi dâu da chua chát. Tôi duỗi hai chân rút khỏi giày, gác lên đùi nàng. Ánh hỏa châu ở phương trời trước mặt, chiếc lung linh trên khung cửa, trên giàn thiên lý, trên hồ non bộ và trên thân thể chúng tôi.
Tôi nghe tiếng Trang gọi khẽ:
- Anh Đức
Tôi quay lại với Trang:
- Gì hở em ?
- Buồn ghê
- Buồn ít thôi, anh đi xa, đâu phải anh chết.
Trang cấu nhẹ vào chân tôi:
- Chỉ nói xàm. Anh không bao giờ chịu giữ gìn lời nói
Tôi cười nhỏ:
- Có gì mà phải giữ gìn ? Qúy nhất là lời thành thật. Nghĩ sao nói vậy thì tốt chớ, miễn là đừng mộc mạc đến độ làm người ta khó chịu.
Tôi thấy Trang lườm tôi, cúi xuống chùm dâu trong lồng bàn. Ánh sáng hỏa châu vụt tắt, trả bóng tối về với khu Balcon rộng chỉ thắp ngọn đèn Néon ba tấc bên trong khung cửa sổ.
Trang chợt nói:
- Em một mình … thấy ngày dài ghê.
- Viết thư cho anh, học chăm. Đi chơi giải trí với bạn bè. Em sẽ thấy mình không xa nhau mấy nữa.
- Đi chơi với bạn bè. Với bạn trai nhé ?
- Có quyền.
- Bồ nhé. Kép nhé. Có được không ?
- Anh không có quyền cấm em. Nhưng anh sẽ buồn. Buồn lắm.




























Trang cười nhìn tôi, ôm nhẹ chân tôi. Tôi cũng cười với nàng, nụ cười của người anh đối với em.
Tôi nói:
- Một đôi khi người ta cũng nên đóng vai chờ đợi. Có thế cuộc sống mới thêm ý nghĩa.
Trang thở nhẹ:
- Em sợ cái cảnh nay chờ, mai đợi.
- Chịu đựng một lần xem. Anh tin là em sẽ chịu được.
Trang đổi giọng vui tươi:
- Anh muốn em làm gì cho anh vui lòng trong những ngày xa anh ?
- Học chăm. Nhưng đừng chăm chỉ quá.
- Em vốn lười.
- Học đi. Học cho anh được thấy, được nghĩ là anh đang có dịp cùng em sống lại thủa học trò. Em biết không, thời cắp sách qua đi anh cho đó là thiệt thòi to tát nhất trong đời. Và không còn nuối tiếc nào lớn lao bằng tiếc nuối những ngày run rẩy trước bảng đen.
Trang cười to:
- Học trò ngày nay khác, chỉ có ông thầy run rẩy trước bảng đen.
- Bất hạnh cho học trò ngày nay là như vậy.
- Chúng nó quan niệm đem tiền đổi chữ.
Tôi gật đầu:
- Thời anh, tình thầy trò thắm thiết đến độ tưởng như tình ruột thịt. Và thầy giáo tượng trưng cho cả một nền tảng luân lý, đạo đức tưởng không thể nào sụp đổ.
Trang làm điệu:
- Em tiếc kém anh những 7 tuổi
- Gì vậy ?
- Để được học với anh, làm bạn anh, sống trong môi trường cảm động của anh.
Tôi vươn vai, hai hàng ngón tay đan vào nhau:
- Em tự tạo cho mình môi trường đó được chứ.
- Khó lắm, khi chung quanh mình không còn ai cần điều đó.
- Khó, chứ không phải không còn. Còn có những học trò yêu thầy và thương bạn, tất phải còn những thầy giáo đạo đức và những học trò trọng tình bằng hữu.
- Em cũng mong như vậy. Nhưng nhiều khi em tưởng em sai lầm khi cố tìm lại sự tốt đẹp ấy.
- Cố gắng đi. Anh luôn luôn là đồng minh của em trong công cuộc đi tìm lại những tốt đẹp của thời cắp sách.
Tôi đã chia tay Trang sau buổi tối đó. Bây giờ, những lúc nhàn rỗi lái xe chạy lăng quăng trong thị trấn đầy đồi cao với thung lũng mù sương này, tôi từng có nhiều dịp ngẫm nghĩ về những gì đã đến và đã ra đi. Ở xứ gió núi mưa mùa này, tôi cảm thấy mình xa lạ và cô đơn. Chỉ có một tên bạn khá thân, mới quen từ ngày đổi đến, cùng vài kẻ giao du cho phải phép.
Tôi lặng lẽ sống trong căn phòng lặng lẽ, nho nhỏ. Một chiếc giường đơn, một cái bàn mộc để viết và để ngồi ăn, một chiếc tủ sắc Mỹ phế thải và haichiếc ghế cùng một số lặt vặt. Trên giá sách đầu giường, chiếc ảnh Trang phóng lớn nhìn tôi cười, mãi là niềm an ủi cho kẻ xa nhà. Trang như muốn bảo:
- Tội anh ghê Thôi, chịu khó một tí vậy. Trang thường nói với tôi như thế mỗi khi thấy tôi vất vả vì một điều gì.
Ngày hai buổi đi làm, hôm nào không trực tôi về nhà ngủ, dù đôi khi gặp trời mưa lớn, để được gần gụi với những tình bé nhỏ, để ngắm nụ cười an ủi của nàng và thấy trong lòng ấm áp đôi chút. Căn phòng này thường chỉ có Tuệ đến chơi với tôi vài tối một lần. Người bạn thân mới quen ấy đã trở về Sài gòn cách đây hơn một tháng, theo học một khóa Chiến Tranh Chính Trị. Tuệ đi rồi, tôi lại càng lặng lẽ hơn và cảm thấy mình đã sống trong tột cùng lặng lẽ. Vì tôi đã sống trong một cảnh đời khác, trái ngược với cảnh sôi động trước kia. Đến nỗi ông Đơn Vị Trưởng phải tỏ ý thắc mắc:
- Ông không có người bạn gái nào ở đây sao ? Làm quen đi chứ, cho ngày tháng bớt dài.
Tôi chỉ mỉm cười vâng dạ. Và không hề có ý định thực hiện lời khuyến khích của cấp chỉ huy.
Buổi chiều nay trời lại mưa. Cơn mưa đầu mùa nước đổ sao mà dai dẳng và lớn vậy. Tôi quyết định trở về nhà, để nằm thoải mái trên chiếc giường quen thuộc của mình, nhìn Trang cười và đọc lá thư Tuệ gửi tôi vừa nhận được.
Vượt qua mái hiên tôn, tôi lao mình dưới mưa ra điếm canh ở cổng và vẫy một chiếc xe Pick Up của Mỹ. Gã tài xế da đen quen mặt, mỉm cười với tôi và chở dùm về nơi vẫn thả tôi xuống mọi lần.
Mở cánh cửa gỗ nhỏ, mùi căn phòng quen thuộc ùa vào mũi tôi đầy tràn ấm áp. Tôi cởi đôi “bốt” sũng nước ném vào góc nhà, lau khô đôi chân lạnh và rúc vào chăn ấm.
Tôi ngước nhìn Trang, cười lại với nàng. Trang thì thầm:
- Tội anh ghê thôi chịu khó một tí vậy.
Tôi nói nhỏ:
- Ừ, anh vẫn chịu khó. Để có một ngày trở về bên em.
Tôi và Trang đắm đuối nhìn nhau một lúc. Rồi tôi rút lá thư Tuệ, ấm hơi người trong túi áo. Thong thả, thật thong thả - vì tôi có quá nhiều thời gian nhàn rỗi lúc này–tôi bóc thư của Tuệ. Gã thanh niên vui tính, chưa vợ, học giỏi nhưng chữ nghĩa bò lê bò càng thật xấu.
“Sài gòn, ngày .. tháng … năm 1970
Đức thân,
Đây là lá thư đầu tiên tao viết, kể từ khi rời đơn vị về Sài gòn học khóa CTCT này còn kéo dài một tháng nữa bế giảng. Lẽ ra tao chẳng viết cho ai, vì những ngày ở thành phố này tao bận bù đầu với những tài liệu học hành. Kể cũng tức cười, bấy nhiêu tuổi đầu còn ngồi ôm bài dưới gốc cây ê a như con trẻ, nhiều lúc tao thấy tao khôi hài một cách lạ. Tao tự nhủ sẽ chẳng viết cho ai, ngay cả cho Bích nữa. Dù sao, hai tháng trời xa đơn vị, bạn bè, xa trận mạc và xa cả người yêu chưa phải là điều ghê gớm đến độ phải viết thư tả oán. Tao còn tự nhủ hôm mãn khóa sẽ im lặng trở về không báo trước để xem mọi người làm gì, còn ….nhớ tới tao không?
Vậy mà bây giờ tao đổi ý. Sự thực, tao đổi ý từ tối hôm qua Tối hôm qua thứ bảy phân đội tao được phép xuất trại nửa ngày và cả đêm. Tao ra phố, như những lần khác, nhưng thay gì chui vào xi nê rồi kiếm nhà bạn bè ăn nhờ bữa cơm, tao lại gặp vài người bạn cũ. Và chính những người này cho tao vài biến chuyển tình cảm, là nguyên nhân thúc đẩy tao viết thư cho mày.
Buổi chiều tụi tao được đi phép đến bốn giờ. Một thằng cùng khóa có xe Honda chở tao lên Sài gòn, thả xuống bùng binh chợ Quách Thị Trang. Tao định bụng lại tái diễn chương trình như những lần trước, là đi xi nê rẻ tiền Vĩnh Lợi, nên đi bộ dọc theo hè Lê Lợi. Con đường này trước kia mỗi chiều thứ bảy và ngày chủ nhật là đông nghẹt người đi bát phố, nhưng bây giờ vắng vẻ hẳn vì chương trình giải tỏa hè phố. Tao nghĩ cũng nên kể cho mày nghe chi tiết, để mày đỡ thèm nghe chuyện Sài gòn, thành phố gần nửa năm nay chưa có dịp về thăm. Chúng nó ngồi chật những quán kem, những phòng trà nhạc Hippy À Go Go Times, những rạp xi nệ Tao chua chát nghĩ rằng, bọn lính mình muốn kiếm một chị “vợ” đàng hoàng ở cái xứ này thật khó. Con nhà lành, nhà rách ăn bận như nhau, hay nói khác, con nhà lành ăn mặc kiểu gì là các con nhà rách bắt chước liền, còn sang hơn là khác vì chúng nó dư phương tiện kiếm ra tiền. Tao bỗng nghĩ lẩm cẩm là nếu các em con nhà lành muốn khỏi bị “đồng hóa” chỉ còn một cách là mặc ….pyjama hoặc áo dài nội hóa. Chỉ có cách đó may ra mới nhận diện được những nét đẹp cao quý của các nàng.
Tao đi dọc theo phố Lê Lợi tới thương xá Tam Đạ Giờ nó đang tan lớp học Sinh Ngữ ở trên lầu. Học trò xuống thật đông, đủ cỡ tuổi, tao thấy hay hay, đứng lại coi. Một em bé, độ 17 tuổi, mặt non choẹt – nhưng ưa nhìn – tô son phấn nhạt, đi ngang tao. Em mặc chiếc mini khá ngắn, bước nhún nhẩy trên đôi giày cao gót ít nhất 6 phân. Thấy tao nhìn chăm chú, em tự nhiên đưa tay lên gỡ chiếc kính ốp-a ( 2 mắt kính to bằng 2 củ đấm) xuống sống mũi, dòm tao một phát rồi quay đi, tủm tỉm cười. Em bước điệu cóc chịu được. Tay em ôm một xắp sách dày cộm, trông có vẻ ….trí thức lắm. Thú thật, tao “chịu” em rồi. Nhưng này, đừng kể lại với Bích nhé, tao thề là tao chỉ khoái em - nhất là trong lúc “xa nhà” - chớ không mê em như mê người yêu đâu. Ai mà có thể thay thế Bích của tao được.
Tao lẽo đẽo bước theo em bé. Nàng (gọi bằng nàng cho có vẻ lớn một tí) băng qua đường sang lề bên kia. Tao lợi dụng khúc giữa lộ vắng người, bước nhanh tới làm quen.
Tao có cần kể lể lại đây chi tiết không ? Cũng chỉ những câu làm quen lẩm cẩm, ấp a ấp úng, ăn không nên đợi nói không nên lời. Vậy mà em “dính” mới thú chứ. Em “dính” một cách dễ dàng, phải nói là em cho tao cơ hội làm quen, khuyến khích tao nữa. Có thể “kết luận” là em muốn “cua” tao thì đúng hơn.
Sao nửa tiếng đấu hót “giao hữu” trên đường phố, tao được biết em tên là Kim Liên, con thứ tư của một gia đình thầu khoán ở Thị Nghè. Em học tư buổi sáng ở H. Đ - thường hay trốn học - Chiều thứ 3, 5, 7 học ở thương xá Tam Đa Hỏi em về văn hóa thì em đáp chán phèo. Nhưng qua mục ăn chơi thì khỏi chê, em nói như gió về ca sĩ, tên ngoại quốc nhưng gốc mũi tẹt da vàng. Em kể từng ngày, từng giờ những nơi có du hí, những địa điểm nhảy nhót. Tao chỉ nghe nhiều hơn nói. Sau cùng, tao đề nghị mời em vào Hà Nội uống nước. Em lắc đầu:
- Hà Nội ? Em chê Mình vào Pôle Nord hay La Pagode đi anh.
Tao đưa em vào La Pagode sau khi làm toán nhẩm cộng trừ về những tờ giấy trong bóp. Em gọi “tô” kem bốn màu và dĩa bánh ngọt tỉnh bợ Tao gọi …chai Coca, ngồi nhìn em ăn bánh. Tao cũng chẳng hiểu hồi kết cuộc của buổi “sơ ngộ” này đi đến các thế giới nào.
Đang ngồi tán phét với em thì một tên bạn học từ thuở còn mặc quần xà lỏn ngồi cách tao hai bàn trông thấy, gọi toán cả lên. Tên nó là Thịnh, biệt hiệu Thịnh Vẩu (vì nó có hai hàm răng vẩu, vô nhà ai thì hàm răng vô trước, cái mặt vô sau). Nó bô bô lỗ miệng gọi tên tao. Tao sợ em xếp tao đồng hạng với thằng bạn vô giáo …sư ấy hoặc nó bò sang bàn mình thì em sẽ khó chịu, nên tao qua bàn nó trước. Sau vài câu hỏi han ….gia thế, tao biết nó bây giờ vừa đi dạy học tư vừa làm cái nghề đi thăm sức khỏe thiên hạ lúc nửa đêm. Ở Sài gòn này thiếu gì. Người ta chả ai lấy làm lạ khi gây lộn với một anh tài xế xe lam hay xích lô máy, trông mặt chả gì sáng sủa mà lại thấy vị ấy hăm hẹ Thịnh Vẩu cũng là một thành phần trong loại đó. Nó cười hề hề trước những lời xỉ vả của tao, còn bốc thơm.
Rồi Thịnh Vẩu hỏi tao:
- Kể ra đàn anh cũng là dân chịu chơi. Đi với em “Kim Liêng” là cũng thuộc vào hàng cứng cựa đấy chứ ?
Tao phải cực lực cải chánh, thứ nhất em tên là Kim Liên chứ không phải Kim Liêng. Thứ hai, em là con nhà lành, em con một vị thầu khoán, em học sinh ngữ 3, 5, 7 và học H. Đ buổi sáng thư tư đình huỳnh.
Thịnh Vẩu vẫn cười ruồi. Chờ tao nói xong, Thịnh Vẩu phát ngôn:
- Em Kim Liêng nói với đàn anh thế đó phải không ? Tất cả đều đúng, với đàn anh. Với tui thì em Kim Liêng trị giá một xín rưỡi. Đàn anh “pờ rê” sẵn một xín rưỡi, 800 tiền phòng và 200 đi xe đi. Lát nữa đàn anh thế nào cũng có mục “thoải mái” cho mà xem.
Tao nhìn Thịnh Vẩu rồi lại nhìn Kim Liên sững sờ. Vô lý, em con nhà lành, trông mới thiệt chứ nhưng chả có vẻ gì là … Thấy tao tỏ vẻ nghi ngờ, Thịnh Vẩu cười khẩy:
- Việc gì phải thắc mắc. Đàn anh sẽ rõ ngay sự tình tối nay mà. Nhìn em kìa, em biết tui từ khuya mà mặt mày tươi rói, đủ chứng tỏ em bản lãnh không vừa.
Từ giã Thịnh, tao trở về bàn cũ. Liên không hỏi tao nửa lời về thằng bạn vẩu. Nhưng từ lúc đó tao nhìn em bằng con mắt khác. Kim Liên rủ tao đi xi nệ Tự dưng tao hăng hái nhận lời, hăng hái bỏ tiền ra mua vé. Đến bây giờ tao không muốn “diễn tỏa” lằng nhằng về những màn sau đấy nhưng tao phải công nhận thằng con nhà Thịnh Vẩu phát ngôn đúng.
Tuy nhiên tao không tiến tới cái mục ấy. Vì một lẽ dễ hiểu là tao không có dư tì, hơn nữa tao hoang mang không hiểu nổi Kim Liên thuộc loại nào. Lành hay rách ? Em có một vẻ ngây thơ đáng yêu chân thành lạ, tao không tìm được nét nào giả dối, đóng kịch. Với số tuổi đó, không lẽ em qua mặt được mình sao, và không lẽ tao khờ khạo đến độ bị em cho vào xiếc ?
Em khéo léo đưa ra đề nghị. Tao - mặc dù được Thịnh Vẩu báo động trước - vẫn sững sờ, ngơ ngẩn. Rồi bằng một giọng nói khó khăn, tao trả lời là tao không có thì giờ. Em cười, nói biết tao nghèo sơ, nghèo xác. Em cho không. Nhưng anh đưa em về, Tao chỉ nhận lời đưa về. Em ở một tòa nhà ba tầng, vùng Cầu Sơn, thế mới lạ chứ. Phút chia tay em nói, anh khờ lắm, nhưng em khoái anh. Rồi nó hôn đánh chụt lên má tao, nhún nhẩy bước qua cổng.

Tao đứng ngẩn ngơ một lát rồi bỏ về Sài gòn. Lúc đó đã 9 giờ tối. Đi lang thang thế nào lại gặp một thằng bạn, bây giờ đang làm báo. Mấy thằng nhà báo kiếm khá tiền, nhưng lại luôn luôn đói rách. Tên nó là Huấn, Huấn hỏi tao có mục gì không. Tao bảo không, chờ mày dẫn đi. Nó bảo OK, lên xe tao đèo tới K.H Club ở Gia Định. Ở đó tao có con nhân ngãi làm Ca Ve Trong lúc đi đường, tao kể Huấn nghe về Kim Liên. Huấn cười, Sài gòn thiếu gì thứ đó. Chúng nó sống loạn như vậy chứ không phải túng thiếu đâu. Tao đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác.
K.H Club giờ đó thật đông. Huấn đưa tao vào một góc nhà. Gọi hai lon bia và kêu thằng bồi oắt con đi kêu con bồ của nó.
Ở đây loạn thật Đức ạ. Lâu lắm tụi mình không về Sài gòn, bây giờ về như mán rừng ra tỉnh. Nhiều cái không thể tin được. Loạn, loạn lắm Đức ạ.
Ban nhạc cũng toàn bọn trai gái Hippỵ Dưới ánh sáng của hệ thống đèn màu tối tân trông bọn gái ca hát ấy còn ….dã man hơn ban ngày nhiều. Tao tin đến Thánh trông thấy cũng muốn …phạm tội. Chúng nó hát nhạc Go Go, Soul …gì đó. Quay, lắc như cái cối xay lúa. Tao hết tìm được nét đẹp thướt tha bay bướm của những màn khiêu vũ quý phái ngày trước. Chúng nó nhảy chí chóe, mê man từ bản này qua bản khác. Tao ngứa mắt, chỉ muốn lọi cho mỗi “con” vài lọi. Đến bây giờ nghĩ lại vẫn còn bực mình. Đang sôi động như vậy, bỗng đèn đỏ báo động phựt lên. Đám nhân loại hỗn độn túa ra, chạy về chỗ ngồi và đèn bật lên sáng rực. Lúc đó tao mới thấy
















trong đám nhảy nhót có vài bộ ka ki, có vị đeo lon Chuẩn Úy áo bỏ ngoài quần, có vị binh bớp tóc dài thoòng và chân đi …dép da sự thật đó mày.
Cuộc ưỡn ẹo lại tiếp tục. Tao ngồi chứng kiến cảnh đó mà vui buồn lẫn lộn. Đức ạ, những đứa bé ấy bằng tuổi em mày, em tao. Vậy mà mấy em tao vừa lo đi học, vừa lo bán hàng cho mẹ. Và em gái tao, cũng bằng cỡ Kim Liên hay lớn hơn một chút. Nhưng tao chắc em tao không bao giờ biết được “một thế giới” hỗn loạn như thế này.
Tao và Huấn ra trước cửa hóng mát. 11 giờ dẹp tiệm. Bà con lục tục ra về. Bọn nhóc ôm nhau trên những chiếc xe Honda loại Sport ống bô cao, nổ rầm rầm. Mấy vị nhà banh vẫn trong dáng dấp đó khệnh khạng cùng với đào bước ra. Bất ngờ chiếc xe Jeep Tuần Cảnh hỗn hợp ở đâu vọt tới đậu xịch trước cửa. Vị Trung Sĩ Quân Cảnh đưa tay ngoắc anh Chuẩn Úy bê bối. Anh bớp mang dép da thụt vào, chạy biến. Chuẩn úy nhà ta gãi tai gãy đầu rồi mân mê chiếc nón vải của binh chủng khác, đội láo lếu. Lắm tội thế thì tha sao được. Vị Trung Sĩ Quân Cảnh ghi ghi chép chép rồi giữ giấy tờ của quan Chuẩn úy - mặt mày còn non choẹt – ra dấu cho xe chạy không thèm áp dụng quân kỷ là chào thượng cấp một phát. Anh Chuẩn úy đứng ngơ ngác nhìn theo, rồi lũi lũi đi bên cô đào quê một cục.
Tao chán quá. Ở thành phố này cái gì cũng theo kiểu …đó. Tao nhìn đồng hồ, 11 rưỡi. Huấn bảo đi đâu. Tao định về trại ngủ nhưng Huấn kéo lên lầu. Ngủ ở đây, tao bao.
Tao không muốn viết về cảm nghĩ của tao nữa, vài chục ngày nữa ra trường, về đơn vị ngủ vài phút là quên hết. Thà vậy mà hay, ở cạnh chúng mày tao thấy yên ổn, bớt nhức đầu vì cái hỗn loạn của thành phố này. Và tao có thể yêu Bích một cách trong sạch, nếu không thì tao nhìn Bích ra Kim Liên mất.
Thôi, tao đi ăn cơm đây, nuốt để mà sống chứ.
Chúc vui cho mày,
Tuệ ”
Tôi buông lá thư của Tuệ rơi trước ngực. Nằm im nghĩ ngợi về những hình ảnh nóng rực của Sài gòn ăn chơi, Tuệ gởi đến cho tôi trong buổi chiều nhá nhem mưa lạnh này. Một thoáng nhung nhớ dâng lên trong lòng, tôi thấy mình không thể vùi quên tất cả dễ dàng như tôi tưởng. Sài gòn nơi ấy có gia đình, có Trang, và có nhiều thứ khác. Thế giới hỗn độn ấy vẫn đầy lôi cuốn và càng lôi cuốn biết mấy khi ở nơi ấy ta có gia đình, người yêu cùng những bạn bè.
Tôi trở mình nằm nghiêng. Lá thư của Tuệ rơi xuống đất. Tôi nhìn những hàng chữ nhào lộn trên trang giấy, chợt thấy hiện ra một thủa vô tư với bạn bè nho nhỏ, vui đùa nhở nhơ dưới bóng mát những cây bàng, những cây me rậm mát.
Thực sự tuổi thơ đã qua đi, nhưng dư hình dư ảnh của thời gian ấy vẫn còn tồn tại trong tôi, bây giờ lại đậm nét hơn bao giờ.



Chương 3

Người con gái hiện ra giữa khung cửa sau mấy tiếng gõ nhè nhẹ. Tôi ngó ra, yên trí là Tuệ. Nhưng lại thấy một tà áo xanh đẹp mướt, và thân hình yểu điệu của người con gái bỗng như đẹp thêm lên trong màu áo tươi mát đó.
Tôi hỏi:
- Cô cần chi ?
Cô gái mỉm cười:
- Tôi xin gặp ông Đức
- Chính tôi.
Nụ cười của cô gái nở rộng hơn, nàng bước hẳn vào trong, giọng thân mật:
- May quá. Thưa anh, em là Diễm, em của anh Chinh …
Tôi à lên một tiếng, đứng dậy:
- Vâng, Chinh. Tôi nhớ rồi. Chúng tôi là bạn học từ hồi Đệ Thất.
Diễm nhí nhảnh:
- Em xin phép được ngồi, đi tìm anh suốt nửa giờ, mỏi chân quá.
Tôi hơi lúng túng:
- Xin lỗi Diễm. Tôi sơ ý quá. Nhà chật hẹp, Diễm ngồi tạm đây.
Tôi kéo chiếc ghế, Diễm ngồi xuống giường:
- Thôi, em ngồi đây cho ấm. Trời lạnh quá.
Tôi gật đầu:
- Mới lạnh hơn nhiều mấy hôm naỵ Bình thường trời này không cần mặc áo ấm.
Diễm dạ nhẹ. Tôi rót nước trà nụ mời nàng:
- Mời cô .
Diễm đỡ ly nước, không khách sáo, uống từng ngụm nhỏ. Hai bàn tay ngón thon dài đánh vòng cung quanh chiếc ly:
- Em xin thưa với anh một chuyện. Mẹ em có một người em trai, tức là cậu ruột chúng em …
Tôi hơi mỉm cười. Cô bé này ăn nói rành rẽ lắm, đâu vào đấy. Diễm tiếp:
- Cậu em cũng ở trong quân đội, đóng ở Kontum. Ba tháng nay gia đình mất liên lạc với cậu Thái, mẹ em lo quá. Em xin nói rõ là mẹ em thương cậu Thái vô cùng, vì chỉ có hai chị em di cư từ Bắc vào Nam. Từ ngày ba em mất đi, cậu Thái lại giữ một vai trò quan trọng trong cuộc sống tình cảm của gia đình em.
Diễm ngừng lại, nhìn tôi. Tôi cũng ngó nàng, chờ đợi. Tuy hơi ngỡ ngàng, tôi vẫn kiên nhẫn ngồi nghe nàng nói, và mơ hồ cảm thấy tôi sẽ góp một phần gì đó trong câu chuyện này.
Diễm kể tiếp:
- Gia đình em có 4 anh em. Anh Chinh đi lính, đóng ở Bình Dương không về nhà thường xuyên được. Chị Hoài lấy chồng ở Nha Trang. Chỉ còn có em và cậu em học Đệ Tứ. Mẹ em lo lắng cho cậu Thái đến bạc cả tóc, ốm cả người. Em cũng nóng lòng, năn nỉ mẹ em cho em đi tìm tin tức cậu Thái. Mới đầu mẹ em sợ, không chịu. Em phải viết thư cho anh Chinh, anh dè dặt thuận ý và xin phép mẹ cho em. Mãi mẹ em mới chịu cho đi, em được anh Chinh viết thư về dặn ghé đây nhờ anh giúp đỡ và … chỉ dẫn. Nên em ghé lại tìm anh liền khi rời phi trường Cù Hanh.
Diễm ngừng lại, tôi hiểu hoàn toàn câu chuyện:
- Ra thế. Nhưng gia đình, tôi muốn nói vợ con ông Thái đâu. Mà cô phải đi kiếm?
- Cậu Thái chưa chịu lập gia đình anh ạ. Năm nay cậu cũng đà 37, 38 rồi đó. Cậu bảo lấy vợ bận rộn, không lo lắng gì cho mẹ em được.
Tôi bật cười:
- Nhưng rút cuộc bà cụ lại phải lo lắng vì ông em trai.
Diễm cười, hai ánh mắt long lanh:
- Vâng. Gia đình em thương cậu vô kể.
Tôi thong thả nói:
- Cô là em Chinh tất nhiên tôi có bổn phận …lo lắng cho cộ Vậy cô cho biết ý cô
định ra sao, và cô cần tôi giúp đỡ thế nào.
Nói xong mới thấy là mình vụng. Quả nhiên Diễm có vẻ lúng túng:
- Em cũng chưa …nhất định ra sao cả. Em lên tìm cậu, hoàn toàn là bốc đồng. Không hoạch định chương trình rõ rệt gì hết.
Tôi vội vã đỡ lời:
- Tôi hiểu. Vậy xin phép Diễm, để tôi thu xếp cho cộ Trước hết ….
Tôi lại mỉm cười. Trịnh trọng quá, tôi như một kế hoạch gia, một nhà chiến lược đang nghiên cứu toàn diện vấn đề. Tất cả chỉ vì một người bạn từ những năm xưa, thân nhau trên cùng một chiếc bàn, chiếc ghế những năm cắp sách xa xôi.
- Trước hết sao ạ ?
Diễm hỏi, vẻ hóm hỉnh. Tôi tiếp tục:
- Bây giờ là chiều thứ 7. Cô không thể làm gì chiều nay vì gần tối, và ngày mai nghỉ việc. Muốn gì cũng phải khởi sự từ sáng thứ 2. Quên, Diễm chưa cho biết dự trù đi bao lâu ?
- Em xin phép mẹ đi một tuần, và hứa đánh điện tín về báo tin bình an, ngay khi đến.
- Tôi sẽ đưa Diễm ra nhà Bưu Điện, lát nữa.
Tôi thoáng nghĩ ngợi vấn đề ăn ở của nàng. Thu xếp thế nào cho tiện ? Khuôn mặt Chinh hiện ra, đầy thân thiện và tin cẩn. Tôi tặc lưỡi:
- Nếu cô không ngại, và nếu cô không có nơi nào quen, tôi đề nghị cô ở tạm đây.
Diễm hơi nhỏm người dậy:
- Quả tình em cũng chả có ai quen. Nhưng ….
Diễm nhìn quanh căn nhà nhỏ, chiếc giường đơn. Nàng băn khoăn cũng phải.
- Cô yên tâm. Nếu cô ở lại đây, căn nhà nhỏ này sẽ hoàn toàn là …của cộ Tôi sẽ ngủ ở trong trại, và ban ngày tôi có mặt bất cứ lúc nào cô cần.
Diễm do dự mấy phút. Quả thực không còn cách thu xếp nào khác hơn. Đành chấp nhận, Diễm vâng nhỏ:
- Em đành phiền anh vậy.
Tôi đứng lên, làm một cuộc “thuyết trình” cấp tốc về những nơi cần thiết trong nhà. Diễm luôn miệng:
- Cám ơn anh, em phiền anh quá.
Tôi quay lại, chỉ tay vào mặt nàng, đùa cợt giọng đàn anh:
- Thôi chứ. Tôi như là anh Chinh mà cô khách sáo thế bị mắng ráng chịu à.
Diễm cười, phô hai hàm răng trắng bóng. Tôi xách chiếc va ly nhỏ của Diễm đặt lên bàn, ấn chốt khóa cho nắp mở sẵn sàng:
- Diễm có thể nghỉ ngơi. Tôi dành một ngăn trống trong tủ sắt này cho khách, cô xếp quần áo vào, nếu không sợ ….hôi.

Diễm thân mật đùa:
- Em không sợ.
Nàng nâng nắp va ly lên. Tôi bước lại cạnh tủ, mở rộng cánh và nhét vôi vàng vài món đồ ….vô trật tự vào phía trong cho kín đáo. Xong, tôi lấy vải Drap sạch thay cho tấm Poncho Liner đã trải giường, hẳn đã hôi mùi ẩm thấp.
Tôi làm mọi thứ săn sóc cô em gái bạn. Hăng hái và …tế nhị. Ga lăng như thể lúc mới vào đời, lịch sự hơn cả người lịch sự. Tôi đọc được sự cảm động, thân mật, tin cẩn tôi trong đôi mắt, trong cử chỉ của Diễm.
Tôi ngồi xuống ghế, nhìn những thứ Diễm xếp lên mặt bàn. Vài quyển tiểu thuyết dịch của Remarque và Pearl Buck, hẳn là đọc để giết thì giờ lúc đi đường xa xôi diệu vợi. một cái kính thời trang hai màu, chiếc lược đồi mồi nhỏ, chiếc gương soi xinh xắn. Trên răng lược còn vương sợi tóc ngắn phất phơ bay.
Diễm đang ở trong phòng tắm. Tôi nghe tiếng nước dội xối xả. Tôi giật mình. Trời lạnh, không nước nóng. Diễm chịu sao nổi mà tắm. Tính lên tiếng hỏi, nhưng lại ngại vu vợ Tôi đành im lặng. một lúc Diễm bước ra, run lập cập trong bộ Pyjama rộng. Chiếc áo khoác mỏng đong đưa trên đôi bờ vai.
Diễm lắp bắp:
- Em không ngờ ở đây lạnh thế.
Tôi nói:
- Vậy mà cô dám tắm nước lạnh. Sao không nói tôi đun nước nóng …
Diễm cười cảm động:
- Tại em tưởng lạnh vừa vừa. Với lại đi cả buổi bụi đất, mệt nhọc làm em thèm tắm. Không tắm không chịu được.
Tôi cười, trêu:
- Con người sạch sẽ có khác. Tôi ở đây quen rồi mà còn lười tắm. Hồi mới đổi lên đây, có khi 3, 4 ngày mới tắm lớn một lần.
Diễm kêu lên, vẻ ngạc nhiên:
- Khiếp. Em mà vậy sợ chịu không quen. Nhưng tắm lớn là sao hở anh ?
- À. Nghĩa là tắm thật sạch. Và lâu, những hôm kia tắm chớp nhoáng, chà xà bông rồi dội sạch …
Diễm và tôi cùng cười thích thú. Sự xa cách giữa chúng tôi không có. Thân mật nhanh và đầy tin cậy. Tôi để ý mỗi lần Diễm cười lại có một lúm đồng tiền trên má trái nàng. Sự đặc biệt ấy càng làm Diễm thêm duyên.
Diễm ngồi xuống giường, hai tay vuốt ve trên mặt đệm:
- Ngồi đây kín gió ấm hơn.
Tôi đứng lên đưa nàng chiếc Field Jacket:
- Diễm khoác áo này, dầy hơn.
Diễm đỡ lấy, tự nhiên mặc vào. Trong một cử động làm ra vẻ vô tình – tôi biết Diễm đã thấy từ lúc mới đến - Diễm ngước lên giá sách đầu giường, hỏi tôi:
- Đây là chị ….phải không ?
Tôi nhìn Trang. Nàng vẫn cười với tôi, hồn nhiên và say đắm. Tôi thong thả:
- Không. Cô bạn gái của tôi.
- Ở đây hả anh ?
















- Ở Sài gòn.
Diễm quay lại ngó tôi, vẻ chăm chú:
- Vậy là anh chưa lập gia đình ?
- Vâng .
Diễm cười cười:
- Em tò mò, anh đừng chấp. Anh ở đây bao lâu rồi và có quen nhiều bạn gái ở đây không ?
Tôi tự nhiên, cảm thấy không cần dấu:
- Hai năm hơn rồi cộ Chẳng ai thèm quen tôi cả.
Tôi chợt nhớ đến Trúc, và những đứa con nàng:
- Chỉ có một bà … bạn
Tôi gật đầu:
- Góa phụ, vợ của một Sĩ quan pháo binh tử trận sau ngày tôi đến đây. Chúng tôi quen nhau vì cùng gặp nhau ở một điểm. Yêu đời sống học trò.
Diễm vẫn giữ nụ cười trên môi:
- Các ông ở nơi xa mà hiền lành như anh thật hiếm.
- Có gì đâu
- Và thật khó tin.
- Cô nghi ngờ những điều tôi nói ?
Diễm rụt cổ, so vai:
- Em đâu dám hỗn. Nhưng mà em chỉ ….không tin lắm thôi.
Cô bé này láu lỉnh, đối đáp được ghệ Thằng Chinh hiền lành mà em nó tinh ranh thế này. Tôi vừa nghĩ vừa bước đến bên Trang, xoay nàng ngó vào phía tủ sắt sau lưng Diễm. Trang vẫn cười, nhưng chúng tôi không còn thấy nụ cười ấy.
- Em hỏi thăm về chị …của anh được không anh ?
Tôi bật lên tiếng cười lớn:
- Gì mà chị của anh ? Cô Trang, bạn tôi nhiều năm rồi. Chúng tôi rất thân nhau,
và chỉ có thế thôi.
- Không yêu ?
- Đó là một cách diễn tả mà. Chúng tôi mong sẽ có ngày đó.
- Sao anh không tiến tới ?
- Cô thấy đó !
Diễm xoay sang chuyện khác:
- Anh ở đây một mình chắc buồn lắm ?
- Rồi cũng quen đi, bây giờ cũng thấy dễ chịu
- Anh đã về Sài gòn lần nào chưa ?
- Hai lần, năm ngoái. Năm nay, chưa.
- Sao thế anh ?
- Tình hình không cho phép. Vả lại tôi bỗng muốn thử thách mình …
Diễm nhìn nghiêng tôi:
- Thử thách gì ạ ?
- Xem mình chịu đựng xa cách được bao lâu
- Cho đến lúc chịu không nổi thì về ?
- Chính thế.
- Anh đã nóng lòng chưa ?
- Hơi hơi.
Chúng tôi cùng cười. Tôi tiếp:
- Nhưng cô lên đây, tôi lại bỏ ý định về sớm.
- Sao vậy ?
- Cô mang theo không khí Sài gòn, tôi bỗng thấy vui. Để dành lần về lùi lại tí nữa.
- Chứ không phải em làm anh nôn nóng thêm ?
Tôi mỉm cười, không đáp. Diễm cầm lược chải tóc. Nhìn hình ảnh đó, tôi bỗng liên tưởng đến một khung cảnh gia đình đầm ấm và hạnh phúc. Tôi là tôi. Và Diễm là Trang. Tôi nói:
- Diễm sửa soạn nhé. Mình đi ăn cơm.
Tôi và Diễm sánh vai ra khỏi nhà. Đi hết con dốc ngắn, chúng tôi bách bộ theo con đường đầy bụi đỏ. Gió lạnh làm Diễm e ấp bước chân. Giữa phố xá miền Cao Nguyên, Diễm đẹp và sang, khác hẳn người ở đây. Tôi hãnh diện vu vơ bên người con gái vừa gặp 2 giờ trước. Dù không muốn nghĩ, tôi vẫn biết có nhiều cặp mắt ngó hai đứa, và hiểu lầm vai trò chúng tôi.
Tôi giữ cánh tay Diễm lại:
- Diễm chờ đây. Tôi mượn chiếc xe đi cho khỏe.
Tôi rẽ vào tư gia người bạn. Chiếc Jeep nhà đậu gác lên thềm.Tôi mừng rỡ, chắn chắn Tuân có nhà rồi. Năm phút sau, tôi và Diễm đã ngồi trên chiếc xe êm ái, chạy vòng vòng trong các phố. Diễm huyên thuyên hỏi thăm tôi về đủ thứ. Phong cảnh, dân cư, đời sống …rồi cuối cùng trở lại chuyện tình cảm của tôi. Để trả lời cho ba bốn câu hỏi của nàng, tôi chỉ đáp:
- Khoan đã nào. Diễm còn ở đây cả tuần lễ nữa, tôi sẽ trả lời sau. Phải cho tôi thì
giờ suy nghĩ chứ.
Diễm mở to mắt:
- Trời đất, những câu hỏi loại đó đâu có cần phải suy nghĩ mới trả lời được ?
Tôi mỉm cười dí dỏm:
- Cần chứ. Cái gì thiệt hại cho mình thì phải ….dấu chứ.
Diễm lườm tôi. Lần thứ nhất tôi thấy nét cong cớn đáng yêu của nàng. Dễ thương làm sao. Tôi cười lại với Diễm, thoáng chút thân mật như đôi bạn. Và bảo:
- Mình ghé đây ăn cơm.
Quán cơm không đề bảng, của một bà cụ người Nam. Tôi ít ăn ở đây, vì giá khá cao, nhưng món ăn ngon. Thường ngày tôi và Tuệ ăn cơm ở quán nhỏ cuối phố, gần trại. Chỉ ra đây những buổi cuối tuần, đổi món và tự cho phép ăn hoang một tí. Hôm nay không thấy Tuệ đến rủ. Hay tại Tuệ chưa kịp đến, và bây giờ đang tìm tôi. Tôi mỉm cười vui vui. Kệ, cho hắn leo cây một bữa. Có lý do chính đáng mà, quá chính đáng là khác.
Diễm hỏi:
- Anh cười gì thế ?
- Tôi đang nghĩ tới người bạn thường cùng đi ăn cơm với tôi. Chiều nay mình đi sớm, hắn đến không gặp chắc băn khoăn.
Diễm kêu lên:
- Sao anh không chờ anh ấy ?
- Không sao. Trước sau gì Tuệ cũng đến đây. Chiều cuối tuần chúng tôi ăn ở quán này.
Chúng tôi bước vào quán. Bàn ghế kê gọn gàng ở từng khu trong căn nhà rộng. Gia chủ có vẻ làm ăn cho vui, không phải nhất thiết để mưu sinh.
Bà cụ ngồi ở bàn trong góc. Tôi chào bà cụ và gọi hai phần ăn đặc biệt. Diễm gạt đi:
- Hai phần thường lệ thôi bác.
Tôi nói:
- Gì thế. Tôi đãi khách mà
Diễm chúm môi cười:
- Chính vì anh đãi mà em muốn anh gọi như thường ngày. Em không muốn làm thay đổi nếp sống của anh.
Câu nói đầy tế nhị. Tôi cười, chiều ý nàng. Bà cụ gọi người nhà dọn cơm và hỏi tôi:
- Vợ lên chơi hả cháu ?
Tôi nhìn Diễm, đôi mắt nàng thẹn thùng ngó ra cửa. Tôi vội vàng cãi chính:
- Em cháu đó bác.
- Vậy hả. Bác xin lỗi. Tưởng vợ chưa cưới của cháu chứ.
Tôi kéo ghế cho Diễm ngồi và gọi nước uống. Diễm nói:
- Em xin một ly trà nóng thôi.
- Nước ngọt chứ.
- Không. Em không quen.
Người bán hàng mang ra tô canh chua đầu cá khói nghi ngút, dĩa đậu trái xào tôm tươi, dĩa rau xào và chén nước mắm tỏi ớt. Tôi phàn nàn:
- Ít quá, làm sao khách ăn được.
Diễm nghiêng nghiêng đầu:
- Ngon quá, đủ rồi anh.
Diễm lau bát, xới cơm cho tôi. Tôi thấy lòng ấm áp lạ lùng. Tự dưng, tôi nhìn Diễm như nhìn vào niềm hạnh phúc nhỏ vừa nhen nhúm.
Đang dở bữa cơm thì Tuệ bước vào. Không thấy Diễm khuất sau chậu cây, Tuệ Oang oang:
- Thằng cà chớn. Bữa nay sao tự dưng nổi hứng đi sớm mà không chờ tao. Báo hại tao đứng chờ trước cửa nhà lạnh muốn chết.
Diễm nhổm tới trước, ngó ra. Tuệ hơi sựng lại khi thấy tôi ngồi với một người lạ, một người con gái đẹp.
Tôi giới thiệu và kể sơ quát về hai người. Tính Tuệ vui vẻ, chỉ chốc lát là Diễm và Tuệ đã chuyện trò thân mật với nhau.
Ăn cơm xong tôi thấy còn quá sớm để trở về nhà. Bảy giờ rưỡi tối ở Cao Nguyên tuy vắng vẻ, nhưng cũng không phải là lúc chui vào chăn ấm. Tôi đề nghị:
- Mình đi Diễm đi vòng vòng mấy con phố để biết mặt Pleiku, rồi về Hoàng Lan uống cà phê nhỉ Tuệ ?
Tuệ gật đầu:
- Được đấy. Ở đây cũng chỉ có thế thôi
Chúng tôi ra xe. Nửa tiếng đi loanh quanh. Tôi lái xe về đậu trước quán Hoàng Lan.
Quán Hoàng Lan nổi tiếng nhờ cô chủ quán nho nhỏ xinh xinh độ 16, 17. Tóc cắt ngắn, môi hồng, má phính, mắt to tròn. Nơi này thu hút khá đông khách đủ thành phần, hầu hết là quân đội, đến ngồi lỳ hàng giờ cạnh lon bia hộp, tách cà phê, chén thạch chè để ngắm cô chủ quán dễ thương. Có 1 anh chàng Thiếu Úy Thiết Giáp, có vẻ được cảm tình của nàng hơn cả, thường hay xuất hiện bên quầy két, cạnh nàng. Hai người tỉ tê nói chuyện, cười khúc khích.
Cô chủ quán nhìn lên khi chúng tôi vào, tôi bắt gặp nét ngạc nhiên của cô bé khi thấy tôi đi cạnh Diễm. Hẳn cô nàng đang tự nhủ:
- Gã này cả hai năm nay chỉ có bạn đàn ông, hôm nay lại đi cùng người đẹp quả là chuyện lạ.
Diễm dừng lại một chút, ngắm Hoàng Lan và ngồi xuống ghế:
- Cô bé xinh quá. Hèn gì anh Đức rủ đến đây.
Tôi chống chế:
- Cà phê ở đây ngon.
Tuệ tiếp:
- Ngon như người bán cà phê vậy.
Tôi lườm Tuệ:
- Chỉ đúng với mày, tao thì không. Tao đến vì tao thích không khí, quang cảnh ở đây, có vậy thôi.
Tuệ trêu:
- Tao thì chẳng thấy quang cảnh, không khí ở đây có gì thơ mộng cả. Chỉ được cái…
Diễm nhắc:
- Được sao, anh ?
- Được cái cô chủ quán hay cười, ngồi nhìn cũng thấy ấm lòng lúc xa nhà.
Tôi gọi một cà phê phin, tự nhủ thế là đêm nay mất ngủ. Chót lỡ khen cà phê ở đây ngon mất rồi. Tuệ uống bia hộp và Diễm ăn thạch chè.
Diễm nói:
- Thạch chè Hiển Khánh Sà gòn là nhất.
Tuệ hỏi:
- Ở Phan Đình Phùng hay ở Casino ĐaKao.
- Cả hai, chung một chủ mà anh.
Tôi bảo:
- Ăn thử ở đây xem có khá hơn không ?
Diễm hỏi tôi:
- Anh thường đến đây ngồi ?
- Thỉnh thoảng, cùng với Tuệ.
- Và thỉnh thoảng không cùng với tôi.
Tuệ tiếp. Tôi ngạc nhiên khi thấy Tuệ hóm hỉnh, hay nói hơn mọi ngày. Tuệ có vẻ vui. Nhìn cách nhìn của Tuệ với Diễm, tôi đoán phỏng rằng Tuệ bốc đồng vì cô em gái bạn tôi. Dù đã có người yêu, gã con trai nào cũng cảm thấy thích chinh phục cảm tình môt cô gái khác. Tôi nhủ thầm, Bích mà biết Tuệ dấm dớ thế này, hẳn cô này sẽ ….bợp tai hắn.
Tôi mỉm cười, Diễm thì thào:
- Anh hay cười thế ?
- Tôi đang nghĩ ….






















- Lẳng lơ …
Tuệ lại phát ngôn. Tôi không thấy bực mình nhưng Diễm có vẻ không thích. Hình như Diễm nghĩ là Tuệ hay trêu chọc người khác. Nàng ngồi yêu, ngó vẩn vơ.
Tôi lắng nghe tiếng hát Phương Hồng Hạnh. Cô chủ quán cũng chăm chú nhìn cuộn băng quay tròn trên máy. Không thấy anh chàng Thiếu Úy Thiết Giáp đâu, cô bé có vẻ buồn hay sao ấy.
Tuệ nhìn Diễm:
- Cô nhớ nhà rồi hả ?
- Chút chút anh ạ. Sự thật, Diễm đang nghĩ tới việc tìm ông cậu.
Tuệ góp ý:
- Đức có thể gửi Diễm theo xe liên lạc qua Kontum được, vào mỗi sáng. Hoặc Đức xin nghỉ 1 hôm, đưa Diễm đi.
Diễm nhìn tôi. Tôi thong thả gật đầu:
- Có lẽ vậy. Tao sẽ nghiên cứu cả 2 cách và tùy cơ ứng biến.
Tuệ hỏi Diễm:
- Diễm có quen ai ở đó không ?
- Không anh ạ. Nhưng anh Chinh có ông xếp, là anh ruột của một Sĩ Quan B.15 ơ?
bên ấy. Anh Chinh bảo đến kiếm ông Đại Úy ấy nhờ hỏi dò tin tức cậu Thái dùm.
- Kể Diễm cũng gan đấy chứ. Con gái mà 1 thân 1 mình đi xa, bạo thật.
Diễm cười:
- Diễm liều vậy, chứ biết sao. Có là Diễm, anh mới thấy cần quyết định như thế.
Đèn vụt tắt. Tiếng hát nghẹn ngang. Điện cúp rồi. Tiếng cô bé chủ quán gọi người nhà thắp đèn dầu. Tôi nói:
- Về thôi. Hết vui rồi.
Tôi ra quầy trả tiền. Hoàng Lan gợi chuyện:
- Vợ Ông đấy à.
Tôi mỉm cười không đáp. Cô bé tiếp:
- Đẹp ghê nhỉ. Ông dấu kỹ thế.
Tôi kêu lên:
- Ơ, cái cô nhỏ này …
Chủ quán cười:
- Trông sang như bà mệnh phu.
Tôi hỏi:
- Còn gì nữa không ?
- Chúc ông hạnh phúc mãi.
- Rồi. Tôi đính chính với cô, em gái tôi đấy.
Hoàng Lan bĩu môi:
- Tôi không tin.
- Tôi nói thật mà cô không tin sao ?
- Không.
- Anh chàng Thiết Giáp nói chắc tin bằng thích nhỉ ?
Cô bé cười:
- Tin chứ.
- Xạo đấy. Phải tìm hiểu kỹ đã. Lính tráng anh nào cũng một cây ….đa tình.
Tôi cười quay đi. Hoàng Lan nhìn tôi mỉm cười, ra tới sân tôi quay vào vẫn còn thấy nụ cười ấy.
Tôi đưa Tuệ tới cổng trại rồi đem xe về trả người bạn. Hai đứa đi bộ trở lại nhà. Leo lên con dốc, Diễm lạnh run:
- Ở đây lạnh quá anh nhỉ ?
- Vâng. Diễm chưa bao giờ gặp khí hậu này sao ?
- Có hai lần. Ở Đà Lạt, nhưng lâu lắm rồi. Em còn nhớ lần đó em lạnh quá ngủ không được, nằm khóc trong chăn.
Tôi mỉm cười vui vui. Diễm tiếp:
- Con gái nhiều cái vô lý lắm anh. Và dễ khóc.
- Thế mới là con gái.
- Nhiều khi em bật cười vì những cái kỳ cục của mình.
Diễm đi sát vào tôi:
- Anh Đức này.
- Gì cô ?
- Em đề nghị …. Anh đừng vào trại ngủ.
- Sao thế ? Rồi …
- Anh cho em mượn tấm vải đệm và cái chăn, em trải gần bàn nằm cũng được.
Em ở một mình ….sợ ma lắm.
Tôi phì cười thành tiếng:
- Nhảm nhí. Làm gì có ma ?
- Có. Em sợ thật mà. Dù không có ma, em ở một mình cũng sợ lắm. Cứ nghĩ tới là em đã đủ ….ớn lưng rồi.
- Nằm đất lạnh chết.
- Em chịu được.
- Không phải thế. Ý tôi muốn nói …
- Anh đừng ngại, em mới là kẻ giữ ý hơn anh. Nhưng em không e ngại gì, vì với anh, với em, với mọi người, chúng mình là anh em mà anh.
Tôi nhìn Diễm và ngẫm nghĩ. Cô bé cũng có lý. Câu nệ quá cũng không phải là điều cần thiết.
Tôi tặc lưỡi:
- Rồi, tối nay tôi ở nhà với cộ Còn đề nghị gì nữa không ?
- Còn.
- Gì nữa vậy ?
- Anh đừng gọi em bằng cô, và xưng tôi. Nghe xa lạ, khách sáo quá. Anh gọi em bằng Diễm, bằng ….em, xưng anh. Anh em thì phải vậy chứ.
Tôi rùng mình, không muốn nghĩ ngợi xa xôi. Thân mật quá, êm đềm ghệ Nếu bây giờ tôi thả hồn đi tí nữa, nếu tôi quên là tôi đã có người yêu, hẳn là tôi sẽ tán Diễm, biết đâu sẽ chẳng yêu Diễm sau này. Nhưng tôi vẫn tỉnh táo, vẫn nhớ vai trò của mình, của người, nên tôi chỉ đáp:
- Đồng ý nếu Diễm cho phép
- Anh nói quá. Anh phải nói là, nếu anh không thấy đề nghị của em là chướng.
- Nghe anh nói đây. Diễm mới lên, thế nào cũng mệt, phải đi ngủ sớm cho khỏe. Bây giờ sửa soạn đi ngủ ngay, không được đọc sách hay nói chuyện nữa.
- Còn anh làm gì ?
- Cũng ngủ luôn.
- Vâng. Có gì để mai tính, mai chủ nhật, còn nghỉ ngơi được một ngày nữa.
Tôi dọn cho mình một chiếc “ổ” cạnh bàn viết. Trải chiếc chăn cũ trên sàn, bọc lại bằng tấm Drap màu, tôi nằm xuống và đắp chăn ngang ngực. Mười con muỗi vo ve trong ánh sáng mờ ảo của ngọn đèn mờ ảo. Tiếng Diễm cất lên, thật ngoan:
- Em xin chúc anh ngủ ngon.
Tôi nhìn nghiêng lại giường. Thân hình Diễm cắt nét uốn lượn trên nền vách tường, trông thật dễ cảm. Tôi nhìn thoáng rồi vội quay đi, nói nhỏ:
- Chúc Diễm ngủ thật say.
Nằm yên một lát tôi đã nghe tiếng thở đều hòa của người con gái. Xa nhà, lạ chốn mà nàng ngủ dễ dàng như không. Chỉ có thể là tại nàng quá mệt, hoặc là nàng yên tâm giữa một nơi an toàn tuyệt đối cho nàng.
Còn tôi, đây là nhà cửa, chăn đệm, không khí của riêng tôi, vậy mà tôi thao thức. Tôi cứ mãi nghĩ ngợi vẩn vơ, trong khi đầu óc tỉnh bơ: ly cà phê phin đã giết mất của tôi cơn buồn ngủ thường đến sớm.
Sáng chủ nhật trời trong sáng và bớt lạnh. Tôi thức dậy vì những tiếng động nhẹ nhàng trong nhà. Quay lại, giường Diễm đã xếp đặt gọn gàng phẳng phiu. Đồ vật trên bàn cũng ngăn nắp hơn. Tôi bắt gặp Trang đang cười với tôi trên giá sách đầu giường, vẫn nụ cười tin yêu, say đắm. Diễm đã xoay tấm ảnh quay ra ngoài như cũ. Cô bé khá đấy chứ, ý tứ và tế nhị. Thật ngoan. Chỉ cần những điều tôi đã thấy, đã nghe cũng đủ kết luận về nàng. Ai mà lấy Diễm hẳn sẽ được hạnh phúc.
Tôi ngồi dậy, dọn dẹp chỗ nằm. Diễm bước ra, ly sữa nóng trên tay:
- Anh rửa mặt, rồi vào dùng sữa
Tôi ngạc nhiên:
- Nhà làm gì có sữa nhỉ ?
- Em mang theo.
- À, anh đâu có dè Diễm còn baby thế.
Diễm cười tươi. Trông nàng tươi mát trong bộ cánh, choàng chiếc Jacket của tôi.
Đánh răng rửa mặt xong tôi trở ra ngoài. Diễm đang chải đầu. Nàng soi mặt trong gương. Tấm gương nhỏ dựng vào mấy quyển sách cứ bị tụt nằm ngả xuống mặt bàn trơn trượt, Diễm dựng đi dựng lại. Tôi cầm lên đưa đến trước mặt nàng.
- Để anh hầu.
Diễm cười, nụ cười đầy thân thiết. Cô bé chải mái tóc thật mướt, thật đen phủ dài 2 vai, buộc lại thành tua hai bên đầu với hai sợi cao su Trông Diễm có vẻ trẻ con, gợi tôi nhớ tới Trang với hình ảnh tương tự, trong những sáng rực rỡ nắng ở Sài gòn.
- Cám ơn anh.
Tôi đặt tấm gương xuống bàn, ngồi cạnh Diễm:
- Mình sửa soạn đi ăn sáng nhé.
Diễm kêu lên:
- Đừng anh. Em thấy trong nhà đồ dùng nấu bếp đủ hết đó.
- Ừ, anh sắm để nấu lấy những hôm gặp mưa không ra phố được.
- Em đề nghị mình mua trứng và bánh mì về ăn sáng tại nhà cho vui.
Tôi không hiểu ăn tại nhà có vui hơn ăn ở tiệm không, nhưng nghĩ đến cảnh nhìn Diễm lúi húi nấu ăn, nhìn lửa cháy trong bếp, nhìn khói mỡ bốc lên cùng mùi thơm ngào ngạt tôi đã thấy vui rồi.
Tôi reo to:
- Được lắm.
- Hay là mua luôn đồ ăn về nấu cơm hai bữa đi anh.
- Phải đấy. Có cái chợ nhỏ ngay hẻm bên kia đường. Nhưng mà nhà không có gạo.
- Thì mình mua.
- Khu này không có tiệm gạo. À, xong rồi. Để anh chạy đến tên bạn mượn xe tối qua.
Tự dưng chúng tôi trở thành tíu tít. Tôi lăng xăng vui nhộn. Tôi hăng hái như một kẻ yêu đời.
Tôi cùng Diễm qua đường đến khu chợ nhỏ mua thức ăn và bánh mì. Đưa nàng về nhà, tôi chạy veo veo hết con đường dốc đến nhà Tuân vay … ít gạo. Vợ hắn tròn mắt nhìn tôi:
- Hôm nay trời nắng, sao anh không đi ăn quán ?
- Bỗng thấy lười chị ạ.
- Có bếp nào nấu hộ phải không ?
Tôi bối rối:
- Không. Tôi nấu lấy như mọi khi.
Ôm túi gạo ra cửa, tôi nói vói lại:
- Tôi sẽ mua trả chị sau.
Tiếng người đàn bà cười thân mật:
- Khổ. Có chút gạo, đáng gì anh.
Tôi chạy tung tăng về nhà. Cánh cửa khép hờ, tôi dọa:
- Cửa bỏ ngỏ thế này có ngày ăn cướp vào. Khu này xảy ra luôn.
Diễm co rúng người lại:
- Thế à anh ? Chết chưa ….
Tôi cười:
- Đùa đấy. Nhưng nên móc khóa lại, khi anh đi làm.
Câu nói, nói xong mới thấy thân mật quá thể. Khi anh đi làm, em, người vợ vừa cưới, nhớ đóng cửa đợi anh về. Em đợi chờ anh trong cánh cửa. Anh rộn ràng những bước vội trở về khi hết giờ ở sở. Đó là hình ảnh của hạnh phúc, của đầm ấm gia đình.
Tôi nhìn Diễm, cô bé hồn nhiên:
- Để em trổ tài nội trợ cho anh xem.
Tôi gật đầu:
- Không tệ chứ ?
Diễm gật gù tự tin:
- Anh yên tâm. Em có chứng chỉ của trường dạy gia chánh, anh đừng lo.
- Tốt, chắc chắn là được ăn ngon hôm nay rồi.
Tôi kê chiếc ghế giữa gian trong và gian ngoài, ngồi nhìn Diễm loay hoay nấu nướng. Diễm làm việc gọn gàng và nhanh nhẹn như ở nhà nàng. Tôi nói:
- Thành thật mà nói, Diễm lên đây làm anh vui hết sức.
Diễm cười nhẹ, im lặng. Tôi nói tiếp:
- Mới từ chiều qua tới sáng nay mà anh có cảm tưởng như mình đã quen nhau từ lâu lắm.
- Anh và anh Chinh quen nhau từ nhỏ.
- Ừ. Lâu lắm không còn gặp anh Chinh. Mười mấy năm qua rồi, thời gian đi học trở thành dĩ vãng xa vời.
- Em mê đời học sinh lắm anh ạ. Lên Đại Học em không còn được cuộc sống đời dễ thương ấy nữa, tiếc ghệ Đại Học xô bồ lắm anh. Chẳng ai thân thiết với ai, giống như đời công chức. Nghĩ lại hồi tiểu học, trung học dễ thương chi lạ.
- Hồi Trung học Diễm học trường nào ?
- Gia Long, anh.
- À.
Tôi à lên một tiếng lớn. Nhớ lại ngay một thời gian cũ, thủa cùng Kiên và Dzoang đứng trồng cây si ở ngã tư Tú Xương, Lê Qúy Đôn đón em Tuyết trắng đạp xe đi học. Vì Tuyết, bọn bạn tôi đánh lộn với các trường khác thường ngày.
Tôi nói:
- Gia Long có nhiều giai nhân lắm.
- Sao anh biết ?
- Nhiều ngay từ những năm xưa, khi anh còn học Trần Lục và Võ Trường Toản, thập niên 1950. Đánh nhau lỗ đầu vì những đôi mắt Gia Long mà lỵ.
Diễm cười:
- Ghê thế nhỉ ?
- Anh cũng tiếc nuối thời đi học nhất.
- Anh nhớ không, thủa cắp sách có biết bao nhiêu là kỷ niệm. Và em thương nhất là màu phấn trắng rơi rụng trên bảng đen xuống nền gạch. Tụi em gọi đó là bụi thời gian, bụi thời con gái dễ thương, bụi má hồng …tùy từng đứa ví von.
- Hay nhỉ.
- Em thích nhất được trở lại những chỗ ngồi lớp học năm trước, để mường tượng lại quang cảnh một thời gian vừa đi. Mỗi lúc thấy mình mỗi lớn, mỗi mất mát đi một chút rồi … buồn muốn khóc.
- Anh cũng thích trở lại trường xưa nhìn cảnh cũ. Cảm động vô cùng.
Diễm reo lên:
- Chúng mình nhiều ý tưởng giống nhau nhỉ anh. Anh ngồi đó, em cho anh xem cái này.
Diễm bước ra gian ngoài, lục cuốn vở mang theo cất trong valy, lấy ra một mảnh báo đưa cho tôi đọc.
“Chiếc xe 404 màu xám đen ngừng lại trước cửa quán “Mặt Trời Vàng” tại thôn Grosley, Normandiẹ Ông bà giáo Gabriel và Simone Rocherenil bước xuống xe một cách chậm chạp vì cả hai đều trên 70 tuổi, lại mệt nhọc nặng nề. Hôm nay hai cụ giáo trở về thôn để dự một buổi tiệc do các cựu học sinh đã từng được cả hai cụ dạy dỗ dưới mái trường tiểu học sơ cấp Grosley cách nay gần 40 năm, khoản đãi. Khi hai cụ bước vào phòng tiệc, 30 người hiện diện đứng lên nghiêm trang, kính cẩn chào. Đó là 30 cựu học sinh trong số 40 người thọ giáo hai cụ từ lúc còn thơ bé. Gần 40 năm đầy biến đổi tang thương đã trôi qua kể từ 1934. Ba mươi cựu học sinh đó nay mái tóc cũng đã điểm sương, da mặt nhăn nheo vì hầu hết đều đã trên dưới 50 tuổi.
Mặc dầu nét phong trần đã in hằn trên khuôn mặt của mỗi học trò, hai cụ giáo vẫn nhớ ra được từng người tuy không thể nhớ hết tên. Đây là con bé Suzane ốm tong ốm teo ngồi ở đầu dẫy bàn bên trái. Đây là thằng Jacques đầy tàn nhang, kia là thằng Louis “du côn” lúc nào cũng thích văng tục và kia nữa là con bé bự Marie lúc nào cũng tròn trịa như bao gạo ….
Tất cả những khuôn mặt đó gợi lại một dĩ vãng thật êm đềm, thậ hiền hòa dưới mái trường xưa ở thôn này. Gần 40 năm đã trôi qua như nước chảy dưới cầu. Sau chiến tranh, hai cụ giáo được thuyên chuyển đi nơi khác và đã lần lượt leo lên bậc thang cao nhất trong hàng giáo viên, là làm Hiệu Trưởng. Nay sau 20 năm về hưu, hai cụ vẫn tha thiết về nghề gõ đầu trẻ bằng cách biên soạn sách giáo khoa, nhưng tiếc là sách của hai cụ không được ăn khách vì đặt căn bản trên phương pháp sư phạm xưa cũ.
Cuộc họp mặt sư đệ trên được thực hiện do sáng kiến của ông Fernand Saint Jean, một học trò nghịch ngợm nhất của cụ giáo Gabriel ngày xưa, nay vẫn còn sinh sống tại Grosley với nghề thợ nề. Một hôm Fernand giở lại tập hình cũ, bắt gặp tấm ảnh thầy trò chụp chung hồi năm 1934 nay đã ngã màu vàng. Fernand bèn nảy sáng kiến sưu tầm địa chỉ của từng người để tổ chức ngày họp mặt. Khoảng chừng 10 người đã chết vì bệnh tật hoặc chiến tranh, số còn lại đều khỏe mạnh. Tất cả đều sốt sắng từ khắp nơi trên nước Pháp trở vê thôn Grosley để dự buổi họp mặt của Fernand tổ chức.
Trong buổi tiệc, thầy trò đã bùi ngùi nhắc lại những kỷ niệm xa xưa khiến vô cùng cảm động đến rơi nước mắt.”
Tôi ngồi lặng người. Một lúc, tôi nói với Diễm:
- Cảm động thật Diễm ạ.
- Em cũng mơ một giấc mơ đẹp như ông Fernand đã làm. Một ngày nào đó được đoàn tụ với thầy bạn thủa xưa, vui biết mấy.
Chúng tôi kể lại cho nhau nghe về kỷ niệm tuổi học trò. Diễm có vẻ vui, kể nhiều về nàng và tôi nghe nhiều hơn nói. Nữ sinh Gia Long, dù sao cũng còn hiền, ít nghịch ngợm hơn các cô bé Trưng Vương, tôi nghĩ thế. Nhưng tất cả đều giống nhau ở điểm dễ thương, thân yêu nhau đậm đà, tha thiết.
Bữa cơm trưa được dọn lên, với ba món giản dị nhưng ngon lành thơm nức. Ngồi đối diện nhau ở bàn ăn chúng tôi chợt cùng cảm thấy một cái gì khác thường. Tôi trở nên lúng túng và Diễm đâm ra ngượng ngập. Sự khác thường ấy phải chăng là một sự thân mật, sự thầm kín đang nhen nhúm trong lòng hai đứa ?
Tôi cố tạo không khí vui nhộn trở lại:
- Mời Diễm
- Mời anh xơi cơm.
- Ăn thật thà nhé
- Anh còn phải dặn. Em là đầu bếp chứ bộ. Anh mới cần phải lo điều đó.
Tôi và cơm luôn miệng. Những miếng cơm, những miếng thức ăn trưa nay sao ngon vậy. Tôi ăn nhanh hơn những ngày thường:
- Được không anh ?
- Ngon lắm em.
Tôi vội vàng trả lời nên đổi mất tiếng xưng hộ Diễm cúi gầm mặt xuống. Nhìn nàng, tôi chợt thấy lòng rộn rã. Diễm đẹp như một người vợ. Vợ hiền.
Tôi nói:
- Anh kể cho Diễm nghe một câu chuyện khác về tình thầy trò. Anh tin em cũng sẽ thấy cảm động vô cùng.
- Ở đâu hả anh ?
- Ở nước mình, ở Sài gòn. Cách đây ba, bốn năm, chưa lâu lắm.
- Vâng, anh cho em nghe.
- Một buổi chiều tháng ba, cụ giáo khoảng ngoài 70, một tay cầm ô, tay kia xách cái túi nhỏ bước thong thả lên những bậc thềm tòa nhà Tổng Ngân Khố. Cụ vẫn còn tráng kiện, nên người con trai đi bên cạnh không phải đỡ, chỉ dìu cánh tay cầm túi xách, đưa cụ lên. Trưa nắng chiếu rực trên chiếc áo dài trắng và chiếc khăn xếp của cụ giáo già. Lên chưa hết những bậc thềm đã có tiếng lao xao và bốn, năm ông cụ khác khoảng gần 60 chạy đến chào:
- Thầy ạ.
Rồi người đỡ lấy ô, người dìu lưng cụ bước vào trong. Cụ giáo già vui vẻ trả lời:
- Chào các ông. Tôi đi được mà.
Nhưng các ông kia vẫn kính cẩn đưa cụ vào, đỡ cụ ngồi xuống ghế và thăm hỏi ân cần. Diễm biết không, cụ giáo đó là thầy dạy của những ông cụ kia từ mấy chục năm xưa ở ngoài Bắc, và bây giờ cả thầy lẫn trò đều đi lãnh hưu bổng ở đấy.
- Tình thầy trò đẹp nhỉ ?
- Những ông học trò hết mực kính cẩn, mà cụ giáo cũng giữ lễ vô cùng, đúng theo cung cách của một nền giáo dục xa xưa. Cụ giáo đang ngồi bỗng đứng vụt dậy vội vã bước ra cửa. Một bà khoảng trong ngoài 50 đang dìu một cụ già run rẩy bước vào. Cũng áo dài, khăn đóng. Cũng giỏ xách đựng sổ lãnh hưu bổng.
- Chắc là bạn cụ giáo ?
- Không. Cụ giáo chạy ra kính cẩn chào: Bẩm Thầy ạ. Rồi đỡ lấy tay cụ kia đưa vào trong. Ông cụ đã quá già, gần 90, lúc ký tên lãnh tiền phải có con gái cầm tay ký hộ. Cụ già ngồi, cụ giáo đứng hầu chuyện bên cạnh, các ông già kia vây chung quanh khoanh tay lễ phép nghe. Cực kỳ lễ phép. Đứng trước cảnh tượng đặc biệt ấy, những người có mặt trong Tổng Ngân Khố đều xúm nhìn, hết lời tán tụng ba thế hệ thầy trò nối tiếp đó. Ai ai cũng bày tỏ sự kính trọng những cụ, những ông già giữ đúng nề nếp nho phong, đạo đức của cửa Khổng, sân Trình. Người con cụ già và con cụ giáo đứng cạnh cha, nhìn mọi người bằng đôi mắt hãnh diện vô cùng. Chắc Diễm cũng đoán được anh liên quan thế nào với câu chuyện đó ? Anh chính là người con trai út của cụ giáo.
Diễm ngồi im lặng nghe tôi kể. Đôi mắt mở lớn, miệng không nhai.
Tôi nhắc:
- Ăn cơm đi chứ cô ?
Diễm cười nhẹ, mắt chớp chớp:
- Em tưởng tượng ra cảnh đó mà thấy cảm động quá sức, đến nghẹn cả cổ, không nuốt được. Ngày xưa các cụ trọng lễ nghĩa quá nhỉ anh. Bây giờ chẳng mấy ai giữ được lấy một phần.
Tôi gật đầu tán thành:
- Chính thế. Nếu mình còn có ý tưởng noi gương các cụ xưa, mình có thể tự hào là chưa đến nỗi hư hỏng. Hãy còn đủ lương tri và tâm hồn trung hậu để chống chọi những bất trắc, những cám dỗ xấu xa của cuộc đời.
Bữa cơm tàn trong niềm vui nhẹ nhàng của hai chúng tôi.
Buổi tối tôi đang nghĩ xem nên đưa Diễm đi đâu cho qua thời giờ thì Diễm rủ:
- Anh Đức đưa em đi chơi nhé ?
- Buồn rồi phải không ? Đi nghe nhạc nhé, hay xem xi nê.
Diễm nhăn mặt:
- Dân Sài gòn mà anh rủ đi xi nê hay nghe nhạc thì e rằng hơi kỳ cục. Chắc cũng chỉ là những phim cũ, những băng nhạc quá quen thuộc từ Sài gòn đưa lên đây thôi chứ gì, anh ?
- Có lẽ thế. Với bọn anh thì tuy cũ người nhưng mới tạ Vì có được thưởng thức ở Sài gòn đâu.
- Em không thấy thích những mục đó. Có lẽ anh nên dắt em đi dạo phố, hoặc đến nhà ai …
- Phố xá ở đây chán phèo, có gì mà đi dạo ? Còn đến nhà ….
- Nếu em không nhầm, có lần anh nói anh có quen người bạn gái đó thôi. Góa phụ của ông Sĩ Quan pháo binh nào đó.
- Ừ, vợ Ông Trung Úy tử trận. Bà Trúc.
Diễm trêu:





















- Anh dắt em đến bà ấy chơi đi. Yên trí, anh giới thiệu em là em gái thì khỏi bị cằn nhằn.
- Ơ, hay nhỉ. Anh có than gì đâu mà nói vậy.
- Em lại tưởng anh ngại
- Bậy. Đi thì đi chứ.
- Miễn cưỡng hay vui lòng ?
Tôi đối đáp:
- Cả hai
Tôi ngồi quay lưng lại và Diễm thay quần áo sau tủ sắt.
Tôi đùa:
- Tại không bao giờ nghĩ là nhà có khách phụ nữ nên anh không làm một khu thay đồ riêng biệt.
Diễm im lặng. Tôi tiếp:
- Chỉ có một mình anh, và cái nhà rộng bằng cái lỗ mũi, bây giờ mới thấy bất tiện. Có lẽ mai mốt …khá giả phải mướn nhà khác mất.
Giọng Diễm trong trẻo:
- Khỏi cần anh ạ. Ngôi nhà này nằm trên đỉnh đồi, ngó xuống thung lũng đẹp ghê, ở thích chứ.
Diễm bước ra, tôi giật mình ngỡ ngàng. Trong bộ quần áo kiểu mới, sơ mi và
quần tây ống rộng bó sát thân hình, Diễm cao và đẹp lạ lùng. Mái tóc sau gáy vén cao, gài đong đưa. Mắt sâu thẳm vẽ lằn chì, tô đậm mí trên và lớp son hơi nhạt tạo cho môi nàng thêm tươi hơn. Diễm đứng trước mặt tôi:
- Em có làm mất mặt anh không ?
- Trời đất !
- Gì hả anh ?
- Anh không dám đi với Diễm đâu.
- Sao lạ thế ?
- Sợ thiên hạ bắt cóc Diễm và thanh toán anh mất.
Diễm cười tủm tỉm, quay đi. Tôi vào tủ lấy chiếc áo khoác nhà binh dài tới đầu gối:
- Bây giờ thì Diễm khoác áo này cho ấm, để chiếc Jacket anh mặc.
Chúng tôi ra khỏi nhà. Tôi nói:
- Anh đi mượn chiếc Honda. Mượn Jeep tên kia hoài cũng kẹt.
Ở tỉnh lẻ, việc mượn một chiếc xe không khó. Người ta ít công việc phải giải quyết, nên xe cộ thường rảnh. Nhất là những anh đã có gia đình, ít đi lang bang quanh quẩn. Tôi nói nhận xét đó với Diễm, khi nàng tỏ ý e ngại chủ nhân chiếc xe sẽ phiền.
Và tôi mượn được chiếc Honda Dame dễ dàng. Lối đến nhà Trúc không cần để ý tôi cũng thuộc, dễ dàng tìm thấy. Đèn sáng trên lầu cho tôi biết Trúc đang trong phòng ngủ, và chị người làm trong phòng ăn gần bếp, bật đèn sáng trưng.
Tôi bóp kèn xe. Chị người làm chạy ra mở cửa và ngạc nhiên thấy cô gái bên cạnh tôi. Tôi hỏi:
- Bà ngủ chưa ?
- Dạ chưa, bà đang đọc sách.
Chúng tôi đi vào vườn, Diễm nói:
- Chủ nhà giàu nhỉ ?
- Tay buôn hột xoàn trước kia. Bây giờ bà ấy làm cho sở Mỹ ở đây, cũng khấm khá.
Diễm nắm nhẹ cánh tay tôi, thân mật một cách vô tội:
- Chắc anh tôi và chủ nhà phải thân nhau lắm.
Tôi dựng xe trên thềm, không khóa và bước vào nhà. Chị người làm đi mời Trúc. Tôi nhìn Diễm:
- Cũng khá thân. Hai người hợp tính nhau thường dễ cảm thông nhau
Chúng tôi ngồi ở Salon. Một lúc, chị người làm mang vào hai tách trà nóng thơm ngát hương sen. Và chủ nhà hiện ra ở cửa phòng, trong bộ áo ngắn đen, viền đỏ rất quyến rũ.
Trúc cười với tôi:
- Anh
Và cúi đầu chào Diễm, vẻ tò mò. Tôi chưa kịp nói Diễm đã tự giới thiệu:
- Xin chào chị. Em là Diễm, em gái anh Đức vừa ở Saigon lên.
Thái độ của Trúc vồn vã hẳn. Nàng đưa tay lịch sự:
- Mời cô dùng nước. Cô mới lên hôm nay ?
Tôi đáp:
- Không. Diễm đến tối hôm qua
- Thế Diễm ở đâu ?
- Nhà anh
- Trời đất, trong cái lỗ mũi đó à ?
Trúc kêu lên đầy ngạc nhiên. Và tiếp:
- Như vậy ông anh phải hạ … thổ rồi. Hay là cô Diễm đến đây ở chơi ít hôm, cho tới ngày về. Diễm định ở lại bao lâu ?
- Khoảng một tuần chị a.
- Lên thăm anh Đức à ?
- Vâng, anh em đi lâu quá mà ít khi về thăm nhà nên mẹ em mong, bắt đi thăm.
Diễm ngọt sớt. Vừa nói vừa nhìn tôi cười cười. Tôi nghe trong lòng dâng lên sự thích thú liên tục, tràn ngập như sóng vỗ bờ. Tôi ngồi yên.
Hai người phụ nữ trò chuyện với nhau đầy thân thiện. Buổi tối qua đi, nhẹ nhàng và ấm áp. Trúc mang những bộ áo và những món ăn vặt nàng làm ra khoe vì biết Diễm từng học những khóa về nữ công gia chánh. Tôi thấy như mình vừa vào một cuộc sống mới, trong đó có đầy đủ những gì tôi ao ước. Một mái ấm gia đình, một cuộc đời sung túc, những người thân yêu, bạn bè và cả một chuỗi ngày đẹp đẽ nối tiếp với thời hoa niên đầy thơ mộng.
Lúc chia tay đã gần 10 giờ. Tôi bỏ vào nhà trong, vài phút sau, Trúc theo vào. Nàng bẹo má:
- Em lại cứ tưởng vợ anh chứ
Tôi bật cười:
- Ai lại đưa vợ đến nhà bạn gái bao giờ
- Lâu nay anh đi đâu mất biệt vậy ?
- Ở trại, chẳng đi đâu cả. Tối bận và lười lội mưa. Có cần gì anh không ?
Trúc lắc đầu:
- Không. Chỉ mong anh đến cho đỡ buồn thôi.
- Anh về nhé.
- Dạ.
Tôi trở ra, có Trúc đi bên cạnh. Diễm chia tay Trúc ở thềm. Trúc nhắc lại:
- Nhất định không chịu đến ở với chị à ?
Diễm vui vẻ:
- Cám ơn chị. Em ở với anh em để săn sóc ông ấy ít hôm cho tiện. Anh Đức bừa bãi lắm chị Ơi. Chị chưa biết đấy.
Trúc cười vui:
- Biết chứ. Nhưng chuyện tình cảm thì không bừa bãi lắm đâu. Diễm có thể về trình bác, anh ấy định làm thầy tu ở đây đó
Tôi vẫy tay chào Trúc và chở Diễm về. Trên đường, Diễm hỏi tôi:
- Em xạo lung tung thế anh có giận không ?
- Bậy, kẻ nào lại giận dốt thế ?
- Em hơi thắc mắc. Anh và bà Trúc là ….thế nào ? Không phải bạn, nhưng cũng chẳng phải là bồ bịch.
Tôi cười thong thả đáp:
- Kể ra cũng khó nói. Cứ coi như một thứ bạn thân. Thân mật, săn sóc nhau nhưng không suồng sã, lăng nhăng. Nói cách khác, coi như anh em cũng được.
- Bà ấy đẹp anh nhỉ. Cặp mắt buồn và gò má hơi cao, có lẽ vì thế mà bà ấy khổ.
- Sao Diễm nghĩ thế ?
- Bà ấy than thở lung tung. Em ngồi nghe bà ấy tâm sự đủ thứ hết. Tưởng anh cũng nghe chứ ?
- Lúc ấy anh … điếc. Anh ít khi chịu nghe những chuyện loại đó giữa các bà với nhau.
Diễm kêu lên:
- Anh lối ghê.
- Nói thực đấy chứ. Đàn ông vụng về, nghe đàn bà tâm sự chả biết an ủi thế nào. May có Diễm làm hộ công việc đó. Công nhận cô khéo nhiều thứ quá.
Diễm cấu vào vai tôi:
- Anh giỏi nịnh.
Tôi và Diễm đi thong thả từ nhà người bạn cho mượn xe về nhà. Buổi tối gió lạnh căm và ánh đèn đường vàng vọt đổ bóng hai đứa chập choạng nghiêng ngả vào nhau. Tôi chợt có ý muốn khoác tay qua vai Diễm.
Diễm nói:
- Anh được tiếng là hiền ở đây nhỉ ?
- Đúng thế.
- Hiền thật không đó ?
- Ít nhất là bề ngoài thì như thế.
Diễm cười khẽ:
- Bề trong còn phải xét lại à ?
- Cũng có lẽ vậy.
Diễm bỗng rên lên nho nhỏ, bước đi chập choạng. Tôi vội vã đỡ lấy vai nàng:
- Gì thế em ?
- Em vấp cục đá. Trời lạnh mà vấp vào đau điếng người. Chả biết có trầy da chảy máu không ?
Tôi lo ngại:
- Chết chưa ? Đi được không ?
Diễm nhếch mép cười gượng:
- Hy vọng được … mà đau quá.
Tôi bảo:
- Để anh dìu Diễm vậy.
Và tôi choàng tay trái nàng lên vai tôi, tay tôi ôm lấy ngay lưng Diễm dìu đi thong thả từng bước một trên con dốc thoai thoải. Người Diễm tựa vào người tôi, hơi nóng ấm áp lan qua mơ hồ. Tôi thấy tiếc sao không phải là Trang, lúc đó. Trong đêm tối, tôi đang choàng ngang lưng một người con gái mới gặp chưa được hai ngày, như ôm người yêu dấu. Không ai biết cả, nhưng có trời biết, đất biết, chúng tôi biết với nhau là có sự thân mật giữa hai người. Và chắc hẳn cả hai, ít nhất cũng là tôi, không ai muốn phân tích tình cảm ấy. Tôi mong mỏi quãng đường dài ra mãi.
Mở cửa và bật đèn xong tôi quay ra định đưa Diễm vào nhà. Nàng ngồi xuống bật thềm nói nhỏ:
- Ngồi đây tí đã anh.
Tôi ngồi xuống cạnh nàng:
- Bớt đau chưa ?
- Bớt nhiều rồi anh ạ. Anh nhìn kìa, phía dưới chúng mình là cả một thung lũng với ánh đèn sao sa và mờ mịt sương trắng. Anh thấy có đẹp không ?
- Đẹp thật. Anh bỗng nhận ra mình không mấy khi có dịp được nhìn thấy những cảnh thế này. Sự lười biếng, ngại ngùng đã đồng lõa với nhau để giam anh trong bốn bức tường. Một đôi lần đi trực, có thể anh đã nhìn thấy vội vàng không còn để ý gì đến chung quanh.
Gió lồng lộng thổi. Tôi co người lại vì lạnh, Diễm chợt rùng mình, hắt hơi liền mấy cái. Tôi kêu lên:
- Chết. Vào đi Diễm. Đau đó
Diễm đứng lên, và lần đầu tiên tôi thấy nàng nhõng nhẽo bảo tôi:
- Chân em đau. Anh dìu em vào.
Tôi đỡ nàng vào nhà ngồi xuống ghế và bảo:
- Vậy mà cô khoe lên săn sóc tôi. Coi chừng, phen này về tôi mách mẹ đánh đòn cho xem.
Diễm mỉm cười, cúi gầm mặt. Tôi đứng nhìn nàng âu yếm, quên cả Trang đang cười với tôi.

***

Buổi sáng thứ hai tôi thức dậy sớm. Diễm vẫn còn co tròn như con tôm trong chiếc chăn len. Tôi dự định sáng nay gửi nàng theo xe Bưu Tín Viên qua Kontum và nếu nàng muốn, có thể về theo xe đó buổi chiều. Tôi không thể đưa Diễm đi, vì không muốn xin phép một cách đường đột như vậy cho ông Đơn Vị Trưởng hiểu lầm.
Tôi vào nhà trong rửa mặt, đánh răng. Lúc trở ra tôi vẫn thấy Diễm nằm như ngủ. Hơi ngạc nhiên, tôi lên tiếng gọi nàng:
- Diễm ơi ?
Gọi 2-3 lần và lên giọng cao dần mà vẫn không nghe Diễm đáp tôi hơi chột dạ. Nhớ tới tối qua Diễm hắt hơi liền liền vì lạnh, tôi lo ngại đến cạnh giường, đặt tay lên trán Diễm. Trán nàng nóng rực. Tôi hốt hoảng, Diễm sốt rồi.
Tôi lay gọi nàng:
- Diễm, Diễm.
Diễm ú ớ và mở mắt. Trong phút giây, nàng hình như không nhớ mình đang nằm ngủ ở đâu, ánh mắt bàng hoàng ngơ ngác.
Tôi nói:
- Diễm cảm rồi
Cô bé dạ nhỏ một tiếng.
- Uống thuốc nhé.
Diễm ngồi dậy, co ro.
- Hình như tại tối qua em ngồi ngoài lạnh.
- Đúng rồi. Anh đã giục mà Diễm cứ lần chần đến nổi.
Diễm cười chịu lỗi. Tôi đưa cho nàng hai viên Rumex và ly trà nóng:
- Làm sao sáng nay sang Kontum được ?
- Em cố. Chắc nhẹ thôi anh.
- Nóng lắm.
- Để em đắp chăn cho toát mồ hôi.
Diễm lại nằm xuống, tôi mang chiếc ghế đặt cạnh đầu giường, đặt ly trà lên:
- Chờ anh pha sữa nhé.
- Cám ơn anh.
Diễm hớp từng ngụm sữa nhỏ:
-Pleiku sang Kontum có xa lắm không anh ?
Tôi đáp:
- Hơn một giờ xe, chạy nhanh. Diễm có thể trở lại buổi chiều khoảng ba giờ. Năm giờ khóa đường rồi đó.
- Em sẽ đến đơn vị người anh ông Sĩ Quan quen anh Chinh và nhờ vả …
Tôi thong thả:
- Nếu muốn, Diễm có thể đến đơn vị Thiết Giáp ở bên ấy hỏi thăm ông Thiếu Tá Đài. Anh và ông Đài quen nhau khá lâu, chắc ông ta sẵn sàng giúp đỡ em. Anh tiếc không đưa Diễm đi được vì chưa xin phép. Hẹn một hôm khác trong thời gian Diễm có ở đây. Anh đã lo sẵn phương tiện cho em.
Và thật tỉ mỉ, tôi vẽ cho Diễm đường đi cùng những điều cần thiết khi sang bên đó. Rồi tôi bảo:
- Diễm cứ thong thả sửa soạn. Anh vào trại, lát nữa đưa xe Bưu Tín Viên qua ngang đây đón nhé.
Diễm dạ, vẫn nằm im. Tôi đội mũ, đi ra đường. Lại ghé một người bạn khác nhờ xe vào trại. Đường không xa nhưng lười đi bộ trong sáng sương mù lạnh lẽo này.
Thu xếp mọi việc xong xuôi, tôi trở về nhà. Xe Bưu Tín Viên còn đi lấy xăng, đến nhà tôi sau. Bước vào nhà, tôi thấy Diễm vẫn còn nằm trên giường, nhưng đã mặc âu phục đàng hoàng. Tôi kêu lên:
- Diễm sao đó ?
Diễm nói nhỏ:
- Em khó chịu quá anh ạ.
- Chắc đi không nổi đâu. Hay hoãn lại cuộc đi một ngày khác vậy nhé.
Diễm trù trừ vài phút rồi dạ nhỏ. Tôi trở ra cửa đón chiếc xe, bảo chạy luôn. Rồi quay vào, lấy gạo nấu cháo. Nửa giờ trôi qua trong lặng lẽ, Diễm đã ngủ thiếp đi. Tôi múc chén cháo nóng, bỏ vào chút đường và mang đến cho nàng.
- Dậy ăn cháo Diễm ơi.
Diễm chận chập mở mắt nhìn tôi và ngồi lên. Tôi nhắc lại. Diễm mệt mỏi đỡ lấy rồi đặt xuống ghế. Tôi lắc đầu thương hại, múc muỗng cháo đưa lên môi nàng:
- Ăn đi, anh múc cho.
Đôi môi nàng uể oải hé ra nhận hớp cháo. Tôi múc từ từ cho Diễm cho hết bát cháo vơi. Đỡ nàng nằm xuống, tôi trở vào trại, lòng băn khoăn bối rối như tơ vò.

***

Diễm ngồi trước mặt tôi, trên giường, ôm chiếc gối trong lòng. Mái tóc nàng đổ hết về một bên vai. Nàng nhìn tôi cắt những khoanh cà rốt mỏng vào trong rổ và chợt nói:
- Em đau ba ngày rồi anh nhỉ ?
- Ừ, hôm nay chắc khỏe hẳn rồi.
- Em chỉ còn thấy mệt chút chút thôi. Hy vọng ngày mai em sang Kontum được.
Tôi dặn dò:
- Nếu thấy mệt thì hoãn lại thêm hôm nữa.
- Em nóng ruột quá, chỉ sợ mẹ em mong.
- Chưa hết một tuần mà.
- Vâng, nhưng sợ hết tuần mà chưa tìm ra tin tức cậu Thái đã phải về.
Tôi góp ý kiến:
- Thì đánh điện tín về báo tin ở lại thêm ít ngày có sao đâu.
- Như vậy đến lượt mẹ em lo lắng vì em.
Diễm đổi câu chuyện:
- Mấy hôm nay anh vất vả vì em quá.
- Có gì !
- Thấy anh làm bếp, nấu nướng thành thạo em phục ghê..
- Vẫn không bằng một phần của Diễm. Chỉ được cái lười là không ai hơn nổi.
Diễm cười:
- Anh nói thế. Em đau mà được anh săn sóc suốt ngày, không còn thiếu thứ gì.
Em mang ơn anh quá.
Tôi nhìn Diễm:
- Nói gì vậy ? Anh nghe không quen.
- Em cảm ơn anh nhiều lắm.
- Tôi không dám nhận của cô đâu.
Diễm làm bộ than phiền:
- Anh chỉ thích người ta chịu ơn thôi à, chẳng chịu nhận đền ơn gì cả. Khôn ghê.
- Diễm chỉ thích vội vã trả ơn người ta không à, chẳng chịu mang ơn ai lâu bao giờ. Xấu ghê.
Chúng tôi cùng cười vang. Tôi đổ cà rốt vào thau rửa sạch rồi xào với thịt nạc và củ cải. Tiếng xèo xèo trên bếp nghe vui tai. Diễm tựa cằm trên hai đầu gối:
- Ai chỉ anh làm bếp thế ?
- Chẳng ai cả. Nhìn mọi người làm rồi bắt chước.
- Giỏi nhỉ. Nhìn anh làm cũng biết là món ăn sẽ ngon. Em muốn phụ anh cho vui.
- Thôi ngồi đó đi. Đừng làm ….quẩn chân anh.
- A ….
- Chứ gì. Ốm đau vừa khỏi không nên làm việc, ngồi nghỉ cho thật khỏe đi.
- Cho em nhặt rau vậy ?
- Không, nhúng tay vào nước lại đau lại thì sao ?
- Nghe, để em lau chén bát nhé.
Tôi phì cười:




























- Thèm làm việc ghê.
Không khí lại bắt đầu vui nhộn. Diễm đã thực sự bắt đầu khỏe lại. Chúng tôi nói chuyện về mọi người, gia đình, cuộc sống và câu chuyện lại dẫn dắt về thủa ấu thơ với tình thầy trò, bè bạn. Chúng tôi hợp ý nhau một cách kỳ lạ. Diễm nói:
- Anh đồng ý với em là gặp mặt thầy bạn cũ sau nhiều năm xa cách là một điều
sung sướng không ?
- Đúng thế.
- Sao anh không nghĩ tới việc thực hiện chuyện đó ?
- Hoàn cảnh không cho phép. Khó quá.
- Không phải là bây giờ. Một ngày nào đó. Một lúc nào thuận tiện. Cứ tưởng tượng đến lúc xum họp với những người đó anh cũng sẽ thấy bồi hồi đến thế nào rồi.
- Diễm tin thế ?
- Em biết chắc thế. Anh tự suy lòng anh thì rõ rồi.
Tôi long trọng:
- Anh hứa một ngày nào đó sẽ thực hiện ý kiến của em.
Diễm cười tươi. Bữa cơm tối qua đi thật vui. Ăn xong, Diễm lại ngồi trên giường, tựa lưng vào vách. Ngồi đọc vài thứ giấy tờ của sở mang về giải quyết, không ngửng lên tôi cũng biết Diễm đang nhìn lên. Tôi tự nhủ lòng, không cần để ý đến điều đó. Nhưng sự tò mò muốn thấy ánh mắt Diễm nhìn tôi lúc đó thế nào càng lúc càng tăng. Tôi tranh đấu với một nội tâm tôi, và thật lâu, thật lâu sau tôi đã thua tôi. Tôi ngẩng lên bất chợt, quay nhìn Diễm. Tưởng nàng sẽ bối rối quay đi, hoặc nhìn xuống, hoặc bẽn lẽn vì bị bắt gặp nhìn trộm. Nhưng Diễm vẫn nhìn tôi. Và tôi thấy gì trong đôi mắt đó ? Đúng như một câu nói của người xưa, bao nhiêu chí khí anh hùng trong thiên hạ cũng không đong đầy trong đôi mắt giai nhân. Đôi mắt Diễm làm lòng tôi tê dại, mềm yếu cả người. Ánh mắt đắm đuối, thiết tha, dịu dàng, đằm thắm. Ánh mắt âu yếm, nhu mì chứa đựng cả trời đất thương yêu. Tôi muốn diễn tả thật nhiều đôi mắt đó. Nhưng hình như tôi chưa tả được hết ý, hết tình. Hay tại tôi thấy quá nhiều vì lòng tôi đổi khác ?
Tôi sợ tôi từ giây phút đó. Tôi định quay đi, nhưng mắt tôi bị cuốn hút vào ánh mắt nàng. Tôi nhìn nàng không chớp.
Và thật rõ ràng, tôi thấy đôi môi Diễm mấp máy. Tôi lắng nghe. Tiếng gọi thoát ra từ đôi môi thắm đỏ dưới ánh đèn sáng rực:
- Anh …
Tôi bàng hoàng. Vẫn là tiếng xưng hô thường lúc của nàng, sao tôi thấy như đổi khác. Tôi phác một cử chỉ vu vơ, theo phản ứng. Diễm co rúm người lại:
- Anh bận không ?
- Không có gì.
- Anh ngồi đây nói chuyện cho vui. Em … nhớ nhà rồi.
Tôi đứng lên đến cạnh Diễm. Nàng buông chiếc gối, ngồi ra mép giường hai chân đong đưa trong khoảng không.
Tôi cầm ly nước trà nóng đưa cho Diễm:
- Em uống không ?
Diễm đỡ lấy, uống một hớp. Tôi nhận lại chiếc ly, và không hiểu sao, tôi ngồi xuống đất, tựa lưng vào thành giường. Mơ hồ tôi thấy má tôi chạm nhẹ vào đùi Diễm. Tôi đưa ly nước lên môi, nuốt xuống chất lỏng và nóng nóng chát chát để chận xuống cơn bồi hồi rạo rực trong lòng.
Diễm đưa tay bẻ lại ngay ngắn chiếc cổ áo Montagut tôi mặc. Tôi nhận chịu sự săn sóc đó một cách run rẩy. Trong giây phút ngắn ngủi, tôi quên hết. Quên cả không gian, thời gian. Quên cả hiện tại và quá khứ. Tôi chỉ còn biết có Diễm và tôi.
Tôi ngã đầu vào đầu gối nàng, nhắm mắt lại. Bàn tay Diễm, những ngón thon dài chợt đan vào trong mái tóc rối tôi và xiết nhè nhẹ. Tôi thở dài. Diễm gọi:
- Anh ….
Như ánh chớp, như cơn mê, như sự biến đổi của sự sống và sự chết, tôi vùng quay lại, vùng đứng lên. Và Diễm đã nằm gọn trong vòng tay tôi. Khi tôi nhận ra mình đang sát Diễm khít khao, đôi môi Diễm và đôi môi tôi đã tìm nhau. Trên đệm êm, trên chăn ấm, chúng tôi quấn quít bên nhau không rời. Những nụ hôn tiếp nối. Những vuốt ve vời vời cả hồn.
Một lát, tôi nằm yên nhìn lên trần nhà và Diễm nằm nghiêng, co tròn trong cánh tay tôi. Tôi thở dài, nói nhỏ, thật nhỏ:
- Anh không nên làm vậy.
Tiếng Diễm cũng mơ hồ:
- Anh không có lỗi gì hết.
- Lẽ ra em không nên đến đây.
- Em đã đến.
- Anh không tốt với Chinh, với em rồi.
Diễm ôm lấy cánh tay tôi:
- Đừng nói vậy.
Tôi quay lại, nâng cằm nàng lên, nhìn vào ánh mắt nàng:
- Em có ân hận không ?
- Có nhưng chỉ chút thôi.
- Anh thì tràn ngập cả lòng.
- Tại em trước.
- Giá anh đừng nhìn lên.
- Sao thế ?
- Anh sẽ không bị đôi mắt em quyến rũ
Diễm thì thào:
- Em có đẹp không anh ?
- Đẹp lắm.
- Có ngoan không ?
- Không. Hư
Diễm cười khúc khích:
- Đúng. Em hư thật.
- Em quyến rũ anh !
- Em xin chịu lỗi.
- Và tại anh hư nữa. Hư quá thể.
- Sao vậy ?
- Tán em gái bạn.
- Đâu có tán. Chỉ hôn thôi.
Tôi cười, ôm chầm lấy Diễm và siết nàng vào lòng. Thật tự nhiên, Diễm vòng hai tay ôm lấy cổ tôi và nàng cắn nhẹ cằm tôi một cái.
Tôi gỡ hai tay Diễm toan ngồi dậy, Diễm giữ lại:
- Khoan. Đừng vội hối hận sớm thế. Nằm yên em nói cho mà nghe.
Tôi nằm lại. Diễm chống khuỷu tay xuống giường, gối đầu lên lòng bàn tay ấy và nằm nghiêng nhìn tôi không chớp:
- Em biết em có lỗi với anh, với chị Trang và em cũng nghĩ là em không nên như vậy. Chúng mình mới gặp nhau có năm ngày, và em lại là em anh Chinh. Em nghĩ rằng có lẽ không có chuyện gì xảy đến, nếu em sang Kontum từ sáng thứ hai. Nhưng em bị Ốm. Và trong những ngày đó, sự săn sóc của anh làm em cảm động, em đã nằm nghĩ nhiều về anh. Em đã lặng lẽ quan sát anh từ giờ này sang giờ khác, mỗi lúc anh từ trại về nhà mà không làm mọi việc, vì em. Hành động của anh, thoạt đầu, em coi như người anh săn sóc của em. Nhưng sau rồi, em lại thấy anh không phải là anh Chinh. Anh không thể là anh Chinh. Và em cũng không thể tự đánh lừa mình như thế.
Diễm nằm xuống ngó thẳng lên trần nhà:
- Bỗng dưng trong một phút bất ngờ, em bỗng thấy thương yêu anh vô kể. Em bỗng thèm được làm người yêu của anh, dù chỉ một lần. Em hư quá hở anh. Con gái xa nhà là dễ hư hỏng. Các cụ chẳng từng mắng dạy thế sao ? Anh biết em tiếc gì không ? Em tiếc là em không được gặp anh sớm, em tiếc không đến trước chị Trang. Em tiếc anh không phải là người chiếm giữ hồn em suốt đời. Và em đã như vậy …
Diễm nằm im. Tôi thở dài, nói khẽ vào tai nàng:
- Anh cám ơn lòng tin cẩn của em dành cho anh. Suốt đời anh không quên được lúc này.
- Em không sợ anh sẽ nghĩ xấu về em hay coi thường em. Em hiểu anh …
- Anh cố gắng xứng đáng với lòng tin cậy đó.
- Em cũng xin anh, cho em vui những ngày còn lại ở đây.
Tôi nằm im. Diễm nói giọng đùa cợt:
- Anh yên tâm. Rồi chúng mình không bao giờ còn gặp nhau lại, và chị Trang sẽ chẳng khi nào biết chuyện này.
Tôi véo nhẹ vai nàng, ngồi dậy. Đêm đã vào khuya. Tôi kéo tấm chăn dạ lên tới cổ Diễm và vỗ về:
- Ngủ đi em. Quên hết đi mà ngủ cho ngon.
Diễm cười, nhìn tôi:
- Em sẽ quên được tất cả. Trừ anh.
Tôi tắt đèn quay trở về chỗ nằm. Bóng tối chan hòa căn phòng nhỏ. Nằm thật lâu tôi vẫn không nghe tiếng thở đều đều của Diễm như mọi lần. Nhưng tôi không lên tiếng ….
Tôi và Diễm từ Kontum về tới Biển Hồ lúc bốn giờ chiều. Buổi sáng, được phép Đơn Vị Trưởng, tôi đưa Diễm đi Kontum bằng xe liên lạc của đơn vị. Quãng đường dài hai bên toàn rừng núi đối với tôi thật quen thuộc nhưng với Diễm hoàn toàn mới lạ và đẹp mắt. Chiếc xe phóng vun vút trên đường nhựa ngoằn ngoèo. Thỉnh thoảng lại gặp một chiếc thiết giáp nằm trấn hai bên đường. Nàng vui tươi như đứa trẻ con và tôi cũng thấy mình như trẻ lại thêm mấy tuổi. Chúng tôi hầu như quên những gì đã xẩy đến, chỉ vui với hiện tại và không nghĩ chút nào về những ngày sắp tới.
Lúc lên đường, Tuệ nói với tôi:
- Mày đưa Diễm đi là phải. Đi một mình chắc chắn Diễm chẳng biết xoay sở ra sao.
- Mong rằng mọi việc có kết quả sớm.
- Cô bé xinh quá, thiên hạ bên đó dám tưởng đào anh Đức lắm à.
- Có sao ? Kệ thiên hạ chứ.




























- Ừ. Kệ thiên hạ. Mình phải sống cho mình trước đã, lo giữ ý giữ tứ mệt thấy mồ.
Tôi bảo Tuệ:
- Buổi chiều tụi tao về tới khoảng 6 giờ. Muốn ăn cơm thì đến.
Tuệ cười:
- Mấy hôm rồi muốn đến quá nhưng sợ cô em không bằng lòng.
- Có gì đâu.
- Đùa vậy. Mấy hôm nay tao kẹt ở nhà Bích.
Tôi chia tay Tuệ lúc 8 giờ. Và 10 giờ chúng tôi đã có mặt ở Kontum. Tôi đưa Diễm vào câu lạc bộ Đakbla uống nước và nghỉ ngơi chờ xe bưu tín viên đi liên lạc xong trở lại. Từ lúc đó, tài xế và chiếc xe hoàn toàn dành cho tôi sử dụng.
Tôi đưa Diễm đến một đơn vị Thiết Giáp tìm người quen của Chinh giới thiệu nhưng ông này đi hành quân. Tôi gọi điện thoại sang đơn vị người bạn nhờ hỏi hộ Ở đơn vị sau cùng của cậu Diễm. Cứ loay hoay như thế, chạy hết nơi nọ đến nơi kia dò hỏi, gần trưa thì có tin chính xác của ông Thái.
Đơn vị của ông này tăng cường cho lực lượng hành quân ở Qui Nhơn từ hai tháng nay và tin sau cùng cho biết ông Thái ở Degi, trong rừng núi đầy hiểm trở. Vì vậy ông Thái không có thì giờ và không thể liên lạc với gia đình trong hai tháng qua, và tháng đầu tiên có lẽ vì lười viết. Người sĩ quan Chiến Tranh Chính Trị của đơn vị này quả quyết với Diễm như vậy. Diễm bộc lộ nét lo âu trên khuôn mặt và tôi phải dự vào câu chuyện:
- Lính tráng hành quân là chuyện cơm bữa, có gì mà Diễm phải lo ngại
- Em sợ cậu gặp nguy hiểm.
- Chắc không có gì đâu. Nếu gặp rủi ro, đơn vị đã thông báo cho thân nhân hay biết rồi
Không thể tìm biết gì hơn, chúng tôi cám ơn người sĩ quan của đơn vị rồi ra phố Kontum nhỏ và buồn, nhưng có nhiều nơi đẹp. Những ngôi nhà khang trang biệt lập, những nhà thờ, trường học … mang nhiều vẻ thơ mộng quý phái. Tôi đưa Diễm đi một vòng, vào thăm khu dân Thượng với những ngôi nhà sàn độc đáo, dừng chân bên con suối nhỏ nghỉ ngơi ít phút rồi trở về trung tâm thành phố.
Buổi trưa chúng tôi ăn cơm ở một quán cơm lớn gần chợ. Quán cơm sang nhất phố chính Kontum, tôi giới thiệu với Diễm như vậy.
Diễm cười, hỏi tinh nghịch:
- Có nhiều giai nhân không anh ?
- Có chứ.
- Anh quen họ ?
- Không, nhưng biết mặt, biết tên và biết tiếng. Tỉnh lẻ là như vậy, nhất là lại ở biên trấn.
- Có những giai nhân nào nổi tiếng hở anh ?
- Ở phố này, phía trên có tiệm sách của người đẹp Lucie Quang, phía dưới có tiệm ăn do cô Oanh đứng chủ. Hàng Không Việt Nam ở gần đây có cô Dung và B.15 có cô Trường, xinh lắm. Ngoài ra còn vài cô khác ở những con đường quanh quanh đây mà anh lái xe đưa Diễm đi quạ Ban ngày người đẹp đi làm, đi học hay núp nắng trong nhà. Buổi tối mới thường xuất hiện ngoài phố vài giờ rồi lại giam mình trong cửa kín.
- Tỉnh lẻ buồn nhỉ anh. Chả bù với ở Saigon thiên hạ dập dìu từ sáng sớm đến nửa khuya.
- Ở đây, ra đường chỉ thấy lính.
- Anh có ở đây chưa ?
- Chưa, chỉ sang công tác hoặc sang chơi với Tuệ mấy lần. Bạn bè giới thiệu về các giai nhân, nghe rồi nhớ.
- Sao anh không làm quen ?
Diễm trêu chọc. Tôi lắc đầu:
- Thiên hạ chê mình và mình ….chê thiên hạ. Nên chẳng ai quen ai.
Gần ba giờ chiều tôi và Diễm trở lại Kontum. Khi về tới Biển Hồ tôi bảo tài xế ngừng lại ở ngã ba và ngồi vào tay lái. Tôi muốn đưa Diễm đến thăm cảnh đẹp nơi này. Chiếc xe nhấp nhổm trên con đường lồi lõm, rẽ về bên phải dừng lại. Tôi bảo người tài xế nghỉ chờ tôi và trao cho hắn bao thuốc, hút đỡ buồn. Gã cười, cám ơn nhưng từ chối thuốc thơm, rút trong túi bao Bastos xanh biếc.
Tôi gật gù:
- Các ông thì thứ đó mới ngon. Với tôi nặng quá.
Tôi đưa Diễm đi xuống con dốc nhỏ, lội qua mấy vũng lội vì nước mấp mé tràn lên từ chiếc hồ bên cạnh. Diễm nhón từng bước và nắm chặt cánh tay tôi nhờ dìu đi. Hai đứa cùng đứng lại. Dưới ánh nắng chiều vàng rực rỡ, cái hồ rộng mênh mông phơi mình loang loáng nước. Một cảnh thanh bình êm ả giữa những hỗn độn, ồn ào.
Thật yên lặng, hoàn toàn vắng vẻ. Mặt hồ lăn tăn sóng, tít xa có một chiếc thuyền câu vật vờ, nho nhỏ.
Tôi chỉ cho Diễm thấy. Mặt người đàn ông ở trần, khoảng năm mươi tuổi cưỡi trên một thân chuối đang bơi ngang hồ ở khúc dưới, bên hông lủng lẳng chiếc giỏ mây.
Diễm nheo mắt nhìn tôi:
- Hình như ông ta giăng câu ?
- Ông ta đi thăm mấy cái đăng đấy
Tôi dắt Diễm lại ngồi trên một tảng đá bằng, dưới bóng mát của tàng cây lớn. Chúng tôi ngồi dựa vào nhau, thân nhau như thể đã ở với nhau một thời gian lâu dài.
Tôi nói:
- Mỗi lần thấy cảnh này anh lại nhớ tới ao ở quê nhà.
- Em không được cái may mắn ấy, di cư vào Nam từ lúc mẹ còn ẳm trên tay.
- Anh thích nhất là leo lên cây sung ngả ra ao nước, ăn một bụng sung chín no nê rồi gieo mình xuống nước, bơi lội nhởn nhơ.
- Ở nhà quê có nhiều cảnh thật là thơ mộng, mẹ em thường nói thế
- Ngày học Tiểu Học ở Hà Nội, thầy giáo cho làm luận tả cảnh ở nhà quệ Hôm trả bài, thầy giáo đọc bài luận của một tên xuất sắc nhất, nói về ao cá, vườn rau, ruộng lúa … nghe xong anh tự nhủ nếu mình mà có khiếu văn chương, mình còn tả hay hơn nó nhiều.
Ấm ức mãi, anh xoay ra học viết văn, làm thơ trong sáng. Và hay gởi đăng trên các báo Tia Sáng, Ngày Nay thủa đó.
Diễm lắc mái tóc và cười:
- Anh theo đuổi nghề viết lách từ dạo ấy ?
- Không, mãi sau này, nhưng có lẽ nguyên nhân sâu xa nhất khơi nguồn từ dạo ấy. Anh thích viết về Tuổi Thơ, tuổi trẻ, tình thương yêu và những đầm ấm của gia đình.
- Sao anh không tiếp tục ?
- Thỉnh thoảng anh đã tính cầm bút lại. Song anh lại nghĩ hoàn cảnh chưa cho phép.
- Có bao giờ anh nghĩ đến chuyện viết về chính anh và những thầy, những bạn lúc xa xưa ?
- Có chứ. Anh sẽ viết vì anh đã nhất định thế rồi.
Thêm một lần chúng tôi trở lại chuyện học, chuyện vui chơi thời niên thiếu. Thêm một chút thông cảm nữa, thêm một chút gần gũi nữa. Và thời gian, không gian chẳng còn nghĩa lý gì.
Nắng nhạt màu nhắc tôi nhớ mọi việc. Tôi nắm tay Diễm đứng lên:
- Mình ra cho tài xế về trả xe kẻo muộn.
Diễm đứng thẳng người, vuốt lại mái tóc, tà áo. Ngó nghiêng, dáng nàng thẳng băng và cắt nét sống động trên mặt nước trong xanh, nhìn từ chỗ cao tôi đứng. Diễm biểu hiện cho một bức tượng diễn tả được tràn đầy sinh lực. Tôi say đắm ngó nàng và bước đến nàng, trong lúc Diễm thản nhiên bước về phía tôi.
Trong im vắng, trong nắng nhạt màu, trong gió lộng bao la của vùng biển hồ gợi cảm, tôi nắm chặt lấy 2 bên vai Diễm, nhìn vào mắt nàng, và cúi xuống. Lần này chính tôi muốn thế. Tôi hôn Diễm, thật nồng nàn, thật lâu.
Diễm trở về Sài gòn bằng chuyến bay khứ hồi mua vé trước, ngày Chủ Nhật. Hai ngày thứ sáu và thứ bảy còn lại, chúng tôi đã sống những phút tuyệt diệu bên nhau, không nghĩ ngợi điều gì. Đúng như Diễm muốn, tôi đã để nàng vui sống trong những hôm ở đây và không nhắc nhở, gợi đến những phiền muộn gì cho nàng. Cứ coi như hoàn toàn hạnh phúc, đầy đủ và không có gì để nói.
Nhưng đến phút chia tay ở phi trường, tôi không thể không nói gì với Diễm:
- Diễm về, mang theo nhiều quá.
Diễm cúi đầu:
- Em để lại hồn em ở đây.
- Anh đón nhận.
Diễm thì thầm:
- Anh cho em nhiều quá. Em chẳng còn gì để gửi lại anh.
- Nghĩ tới anh, thế cũng đủ rồi.
Và Diễm đã đi, như một giấc mơ, Chiếc máy bay chui vào vùng nắng bạc, mất hút trong mây. Tôi nghe trống rổng cả hồn, chứa chan mất mát. Bước lang thang trên hè đường, tôi thả hồn về vùng xa xôi diệu vợi. Bỗng thấy nhớ Sài gòn lạ lùng. Dù Sài gòn đầy hỗn độn, như Tuệ viết cho tôi trong thư khi về học Chiến Tranh Chính Trị. Dù Sài gòn đã từng làm tôi chán ngán lìa xạ Ở nơi đó có một người con gái tôi yêu, Trang. Và một người con gái nữa bất chợt gây sóng gió trong đời tôi, đảo lộn mọi lặng lẽ rồi biến mất.
Thực sự, Diễm đã đi rồi.
Trở về nhà sau bữa cơm trưa vô vị Ở quán cóc, tôi rã rời thể xác. Nằm vật ra giường, tôi vô tình đưa mắt nhìn lại bàn viết, nơi ghế Diễm thường ngồi. Xa lạ hẳn. Không có Diễm ở đó. Không còn gì của Diễm ở đó. Cái gương, cái lược, cái kính, những cuốn tiểu thuyết, và những sợi tóc rơi.
Tất cả đều gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ vì bàn tay Diễm đã lướt qua Trên mặt bàn chỉ còn những vật dụng của tôi, những cuốn sách truyện đã đọc đi đọc lại mấy lần. Và …phong thự Phong thư lạ nào đã kẹp giữ khe hai cuốn sách thế kia. Tôi nhổm dậy, kéo ra vội vã. Nét chữ quen thuộc của Diễm. Cô bé đã kín đáo để lại tự lúc nào ?























“Ngày … tháng .. năm 197….”
Anh Đức yêu kính,
Khi anh đọc được thư em, em đã cách xa anh cả một bầu trời. Em tít trên cao, trên xa và anh thì anh hẳn là đang ngồi đọc thư em. Suốt sáng qua, trong giờ anh vào trại, em đã nghĩ về anh, về chúng mình trong tuần lễ này. Và em nghĩ nên viết cho anh, lưu lại một kỷ niệm, cũng là để nói hết những điều em chưa nói.
Anh yêu kính của Diễm,
Ngồi viết những giòng này, em đã dành ít phút để lặng lẽ nhìn ảnh chị Trang và em thấy em có lỗi với chị ấy nhiều. Nhưng em không hối hận đã bày tỏ tình cảm với anh. Em chỉ sống cho em, và em xin được sử dụng trọn vẹn cái quyền ấy. Cuối cùng, em vẫn trả anh về với chị Trang, với tình yêu anh từng xác nhận là trọn vẹn ấy.
Em muốn biết anh nghĩ gì về em, lúc này ? Hay bận rộn chẳng cho anh rảnh rang ít phút để nghĩ đến em.
Trở lại những ngày đầu trong tuần, nhiều lần tự hỏi sao sự việc diễn tiến đột ngột đến mức ấy ? Em tìm hỏi mãi hoài về những gì chúng mình đã cho nhau: phải chăng tình yêu, phải chăng hạnh phúc. Thứ hạnh phúc mong manh trong tình yêu bong bóng xà phòng, em kết luận như thế, nhưng dù mong manh, dù dễ vỡ, tình yêu đó vẫn sôi nổi nồng nàn vô kể, trong em. Nên em mới không chịu đựng âm thầm nổi, phải bộc lộ ra ngoài cho anh biết. Dù muốn, dù không, chuyện cũng đã như thế rồi, em không có gì ân hận.
Bây giờ thì em đã xa anh, xin chia tay anh và không mong đợi một ngày gặp lại. Vì gặp nhau lần tới, hẳn là mình - cả anh và em – không còn giống như bây giờ, được như bây giờ đâu nhỉ ? Em như thế, sẽ là một mất mát lớn lao to tát. Em mong muốn một điều, nếu anh có yêu em, anh hãy vui sống, đừng chôn vùi đời mình trong lặng lẽ như những năm quạ Hãy sống thật bình thường, thật vui vẻ như mọi người … Tìm và tạo lấy niềm vui mà sống, quên hết phiền lọ Rồi anh sẽ thấy, anh chưa già như anh tưởng.
Tại sao anh không nghĩ đến những giấc mơ, những ước ao mà anh mong thực hiện ? Niềm vui sống tràn đầy trong đó, đó anh. Và còn nữa, bên anh luôn luôn có nụ cười của người con gái anh yêu.
Thành thật ước mong anh và chị Trang tràn đầy hạnh phúc.
Kính yêu anh,
Diễm.”
Tôi buông nhẹ lá thư trên ngực. Nhắm mắt lại một lúc để thấy lòng yên tỉnh. Rồi lại mở ra, đối diện với thực tại. Tôi ngước nhìn lên, Trang cười với tôi, vẫn nụ cười say đắm, ánh mắt thiết thạ Không hề hay biết, không cần hay đến những gì đã xảy ra trong căn nhà nhỏ này những ngày qua.
Tôi thì thầm:
- Anh yêu em quá chừng.
- Trang cười với tôi




Chương Kết

Lần họp mặt thứ nhất trong năm thứ ba, được tổ chức tại quán Ông Cả Cần đường Cách Mạng, chiều nay.
Tôi nói với Trang:
- Lần này hẳn là đầy đủ,em nhỉ ?
Vợ tôi âu yếm:
- Tha hồ vui nhé. Chỉ khổ tôi thôi.
Tôi làm bộ ngạc nhiên:
- Gì mà tha hồ vui ?
- Gặp bạn gặp bè thì vui chứ sao.
- Còn tại sao em than khổ ?
- Anh xách người ta đi ra mắt thiên hạ, kỳ thấy mồ.
Tôi cười, ôm choàng lấy người Trang:
- Em … giỏi xuyên tạc. Người ta có vợ đẹp thì người ta phải khoe chứ.
- Em đâu có đẹp.
- Nhưng hơn không được đâu. Phải em định nói tiếp vậy không ?
- Biết hết “chơn”.
Chúng tôi cùng cười. Trang bảo:
- Sao không sửa soạn đi. Trưởng Ban Tổ Chức mà lè phè thế ?
- Còn sớm mà. Hẹn 6 giờ mà bây giờ mới có 5 giờ chiều.
- Anh phải tới sớm đứng đón anh em chứ
Tôi ngồi vào chiếc ghế bành rộng:
- Yên trí. Anh đã khoán việc đó cho hai tên Vũ Trọng Bình và Đinh Quốc Thành rồi. Lần này tà tà được, đỡ cực hơn mấy lần trước.
Trang chợt nói:
- Kể cũng thích ghê nhỉ. Được gặp lại bạn bè cũ, sau bao năm xa cách, hẳn là nhiều thay đổi.
Tôi đáp:
- Ừ, nhiều thay đổi.
Quả là nhiều thay đổi thật. Diễm về Sài gòn, cuối năm đó tôi cũng nhận được lệnh thuyên chuyển về Biệt Khu Thủ Độ Ngay đầu năm sau tôi đã nghĩ đến chuyện thực hiện giấc mơ hằng ấp ủ: Tổ chức buổi họp mặt của các cựu học sinh Trần Lục trong các niên khóa từ 1956 đến 1962, những thằng bạn đã lưu lạc khắp các ngã đường. Tôi tìm được địa chỉ vài tên bạn, hợp với chúng nó, để tìm những tên bạn khác. Lần đầu tiên họp mặt, quy tụ được 15 người trong tổng số 180 người, ba lớp. Qúa ít. Nhưng kết quả vẫn làm tôi phấn khởi. Ước định với anh em cứ ba tháng tổ chức gặp gỡ một lần, tôi tổ chức lần thứ hai và thứ ba trong năm đó. Bạn hữu ngày xưa về dần dần. Đến lần thứ nhất năm thứ hai, tôi và vài tên nữa trong ban tổ chức quyết định là to lớn hơn. Đăng báo và gởi thư mời đến từng người, nhờ tìm thêm những người khác. Lại thêm một số nữa được tin, trở về đoàn tụ với anh em.
Càng lúc càng đông, chúng tôi đã về được 80 người. Ngày xưa còn bé, bây giờ có tên trán đã hằn nếp nhăn, chân nổi gân nổi guốc. Vui sướng ngậm ngùi. Ồn ào, nhộn nhịp. Mỗi lần họp mặt, tràn đầy niềm vui, cạn với ly rượu. Mặc dù hầu hết đã là bố trẻ con, là chồng nhưng gặp nhau trong khung cảnh đặc biệt này bỗng dưng như trẻ lại. Cười nói ồn ào, văng tục tùm lum … Chẳng cần biết ai hơn, ai kém, ai sang, ai hèn. Chẳng cần hay ai là Ông nọ Ông kia và ai là kẻ thất bại trên mọi đường sinh sống. Mày tao hết. Réo tên tục nhau mà chửi. Những hỗn danh được nhắc nhở đến với cảm động nồng nàn. Những “chuyện xưa tích cũ” được ôn lại tràn đầy không hết.
Và chúng tôi tìm lại được chút nào của ngày xưa còn bé. Năm thứ hai, họp mặt được bốn lần. Lần sau cùng, tất cả cùng đồng ý hẹn kỳ tới những bạn bè đến dự phải mang theo vợ hoặc người yêu để giới thiệu.
Đệ Oang oang:
- Cứ tưởng tượng các bà tới gặp nhau cũng thấy vui rồi.
Đức đồng đen phụ họa:
- Bà nọ nhìn bà kia có bầu rồi nhìn lại mình mà sợ. Sáu đứa rồi, phu nhân chịu chưa hay vẫn còn chưa chịu, còn tiếp nữa ?
Biết Đức trêu mình, Lộc lờ đi:
- Tao chỉ sợ các bà xúm nhau mà họp chợ thì nguy.
Nói gì thì nói thằng nào cũng thích cho vợ mình đến dự. Và tôi tiếp tục được bạn bè chỉ định làm trưởng Ban Tổ Chức cuộc họp mặt lần này và Thành và Bình phụ tá.
Tôi hỏi Trang:
- Em ơi, em đã sửa soạn sẵn câu trả lời chưa ? Trả lời, khi vợ bạn bè anh hỏi: chị mấy cháu rồi.
Trang kêu lên:
- Thì nói còn lâu mới có.





























- Trời đất, ăn nói du côn vậy hả ?
- Chứ gì, thì tụi mình tính chuyện còn lâu mới có con thôi.
- À, anh lại tưởng em quen cái giọng “xấc” như với anh ở nhà thì nguy.
- Anh mê cách ăn nói của em mà ?
Trang đùa. Tôi cười âu yếm:
- Ừ. Cái gì của em anh cũng mê hết.
Trang ré lên phản đối:
- Nham nhở.
Và giục:
- Năm rưỡi rồi đó. Sửa soạn đi là vừa.
Tôi đứng lên, thay quần áo. Trang ngồi trang điểm ở bàn. Tôi đến đứng sau lưng nàng, vòng tay ôm trọn vòng ngực nàng.
- Để yên em kẽ chì mí mắt. Hỏng bây gìờ.
Tôi cúi xuống:
- Em tôi điệu quá.
- Em làm đẹp vì anh mà.
- Cho mi một cái đi.
- Nhảm. Không phải lúc.
Tôi cười, quay đi. Trang vẫn thật trẻ con, thật hoạt động. Tôi hồi tưởng lại một năm trước, ngày cưới của chúng tôi.
Từ Pleiku đổi về Sài gòn, một năm sau chúng tôi làm lễ hỏi và lễ cưới cách xa một tháng. Chúng tôi đã được ở cạnh nhau những ngày tháng tràn đầy sung sướng và hạnh phúc, kể từ khi tôi đổi về thành phố. Trong hân hoan, yêu đời, tôi đã thấy Sài gòn không còn là dị hợm. Vẫn đẹp, vẫn đáng yêu dù tất cả chẳng có gì đổi khác. Chúng tôi ở cạnh nhau, chẳng dứt, chẳng rời.
Tình yêu đậm đà quá thể và tôi nghĩ rằng đã đến lúc hai đứa phải lấy nhau. Tôi đề nghị, Trang bằng lòng:
- Tung hết sách vở, giã từ chữ nghĩa …
- Giã từ thầy bạn nữa chứ.
- Ừ, giã từ thầy bạn. Nhưng ….nhớ quá.
- Nhớ gì ?
- Nhớ đời đi học. Chưa bỏ đã nhớ rồi.
Trang hay có lối nói như thế. Tôi bật cười:
- Chọn đi. Anh, hoặc tuổi học trò của em.
- Anh !
- Em vẫn giữ được đời cắp sách nếu em muốn tiếp tục học hành.
- Em muốn chứ, nhưng chỉ sợ tâm hồn đổi khác. Lấy nhau nhiều bổn phận vây quanh, em sợ mình lo lắng đủ thứ thì không còn vô tư vô lự nổi nữa.
Đám cưới, đêm tân hôn thật dài và tôi … mất ngủ. Người con gái mà tôi chỉ thấy vui, thấy cười, thấy hờn giận, thấy dễ thương, suốt thời gian quen và yêu nhau bỗng khóc tỉ tệ Tôi dỗ dành đến …. nhức cả đầu, mờ cả mắt, “người vợ bé bỏng” nhớ gia đình, cha mẹ, những người thân và cảm thấy bị đẩy xô vào một cuộc sống mới đầy xa lạ bỗng ngỡ ngàng sợ hãi. Cái gì cũng có vẻ mới mẻ, điều gì cũng có vẻ quan trọng. Trang lo lắng đến độ tội nghiệp.
Phải cố gắng lắm tôi mới lập lại cho Trang niềm tin cậy ở tôi. Một lúc sau cô bé đã lại cười nũng nịu trong nách chồng. Cô dâu mới thủ thỉ với người tình muôn ngày nhưng chỉ mới là người chồng một đêm. Tôi nằm nghe nàng nói, bỗng thấy thật đầy đủ ý nghĩa của vai trò: tôi chủ một gia đình vừa tạo lập.
Tôi ôm lấy Trang, xiết nàng vào lòng và yêu nàng hơn bao giờ hết, hơn tất cả những gì tôi đã yêu từ lúc biết yêu.
Chúng tôi như hòa làm một, từ lúc đó.
Một thời gian ngắn, Trang đã thấy vai trò làm vợ không mấy khó, nếp sống đã tiếp tục bình thường. Tôi bắt đầu tìm lại được những người bạn cũ và trong nhà tôi luôn luôn rộn rã tiếng nói cười. Họ đến thăm tôi để hỏi han về bạn bè khác nữa. Trang vui lây với niềm vui của tôi và vẫn tiếc không có dịp nào gặp lại thầy cô bè bạn cũ ở Gia Long. Tôi khuyến khích nàng làm như tôi nhưng Trang lắc đầu than:
- Khó quá, em làm không nổi
- Sao thế ?
- Con gái khác, ông ơi. Tụi nhỏ trở thành lười biếng và xa cách nhau dễ dàng khi cuộc sống đổi khác. Con gái tệ hơn con trai ở chỗ đó.
…Trang đã sửa soạn xong, đến đứng trước mặt tôi:
- Trời ơi, vẫn chưa đi giày nữa
- Chờ anh một phút
- Nhanh lên, trễ rồi.
Tôi đùa:
- Sao em có vẻ hấp tấp thế ? Anh tưởng người nôn nóng là anh mới phải chứ.
Trang lườm tôi:
- Em không muốn bạn bè anh chê anh là bê bối hoặc đổ oan tại em làm anh đến trễ.
Chúng tôi cùng ra đường. Chở Trang trên chiếc Honda cũ trung thành từng đưa chúng tôi đi khắp nơi những ngày yêu nhau, tôi thấy mình chưa già. Vẫn còn…phong độ lắm. Lái xe chạy ào ào, cua, lượn bay bướm …
- Anh cứ như trẻ con …
- Không còn là trẻ con nhưng đã là bố của trẻ con.
Trang lại kêu lên:
- Nhớ thằng cu tý ghê
Tôi phì cười:
- Em cứ thế, chưa làm cái này đã nghĩ tới cái khác.
- Chứ sao. Để nó một mình ở nhà với người làm tội nghiệp.
Trang nói, giọng đầy thương yêu và nhẫn nại:
- Em cũng tội nghiệp anh nữa. Vất vả vì vợ vì con. Nhưng em nghĩ mình tràn đầy hạnh phúc.
Câu nói của Trang bỗng làm dội lên trong lòng tôi một âm vang bất chợt. Một người con gái tên Diễm đã ước mong cho tôi và Trang như thế. Và chúng tôi đã có hạnh phúc trong taỵ Bấy nhiêu, đủ để chuộc lỗi với Trang không ?

***

Vừa thấy tôi, bạn bè đã kêu lên:
- A, tên đào ngũ đây rồi !
Và bất chấp sự hiện diện của vợ tôi, chúng nó đã ồn ào lôi tên tục, lôi hỗn danh của tôi cùng những kỷ niệm xa xưa ra xỉ vả. Tôi nhìn vào quán, đầy những khuôn mặt quen thuộc và những người đàn bà tôi chưa từng gặp mặt. Tôi giới thiệu Trang với chúng nó và đưa nàng vào trong. Muốn họ biết nhau chỉ có cách là đi chào hỏi từng người. Vợ tôi cười thật tươi, nói năng thật dễ thương. Tôi thoáng một niềm hãnh diện mơ hồ về người đàn bà một đời của mình.
Cuộc vui bắt đầu, trong ồn ào thân mật.
Bình nói:




















- Có 48 thằng về họp mặt kỳ này, những thằng kia kẹt công vụ không đến được.
Thành tiếp:
- Và có 25 thằng đưa phu nhân đến, 11 thằng đưa chuẩn phu nhân đến.
Thừa nói theo:
- Và 12 thằng bồ côi bồ cút đến xem cuộc xum họp của người ta.
Mọi người cười rộ. Chúng tôi ngồi vào bàn và ăn uống vui vẻ. Từng thằng nối tiếp nhau kể chuyện cũ, chuyện mới. Rượu vào lời ra, chúng nó không còn cần giữ ý gì nữa, “văng quéo văng muỗm” tùm lum. Thi nhau kể chuyện tiếu lâm, nói cuội. Bây giờ chúng tôi mới thật người. Bây giờ chúng tôi mới sống đầy đủ một lần cho trọn một đời chúng tôi. Ở đây chỉ có thương yêu, thân thiết, hân hoan và sung sướng, không có e dè, lo sợ, thủ thế, lường gạt, buồn phiền. Vì tất cả đều là bạn. Bạn từ thủa ngây thơ, chưa biết xấu.
Bữa tiệc ồn ào vẫn kéo dài. Ở đầu bàn đằng kia, Hàn đang lè nhè:
- Để tao nói, để tao nói.
Vợ nó kéo áo ép ngồi xuống, nhưng Hàn vẫn oang oang:
- Chúng mày chê ông lắm con, ông chịu nhận. Để ông nói cho mà nghe. Ông đi xa lâu ngày về, gần vợ, vợ có bầu. Ông liền nghĩ tại ông đi xa lâu ngày, nhưng ở nhà lâu ngày vợ Ông vẫn tiếp tục có bầu. Ông liền khám phá ra rằng lỗi tại vợ Ông… thích đẻ. Ông có … làm gì đâu, Chỉ mới …. tiểu vào chân ghế vợ ngồi là vợ đã có bầu rồi cơ chứ.
Bọn đàn ông nhao nhao, các bà khúc khích. Tiếng hoan hô, tiếng phản đối hòa vào nhau.
Bỗng tiếng Hải vang lên át cả tiếng ồn ào:
- A, có hai tên đến trễ
Chúng tôi đồng loạt nhìn ra. Hai thanh niên và một cô gái bước vào. Mọi người reo lên:
- Chinh, Tuấn.
Chinh và Tuấn đến bắt tay mọi người. Có tiếng la lớn:
- A, thằng Tuấn thành em rể thằng Chinh rồi chúng mày ơi. Bà xã thằng Tuấn đấy.
Tôi rùng mình nhìn đăm đăm người đàn bà. Những kẻ đến sau phải mất thì giờ đi chào từng bạn một. Khi ba người đến trước mặt, tôi xiết chặt tay Chinh:
- Về bao giờ ?
- Mới chiều nay, lu bu công việc tao tưởng không đi được. Vợ chồng Tuấn phải chờ tao đi nên cũng trễ luôn.
Tôi bắt tay Tuấn và cúi đầu chào vợ nó. Người đàn bà và tôi nhìn nhau, im lặng. Một chút tôi giới thiệu với Trang.
Hai người chào nhau, nói vài câu xã giao. Thành xếp chỗ cho họ, ngay cạnh tôi và Diễm ngồi bên tôi. Chỉ có một khoảng cách nhỏ giữa hai người mà sao tôi và Diễm xa nhau quá.
Cuộc vui lại tiếp. Tiếng ồn ào làm người nói phải như hét vào tai người nghe. Tôi thu hết can đảm nói với Diễm:
- Gặp gỡ Diễm bất ngờ quá
- Em biết trước sẽ gặp anh khi đến đây. Và em vẫn đến dù tất cả đều đổi khác. Bây giờ em mới thực là em gái của anh, như em của anh Chinh.
Câu Diễm nói nhiều hàm ý. Tôi ngồi im một chút rồi tiếp:
- Diễm chả có gì thay đổi.
- Anh cũng không khác xưa.
- Vậy mà đã ba năm qua.
- Em biết anh đã lập gia đình, đã có một cháu. Mỗi lần đi họp mặt về anh Chinh đều kể về mọi người cho em nghe.
Tôi chậm chạp:
- Nhiều lần anh muốn hỏi thăm Chinh về Diễm, nhưng lại rụt rè nên không biết gì hết. Bây giờ gặp lại Diễm, thấy Diễm hạnh phúc anh cũng vui lây.
Diễm cười, cúi xuống ly nước. Tôi quay lại trò chuyện với Trang và từ lúc đó tôi và Diễm chỉ trao đổi những câu thăm hỏi nhẹ nhàng.
Buổi tiệc tàn. Nhân danh trưởng Ban Tổ Chức tôi đứng lên trình bày dự định về ngày họp mặt lần sau. Lại mỗi người một câu đấu láo phá rối. rồi cười nghiêng ngả. Chúng tôi đồng ý về ngày và địa điểm gặp nhau ký tới. Mọi người chia tay.
Vợ chồng Tuấn và Chinh chào tôi. Diễm nhìn tôi, đôi môi mấp máy. Tôi bỗng nghĩ là nàng gọi tôi như tối nào ở Pleikụ Nhưng tôi không còn đủ can đảm nghĩ xa xôi về tiếng gọi mơ hồ ấy. Tôi chỉ nhìn nàng thật lặng lẽ và muốn nói thật nhiều trong ánh mắt.
Vợ chồng Diễm đã ra tới cửa. Tôi xiết chặt tay từng người bạn và thấy lòng mênh mang nỗi nhớ. Chưa xa đã nhớ rồi, như Trang đã nói.
Tôi quay lại Trang, vợ tôi đang đứng nhìn tôi cười cười. Quán ăn đã vắng. Tôi đỡ ngang eo vợ, âu yếm:
- Mình về chứ em ?
Trang choàng tay sau lưng tôi, nhỏ nhẹ:
- Vâng.
Bước ra đường, gió đêm thật mát. Tôi nói vào tai Trang:
- Anh có tất cả. Anh còn tất cả.

VÕ HÀ ANH

4/1974